TRUYỀN THÔNG NHÀ NƯỚC VÀ THÔNG TIN VỀ VỤ TÒA KHÂM SỨ

Vụ việc đã kéo dài, giờ báo đài lên tiếng



Truyền thông nhà nước Việt Nam những năm gần đây phát triển khá rầm rộ. Hàng trăm tờ báo muôn màu muôn sắc hàng ngày khoe hàng trên các sạp, trên xe đạp, trên tay người bán dạo, trong mỗi gia đình, công sở…

Với số lượng hơn 700 tờ báo, tạp chí trên 84 triệu dân, người thì cho rằng đang rất ít, kẻ cho là đã quá nhiều.

Người cho là ít thì: Bảy trăm tờ báo đủ loại kia, từ báo nói, báo hình, báo viết, báo điện tử… đủ cả, nhưng nếu tôi cần một thông tin, hoặc cần phản ánh một thông tin, đó là điều cực kỳ khó khăn. Nhiều thành phần xã hội là một bộ phận không thể thiếu, không thể tách rời của dân tộc Việt Nam là các cá nhân, các tổ chức, nhưng không thể nói lên một tiếng nói riêng của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách trung thực, dù đó là một bộ phận không nhỏ của đất nước. Ví dụ: Từ lâu, người Công giáo và không Công giáo trong cả nước muốn biết về vụ đất đai Tòa Khâm sứ, đất đai xứ Thái Hà, đất nhà xứ Hà Đông như thế nào, mà tịnh không có bất cứ một dòng nào trên hệ thống báo chí trong nước. Những chuyện đó, giống nhưng những chuyện đã xảy ra ở thế kỷ trước bên châu Phi dù việc đó đã xảy ra hơn cả 1 tháng nay ngay giữa Thủ đô Hà Nội với hàng ngàn con người, hàng vạn lượt người.

Người cho là quá nhiều với lý luận: Quá nhiều, vì mấy trăm tờ báo, nhưng nội dung chính vẫn là những điều hàng ngày đã đăng trên trang nhất tờ Nhân Dân, Quân đội nhân dân là chính. Ngoài ra là chuyện tham nhũng, thất thoát ngân sách, con chửi mẹ, cháu đánh bà, ông già cưỡng hiếp trẻ em, thầy giáo lợi dụng quấy rối tình dục học sinh nữ, học sinh đánh thầy ngay trên bục giảng và… tai nạn giao thông là nhiều. Đó là những nội dung ăn khách, được các bác, các cô bán báo dạo tóm lược nội dung thật giật gân, phát om sòm từ sáng sớm đến tối mịt, từ bến xe đến trường học, từ công sở tới nhà thờ…

Người ta có thể tìm thấy trên báo chí Việt Nam những câu chuyện của phương Tây xa xôi, bẩn thỉu như chuyện con gái Tổng Thống Mỹ say rượu, con gái Tổng thống Mỹ bị cướp… đến chuyện Quốc hội Trung Quốc họp phiên thường kỳ: Chú trọng đến nông dân…

Nhưng, những vụ việc nổi cộm, ảnh hưởng đến đất nước, đến đồng bào, đồng loại, đến dân tộc, thì hầu như hệ thống truyền thông, báo chí Việt Nam cùng chờ đợi chỉ thị, kế hoạch “từ trên” và chờ đợi nhau để xếp hàng đi “đúng lề đường bên phải”. Điển hình như vụ nhân dân Thái Bình những năm trước đây đã nổi dậy hay phản loạn thế nào, đồng bào Tây Nguyên hai lần trước đây “đã nghe theo lời bọn xấu” ra sao… thì hầu như báo chí Việt Nam coi đó là chuyện ở “thế giới bên kia”.

Đến lúc, báo chí quốc tế đưa tin ngược trở lại, đồng bào trong nước mới hiểu tình hình, thì ông Lê Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã ngao ngán thừa nhận “Chúng ta bị cướp loa trên sân nhà”.

Vụ Tòa Khâm sứ, Thái Hà, Hà Đông, hình như cũng là chuyện xảy ra ở đâu đó xa xôi, nên báo chí không có tin tức, không hề đả động đến dù đã xảy ra đến cả tháng. Và lần này, báo chí Việt Nam cũng đã bị “cướp loa” – theo ngôn ngữ ông Lê Dũng- trên sân nhà hơn một tháng?

Khi những hình ảnh, những đoạn video, những ý kiến của nhiều người đã được đưa lên mạng internet về vụ việc, mà khi đã nóng đến lúc không thể nóng hơn được nữa, thì báo chí Việt Nam bắt đầu lên tiếng. Những thông tin qua báo chí Việt Nam, không hiểu được phản ánh qua “lăng kính” nào, nó đặt xuôi hay đặt ngược, mà những thông tin đưa ra so với sự thật được những người trực tiếp chứng kiến sự việc phải kinh hoàng. Người ta kinh hoàng bởi lẽ những người làm công việc truyền thông đã can đảm, đã gan dạ và dũng cảm bóp sự thật đến độ không còn có thể méo hơn.

Để hiểu điều này, chúng ta nghe một đoạn tâm sự của ông Lê Dũng:

“À, chuyện “ta bị cướp loa trên sân nhà gần một tuần” chứ gì? Không sai chút nào! Ngay sau khi chuyện đó xảy ra được vài giờ, chúng tôi đã có cuộc họp để nhận định tình hình, và tôi đã đề xuất được phát ngôn luôn, bức xúc lắm. Nhưng phải thông cảm một điều, khi mọi chuyện đã rõ rồi thì nói dễ thôi, chứ lúc đó thật sự ta cũng chưa biết tình hình sẽ diễn biến theo hướng nào. Thận trọng là cần thiết để đảm bảo được lợi ích an ninh quốc gia. Cũng phải hiểu thêm một điều thuộc về tập quán của ta nữa, báo nói là dân tin, nên càng phải thận trọng. Không như ở các nước khác tính chất tham khảo nhiều hơn, cùng một sự kiện nhưng cách đưa tin của các báo nhiều khi trái ngược nhau.

Nói gì thì nói, việc phóng viên nước ngoài có mặt ở Tây Nguyên chỉ hơn một tuần sau vụ bạo loạn xảy ra là một cố gắng lớn của chúng tôi, nếu như so với năm 2001 họ chỉ có mặt ở đó sau 4, 5 tháng. Đối với dư luận bên ngoài, sự khẳng định của AP, Reuters... rõ ràng được coi là “khách quan” hơn.(
http://vietnamnet.vn/chinhtri/doingoai/2005/02/375112/)

Phải chăng, họ cho rằng đã báo chí nhà nước nói ra, thì ai cũng phải tin và ai cũng tin? Xin chớ có chủ quan đến thế. Người dân bây giờ không còn là người dân của những năm 60 của thế kỷ trước. Phương tiện truyền thông bây giờ không còn là phương tiện truyền thông của những năm 60 của thế kỷ trước. Và lòng tin của người dân đã hơn nửa thế kỷ nay được thử thách, nên họ có nhận xét khách quan hơn và có lý trí hơn thế kỷ trước.

Việc các phương tiện truyền thông Việt Nam chỉ đưa một chiều, mà thực sự chưa hẳn đã là “một chiều” mà là sự bịa đặt, xuyên tạc ác ý, có đúng nghĩa của truyền thông hay không? Có phải các nhà báo Việt Nam đã không có đạo đức nghề nghiệp nên nhiều khi viết những điều dối trá mà không hổ thẹn với lương tâm, không suy nghĩ về những hậu quả của những việc làm thất đức với con cháu khi nói sai sự thật?

Xin đừng có vơ đũa cả nắm, trong số những người đã được gọi là “bút nô” , là “cave chính trị” , thì cũng có những người có nhân cách, thậm chí là rất nhiều. Nhưng họ biết làm sao, ngòi bút trong tay họ, nhưng viết ra điều gì, viết thế nào lại ở chính những người lãnh đạo và nồi cơm của con họ đầy hay vơi, là ở chỗ họ có làm công cụ trên mặt trận tư tưởng văn hóa đúng nghĩa “công cụ” hay không mà thôi.

Rất nhiều người, thường xuyên ca ngợi những điều họ không tin, viết những điều họ không cho là đúng, nhưng con ở nhà còn đói, mẹ già ở quê còn chờ, thì họ đành “nhắm mắt đưa chân”.

Để hiểu thêm điều này, chúng ta lại nghe ông Lê Dũng tâm sự: “Gần đây, chúng tôi đã cố gắng là chỉ sau khi kết thúc sự kiện chừng nửa tiếng đến một tiếng là có tin báo chí ngay. Nhưng vì cơ chế cung cấp thông tin của chúng ta lâu nay là đưa theo diện hẹp, thông qua TTXVN rồi các báo khác dùng lại. Có hai bất lợi ở đây: Thứ nhất là họ phải chờ TTXVN; thứ hai là phải đưa lại tin qua “lăng kính” của TTXVN. Tôi cho rằng việc cải tiến là cần thiết, vừa bảo đảm tính kịp thời, vừa làm cho thông tin đến với độc giả đa dạng hơn, tuỳ theo cách xử lý của từng báo”.

Vậy là đã rõ cách truyền thông Việt Nam, nên những thông tin về vụ Tòa Khâm sứ, Thái Hà, Hà Đông, cũng đã được dựng lên qua “lăng kính” của ai đó, tiếc rằng, cái lăng kính này đặt ngược.

Tôi thấy thật buồn cười, khi chiều nay, trên Đài tiếng nói Việt Nam, có đọc một bức thư được cho là của một “giáo dân” về những chuyện đất đai, không ai là người công giáo và cả không công giáo không phải bật cười về sự ngây ngô của “giáo dân” nọ. Họ cho rằng; báo chí Việt Nam mấy ngày qua nói về những vụ việc xẩy ra ở Tòa Khâm sứ, ở Thái Hà như thế là còn “quá nhẹ nhàng”? Họ cho rằng chính quyền Hà Nội đã tỏ ra rất thiện chí với Giáo hội và ông TGM Ngô Quang Kiệt đã làm khổ dân, cần phải “kính Chúa yêu nước hơn”?

Tôi nghi ngờ đây là một giáo dân, hoặc có thể là một “Giáo gian” nào đó. Chính họ đã không nhìn thẳng vào sự thật một cách dũng cảm bằng con mắt sáng của mình. Không cần nói đến nhiều, chỉ cần chi tiết của người “Giáo dân” đưa ra: “Khu đất 42 Nhà Chung, từ những năm 1960, đã được những người có trách nhiệm cao nhất trong Tòa Giám mục Việt Nam hiến cho nhà nước” cũng đã thấy họ đang lúng túng về cách đặt vấn đề về nguồn gốc khu đất để hợp pháp hóa sự chiếm đoạt đến nay.

Thực ra, trong việc tuyên truyền của báo chí Việt Nam về những vấn đề liên quan đến Công giáo, đến những vấn đề nhạy cảm giữa Giáo hội và nhà nước, bao giờ họ cũng tìm được hoặc nặn ra được những cái lưỡi như thế. Có thể cái lưỡi đó, được một phóng viên nào đó nặn lên, thổi vào đó những ngôn từ bất xứng.

Trước đây, vụ Linh mục Nguyễn Văn Lý, cũng có một bài báo lên án, thóa mạ nặng nề, lời lẽ như có thể ăn tươi nuốt sống của một “giáo dân Thừa Thiên Huế”? Nhưng tôi đánh cược là đến hỏi tòa soạn xem người giáo dân Thừa Thiên Huế kia ở đâu, thì chắc khó hơn lên sao Kim. Tôi đã được nghe một linh mục kể lại câu chuyện hài hước như sau: Trong khi chuẩn bị bắt Linh mục Nguyễn Văn Lý, ở một tỉnh nọ, Mặt trận đã mời tất cả các Linh mục, các Trưởng ban Hành giáo các xứ lên họp với lý do: Tổng kết phong trào Người Công giáo yêu nước. Cả buổi họp, không có một lời nào về Linh mục Lý. Khi buổi họp gần trưa, một danh sách các cụ tham gia được đưa xuống đề nghị ký tên, để “báo ăn trưa”. Tối hôm đó, các cụ té ngửa khi được nhìn hình ảnh và chữ ký của mình được đưa lên truyền hình tỉnh, “tất cả phản đối những hành động của Linh mục Nguyễn Văn Lý”.

Vụ này, cũng có một hoặc nhiều “Giáo gian” nào đó được dựng lên, được “chế biến, cải tiến” là điều không khó hiểu. Nhưng, chú ý một điều thì có thể biết, chưa bao giờ, những “Giáo dân” phát biểu kia, được nêu rõ hình ảnh hay địa chỉ cụ thể.

Trên truyền hình, cũng chưa có một giáo dân thật sự nào được phỏng vấn.

Cũng như việc cho rằng: “Một số cán bộ nhà nước đã bị đánh trọng thương, đang phải cấp cứu tại bệnh viện” ? Tiếc rằng, điều này họ đưa ra đã muộn, khi mà hình ảnh chị người Mường và thanh niên vào cứu chị đã bị đánh ngang nhiên trước không chỉ giáo dân, giáo sỹ, mà cả rất nhiều phóng viên các hãng quốc tế chứng kiến và được lan truyền đi khắp thế giới. Nhưng có ai tò mò mà hỏi xem vị “cán bộ bị đánh trọng thương” đó tên gì, hiện đang điều trị ở đâu, thì chắc không thể có được câu trả lời. Vì trưa 25/1/2008, khi bị chất vấn về những người đã “ra tay” với giáo dân thì người đại diện nhà nước lúc đó chối quanh: “Chúng tôi không biết vì ở đây có đến 3 cơ quan và cả nhà dân” ?

Việc đưa tin không trung thực, là một căn bệnh trầm kha trong hệ thống báo chí Cộng sản cũng như hệ thống các báo cáo ở các cơ quan công quyền. Để chứng minh điều này, chúng ta nhớ lại những năm 1976, Đại hội 4 ĐCS đặt cho nhân dân cái mốc 21 triệu tấn lương thực vào năm 1980. Nhưng đến 1980, tổng sản lượng đạt chỉ có 13 triệu tấn, cả nước đói lả và kiệt quệ. Khi nói đến điều này, người ta đã giải thích rằng “do hệ thống báo cáo từ dưới lên đã nâng khống khả năng nên ĐH Đảng 4 đã đặt nhầm mục tiêu”!? Hoặc cách đây hơn 7 năm, đã có một số tuyên bố cho biết “đến năm 2005, ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam sẽ có doanh số xuất khẩu đạt 500 triệu USD, tuy nhiên tuyên bố này đã chính thức phải “rút lời”, chỉ vì đã đặt ra các con số trên qua tổng kết khả năng do cấp dưới báo lên.

Với một sự kiện quan trọng như vậy của Đảng, và một định hướng lớn lao với đất nước, mà còn đến thế, thì ba cái chuyện bịa đặt láo toét khác có hề chi.

Tôi cũng thấy thực sự buồn cho việc một số báo chí truyền thông đã cố gượng ép, nặn ra những điều hết sức vô lý, nhằm ám chỉ, áp đặt những điều thêu dệt khác mà quên mất đi sự tự trọng, cũng như không giấu được sự ngờ nghệch của mình. Một trong ví dụ đó là trên báo Hà Nội mới 27/01/2008, có đăng bài viết về vụ Tòa Khâm sứ có đoạn: “Thoạt nhìn bên ngoài chúng tôi tưởng tất cả đều đang chú tâm cho việc cầu nguyện, nhưng khi vừa thấy chúng tôi bước vào, nhiều người đã quay ra, vẻ mặt rất phấn khởi nói: "May quá, các bác đã đến thay phiên để chúng em về". Nhiều người đã lầm tưởng chúng tôi là những giáo dân từ các giáo xứ khác đến thay phiên "trông" khu đất 42 Nhà Chung để họ được về nhà, nhưng khi biết chúng tôi chỉ là khách qua đường tò mò vào xem, họ tỏ ra vô cùng chán nản” . (http://www.hanoimoi.com.vn/vn/12/157642/)

Thật sự tôi cũng không hiểu phóng viên đó có đến khu đất để chứng kiến những ánh mắt, những người giáo dân đang bất chấp cái rét cắt da dưới trời đêm lạnh lẽo bên tượng Mẹ Maria sầu bi hay không? Hay họ có đến gặp những người ở đó, và người nói với họ là “quân xanh” hay “quân đỏ” trong ván cờ này?

Nếu họ hiểu rằng: Với người Công giáo, thì cầu nguyện, đến nhà thờ hay làm bất cứ việc gì trong đạo, tất cả đều bằng sự tự nguyện gần như tuyệt đối, không có ai có thể bắt ép họ kể cả Đức Tổng Giám mục, thì chi tiết này chắc họ sẽ không đưa vào bài viết tuyên truyền để bớt sự ngây ngô, dù được giấu dưới vỏ bọc thương đến “nỗi khổ của giáo dân”!

Trước hết, cần khởi tố một vụ án chiếm đoạt tài sản trái phép?

Nhiều tờ báo đã đưa tin, nhiều công văn của Thành phố và các cấp đã được phát hành, cũng như nhiều văn bản xin lại, đòi lại tài sản đất đai từ phía Giáo Hội. Phía Giáo hội đã đưa ra những bản văn làm bằng chứng về tài sản đất đai của họ. Nhưng chưa có một tờ báo, một văn bản nào của chính quyền đưa ra được những chứng cứ có sức thuyết phục là khu đất và tài sản ở Tòa Khâm sứ, Thái Hà, Hà Đông… đã được chuyển, nhượng, cho, tặng, hiến… một cách hợp pháp và có cơ sở pháp luật để trả lời câu hỏi: Nguồn gốc nào để Nhà nước có đất đai và tài sản trên?

Tại sao có sự lúng túng đó mà tất cả văn bản, báo chí lại chỉ nhằm quy kết một bên vi phạm pháp luật trong việc đòi lại tài sản, đất đai. Trong khi một bên luôn khẳng định mình có đủ cơ sở pháp lý cho việc đòi lại?

Vụ việc sẽ hết sức đơn giản, nếu biết tôn trọng nhau, biết tôn trọng những ý chí và nguyện vọng của người dân mà cho đến nay, các cấp chính quyền từ Thủ tướng đến cấp thấp nhất đã thấy. Cả trăm ngàn chữ ký đề nghị đã nói lên ý nguyện này.

Nếu biết chấp nhận những ý kiến giáo dân và cả Giáo hội, hai bên có thể ngồi lại, hoặc trên bàn làm việc, hoặc trên một phiên tòa độc lập và trung thực (Tất nhiên – phải là một phiên tòa không bị áp lực của những vụ án bỏ túi). Để xem xét những chứng cứ hai bên đưa ra và đi đến một kết quả thống nhất?

Nếu phía Giáo hội không thể đưa ra được chứng cứ chứng minh những tài sản đó là của mình, thì Giáo hội phải chịu trách nhiệm về những hành vi khi đòi lại tài sản.

Ngược lại, nếu Nhà nước, Chính quyền không thể đưa ra được chứng cứ pháp lý, nguồn gốc tài sản, đất đai đang chiếm giữ là của mình, thì Nhà nước, Chính quyền phải chịu trách nhiệm về việc chiếm đoạt trái phép tài sản của tổ chức, cá nhân theo các điều luật Việt Nam và các điều luật quốc tế mà Việt Nam đã long trọng cam kết.

Và phải khởi tố vụ án chiếm đoạt tài sản một cách bất hợp pháp này?

Vụ việc đã đến lúc cần tìm một giải pháp, nếu không nói là quá muộn, để có thể hiểu nhau và thông cảm, giúp đỡ tạo điều kiện để mối quan hệ giữa các bên ngày càng tốt đẹp, xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc. Để có điều đó, cần nhất vẫn là sự thật, sự công bằng và công lý.

Chẳng có một sự giải pháp nào khác có thể giúp chúng ta đạt được sự bình an, hòa bình đích thực và niềm vui đoàn kết mà không phát xuất từ sự thật. Bởi chưng: “Anh em sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng anh em” . (Ga 8,32).

Hà Nội, Ngày 31 tháng 1 năm 2008
J.B. Nguyễn Hữu Vinh