-
Moderator
V - Vào vai người dân để nhận định
Vào vai người dân để nhận định
Những ai quan tâm đến vấn đề đất đai Tòa Khâm Sứ Hà Nội trong những ngày qua hẳn sẽ cảm thấy «thú vị» với hai bài viết «Nhà nước sẽ đối phó như thế nào với chiến dịch “Thắp nến cầu nguyện”?» và bài «Tiếp tục vào vai Nhà Nước để nhận định» của tác giả Thợ Gặt, mà tôi nghĩ đây là một đồng chí cộng sản, nhà trí thức, và có lẽ cũng là một quan chức của nhà cầm quyền Cộng Sản có liên hệ rất gần với các vụ việc tôn giáo, hoặc ít ra cũng là một «tham mưu» trong bộ máy của nhà cầm quyền Cộng Sản VN hiện nay.
Phải nói rằng đồng chí Thợ Gặt đã đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác qua hai bài viết của ông, bởi vì có những chuyện thuộc «lưu hành nội bộ» ông đều biết rành mạch và cùng đem ra để kể lại cho mọi người nghe: lịch sử những mối tương quan, những cuộc gặp gỡ giữa các vị lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo VN với các quan chức chính quyền, rồi sự gần gũi của ông Thợ Gặt với cả hai bên. Ông biết rõ là Đức Cha Chủ Tịch HĐGM VN không hề có gặp ông Thủ Tướng như lời đồn đại nhưng gởi văn thư… rồi ông biết rõ cơ cấu các tổ chức làm việc của các cơ quan Nhà nước VN, dường như ông biết rõ từng đường đi nước bước, nhất cử nhất động, quả thật ít ra ông là «tham mưu»…
Đúng là thú vị, bởi vì những chi tiết lịch sử được kể ra thì luôn thú vị và sống động, ngay cả chi tiết về cơ cấu rườm rà tốn tiền tốn của, tốn công sức, tốn thời gian của bộ máy vận hanh nhà nước VN hôm nay và chi tiết về sự «bất lực» tội nghiệp của mệnh lệnh của Thủ Tướng Việt Nam. Như thế cấp dưới coi thường mệnh lệnh ông cũng đúng thôi (ví dụ Nhà Nước Sơn La), vì ông không có quyền lực thực sự!
Khi đứng về phía Nhà Nước để nhận định sự việc, ông Thợ Gặt đã cho thấy hai ẩn ý đằng sau hai bài viết của ông: quyền lực của Đảng cầm quyền (đấm) và xoa nhẹ những bức xúc ngày càng gia tăng (xoa), đó cũng là cái mà giới chính trị hôm nay gọi là chính sách cây gậy và củ cà rốt. Tuy nhiên đọc bài viết thứ hai của ông, những người đang bức xúc trước thái độ bất công và thiên lệch của nhà cầm quyền VN có vẻ dường như được «giải khát» phần nào vì câu kết luận của ông chắc như đinh đóng cột, mà những người đọc hai bài viết của ông có lẽ đã nghĩ rằng những gì ông nói dường như là những gì nhà cầm quyền VN đã và đang làm: «Các nguồn tin hành lang cho chúng tôi biết rằng, nhất định khu Tòa khâm sứ sẽ được giao cho HĐGMVN sử dụng nhưng nó sẽ còn trải qua một thời gian để thể hiện quyền uy nữa». Nguyên câu kết luận này quả thật đã cho thấy rõ hai ẩn ý khi ông đặt bút viết hai bài để gởi cho VietCatholic.
Thật ra với tư cách là người dân quan tâm đến sự kiện thì câu kết luận của ông Thợ Gặt chỉ củng cố thêm những trực giác, dự đoán và suy nghĩ của rất nhiều người mà thôi. Ai cũng thấy rằng chuyện Tòa Khâm Sứ Hà Nội được trả về cho khổ chủ của nó là điều không tránh khỏi, vấn đề là thời gian mà thôi. Cái mà người dân gọi là «thời gian» này thì ông Thợ Gặt gọi là «thể hiện quyền uy».
Khi người dân dự đoán như thế là họ có cơ sở của riêng họ: thứ nhất, Tòa Khâm Sứ đã được dùng vào những mục tiêu phi văn hóa làm xấu bộ mặt thủ đô Hà Nội và nhất là có kẻ thì «ăn» ních bụng khi lợi dụng khu đất này (xin ông Thợ Gặt hãy tham mưu đưa những kẻ tham nhũng và phá hoại mối quan hệ Nhà Nước –Tôn Giáo này ra ánh sáng công lý nhé !). Chờ khi TGM Hà Nội lên tiếng bức xúc thật mạnh mẽ rồi với đem mấy tấm biển ra để gắn lên mặc cho nó một vẻ pháp lý và văn hóa thì chỉ làm cho xấu bộ mặt và cách làm việc của một nhà nước «văn minh» mà thôi. Đồng chí Thợ Gặt bênh vực cho cách hành xử theo thói thường này của nhà cầm quyền ở nhiều nơi trên đất nước VN và cho đó là bình thường thì thật là đáng tiếc. Một hành vi ỷ thế cậy quyền như thế đáng ra không nên có đối với một Đảng tự xưng là «đạo đức», là «văn minh» !
Lý do thứ hai để người dân chúng tôi có thể nghĩ rằng Tòa Khâm Sứ sớm muộn gì cũng được trả về cho HĐGM VN, đó là chính những văn bản pháp luật được soạn thảo bởi chính nhà cầm quyền VN cũng như nhắc nhở cho nhà chúc trách VN rằng hãy trả lại cái thuộc về các tôn giáo. Đây là lý do công lý.
Bà Thanh Hằng trích dẫn Pháp lệnh tôn giáo để «bắt nạt» Tòa Giám Mục Hà Nội và các giáo dân cầu nguyện ngoài trời không xin phép, nhưng chính bà lại không hề đọc hết Pháp Lệnh đó hay bà cố tình quên đi điều 26 này: «Tài sản hợp pháp thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ, nghiêm cấm việc xâm phạm tài sản đó». Theo như lời của ông Thợ Gặt thì bà Thanh Hằng cũng chỉ là «nạn nhân?» vì bà chỉ biết ký tên và đóng dấu mà thôi, còn lại là do các quân sư dổm viết. Ông thợ gặt còn biết ai viết nữa mới thú vị chứ! Mấy lời với bà Thanh Hằng: chức phó chủ tịch không chỉ là ký tên và đóng dấu, nhất là hãy xem nội dung và kiểm chứng nội dung trước khi đóng dấu. Hãy coi chừng các tham mưu lừa bà ký tên bán nước cho Tàu Cộng khi nào không biết đấy! Không biết trong lần gặp chúc tết với Đức Tổng Giám Mục Hà Nội vừa qua bà có xin lỗi ngài về việc bà xúc phạm danh dự và phẩm giá của ngài qua một công văn không?
Lý do thứ ba để người dân chúng tôi dám khẳng định rằng Tòa Khâm Sứ trứoc sau gì cũng trở về với chủ nhân pháp lý của nó, đó là Việt Nam đã mở cửa ngồi vào ghế Liên Hiệp Quốc, tham gia Tổ chức Thương Mại Thế giới, đăng cai những cuộc họp và tổ chức quốc tế này khác… thì nhà cầm quyền VN không còn có thể xử sự như một «tổ chức tội phạm» được nhưng phải hành xử như một «nhà nước pháp quyền». Một nhà nước pháp quyền thì phải biết tôn trọng nhân quyền, công lý, sự thật và pháp lý.
Cách đây mấy mươi năm, HĐGM VN chưa lên tiếng đòi lại, nhưng chỉ những năm trở lại đây, khi nhà cầm quyền VN đã tìm cách mở cửa ra với thế giới bên ngoài rồi, thì lúc đó HĐGM VN mới lên tiếng đòi lại vì tin vào «thiện chí» mở cửa của nhà cầm quyền Việt Nam. Đằng sau vụ Tòa Khâm Sứ là một trắc nghiệm việc nhà cầm quyền VN có ngưng hành xử như là một «tổ chức tội phạm» và bước vào thế giới văn minh của một «nhà nước pháp quyền» tôn trọng công lý hay không?
Một lý do khác nữa để chúng tôi tin rằng cuộc thắp nến cầu nguyện đòi công lý này sẽ thành hiện thực, đó là vì nhà cầm quyền VN đang đối diện với một cơ cấu tổ chức rất chặt chẽ, một tập thể đức tin dám đương đầu với mọi thử thách. Lý luận đơn giản thế này: nhà cầm quyền sẽ chọn con đường trả lại Tòa Khâm Sứ để được tiếng với người dân và thế giới, còn hơn là để về lâu về dài sẽ không tốt cho bộ mặt của họ và cả sẽ không tốt cho an ninh và hòa bình đất nước, một điều mà nhà cầm quyền VN đang rất lúng túng bây giờ liên quan đến các cuộc biểu tình chống Trung Quốc… Nhà cầm quyền VN sẽ tìm cách giải quyết vụ Tòa Khâm Sứ vì họ sẽ không chịu được cảnh mà Tân Ước mô tả việc bà góa hằng ngày cứ đến gõ cửa ông quan bất lương: một mặt sự kiên trì cầu nguyện của ngừoi tín hữu và mặt khác sự bất lương của vị quan tòa.
Thiện Nhân
Xin đọc thêm bài này:http://vietcatholic.net/News/Html/51376.htm
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules