CHỦ NHẬT 33 C THƯỜNG NIÊN

VỊ THẾ CON NGƯỜI


Nhìn đến sự cả thể trên trời dưới đất, con người cảm thấy mình không là gì dù so sánh với bất cứ sự vật nào. Tạo vật an nhiên tự tại liên tục biến chuyển theo sự thay đổi của vũ trụ. Con người với thân phận mỏng dòn, nay còn mai mất dẫu luôn ước vọng đã mang thân sống trong trời đất thì cũng cần có bổn phận cũng như danh vọng gì đối với núi sông. Tuy nhiên, càng mơ ước thì càng thấy thân phận chẳng ra gì. Đôi tay quá ngắn không sao với tới trời; bước chân không bao giờ được tự do dời khỏi mặt đất. Chính bởi nhận thức về thân phận mỏng dòn, con người bằng cách này hay cách khác kiếm tìm phương tiện bù đắp nỗi tự ty về thân phận thấp hèn của mình.

Cũng chỉ vì nhận thấy mình chẳng là gì nên muốn trở thành gì bởi người ta chỉ muốn những gì chưa có hoặc có chưa đủ; thế nên, nhiều khi những sự cao trọng được cổ võ, truyền bá chưa chắc đã vì lợi ích nhân quần mà coi chừng chỉ là phương tiện thỏa mãn ý đồ thầm kín, hao tốn, và tạo nên những gánh nặng tròng vào cổ, nhiều khi làm khốn khổ những người khác.

Xét nơi phương diện tâm linh, lòng khát khao nhận biết thực thể cuộc đời và con người của mình; nói cách khác, sự thao thức bẩm sinh thôi thúc con người nhận biết Thiên Chúa đã thường không được nhận biết. Cũng chính bởi không nhận thức được Thiên Chúa liên hệ tới cuộc đời mình như thế nào nên khuynh hướng tôn thờ, bày tỏ bằng bất cứ cách nào để ca tụng Ngài được mãnh liệt phát triển.

Thử hỏi, bất cứ sự tôn vinh Thiên Chúa theo kiểu cách, nghi thức nào sao có thể so sánh với những sự cao cả đang hiện diện ngay trước mắt mọi người, một vũ trụ vô hạn định, mùa màng, thời tiết, sinh vật thay đổi biến chuyển không sao am tường... Đặt vấn đề ngược lại, nếu không tôn vinh, ca tụng, thì sư cao cả của Thiên Chúa có bị giảm bớt chút nào chăng hay mặt trời vẫn soi sáng; thủy triều vẫn tiếp tục lên xuống đúng với nhịp điệu và ảnh hưởng hấp lực của những vì tinh tú xa xăm nơi bầu trời mênh mang ngoài tầm thị kiến.

Nhà thờ, đền đài nào có thể so sánh với dẫu chỉ mấy ngọn núi! Sự trang hoàng, đèn đóm nào có thể sang trọng hơn mặt trời nhỏ bé trong vũ trụ bao la. Đàn địch, xướng hát nào oai hùng hơn sấm chớp lay động bầu trời, hoặc êm dịu du lòng hơn tiếng nước suối róc rách, ngàn chim líu lo, hay thơ mộng hơn làn gió nhẹ đưa, lay động lá cây, ngọn cỏ, nơi buổi chiều tàn nhạt nắng!

Những kiến tạo được gọi tuyệt vời do bàn tay con người dẫu được ẩn giấu dưới bất cứ danh nghĩa nào nếu đem so sánh với trật tự ngàn đời nơi thiên nhiên được Lời Chúa diễn tả, “Không hòn đá nào chồng lên hòn đá nào” (Lc. 21:6). Thân phận con người đã mỏng dòn thì những kiến tạo nơi bàn tay con người sao có thể so sánh với chính bản thân mình.

Tuy nhiên, nếu để ý về thực thể chính mình, con người sẽ bị ngạc nhiên vì chính những điều mình mơ ước, những sự cả thể không thể hiểu nổi lại đang hiện diện, đang xảy ra nơi cuộc đời của mình. Đã có câu nói, không có con người, không có tôn giáo; không có con người, chẳng có chuyện gì đáng nói. Thực ra điều này chỉ mang nghĩa nếu không có sự hiện diện của con người, sao con người có thể nhận biết những sự cả thể đang tiếp tục diễn tiến nơi cuộc đời.

Có bộ máy nào liên tục hoạt động không ngưng nghỉ chẳng những bao nhiêu năm, có khi trăm năm lẻ như con tim, buồn phổi, cơ thể của một người. Cho dù những phương trình điện toán tối tân nhất thì cũng chỉ là sản phẩm của con người bởi nếu không có con người sao những phương trình này được viết ra. Đàng khác, sự chuyển vận nơi cơ thể, những tính chất lạ lùng của DNA đã từ thuở tạo thiên lập địa vẫn tiếp tục luân chuyển trong hành trình sáng tạo tiếp nối nơi mỗi người, nơi tạo vật đã vô tình được coi như lẽ tự nhiên dẫu được trầm trồ khen ngợi nhưng đã không đánh động được nhận thức sự việc cả thể đang hoạt động nơi con người. Con người đã không nhận thức được sự cả thể nơi mình.

Đền thờ, đền thánh nguy nga được chiêm ngưỡng, được cho là cao trọng vẫn không cao trọng bằng chính con người của mình. Bởi thế, nếu ai hồi tâm nghiệm chứng về thực thể hiện hữu, những sự huyền nhiệm cả thể đang tuần tự diễn tiến nơi cuộc đời mình, sẽ nhận thực được tất cả ngoại vật, những công trình kiến tạo của con người nay còn, mai mất sẽ chẳng là gì khi so sánh với bản thể chính mình.

Có điều, nếu ai để tâm nghiệm chứng hầu nhận biết mình là ai, mình thế nào, vị thế con người mình ra sao khi so sánh với lẽ huyền nhiệm tuyệt vời đang diễn tiến vượt không gian và thời gian, người đó sẽ phải đối diện với trận chiến nội tâm. Một đàng là những kiến thức, nhận thức thế tục đã từ lâu tiêm nhiễm nơi tâm trí, đàng khác chính là cảm nghiệm thực thể hiện hữu tuyệt vời khó bề suy diễn nơi chính mình, giả sử dám nói lên có thể bị cho là rối đạo, là phạm thượng, và trở thành kẻ đối đầu của những đầu óc thiếu suy tư, nghiệm chứng. Kinh nghiệm thực nghiệm chứng minh, không có trận chiến nào tàn bạo và ác ôn hơn những trận nội chiến tâm tư.

Lời Chúa căn dặn, “Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được” (Lc. 21”14-15).

Khi đã nhận thực được mình là ai, mình thế nào nơi hành trình liên tục biến chuyển trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa, mọi sự cao sang thế tục sẽ không còn chỗ đứng và tất nhiên sẽ chẳng là điểm đích cho hành trình tâm linh của một người. Người đó sẽ nhận thực được Tin Mừng Nước Trời, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt. 1:23). Lẽ đương nhiên, bởi lẽ huyền nhiệm chỉ có thể cảm nghiệm nên không thể rao bán hay giải thích cho hợp lời Kinh Thánh, “Hết thảy chúng đều là môn sinh của Thiên Chúa. Ai nghe và học từ Cha thì sẽ đến với Ta,” và, “Ai có tai thì nghe.”
Lã Mộng Thường