-
Moderator
DĐ - Đón Chúa Đến Qua Anh Em
Đón Chúa Đến Qua Anh Em
Đón chờ Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần là dịp tốt để mỗi tâm hồn thiện chí tự vấn về thái độ sống của mình trong tương quan với Thiên Chúa và anh em. Ý thức về thái độ sống này được khởi đi từ ý nghĩa thâm sâu của sự kiện Nhập Thể trong việc thúc đẩy, kết liên tâm tình giữa con người; qua đó, giúp họ nâng mình lên tới Đấng Tình Yêu đang đến. Điều này cũng đòi hỏi nơi mỗi người nỗ lực đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa qua chính đời sống được thể hiện bằng những nghĩa cử cao đẹp dành cho đồng loại.
Tin Mừng Chúa Nhật I và II Mùa Vọng đã vạch ra cho chúng ta định hướng chung nhất, hầu có thể dọn lòng đón rước Chúa đến với tâm hồn thánh thiện, ngay thẳng trong một tâm thế sẵn sàng. Và không chỉ dừng lại ở đó, Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng tiếp tục triển khai và chỉ cho chúng ta phương thế cụ thể trong khi đón chờ Chúa đến. Điều quan trọng là chúng ta có biết mở lòng để lắng nghe Lời chỉ bảo thánh thiêng đang vọng lên từ biết bao mảnh đời, cảnh đời chung quanh. Chính thực trạng ấy trong cuộc sống đang mở ra cho chúng ta một lối nhìn, lối cảm, lối hành động để có thể đáp trả tương xứng với sứ điệp của tình yêu cứu độ. Như vậy, điều mà Gioan trả lời cho câu hỏi của đám dân xưa đến xin ông làm phép rửa “chúng tôi phải làm gì ?” (Lc 3, 10), vẫn còn nguyên tính thời sự đối với nhân loại hôm nay.
Bấy giờ dân chúng lũ lượt đến xin ông Gioan làm phép rửa, họ hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì ?”. Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy. Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì ?” Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh”. Binh lính cũng hỏi ông: Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì ?” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình” (Lc 3, 10 – 14).
Người Kitô hữu hôm nay đã được tái sinh trong Phép rửa của Đức Kitô cũng đang tự vấn “Tôi phải làm gì ?” để được vững vàng ra nghênh đón “Đấng muôn dân từng mong đợi” trong ngày Người tái lâm vinh hiển. Đối với nhân loại nói chung, cứ mỗi dịp Giáng Sinh gần đến, tuỳ hoàn cảnh mỗi quốc gia, địa phương…mà người ta định ra những phương hướng, kế hoạch, chương trình cho ngày Giáng Sinh được vui vẻ, long trọng; qua đó chứng tỏ thiện chí hội nhập cùng cộng đồng trong một lễ hội tôn giáo tầm cỡ. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại như một hành động xã hội khi các chủ thể hành động ấy chưa nhận diện, lưu tâm và thực thi theo lời mời nồng nhiệt từ Thiên Chúa làm người. Ngài đến với con người và muốn cho tất cả chúng ta trở nên anh chị em một nhà trong tình yêu của Cha trên trời qua Đấng Cứu Độ. Như vậy, việc chúng ta muốn được quy hướng trong mối tương giao mật thiết với Gia đình Thiên Chúa không thể bỏ qua sự lưu tâm, chia sẻ, hy sinh cho hạnh phúc của anh em mình. Bởi chính tha nhân là dấu chỉ toát lộ vẻ đẹp của Đấng cứu tinh, nghèo hèn, bé mọn trong thân phận con người, nhưng huyền nhiệm, đẹp đẽ trong chính phẩm giá thần linh. Phẩm giá ấy sẽ được ngời sáng diệu kỳ khi được thắp lên bởi tinh thần chia sẻ hào hiệp giữa con người trong sự bổ trợ tương liên: “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy” (Lc 3, 11). Sức sống và uy dũng nơi con Thiên Chúa giáng trần chính là tinh thần tận hiến trao ban tuyệt đối khởi đi từ tình yêu.
Người ta chỉ có thể đến với Ngài bằng con đường tình yêu tha nhân, xả thân cho đi những gì mình đang có vì mục tiêu làm sống động, tôn vinh vẻ của một Thiên Chúa nghèo, một Đấng Cứu Độ dám chấp nhận đau khổ khi gánh lấy thân phận con người. Sẽ là nghịch lý và trớ trêu khi một tổ chức nào đó lợi dụng việc “đón Giáng Sinh” để tạo ra những nguồn lợi kinh tế khổng lồ từ sức lao động của những con người bần cùng; và những sản phẩm xa xỉ làm ra do bởi mồ hôi của những người này chỉ phục vụ cho một bộ phận các “đại gia” trong dịp Giáng Sinh. Sẽ là phản chứng khi người ta rậm rịch với các chương trình “đại tiệc”, “đại canh thức” trong đêm Noel, nhưng lại cố tình lảng tránh không đoái hoài đến lời van nài một chút hảo tâm từ các trại khuyết tật, mồ côi, dưỡng lão… Đấng mà người ta đang chờ đợi sẽ không ngự đến giữa những cõi lòng khép kín từ tâm, khước từ Ngài trong thái độ vô cảm, vô nhân với anh em.
Trong môi trường sống của thế giới, xã hội hôm nay còn đầy rẫy, những bất công, gian dối, lời mời gọi của Mùa Vọng qua Tin Mừng Luca cũng thức tỉnh con người về lối hành xử không hợp lẽ phải đối với anh em. Một Thiên Chúa là cội nguồn của Công Thẳng , Chân Lý làm sao có thể chung vai sát cách với sự giả trá trước anh em, áp chế đồng loại mình. Người ta muốn nhân cơ hội Giáng Sinh đến để bày tỏ một vài dấu chỉ thiện chí bên ngoài cho thấy sự đối thoại, hợp tác; nhưng trên thực tế, quyền lợi thiết thực hiển nhiên của cộng đồng tôn giáo và xã hội nói chung vẫn tiếp tục bị kìm hãm, chèn ép, đi ngược lại mục tiêu hoà giải, công ích mà biết bao người đang khao khát mong chờ. Niềm vui Giáng Sinh sẽ trọn vẹn, muôn tâm hồn sẽ cùng giao hảo trong mối giây thông hiệp với Thái Tử Hoà Bình khi Ngài ngự đến, nếu mỗi người biết chia sớt phần lợi bản thân cho anh em mình, biết vì anh em mà tôn trọng triệt để, tuân thủ nghiêm khắc
“ …Đừng đòi hỏi gì quá mức ấn định cho các anh…Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người, hãy bằng lòng với đồng lương của mình” (Lc 3, 13b.4b).
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
(Đại Chủng viện Vinh – Thanh)
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules