CHÚNG TA CÓ MỘT ĐỨC VUA


Trong một số xã hội, người ta dị ứng với các từ ngữ “vua, hoàng đế, hoàng thượng”, bởi vì những từ ngữ ấy mang tính “phong kiến”, và cái gì không hay, lạc hậu thì bị gán cho từ “phong kiến”, nhưng dường như chẳng mấy ai ở Việt nam, hiểu cho đúng từ phong kiến nghĩa chính xác là gì. Và nếu được giải thích thì họ cũng thắc mắc “phong tước” để làm gì, tại sao chia đất (kiến…). Việc hiểu lệch lạc các từ ngữ đưa đến cái tai hại là cả một thế hệ, có khi nhiều thế hệ, mang một thành kiến khủng khiếp về những thời đại và những thể chế tự nó là tốt đẹp. Nhưng vương quyền đúng nghĩa thì quả là điều cần thiết cho các xã hội ở mọi thời.

Vương quyền, hiểu theo nghĩa là quyền cai trị do Thiên Chúa trao ban cho một con người, để con người ấy thay mặt Ngài mà cai trị dân Chúa, là một điều tối cần để duy trì các công năng, trật tự và mục đích của xã hội loài người. Chính trong ý nghĩa này mà Thiên Chúa sai các ngôn sứ xức dầu để cắt đặt những người con ưu tú của Israel làm vua cai trị dân Ngài, trong số đó lịch sử dân thánh sẽ không bao giờ phai đi gương mặt Saolê, Đavít, Salomon… Cho dù những vị vua ấy có những lỗi lầm rất “người”, thì uy quyền của họ, do lòng vâng phục Thiên Chúa, vẫn mãi còn được nhắc đến. Chúa Giêsu thì được chính Thiên Chúa Cha xức dầu tự đời đời để được làm Ngôn Sứ bởi Người là Ngôi Lời, làm Vua cai trị muôn loài vì Người đồng bản tính với Chúa Cha, và làm Tư tế vì Người là Đấng Cứu độ. Vậy vương quyền của Chúa chúng ta có gì khác biệt so với các vua chúa trần gian?

Thứ nhất, Chúa Kytô là vị Vua duy nhất bị đánh, bị vả vào khuôn mặt chí thánh của mình mà vẫn bình tĩnh dịu dàng. Uy hùng của vị Vua ấy đã làm cho dân chúng tụ họp lại và lắng nghe. Uy hùng của Người cũng làm cho quân dữ lùi lại và ngã xuống đất. Thế nhưng, Người cũng dịu dàng đến nỗi khi bị môn đệ từ chối đến ba lần, vẫn ngoái nhìn đầy yêu thương. Khi bị vả và bị nhổ vào gương mặt mình, Người vẫn bình tĩnh chịu đựng. Chính vị Vua cao cả của chúng ta làm gương cho các mục tử về việc thực thi điều mình rao giảng. Gương mặt vinh hiển của ngày biến hình trên núi Tabor đã biến đi mất khi Chúa bị đối xử “như tên trộm cướp”, khi Chúa bị đem làm trò cười cho thiên hạ nhạo báng. Người phải có tâm hồn hiền lành và khiêm nhượng vô song mới có thể sống như một vị Vua âm thầm đến thế.

Thứ hai, Chúa Kytô là vị Vua duy nhất bị đóng đinh vào thập giá mà vẫn tha thứ cho những kẻ kết án và đóng đinh Người. “Xin Cha tha thứ cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Các vua chúa trần gian thì không ai dám ngẩng nhìn, chứ chưa nói đến việc đụng vào họ. Các vua chúa trần gian thì dùng vũ lực để trấn áp bất cứ ai muốn đòi lại quyền lợi, dù chính đáng. Vua Kytô của chúng ta thì dùng vương trượng là sự nhân từ và triều thiên là mão gai đau đớn, để cảm thông với con người và làm lễ tế cứu độ con người.

Thứ ba, Chúa Kytô là vị Vua duy nhất kiên nhẫn đợi chờ, cho dù khi con cái của mình đang bị “các thế lực thù địch” bách hại. Hãy tưởng tượng khi một hoàng tử của một vương quốc bị bách hại thì điều gì sẽ xảy ra. Nhưng Đức Vua Kytô lại không hành xử theo kiều vua chúa trần gian. Tại sao vậy? Bởi vì Người là vua nhân từ, Người yêu cả những đứa con hoang đàng và tàn độc. Những con người kia cũng là con cái của Thiên Chúa. Người muốn hoán cải họ chứ không tiêu diệt. Người không nỡ tiêu huỷ công trình Thiên Chúa Cha sáng tạo. Người hành xử như Lời Thánh Kinh “Người không nỡ dập tắt tim đèn còn khói”. Đàng khác, Người muốn cho con cái mình hiểu rằng những bách hại, đau đớn ấy sẽ không là gì so với vinh quang Thiên Quốc mà họ tận hưởng với Người sau này. Và khi con cái Người bị hãm hại, chính Người ra tay nâng đỡ và không quân thù nào có thể chiến thắng được.

Điều thứ tư đáng chúng ta suy ngắm và cũng là điều quan trọng nhất. Chúa Kytô là vị Vua duy nhất có quyền thống trị đến muôn ngàn đời, và vinh quang Người sẽ không bao giờ tắt. Vinh quang của Thiên Chúa chiếu toả từ muôn đời, và khi Ngôi Lời nhập thể, các vua chúa trần gian phải run sợ tìm đến. “Chúng tôi đã nhìn thấy ngôi sao của Người ở phương Đông và chúng tôi đến triều bái Người”. Vinh quang ấy chiếu toả rạng ngời vào ngày Phục Sinh, để chia sẻ cho nhân loại được cứu độ. Vinh quang của Ngài sẽ biểu lộ trọn vẹn cho dân thánh ngày Vua Kytô quang lâm. Vinh quang ấy sẽ muôn đời không bao giờ tắt, vì bóng tối không bao giờ che được ánh sáng, vì những bàn tay nhỏ bé của con người chỉ che được bóng đèn chứ không che khuất ánh mặt trời, vì sẽ đến một ngày mà quỉ vương và đồ đệ của chúng phải được khoá lại để “công lý và hoà bình viên mãn” mà Thiên Chúa báo trước không còn bị quấy nhiễu nữa.

Mừng Lễ Chúa Kytô Vua, Giáo Hội muốn con cái mình tôn vinh vương quyền của Người, và nhờ đó, con cái Giáo Hội vững tin chờ ngày Người quang lâm. Và khi tôn vinh Vua Giêsu, thì Mẹ của Người, người phụ nữ của Tân Ước, cũng được chiêm ngắm như mẫu gương sống động của việc thực thi sứ điệp Tin Mừng. Xin Mẹ dạy chúng con sống khiêm hạ và nhân hiền như Vua Thánh, Con của Mẹ, “để nhờ lời bầu cử chí thánh và công nghiệp của Mẹ, mọi việc con làm đều được hướng dẫn và được qui định theo Ý Con Mẹ và Ý Mẹ. Amen” (trích Kinh sáng của chủng sinh giáo phận Vĩnh Long).

Gioan Lê Quang Vinh