-
Moderator
LINH MỤC VỚI VIỆC THÁNH HÓA GIA ĐÌNH
LINH MỤC VỚI VIỆC THÁNH HÓA GIA ĐÌNH
Khi bàn về cuộc sống tu trì, người Việt Nam thường cho rằng : Không phải cứ xuống tóc, quy y nơi cửa Phật mới là tu, bởi vì ngoài ra còn có những cách sống khác, thể hiện đạo làm người, cũng được gọi là tu. Vì thế, chữ tu kia cũng có đôi ba đường :
- Thứ nhất thì tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa.
Hay như :
- Tu đâu cho bằng tu nhà,
Thờ cha kính mẹ, mới là chân tu.
ƠN GỌI NÊN THÁNH
Chúng ta cũng có thể quan niệm như vậy về việc nên thánh. Thực vậy, trước đây người ta cho rằng nên thánh là một ơn gọi được dành riêng cho những người sống trong bậc tu trì. Sở dĩ như vậy vì người ta nghĩ rằng : thế gian thì ô trọc và xấu xa, nên sống trong thế gian, không nhiều thì ít, cũng sẽ bị hoen ố bùn nhơ tội lỗi. Bởi đó, muốn nên thánh, phải sống tách biệt khỏi thế gian trong những nhà dòng kín cổng cao tường, hay nơi rừng sâu núi thẳm…
Thế nhưng, kể từ sau Công Đồng Vaticanô II, việc nên thánh đã trở nên một ơn gọi chung cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc. Bởi vì bất cứ người tín hữu nào cũng có bổn phận phải nên thánh, khi thực thi lời kêu mời của Chúa Giêsu :
- Các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời. (Mt 5,48).
Trở nên trọn lành tức là trở nên thánh. Điều đó cũng có nghĩa là thể hiện ơn gọi làm người. Tất cả mọi người đều được kêu gọi. Không ai có thể nói mình được Thiên Chúa chọn hoặc bị Thiên Chúa đặt vào trong một điều kiện kém may mắn hơn hay nhiều ưu đãi hơn. Không ai sinh ra dưới một ngôi sao xấu hay tốt hơn người khác. Và cũng không có địa vị hay bậc sống nào cao trọng hơn địa vị hay bậc sống khác.
Trong bài huấn đức nhân một buổi tiếp kiến chung năm 1982, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã khẳng định như sau:
“Những lời dạy của Chúa Giê-su không đưa ra bất cứ một luận cứ nào về sự thấp hèn của bậc hôn nhân hay về sự trổi vượt của bậc đồng trinh hay độc thân”.
Đúng thế, Công Đồng đã nhắc đi nhắc lại điều ấy rất nhiều lần. Trong hiến chế Lumen Gentium, bàn về Giáo hội, Công đồng viết :
- “Tất cả mọi người trong Giáo hội – hoặc thuộc hàng giáo phẩm, hoặc được hàng giáo phẩm dìu dắt – đều được kêu gọi nên thánh, như lời thánh Tông đồ dạy : Vì Thiên Chúa muốn anh em được thánh hóa.” (LG 39).
- “Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Đức Ái.” (LG 40).
- “Mọi Kitô hữu đều được kêu mời và có bổn phận phải nên thánh và nên trọn lành theo bậc sống của mình.” (LG 42).
Như vậy chúng ta thấy mọi người tín hữu đều phải nên thánh, nhưng để thực thi lý tưởng ấy, chúng ta có những cách thức khác nhau. Ơn gọi nên thánh chỉ là một, nhưng con đường nên thánh thì lại có nhiều.
Chẳng hạn : trong Giáo hội có rất nhiều dòng tu, nhất là các dòng nữ, và chúng ta có thể nói : có bao nhiêu dòng tu thì cũng có bấy nhiêu nền tu đức, hay bấy nhiêu con đường nên thánh. Cũng như trong một khu vườn có nhiều bông hoa và mỗi bông hoa đều phô diễn một vẻ đẹp nào đó của Đấng Tạo hóa.
Công đồng viết :
- “Vì thế, tuy trong Giáo hội, tất cả không cùng đi một đường, nhưng tất cả vẫn cùng được mời gọi nên thánh và đồng thừa hưởng đức tin trong sự công chính của Thiên Chúa.” (LG 32).
Con đường nên thánh của các linh mục và tu sĩ khác với con đường nên thánh của người giáo dân, bởi vì người giáo dân sống giữa đời, nên “tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của người giáo dân”. (LG 31).
- “Vì ơn gọi riêng, giáo dân có bổn phận tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xếp đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội : tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ.” (LG 32).
- “Trong và nhờ cảnh huống, bổn phận và hoàn cảnh sống của gia đình, tất cả mọi Ki-tô hữu ngày càng được thánh thiện hơn nếu họ biết tin tưởng lãnh nhận mọi sự từ tay Cha trên trời, và biết cộng tác với ý Thiên Chúa bằng cách tỏ lộ cho mọi người biết tình yêu của Thiên Chúa đối với thế giới trong chính việc họ phục vụ trần thế”. (LG 41).
Và như vậy, chắc chắn cũng phải có một con đường nên thánh dành cho những người đang sống đời sống gia đình, những người đang thực hiện thiên chức làm vợ làm chồng, cũng như làm cha làm mẹ.
Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã khẳng định như sau:
- “Ơn gọi nên thánh chung của mọi người cũng nhắm đôi bạn và cha mẹ Kitô hữu : đối với họ, ơn gọi ngày được nêu rõ bởi sự cử hành bí tích Hôn phối và được phô diễn cách cụ thể trong thực tế riêng của cuộc sống hôn nhân và gia đình.” (CF 56).
2- THÁNH HÓA GIA ĐÌNH
Trong một quyển Phúc Âm Ngụy Thư, tức là sách không được Giáo Hội nhìn nhận là do linh ứng, kể lại rằng ngày kia có người đến hỏi Chúa Giêsu :
- Khi nào Nước Thiên Chúa đến.
Ngài trả lời :
- Khi nào hai người nên một.
Quả thực, sự nên một của hai người nam nữ tức là tình yêu vợ chồng là dấu chỉ của Nước Chúa. Khi hai vợ chồng yêu thương nhau bằng một tình yêu quảng đại, hy sinh và chung thủy, khi họ cố gắng xây dựng và vun trồng tình yêu lứa đôi, thì chính là lúc họ làm chứng cho tình yêu của chúa và tham dự vào sự thánh thiện của Ngài
Dĩ nhiên đây chỉ là một câu chuyện tưởng tượng, nhưng cũng đã giúp cho chúng ta nhìn thấy được nét căn bản của đời sống hôn nhân, đó là tình yêu thương.
Hội nghị Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã đề cao vai trò, đặc tính và chức năng của gia đình như sau:
- “Gia đình mang lấy chính mầu nhiệm Tình Yêu Ba Ngôi giữa lòng thế giới. Có thể gọi gia đình là “Bí Tích” của Tình Yêu Thiên Chúa và là Hội Thánh tại gia. Gia đình là trường học và cung thánh của tình yêu, nơi đó con người có được kinh nghiệm đầu tiên về tình yêu và học được nghệ thuật yêu thương, nghệ thuật cầu nguyện”.
Thánh Gioan đã định nghĩa : Thiên Chúa là tình yêu. Cũng vì tình yêu ấy, Ngài đã dựng nên con người và muốn con người được sống trong tình yêu. Do đó, Thiên Chúa đã dựng nên con người có nam có nữ, để họ yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời sinh sản con cái, để kéo dài sự hiện diện của con người trên mặt đất này. Tình yêu gia đình chính là một phản ảnh cho tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Và hơn thế nữa, mối liên kết vợ chồng là một hình ảnh tượng trưng cho sự liên kết giữa Đức Kitô và Giáo hội.
Thực vậy, tình yêu vợ chồng là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Với lời thề hứa trong Bí Tích Hôn Phối, hai người phối ngẫu cam kết sẽ sống yêu thương nhau, chung thủy với nhau đến độ trở thành một dấu chứng, một bằng cớ của tình yêu Thiên Chúa đối với loài người. Yêu nhau, thủy chung với nhau, xây dựng tình yêu lứa đôi chính là bổn phận tiên quyết của tình yêu vợ chồng.
Tình yêu ấy dẫn đến tình yêu và sự dưỡng dục con cái. Tình yêu ấy cũng thúc đẩy hai người hăng say hoạt động bên ngoài gia đình. Không có tình yêu ấy thì tất cả những hoạt động bên ngoài gia đình chỉ là những lẩn tránh thiếu trách nhiệm.
Đức Thánh Cha cũng xác quyết :- “Theo ý định của Thiên Chúa, gia đình kết thành “công đoàn thân mật của sự sống và tình yêu”, nên gia đình có sứ mạng mỗi lúc một trở nên cái nói là, nghĩa là một cộng đoàn của sự sống và tình yêu đang vươn lên và sẽ hoàn tất trong Nước Thiên Chúa, như một thực tại được sáng tạo và cứu chuộc.” (FC 17).
Vì thế, con đường nên thánh của những người sống bậc vợ chồng cũng phải được đặt nền tảng trên tình yêu thương ấy : Yêu thương đối với nhau và yêu thương đối với con cái. Công đồng viết như sau :
- “Các bậc vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo, khi theo đuổi lối sống riêng của mình, nhờ ơn Chúa, họ phải suốt đời nâng đỡ và trung thành yêu thương nhau; đối với con cái mà trong yêu thương họ đã nhận từ Thiên Chúa, họ phải làm cho chúng hấp thụ những học thuyết Kitô giáo và những nhân đức của Phúc âm.” (LG 41).
Đức Thánh Cha cũng đã nói đến việc xây dựng cộng đồng tình yêu trong gia đình như sau:- “Tất cả mọi phần tử của gia đình, mọi người tùy theo năng khiếu riêng của mình đều nhận lãnh ân sủng và trách nhiệm để ngày qua ngày xây dựng sự thông hiệp giữa nhau. Nhờ thế họ biến gia đình thành một trường dạy về nhân bản đầy đủ và phong phú nhất. Điều đó được thể hiện bằng sự săn sóc hay tình thương yêu đối với những người bé mọn, những người bệnh tật và người già cả, bằng việc phục vụ nhau mỗi ngày, bằng sự chia sẻ cho nhau của cải, niềm vui cũng như nỗi buồn. Một sự thông hiệp như thế chỉ có thể duy trì và thêm hoàn hảo nhờ tinh thần hy sinh mà thôi”. (FC 21).
Thực vậy, để có sự thông hiệp giữa các phần tử trong gia đình, cần phải có sự khiêm nhường và quảng đại để sẵn sàng cảm thông, tha thứ và hòa giải với nhau.
Các tu sĩ thường nói :
- Việc đền tội nặng nề nhất đối với tôi là đời sống chung.
Thiết tưởng châm ngôn này cần phải được áp dụng cho đời sống gia đình. Việc đền tội nặng nề nhất chính là đời sống chung trong gia đình. Không cần phải có một đặc sủng phi thường, không cần phải có một cuộc sống khắc khổ như các vị ẩn tu trong sa mạc, cũng không cần phải là một tu sĩ mới có thể sống những nhân đức anh hùng. Đời sống hôn nhân và gia đình cũng có đủ những yếu tố để con người luyện tập những nhân đức anh hùng ấy.
Hơn thế nữa, như chúng ta đã biết, hôn nhân Kitô giáo có hai mục đích, đó là sinh sản con cái và giúp đỡ lẫn nhau. Từ hai mục đích này, chúng ta thấy được hai trách nhiệm chính của cuộc sống lứa đôi, đó là trách nhiệm của cha mẹ và trách nhiệm của vợ chồng. Cha mẹ có bổn phận phải sinh sản, nuôi dưỡng và nhất là phải giáo dục con cái. Vợ chồng có bổn phận phải yêu thương, hòa thuận, trung thành và giúp đỡ lẫn nhau. Muốn được như vậy, cần phải chấp nhận những hy sinh cho nhau và vì nhau. Khi chu toàn những bổn phận của mình trong đời sống gia đình là chúng ta đang tiến bước trên con đường thánh thiện.
Đức Thánh Cha cũng xác định về những trách nhiệm của gia đình như sau :
- “Gia đình nhận lãnh trách nhiệm bảo toàn, nâng cao và thông truyền tình yêu là một phản ảnh sống động và thông dự thực sự vào tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại”. (CF 17).
Một cách cụ thể gia đình đảm nhận bốn trách vụ như sau :- “ Trong cái nhìn ấy, khởi sự từ tình yêu và không ngừng qui chiếu về đó, THĐGM kỳ này đã đưa ra ánh sáng bốn bổn phận chính của gia đình :
1- Đào tạo một cộng đồng các ngôi vị.
2- Phục vụ sự sống.
3- Tham dự vào việc phát triển xã hội.
4- Tham dự vào đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.” (CF 17).
Tuy nhiên, căn bản và quan trọng nhất trong bốn trách vụ trên chính là xây dựng một cộng đồng các ngôi vị, tức là một cộng đồng tình yêu. Tông Hiến giải thích như sau :
- “Gia đình được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu là một cộng đồng các ngôi vị : đôi bạn là nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng.” (CF 18).
Chu toàn được những bổn phận và trách nhiệm trên không phải là điều dễ, bởi vì nó đòi hỏi phải hy sinh, phải cố gắng nhiều lắm. Cũng trong chiều hướng ấy, Công đồng cũng đã khích lệ :
- “Để có thể kiên trì chu toàn nghĩa vụ ơn gọi làm người Kitô hữu như thế, tức là sống đời vợ chồng, cần phải có một nhân đức phi thường. Chính vì thế mà vợ chồng được ơn Chúa củng cố để sống thánh thiện sẽ ân cần nuôi dưỡng và cầu xin cho được một tình yêu kiên vững, một tâm hồn đại lượng và tinh thần hy sinh”. (GS 49).
Các tu sĩ được phong thánh không phải vì những hành động phi thường của họ, mà vì đức ái họ thực thi trong đời sống chung hoặc cho người khác. Tương tự như thế, các đôi vợ chồng cũng đạt được sự trọn lành trong bậc sống của họ nhờ những cố gắng thực thi tình yêu thương đối với nhau và đối với mọi người trong gia đình. Cũng vì thế, trong những thập niên gần đây Giáo Hội đã tôn phong chân phước hoặc hiển thánh cho rất nhiều người sống bậc vợ chồng. Bởi vì gia đình là một con đường dẫn chúng ta và những người chung quanh đến cùng Chúa, đồng thời cũng là một con đường giúp chúng ta thực hiện ơn gọi nên thánh trong lòng cuộc đời.
3- LINH MỤC VÀ VIỆC THÁNH HÓA GIA ĐÌNH.
Như trên chúng ta đã xác quyết : nên thánh là một ơn gọi chung cho mọi người tín hữu, ở mọi nơi và trong mọi lúc, nhưng con đường nên thánh thì lại có nhiều. Vì thế, con đường nên thánh trong bậc vợ chồng là một con đường dành riêng cho những người đang sống cuộc sống lứa đôi. Tuy nhiên, con đường nên thánh không phải là con đường cô tịch, nhưng là con đường rộng mở, để mọi người cùng nắm tay nhau và tiến bước, bởi vì không ai nên thánh hay lên thiên đàng một mình và cũng chẳng ai xuống hỏa ngục một mình.
Dĩ nhiên, nên thánh trước hết phải là những cố gắng của bản thân. Thực vậy, để trở thành những bậc cha mẹ tốt, trước tiên phải là những đôi vợ chồng tốt. Để trở thành những đôi vợ chồng tốt thì mỗi người phối ngẫu cần phải là một tín hữu tốt. Hai người tín hữu không sống Đức Tin sẽ không thể hợp thành một đôi vợ chồng tốt.
Không hẳn đã là vợ chồng thì đương nhiên trở nên “một xương một thịt”. Không hẳn đã làm phép cưới trong nhà thờ thì đương nhiên trở thành Bí Tích của Tình Yêu Thiên Chúa. Nếu mỗi người phối ngẫu không quan tâm đến sự trưởng thành trong nhân cách và đức tin của mình thì mãi mãi cuộc sống lứa đôi có thể chỉ là một cuộc sống chung mà chưa phải là “một xương một thịt” và một bí tích đích thực của Tình Yêu Thiên Chúa. Vì thế, mỗi người phải quan tâm đến sự trưởng thành của mình. Đó là điều kiện tiên quyết để sống cuộc sống lứa đôi.
Tiếp đến, chúng ta còn phải giúp đỡ lẫn nhau trong ơn gọi nên thánh. Sự giúp đỡ này là một bổn phận của người Kitô hữu. Bổn phận này càng bó buộc hơn nữa đối với những người sống bậc vợ chồng. Yêu nhau, tận hiến cho nhau chính là muốn mang lại điều tốt đẹp nhất cho nhau. Và điều tốt đẹp nhất cho một Kitô hữu không gì khác hơn là được lớn lên trong sự thánh thiện.
Nên Thánh là một đáp trả của từng cá nhân đối với tiếng gọi của Chúa. Thế nhưng, chỉ qua cửa ngõ Phép Rửa mà con người lắng nghe được tiếng gọi ấy. Vì thế, chỉ trong Giáo Hội chúng ta mới đón nhận được ơn gọi nên thánh và chỉ nhờ Giáo hội chúng ta mới thực hiện được ơn gọi ấy mà thôi.
Chúng ta cần có sự hướng dẫn của Giáo Hội. Và Giáo hội có bổn phận phải trợ giúp chúng ta. Sự trợ giúp đến từ Giáo hội chính là lời cầu nguyện, bởi vì nên thánh không phải chỉ là những cố gắng của bản thân, mà trước tiên chính là một tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa. Để trở nên thánh, chúng ta cần phải được Thiên Chúa nâng đỡ bằng ơn sủng của Ngài, vì :
- Không có Thày, các con không thể làm gì được. (Gio 15,5).
Ơn sủng ấy Chúa ban xuống cho chúng ta nhờ vào lời cầu nguyện của Giáo hội. Ngoài ra, Giáo hội còn trao ban cho chúng ta những phương tiện để nên thánh. Trong phạm vi này, linh mục phải nắm vai trò chính yếu, cung cấp những phương tiện, giúp thánh hóa gia đình.
Công đồng đã xác quyết như sau :- “Các linh mục có bổn phận phải nâng đỡ gơn gọi của vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình bằng những phương tiện mục vụ khác nhau, như rao giảng lời Chúa, lễ nghi phụng vụ hay những trợ lực thiêng liêng khác.” (GS 52).
Từ đó, chúng ta ghi nhận được những phương tiện linh mục phải sẵn sàng trao ban hầu giúp đỡ các gia đình trong phạm vi thánh hóa :
* Rao giảng lời Chúa để các gia đình tìm thấy được những tiêu chuẩn hướng dẫn cho cuộc sống của mình.
* Trao ban các bí tích, đặc biệt là :
- Bí tích Hôn phối : “Các đôi vợ chồng Ki-tô hữu được củng cố và như thế được thánh hiến bằng một Bí Tích riêng để lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống họ. Nhờ sức mạnh của Bí Tích này họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Ki-tô, để chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình của họ. Do đó tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức Tin Cậy Mến và càng ngày họ càng tiến gần đến sự trọn lành riêng biệt của họ cũng như thánh hoá lẫn nhau và nhờ đó tôn vinh Thiên Chúa”. (GS 48).
- Bí tích Thánh thể : “Bổn phận nên thánh dành cho gia đình Kitô hữu bắt nguồn sâu xa từ bí tích Rửa tội và được diễn tả cách trọn vẹn nhất trong bí tích Thánh thể là bí tích mà hôn nhân Kitô giáo gắn liền một cách mật thiết…Bí tích Thánh thể chính là nguồn mạch của hôn nhân Kitô giáo. Quả thế, hy lễ Thánh thể diễn lại giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh vì giao ước ấy được ký kết bằng máu của Người trên thập giá.” (CF 57).
- Bí tích Hòa giải : “Sự hối hận và tha thứ thường xuyên cho nhau trong gia đình Kitô hữu đưa đến khoảng khắc đặc biệt nơi bí tích thống hối Kitô giáo. Khi nói về các đôi bạn, Đức Phaolô VI đã viết trong thông điệp sự sống Con người : nếu tội lỗi vẫn còn đè nặng trên họ, ước gì họ đừng nản lòng, nhưng với một sự bền đỗ khiêm tốn ước gì họ hãy chạy đến với lòng nhân từ của Thiên Chúa vẫn luôn luôn tuôn đổ dồi dào trong bí tích thống hối.” (CF 58)
* Giúp các gia đình biết cách cầu nguyện, bởi vì :
- “Kinh nguyện gia đình có những đặc tính riêng. Đó là kinh nguyện chung : vợ chồng cùng cầu nguyện với nhau, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện với nhau. Sự hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa quả vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông mà các bí tích Rửa tội và Hôn phối đem lại.” (CF 59).
* Giúp các bậc cha mẹ biết cách giáo dục con cái. Trong tuyên ngôn “Gravissimum Educationis” về giáo dục Kitô giáo, Công đồng viết :
- “Ngay từ nhỏ, con cái phải được để nhận biết và kính thờ Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân, theo như đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép Rửa tội.” (GE 3).
* Cử hành phụng vụ :
- “Do đó, cần phải làm sao để tất cả mọi thành phần trong gia đình Kitô hữu đều dần dần tham dự vào bí tích Thánh thể, nhất là ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng, cũng như tham dự vào các bí tích, cách riêng là bí tích khai tâm Kitô giáo cho trẻ em.” (CF 61).
KẾT LUẬN
Nhờ việc nên thánh của mình, vợ chồng Kitô hữu sẽ làm chứng cho vẻ cao quí của sự bất khả phân ly trong hôn nhân giữa cơn khủng hoảng gia đình hiện nay (CF 20). Đồng thời qua lời nói và đời sống của mình, họ làm chứng cho đức tin giữa thời buổi tôn giáo đang mất dần chỗ đứng trong xã hội (CF 73).
Như vậy, gia đình Kitô hữu được mời gọi tự thánh hóa mình và nhờ đó sẽ thánh hóa Giáo hội và xã hội (CF 55). Hay nói cách khác, muốn đổi mới xã hội và Giáo hội, thì trước hết phải đổi mới từ gia đình.
Xin mượn lời của Đức Thánh Cha Piô XII sau đây như một kết luận :
- “Tôi sẽ phong thánh tức khắc cho người đàn bà nào mà ông chồng không bao giờ trách móc và ngược lại, tôi sẽ phong thánh tức khắc cho người đàn ông nào mà bà vợ không bao giờ cằn nhằn.”
GSVN
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules