-
Moderator
T - Tình Yêu Trong Gia Đình
TÌNH YÊU TRONG GIA ÐÌNH
1. GIA ÐÌNH LÀ HÌNH ẢNH CỦA BA NGÔI THIÊN CHÚA
Nếu con người là hình ảnh của Thiên Chúa, thì có thể nói rằng gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa sống đơn độc, mà là một Thiên Chúa mang tính gia đình, trong đó Ba Ngôi khác biệt nhau nhưng yêu thương nhau, sống chung, làm việc chung, và kết hợp với nhau thắm thiết như trong một gia đình, tới mức độ tuy là Ba Ngôi nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì "Tập Thể Ba Ngôi" là một môi trường để Ba Ngôi Thiên Chúa thể hiện tình yêu của mình với nhau. Vì Ba Ngôi yêu thương nhau vô cùng, nên sự hiệp nhất của Ba Ngôi đạt được mức độ tối đa là trở thành một Thiên Chúa duy nhất. Tình yêu và sự hiệp nhất ấy tạo nên thiên đàng hay hạnh phúc của Ba Ngôi.
Cũng vậy, nếu gia đình là hình ảnh của Ba Ngôi, thì mọi thành viên trong đó phải yêu thương nhau, hòa hợp với nhau đến mức hiệp nhất với nhau. Nhờ đó gia đình trở thành một thiên đàng tại thế. Như vậy, mọi thành viên của gia đình đã được hưởng nếm trước phần nào hạnh phúc của thiên đàng mai sau. Hạnh phúc trong những gia đình yêu thương nhau - được biểu lộ và hình thành cụ thể bằng việc quan tâm, lo lắng và hy sinh cho nhau - chính là hình ảnh trung thực của thiên đàng vĩnh cửu. Trái lại, nếu các thành viên trong gia đình không yêu thương nhau, không sẵn sàng hy sinh cho nhau, thì họ sẽ biến gia đình thành hỏa ngục tại thế, là hình ảnh của hỏa ngục vĩnh cửu. Trong 8 cái khổ mà Ðức Phật kể ra, có cái khổ gọi là "oán tắng hội khổ", nghĩa là khổ vì không ưa nhau, ghét nhau mà lại phải sống chung với nhau.
2. TÍNH ÍCH KỶ, NGUỒN GỐC BẤT HẠNH CỦA MỌI GIA ÐÌNH
Nhìn vào bất cứ một gia đình bất hạnh nào - nghĩa là một gia đình không hạnh phúc - ta luôn luôn thấy bóng dáng tính ích kỷ của một thành viên nào đó trong gia đình. Chính tính ích kỷ của thành viên này là nguồn gây nên đau khổ trong gia đình. Nếu thành viên ích kỷ ấy là người cha hay người mẹ, thì đau khổ trong nhà sẽ hết sức lớn lao. Gia đình nào càng có nhiều người ích kỷ, gia đình ấy càng bất hạnh. Gia đình mà càng có nhiều người sống vị tha, biết hy sinh cho người khác, gia đình ấy càng ít bất hạnh. Một gia đình mà mọi thành viên đều vị tha, đều quan tâm, chăm sóc và hy sinh cho nhau, đều sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho nhau, gia đình ấy chắc chắn hạnh phúc.
Câu chuyện minh họa về thiên đàng và hỏa ngục sau đây thật phù hợp với thiên đàng và hỏa ngục của gia đình. Cả thiên đàng và hỏa ngục đều dùng bữa với những thức ăn y như nhau, trong khung cảnh giống y hệt nhau, trong đó mỗi người đều phải dùng một đôi đũa dài cả thước để ăn. Thiên đàng và hỏa ngục chỉ khác nhau ở chỗ này: trên thiên đàng, mọi người không ai tự gắp thức ăn cho mình, mà gắp cho người khác ăn, vì thế, ai cũng được ăn no. Còn trong hỏa ngục, mọi người chỉ biết nghĩ đến mình, chỉ biết gắp thức ăn cho mình, nhưng vì đũa quá dài, chẳng ai gắp cho mình được gì cả, thế rồi chẳng ai được no, hết giờ ăn mà đói vẫn hoàn đói, từ đó họ trở nên căm thù nhau.
Cũng vậy, trong gia đình, không ai tự tạo hạnh phúc cho mình được mà không cần đến người khác, nên nếu ai cũng chỉ biết lo cho hạnh phúc của mình, thì chẳng ai hạnh phúc cả, và rồi sẽ phát sinh đủ thứ đau khổ. Tuy nhiên trong gia đình, người ta có thể tạo hạnh phúc cho người khác, vì thế, nếu mọi người trong nhà đều biết lo cho nhau, tạo hạnh phúc cho nhau, thì ai nấy đều hạnh phúc.
Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình thương, nên bản chất của con người cũng là tình thương. Vì thế, chỉ khi con người sống phù hợp với bản tính của mình là yêu thương, và thể hiện cụ thể tình yêu thương ấy với những người chung quanh, thì con người mới hạnh phúc. Nếu con người sống ích kỷ, tức ngược lại bản chất yêu thương của mình, con người sẽ đau khổ và làm cho những người chung quanh đau khổ.
3. LÀM SAO ÐỂ CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG ?
Nhưng làm sao người ta có thể yêu thương nếu không có một động lực, một nguồn yêu thương ngay từ trong lòng mình phát xuất ra ? Làm sao có được nguồn yêu thương ấy ? - Vì "tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa" ( 1 Ga 4, 7 ), nên chính "Thiên Chúa là nguồn yêu thương" ( 2 Cr 13, 11 ). Vì thế, muốn yêu thương, muốn loại trừ tính vị kỷ, con người phải kết hợp làm một với Thiên Chúa, nguồn tình thương. Kết hợp với Thiên Chúa là luôn luôn ý thức rằng mình "là hình ảnh của Thiên Chúa" ( St 1, 27; 9, 6; Ep 4, 24 ), được tạo dựng giống như Thiên Chúa ( x. St 1, 26; 5, 1 ), và "được thông phần bản tính của Thiên Chúa" ( 2 Pr 1, 4 ), một Thiên Chúa mà bản chất là yêu thương ( x.1 Ga 4, 8.16 ).
Nếu bản chất của Thiên Chúa là yêu thương, mà ta giống Ngài, là hình ảnh của Ngài, được thông phần bản tính Ngài, tất nhiên bản chất của ta cũng là yêu thương. Ta không yêu thương hay không yêu thương đủ, là ta sống không đúng với bản chất của ta. Nhờ thường xuyên ý thức như thế, tình yêu và sức mạnh của tình yêu ngày càng lớn mạnh trong ta, khiến ta ngày càng yêu thương mọi người cách dễ dàng, và sẵn sàng làm tất cả để mọi người được hạnh phúc. Sống đúng với bản chất của mình là yêu thương, là hình ảnh Thiên Chúa, chính là sống thánh thiện.
4. GIA ÐÌNH LÀ TRƯỜNG THỰC TẬP YÊU THƯƠNG
Ðể giúp con người có một môi trường thuận lợi để phát triển và thực tập tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng và đặt con người sống trong gia đình. Khi vừa sinh ra, mọi người đều nhận được một tình thương dồi dào, vô điều kiện và vô vị lợi của cha mẹ - một tình yêu thuộc loại tốt đẹp nhất trên thế gian - đồng thời được mời gọi đáp lại tình yêu thương ấy. Ðó là một bài tập hết sức dễ dàng về yêu thương mà mỗi người đều có thể thực tập ngay từ thuở nhỏ. Không gì dễ dàng bằng yêu thương người đã hết lòng yêu thương mình và hy sinh cho mình. Tình yêu đáp trả này tự phát sinh do mình nhận được từ cha mẹ mình quá nhiều. Ðây là thứ tình yêu nhận nhiều hơn cho.
Lớn lên một chút, mỗi người khám phá ra, ngoài cha mẹ mình, thì các anh chị em mình cũng yêu thương mình bằng một tình yêu tương đối vô vị lợi. Với tình yêu này, con người phải tập cho nhiều hơn và nhận ít hơn so với tình yêu đối với cha mẹ. Ngoài gia đình, mỗi người còn có bạn bè do chính mình chủ động chọn lựa và yêu thương.
Ðến khi trưởng thành, con người có tình yêu hôn nhân. Tình yêu này là một tình yêu do mình chọn lựa và tương đối có điều kiện: mình yêu và đòi hỏi người kia phải yêu lại, nếu đơn phương thì tình yêu sẽ khó tồn tại. Con người chủ động hiến thân và hy sinh cho người mình yêu với một ý chí tương đối tự do.
Ðến khi có con cái, con người tự nhiên yêu thương con bằng một tình yêu vô vị lợi, vô điều kiện, không lựa chọn. Ðó là tình yêu cao cả nhất và phản ảnh trung thực nhất tình yêu của Thiên Chúa mà con người kinh nghiệm được trong đời sống gia đình.
Như vậy con người thực tập yêu thương - từ dễ đến khó - trong môi trường gia đình. Trong gia đình, con người kinh nghiệm tình yêu một cách tự nhiên và sâu xa: con người được yêu và chủ động yêu, nhận hy sinh từ người khác và chính mình cũng hy sinh cho người khác.
Thế nhưng con người còn được mời gọi yêu một cách rộng rãi hơn, vượt khỏi phạm vi gia đình, để đến với những người ngoài, không ruột thịt máu mủ. Các tín đồ trong các tôn giáo, đặc biệt người Ki-tô hữu, còn được mời gọi yêu thương cả những người không hề quen biết, thậm chí cả kẻ thù. Yêu như thế khó hơn rất nhiều, nhưng nhờ áp dụng những kinh nghiệm về yêu thương đã có trong gia đình, việc yêu thương người ngoài gia đình, thậm chí kẻ thù, trở nên khả thi hơn.
Như vậy, vai trò của gia đình trong việc đào luyện tình yêu cho con người thật hết sức quan trọng, không gì thay thế được.
Nếu những người trong gia đình - là những người cùng máu mủ ruột thịt, những người tự nhiên yêu thương ta nhất và ta dễ yêu thương nhất - mà ta không yêu thương được, thì làm sao ta có thể yêu những người xa lạ, những người khó có cảm tình, nhất là những người thường gây bất lợi cho ta ?
Kinh nghiệm cho tôi thấy, những ai đối xử đã không tốt với chính cha mẹ, với vợ, với chồng, với con cái, với anh em mình, thì khi họ đối xử tốt với những người khác, sự tốt ấy thật đáng nghi ngờ ! Rất có thể chỉ là giả tạo để đạt một mục đích nào đó, chứ không thể là thực tình được ! Vậy, các bậc cha mẹ hãy cho con cái mình những kinh nghiệm về yêu thương tốt đẹp nhất có thể. Ðó là những gì tốt đẹp nhất mà họ có thể làm cho con cái họ!
Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ và Thánh Giu-se đã làm cho gia đình của mình trở thành một gia đình gương mẫu vì mọi trong đó đều yêu thương nhau. Xin cho mọi người trong gia đình con thực tập từ bỏ tính ích kỷ để biết yêu thương nhiều hơn, hy sinh cho nhau nhiều hơn, để nên thánh thiện hơn.
Gs. NGUYỄN CHÍNH KẾT
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules