Đừng bao giờ mang trái tim chuột !


1. Điều quan trọng hơn: biết chiến thắng sợ hải:

Người ta kể rằng, trên một con tàu xuyên đại dương, tất cả mọi hành khách đều nhốn nháo hoang mang lo sợ khi tàu phải đối diện với một cơn bảo lớn. Trong khi đó, tại phòng lái của viên thuyền trưởng, có một em bé vẫn bình thản, vui chơi, như không cảm thấy sự gì xảy ra. Có người thấy vậy mới buột miệng hỏi em:

- Sao đang đứng trước phong ba bảo táp như thế mà cháu vẫn bình tâm vô sự ?

Em bé tươi tỉnh trả lời:

- Bố tôi đang lái tàu mà, tôi có gì mà phải sợ !

Trên “chuyến tàu đời” hôm nay, chúng ta cũng đang phải đối diện từng ngày với những phong ba bảo táp của cuộc sống, những đe dọa trăm chiều, những áp lực nặng nề bủa vây giăng mắc trên mọi nẽo đời thường. Sợ hạnh phúc gia đình tan vỡ, sợ tình yêu bị phản bội chối từ, sợ công ăn việc làm thất bại, sợ thi không đổ, sợ bệnh tật, sợ con cái bất phục cứng đầu, sợ chồng đánh, sợ vợ ghen, sợ thanh danh hoen ố, sợ nghèo, sợ bị kết án, sợ tù tội, sợ sinh con, sợ chết…

Cuộc đời của Vị Ngôn Sứ được trích đọc hôm nay, sứ ngôn Giêrimia, là phản ảnh rõ nét những xuyến xao, lo sợ như thế, khi Ngài phải đối diện với bao nổi oái ăm, nguy khốn tràn ngập cuộc đời làm chứng cho chân lý. Tuy nhiên, điều cuối cùng mà Sứ ngôn Giêrêmia muốn gióng lên lại là: “Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng…Hãy ca ngợi Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa, vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo” (BĐ 1).

Đó cũng chính là điều mà Đức Kitô, Đấng được tiên báo qua sứ điệp và hình ảnh của sứ ngôn Giêrimia, đã cô đọng thành một mệnh lệnh dứt khoát: “Anh em đừng sợ …Anh em đừng sợ …”.

Như vậy, sống và sống đức tin, không có nghĩa là tìm kiếm cuộc sống an bình thư thái, không có những gian nguy thử thách để lắng lo đối diện, những bảo táp phong ba để lo sợ và chiến đấu...Nhưng là biết bình tâm để chiến đấu và chiến thắng sợ hải, biết khôn ngoan và can đảm để vượt qua thử thách gian nan.

2. Để “đừng sợ”, hãy ném cuộc đời vào bàn tay Thiên Chúa.

Với những người con cái Thiên Chúa, với những kẻ mang danh là đồ đệ của Chúa Kitô, thì vũ khí mạnh nhất để chiến thắng sợ hải đó chính là “lời quyền năng và sự hiện diện của chính Thiên Chúa”.

Nếu Thiên Chúa của Giêrêmia là một “trang chiến sĩ oai hùng”, thì Thiên Chúa của Đức Kitô lại là một người Cha nhân ái sẵn sàng bảo đảm cuộc sống cho những con chim sẻ, giữ gìn cho từng sợi tóc trên đầu của tôi của anh khỏi rơi rụng vô cớ ! Vâng, đó chính là Tin mừng, một Tin Mừng được cụ thể bằng hai từ giản đơn như một mệnh lệnh: ĐỪNG SỢ.

- Đừng sợ: khi Thầy đến để xóa tan đi những lo sợ hải hùng của các Tông đồ trên biển hồ Tibêriát khi giông bảo nổi dậy giữa đêm đen để nhường lại một chuyến đi giữa trời yên bể lặng bằng chính sự hiện diện đầy quyền năng: "Thầy đây, đừng sợ !";

- Đừng sợ: khi Thầy xóa tan đi những xuyến xao buồn thảm của của Bà góa Naim trước cái chết của đứa con một thân yêu, để đem về một sự sống hân hoan tươi đẹp;

- Đừng sợ: Khi Thầy biến cõi lòng mắc cở, hổ thẹn điếng người của người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang và bị đem xử án, thành một con người hoàn lương ra đi làm lại cuộc đời trong tin yêu phó thác…

- Đừng sợ: khi Thầy biến những những con tim hoang mang sợ hải của những tông đồ như Phêrô, Giacôbê, Tôma…tan vở thất vọng đóng cửa cài then vì sợ người Do Thái sau biến cố cái chết của thầy, thành vui mừng rạng rỡ vào Ngày thứ Nhất trong tuần khi Đấng Phục Sinh xuất hiện và ưu ái ban tặng bình an;

- Đừng sợ: Khi Thầy đã biến những cõi lòng sầu muộn tái tê của hai môn sinh trên nẽo đường Emmau sau Ngày Thứ Sáu thê lương của biến cố thập giá, thành hân hoan đầy tràn sức sống vội vã lên đường công bố tin vui Chúa đã sống lại…

Làm sao chúng ta có thể sợ hải được khi Thiên Chúa là Đấng Emmanuen, khi Thiên Chúa là Cha nhân lành, khi Thiên Chúa là người luôn đồng hành chia sẻ kiếp phận nhân sinh, khi Thiên Chúa là Đấng luôn đưa mắt diệu hiền đỡ nâng an ủi.

Tuy nhiên, chúng ta đừng hiểu lầm: thái độ “Đừng Sợ” ở đây không là “giải pháp tạm thời” để lẫn tránh thực tại, để chạy trốn hiểm nguy. Không, đó luôn phải là một chọn lựa anh hùng và đầy can đảm, mà điểm đến cuối cùng chính là hy sinh mạng sống. Điều nầy, chúng ta sẽ nhận thấy rõ nét qua chứng từ của các Thánh Tử Đạo Việt nam: dù gông cùm trăn trói, dù đói khát nhục hình, dù phải bị thiêu, thắt cổ, đâm chém, xẻo từng miếng da…các Ngài vẫn mĩm cười trung trinh với Chúa Kitô, với đức tin Công Giáo.

3. Sứ vụ ngôn sứ đòi hỏi nhiều can đảm

Ngày xưa, sau khi nhận lãnh sức mạnh Chúa Thánh Thần, các tông Đồ đã mạnh mẽ ra đi loan báo Tin Mừng. Cho dù bị bắt bớ, đánh đập, bị điệu đến trước tòa án để bị cấm loan báo Tin Mừng, cấm nói về Chúa Kitô, các Ngài vẫn can đảm thực hành sứ vụ, cho đến ngày làm chứng bằng cái chết Tử đạo. Điều đó đã khẳng định lời tiên báo hôm nào của Đức Kitô mà tin Mừng hôm nay chúng ta vừa đọc lại: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm thì hãy nói ra giữa ban ngày, điều anh em nghe rỉ tai thì hãy lên mái nhà rao giảng”. Quả thật, nếu các ngài sợ hải, chùn bước, thối lui, thì làm gì có chúng ta hôm nay, làm gì có Giáo hội, làm gì thế giới biết được Tin Mừng cứu độ, biết Chúa yêu thương con người đến độ chết trên thập giá, biết được niềm hy vọng phục sinh…

Trong thế giới hôm nay, một thế giới muốn quay lưng lại với những giá trị của Tin Mừng, một thế giới muốn xây dựng trật tự xã hội trên duy chỉ bằng quyền lực chính trị và kinh tế, một thế giới chiến tranh khủng bố, bạo lực hận thù…thì các người môn đệ của Chúa Kitô là phải dấn thân “đừng sợ” để lên đường.

Có biết bao nhiêu sự yếu hèn đầu hàng sự dữ, chùn bước trước những đe dọa tầm thường, im lặng vì lười biếng, thiếu trách nhiệm và tự ái…đã khiến bao gia đình tan vỡ hạnh phúc, bao cuộc ly dị vợ chồng, con cái đánh mất niềm tin nơi cha mẹ, bạn bè trở nên hận thù hiềm khích. Đôi khi, chỉ cần can đảm nói lên một lời xin lỗi, sẵn sàng nhẫn nhục để thứ tha, cố gắng nở một nụ cười, giằng lại một lời nói cay cú, một cơn nóng giận nhỏ nhen…thì có cả một “bầu trời xanh” bình an và đầy tin yêu hy vọng tỏa sáng. Chính vì thế, lời cầu nguyện “Kinh Hòa Bình” của Thánh Phanxicô khó khăn mãi mãi cần được lặp lại trên môi miệng chúng ta, những người kitô hữu: “Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa...”, và mệnh lệnh hôm nay của Đức Kitô, “Các con dừng sợ”, không phải chỉ để tồn tại trên các trang Tin Mừng nhưng phải hiện thực rõ nét bằng chính những thực hành trong cuộc sống đời thường.

Kết: Đừng biến trái tim người thành “trái tim chuột”:


Có một con chuột kia rất sợ mèo. Một vị thần tội nghiệp nó nên biến nó thành mèo. Thành mèo rồi nó lại sợ chó. Vị thần biến nó thành chó. Thành chó rồi nó lại sợ cọp. Vị thần cho nó thành cọp. Nhưng thành cọp rồi nó lại sợ người thợ săn. Vị thần đành chịu thua: "Ta có biến mi thành bất cứ thứ gì đi nữa thì cũng không giúp mi hết sợ, bởi vì trái tim của mi vẫn là trái tim chuột".

Kính thưa ông bà và anh chị em, trái tim chúng ta đã được dựng nên giống ảnh hình Thiên Chúa, được Thánh Thần tác động và thanh tẩy để thành một trái tim biết yêu thương, trung tín, một trái tim được nuôi dưỡng bởi Máu thịt Con Đức Chúa Trời, một trái tim của một dòng tộc mang danh là “Dòng tộc Tư Tế, Vương Đế”, của một Dân Thánh, lẽ nào chúng ta khiếp nhược để giam mình trong những nổi lo sợ vụn vặt của loài chuột. Chúng ta hãy xác tín vào lời của Đức Kitô: “Can đảm lên, đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian”. Hay như lời của Đức Cố giáo hoàng G.P. II: “Đừng sợ ! Hãy mở rộng cánh cửa cho Chúa Kitô…”.

Và khi nào phải đối diện với những gian nguy thử thách, vất vả hiểm nghèo, thì nếu không hồn nhiên phó thác “như đôi chim sẻ”, không thanh thản cậy trông như “cánh huệ giữa cánh đồng”, hay không an bình thư thái tin yêu như “những cọng tóc rơi vãi”… thì ít nữa hãy biết cầu nguyện với Chúa như Thánh nữ Bernadette Soubirous rằng: “Lạy Chúa, con không xin Chúa cho con khỏi bị đau khổ, mà chỉ xin Chúa đừng bỏ con một mình trong lúc khổ đau”.

Lm. Jos. Trương Đình Hiền