Mùa Thương Khó



Trong chu kỳ của một năm, cùng với bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông thay nhau đắp đổi, người công giáo Việt Nam còn có một mùa phụng vụ được gọi là “Mùa Thương khó”. Với những điệu ngắm ngân nga, tha thiết, “Ngắm sự thương khó Chúa” là một di sản đức tin và văn hoá, để lại dấu ấn sâu sắc nơi đời sống các tín hữu, nhất là những giáo phận có truyền thống Dòng Đa-minh tại miền Bắc.

Mùa Thương khó thường trùng vào tiết xuân, nên phần nào ảm đạm vì ít khi có ánh nắng mặt trời. Những cơn mưa phùn dai dẳng càng làm tăng thêm tính chất “thương khó” của câu kinh cầu nguyện, nghe vừa thê lương vừa trầm lắng. Trong những năm tháng khó khăn, những hình thức đạo đức bình dân này đã giúp các tín hữu kiên cường trong đức tin. Những điệu ngắm câu kinh đã ăn sâu vào lòng người, chuyển tải lòng đạo đức, mang đậm chất văn hoá quê hương, để rồi những người xa quê mỗi khi đến mùa Thương khó lại thấy nao lòng, như hoài niệm về một quá khứ êm đẹp, thanh bình. Thực thế, còn hình ảnh nào thanh bình hơn một làng quê Việt Nam trong mùa lễ hội, với những đoàn rước, với những màu áo sặc sỡ và nhất là với lòng cung kính trang nghiêm?

- Mùa Thương khó nhắc lại cuộc khổ nạn của Đức Giêsu.

Suy ngắm sự thương khó là một trong những điểm nhấn quan trọng đối với các tín hữu. Các hình thức suy ngắm bao gồm: Ngắm sự thương khó Chúa (mười lăm ngắm), ngắm Dấu đanh (bảy ngắm) Dâng hạt, Giảng sự thương khó Đức Chúa Giêsu, Than hang đá. Mỗi hình thức suy niệm trên đây đều mang một cung giọng riêng, với những suy tư sâu sắc giúp người tín hữu tham dự vào mầu nhiệm khổ nạn của Đức Giêsu. Phỏng theo nội dung Tin Mừng, những điệu ngắm ngân nga, trầm bổng kể lại cuộc khổ hình mà Con Thiên Chúa đã chịu. Hành trình thập giá khởi đầu từ dinh Philatô, rồi những trận đòn, mão gai, những lời chế nhạo nhục mạ và cuối cùng là khổ hình thập giá. Mỗi suy niệm đều mời gọi người tín hữu nhìn lên thập giá để cảm nghiệm tình thương yêu của Chúa đối với nhân loại, vì Con Thiên Chúa đã chịu khổ hình để đền thay cho chúng ta. Những ngôn từ mang nét văn hóa cổ xưa, nhưng rất sâu sắc về ý nghĩa, gần gũi về văn phong, dễ lay động lòng người.

- Mùa Thương khó mời gọi canh tân cuộc đời.

Khi chiêm ngưỡng và tôn thờ Đức Giêsu trên thập giá, những gợi ý suy niệm nhắc nhở chúng ta hãy nhìn lại mình để ăn năn sám hối trở về với Chúa. Những hình ảnh, những cách ví von rất phong phú sinh động và mang đậm nét nhân văn, vì nó giúp ta liên tưởng đến những khuyết điểm trong cuộc sống, kêu gọi chúng ta hãy canh tân cuộc đời. Như con sâu xấu xí cần lột xác để trở thành con bướm xinh tươi, hành trình sám hối cần phải trải qua hy sinh, từ bỏ. Quả thực, có thành công nào mà không phải đánh đổi bằng những cố gắng? có vinh quang nào mà không phải qua những khổ đau? “Cùng với Chúa Kitô, anh chị em đã được mai táng trong bí tích Thanh tẩy, và anh chị em cũng được sống lại với Người” (Cl 2,12). Khi suy ngắm sự thương khó Chúa, người tín hữu chấp nhận hy sinh để từ bỏ tội lỗi, chết đi cho con người cũ của mình, mặc lấy con người mới được tỏa ánh vinh quang của Đấng Phục sinh.

Những suy tư mùa Thương khó vừa riêng tư vừa mang tính cộng đoàn, được đọc lên cho mọi người suy niệm và tìm thấy ở đó những lời khuyên cần thiết, giúp ta mến Chúa yêu người. Chính từ cộng đoàn phụng vụ mà người tín hữu học được tình liên đới, đồng thời nhận ra tội không chỉ xúc phạm đến Chúa, nhưng còn xúc phạm đến anh chị em và làm tổn thương hình ảnh tươi sáng của Giáo Hội. Những suy tư mùa Thương khó thường đi kèm với việc lĩnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích hòa giải. Mùa Thương khó cũng là dịp để nghĩ đến “sự thương khó” của những anh chị em nghèo túng bất hạnh và giúp đỡ họ bằng những việc từ thiện bác ái. Đây là hình thức “đền tội” theo truyền thống để nhờ đó các tín hữu tìm được sự bình an nội tâm với sự thanh thản an bình để chuẩn bị mừng lễ Phục sinh.

- Mùa Thương khó hướng chúng ta tới màu nhiệm Phục sinh.

Thế rồi “sau cơn mưa trời bừng sáng”, mùa Thương khó u sầu ảm đạm cũng có lúc chấm dứt để nhường chỗ cho ánh sáng huy hoàng của ngày Phục sinh. Ngôn ngữ bình dân gọi lễ Phục sinh là “Lễ Ra mùa”. “Ra mùa” là bước ra khỏi thời gian chay tịnh sám hối với lời ca Alleluia, hân hoan mừng Chúa sống lại. Lễ Ra mùa ở miền Bắc trùng vào dịp khởi đầu những cơn mưa rào tưới gội đất đai và làm cho con người mát mẻ và cho cây sinh hoa thơm trái ngọt. Đó cũng là thời điểm mặt trời bừng sáng, không còn bị mây che trong những ngày mưa phùn ảm đạm. Đức Giêsu phục sinh từ giữa những kẻ chết, đưa họ đến với ánh sáng sự sống và mặc cho họ hào quang vinh hiển. Sau những hy sinh hãm mình của mùa Chay, tâm hồn người tín hữu được đổi mới và thanh thản tươi vui. Họ đã được sống lại với Đức Giêsu. “Nếu anh em đã được sống lại làm một với Đức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những sự cao siêu trên trời, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1). Người tín hữu được phục sinh, tuy còn sống dưới thế, nhưng tâm hồn họ được nâng lên, nhờ đó họ sống cao thượng và quảng đại hơn. Sau một thời sống kiếp sâu bọ, con bướm hồi sinh với sắc màu rực rỡ tung bay tô điểm cho vườn hoa cuộc đời. Sau những ngày sám hối ăn năn, giã từ quá khứ tội lỗi để canh tân hối cải, người tín hữu sống lại trong ánh sáng Đấng Phục Sinh, lạc quan sống đời nhân chứng, gieo mầm yêu thương đến mọi phương trời.

Mùa Thương khó thật ý nghĩa và cần thiết đối với người tín hữu, giữa những ồn ào, bon chen của cuộc sống. Đó cũng là khoảng lặng cần thiết để chúng ta dễ trở về với Chúa và với tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con thờ lạy Chúa, vì Chúa đã dùng thập giá mà cứu chuộc chúng con. Amen.


+Gm Giuse Vũ Văn Thiên