Giáo hội không thể làm tôi hai chủ




Là học giả ngoài Công giáo, tôi không có ý kiến về việc Giáo hội tại Trung Quốc nên hoạt động như thế nào hay ai mới có quyền bổ nhiệm giám mục. Tôi chỉ hy vọng người Công giáo sống tốt đạo đẹp đời, và giáo huấn của Giáo hội được tôn trọng.

Tuy nhiên, nhiều vụ phong chức giám mục diễn ra gần đây đã dẫn đến hành động kỷ luật hiếm thấy của tổ chức quản lý cao nhất trong Giáo hội hoàn vũ cũng như gây bất bình và chia rẽ giữa các giáo sĩ và tín hữu đại lục. Đây là điều rất đáng tiếc.

Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy Trung Quốc theo đuổi nguyên tắc tách rời Giáo hội khỏi nhà nước. Đạo Công giáo không phải là quốc giáo và các vấn đề của Giáo hội không phải là vấn đề của nhà nước. Nước này không nên quản lý Giáo hội và chức sắc tôn giáo không nên giữ chức vụ trong các tổ chức chính trị.

Công việc của Giáo hội nên được chính Giáo hội giải quyết. Với tư cách là nhà quản lý xã hội, chính quyền có quyền và bổn phận giám sát Giáo hội theo luật pháp, nhưng chỉ nên giới hạn sự giám sát của mình ở mức đó thôi không nên đi quá xa nữa. Hầu hết các nước trên thế giới đều làm như vậy.

Nhưng tại Trung Quốc, một số người nghĩ luôn luôn có một thế lực nội bộ tồn tại. Nó không yêu quý Trung Quốc tân thời được các tiền nhân cách mạng thành lập qua nhiều thập niên đấu tranh gian khổ và đổ máu, hay những thành quả nổi bật đã đạt được trong chính sách cải cách và mở cửa.

Nó đi ngược nguyên tắc của chủ nghĩa Mác về tôn giáo và đảo lộn đường lối cách mạng Trung Quốc. Nó cố tình lôi kéo chính phủ vào cảnh xung đột tôn giáo, làm một việc mà không chính phủ nào trên thế giới muốn làm.

Tôi nhớ một bộ phim nói về Liên Xô cũ tôi xem cách đây đã lâu. Có một tình tiết để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc. Quân địch lẻn vào phe Bônsêvíc xúi giục cộng sản chống cộng sản. Hành động đó mang tính cách mạng hơn bất kỳ người nào khác. Bọn họ đẩy cách mạng rơi vào ảo tưởng cực đoan của phe cánh tả, cố ý lật đổ chế độ Xô Viết.

Những vụ việc gần đây liên quan đến các vụ phong chức giám mục làm phương hại bầu khí xây dựng xã hội hòa thuận và cản trở việc duy trì tính ổn định xã hội chung. Lịch sử đã nhiều lần cho chúng ta biết tai họa của phe cánh tả là làm hại đất nước.

Bất kỳ lý do ủng hộ việc “tự bầu và tự phong giám mục” nào, bất chấp “chủ quyền” hay “quyền tự do tôn giáo”, đều nhu nhược, buồn cười và không đáng bác bẻ. Mặc dù nhiều việc trở nên rất phức tạp khi xảy ra tại Trung Quốc, nhưng người dân đã có được một số kinh nghiệm và có các tiêu chuẩn đơn giản để đánh giá.

Việc này có cần chọn đúng thời điểm thích hợp để tránh né các sự kiện lớn trong nước và quốc tế không? Có công khai và minh bạch không? Có được phép phỏng vấn, đưa tin và thảo luận không? Nó có nâng cao hình ảnh của đất nước trong cộng đồng quốc tế không? Có nhận được sự hỗ trợ thật lòng từ những người quan tâm hay không? Và vân vân. Nếu chúng ta đánh giá các vụ tự bầu và tự phong giám mục gần đây theo những quan điểm này, thì không rõ ràng hay sao?

Người ta thấy khó hiểu một số việc làm trong Giáo hội Trung Quốc. Chẳng hạn, khi đưa ra hai khái niệm hoàn toàn mâu thuẫn về cùng một văn kiện – “độc lập và tự quản” và “hiệp thông với đấng kế vị Thánh Phêrô”; hội đồng giám mục không hề triệu tập đại hội đồng và chủ tịch hội đồng giám mục không hề đưa ra bất kỳ tuyên cáo hay phản ứng nào về những vấn đề lớn như vạ tuyệt thông và tình hình hỗn loạn hiện nay.

Điều nên im lặng thì không giữ im lặng, và điều không nên giữ im lặng lại giữ im lặng.

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng đất nước thuộc về chúng ta. Hỗn loạn sẽ không làm kẻ địch xáo trộn, nhưng sẽ làm cho chính chúng ta bị xáo trộn.

Ren Yanli trưởng ban Nghiên cứu Kitô giáo của Viện Tôn giáo thế giới tại Học viên khoa học xã hội ở Bắc Kinh trước khi về hưu năm 2005. Ông là nhà nghiên cứu tại viện này, vốn là nhóm chuyên gia cố vấn của chính phủ Trung Quốc, từ thập niên 1980 và lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Thánh Tâm Công giáo ở Milan, Ý, năm 2001.



Ren Yanli