Giáo xứ Cầu Rầm thắp lên ánh sáng niềm tin cho Công lý và Hòa bình


VINH - Câu chuyện về Tòa Khâm Sứ cũ và Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà Hà Nội, về một khía cạnh nào đó từ phía nhà cầm quyền, xem như đã đi vào quá khứ và bình lặng. Nhưng trong hơn 7 triệu con tim người Công giáo Việt Nam nói riêng và 85 triệu người dân Việt Nam nói chung, thì sự việc vẫn còn đó những điều gây nhức nhối và nghẹn ngào.

Nghẹn ngào vì nhân phẩm và danh dự của người Cha chung bị xúc phạm. Nghẹn ngào vì tài sản của Mẹ Giáo hội bị tước đoạt một cách trắng trợn. Nhức nhối và nghẹn ngào vì, rồi đây, hố sâu ngăn cách giữa lương dân và giáo dân như ngày một roãng ra và sâu thêm. Trong quá khứ, do chiến tranh, do ý thức hệ và do những phức tạp của lịch sử… mối quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội ít nhiều đã có những hiểu nhầm và đầy thử thách. Nhưng bấy lâu nay, trong tâm thức người dân Việt, những khác biệt và xung đột ấy hầu như đã được khép lại và mở ra một tương lai mới, nói một cách hình ảnh thì hai bên đã lấy sợi chỉ thời gian khâu lại vết thương chí tử đó và đã liền sẹo. Nay bổng dưng như bị một cú va đập mạnh khiến cho vết thương cũ tái phát và mưng mũ. Nổi đau về sự phân biệt đối xử, sự kỳ thị và cả những áp bức, cách này hay cách khác, âm thầm hay công khai… tất cả đang được nói tới như một viễn ảnh u ám cho mối hòa khí thân tình của hơn 85 triệu người dân Việt Nam.

Thực ra không ai uốn nói đến những xáo trộn đau đớn này, bởi lịch sử, cái cảnh nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn đã tàn phá và gây mất mát khôn lường cho dân tộc, cho quê hương. Bởi vậy, thao thức trước vận mệnh của đất nước, người Công giáo một lần nữa khẳng định rằng ngọn lửa tình yêu thương phải được nhen nhóm và sưởi ấm những người dân Việt hiền lành. Người Công giáo, theo lời dạy của Bề trên, không làm chính trị, nhưng cũng tỉnh táo để không bị chính trị lợi dụng. Nhưng họ muốn nhân quyền và dân quyền phải được tôn trọng. Những thiết chế về dân quyền được xây dựng trên cơ sở của thiết chế nhân quyền và vì thế không thể lấy hoàn cảnh lịch sử hay tính đặc thù dân tộc mà phủ nhận những giá trị phổ quát của nhân quyền, ít ra là những quyền cơ bản của con người phải được bảo đảm thực hiện như quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, quyền tư hữu về tài sản đất đai…, vì con người có ý thức và có phản tỉnh chứ không phải đã bị rôbốt hóa, đồ vật hóa và phi nhân hóa.

Những thao thức đó khiến người Công giáo khắp nơi tiếp tục cầu nguyện cho công lý và hòa bình được thực thi trên quê hương Việt Nam. Tối Chúa Nhật lễ Mẹ Mân Côi, 05/10/2008, tại giáo xứ Cầu Rầm, TP Vinh, đã tổ chức giờ Chầu Thánh Thể và thắp nến cầu nguyện theo những nội dung được đề cập trên.

Sau thánh lễ, bắt đầu từ 21 giờ, khoảng hơn 2000 người cả trong và ngoài giáo xứ Cầu Rầm, đặc biệt là có rất đông các bạn trẻ, đã hiệp thông và cùng thức với anh chị em giáo dân ở Hà Nội để dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria những lời kinh tiếng hát, những lời nguyện cầu cho ước nguyện chính đáng đó của người dân Việt Nam được thành hiện thực.

Trước khi buổi thắp nến cầu nguyện diễn ra, Cha FX Hoàng Sỹ Hướng, quản xứ Cầu Rầm, đã chiếu những hình ảnh diễn ra tại Tòa Khâm Sứ trong các ngày vừa qua cho toàn thể cộng đoàn hiện diện trong buổi tối hôm đó cùng xem. Những hình ảnh và âm thanh được ghi lại đã phản ánh một cách trung thực sự việc tại Tòa Khâm Sứ và bài phát biểu của Đức Cha Giuse Ngô Quang Kiệt tại UBND TP HN vào ngày 20/10. Một lần nữa người dân được tận mắt chứng kiến những sự thật mà ít nhiều trong số họ đã hiểu nhầm về động cơ và mục đích của Đức Tổng Kiệt do cách truyền thông không trung thực của các cơ quan truyền thông Nhà nước đưa ra. Trong khán giả thấy có những ánh mắt rớm lệ chăm chú theo dõi từng hình ảnh, từng chi tiết được ghi lại. Thật là tương phản quá mức: Một bên là cảnh sát cơ động được trang bị dùi cui, súng ống và chó nghiệp vụ… với những bộ mặt hầm hực tức tối, còn một bên là đông đảo giáo dân hiền lành đứng cầu nguyện dưới trời mưa và chỉ biết nhìn vào Tòa Khâm Sứ mà nghẹn ngào nuốt nước mắt vào tim.

Hơn 2000 con tim hướng về Hà Nội trong âm thầm nguyện cầu: Cầu cho hòa bình và công lý thực sự ngự trị trên quê hương Việt Nam để đẩy lùi bạo lực và gian dối; Cầu cho tình nghĩa đồng bào được mãi mãi bền chặt; Cầu cho các nhà lãnh đạo quốc gia biết tôn trọng những quyền lợi căn bản của người dân, thực sự vì thiện ích chung của người dân mà hành xử cho phải lẽ.

Kết thúc buổi cầu nguyện bằng những lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi: Nguyện ước của người Công giáo không phải là để đưa ra một đòi hỏi về sự chia sẻ quyền lực hay một đường lối chính trị cho bằng những quyền lợi chính đáng của mình được trả lại; hơn thế là để cho Sự Thật và Tình Yêu được nhìn nhận là tiêu chí và cung cách hành xử của Nhà nước đối với nhân dân.

Giuse Văn Học