Bài của Lê Xuân Nhuận
Thuở nhỏ, tôi thường được bà dẫn đi qua rạp hát bội An Cựu, sau chợ An Cựu (thuộc Phường Phú-Nhuận, Thành-Phố Huế) để xem "hát bội".
Trình-diễn hầu như thường-trực tại đây là Đoàn "Kim Sanh", một đoàn cải-lương "cải-lương", nghĩa là "cải-lương Nam-Kỳ" nhưng theo lối Huế (đối-thoại cũng như hát theo các điệu cải-lương Miền Nam mà dùng thổ-ngữ Huế và giọng Huế).
Sau này tôi có được xem một số vở tuồng cải-lương hát theo giọng Bắc; nhờ được trình-diễn trong Nam cũng như thực-hiện trên Đài truyền-thanh & truyền-hình phổ-biến toàn-quốc, nên "cải-lương Bắc-Kỳ" được nhiều người biết đến; còn về "cải-lương Huế" thì hầu như ít người nhớ đến. Tôi gọi nó là "cải-lương Huế" vì nó chỉ được trình-diễn bằng giọng Huế và nhiều nhất ở Huế, chứ không phải khắp Miền Trung, nên không phải là "cải-lương Trung-Kỳ".
Nói là "cải-lương Huế" nhưng thật ra thì không ai gọi nó là "cải-lương Huế" cả. Người Huế gọi nó là "Kim Sanh", tên của đoàn hát. Vì những lời nói cũng như lời hát đều rất là "tuồng", nghĩa là văn-hoa, du-dương, khác với ngôn-ngữ thông-thường ngoài đời, cho nên khi nào nghe một người nào nói-năng có vẻ bay-bướm mà người ta, hoặc thấy hay, hoặc không ưa, thì người ta kêu lên, thí-dụ: "Thôi đừng kim-sanh nữa, mi!" Danh-từ Kim Sanh, tên của đoàn hát, đã được dùng như tính-từ để chỉ tính-cách "văn-chương" trong các tiểu-thuyết diễm-tình.
Tôi nhớ có tuồng diễn chuyện một anh con nhà phú-nông được đi du-học bên Pháp, khi đã thành-tài trở về mang theo một cô vợ đầm. Cả nhà họp mặt chờ đón, đến khi nàng dâu dân Pháp chìa tay bắt tay và định ôm hôn "ông gia" thì mọi người đều thất-kinh; "bà gia" chỉ tay vào mặt con mình mà hát: " Mả cha mày, đồ quân bất-hiếu!..."
Kim-Sanh tồn-tại vào khoảng cuối thập-niên 1930 đến đầu thập-niên 1940, đã diễn nhiều vở giá-trị, với các diễn-viên xuất-sắc, đắt khách đến nỗi đã có thêm một đoàn hát thứ hai, tên là Kim-Thịnh. Nhưng Kim-Sanh thì nổi bật hơn...
*
Sau khi quân Pháp đổ bộ vào Huế, từ đầu năm 1947, đồng-bào các giới, trong đó có một số văn-nghệ-sĩ, lần-lượt hồi-cư, để tránh tai-hoạ chiến-tranh tiếp-diễn ở vùng núi và vùng quê. Hội-Đồng Chấp-Chánh Lâm-Thời Trung-Phần ra đời, với các cơ-quan cấp Phần và cấp Tỉnh. Nha Thông-Tin Trung-Phần đặt trụ-sở tại một toà lầu bề-thế trên đường Trần Hưng Đạo, ngó thẳng ra cầu Trường-Tiền.
Tôi vào làm việc tại cơ-quan Cảnh-Sát Quốc-Gia (khác với cơ-quan "Police Française"), và ở đây tôi quen thân với ông Lê Văn Tấn, lớn hơn tôi chừng bảy-tám tuổi. Tấn cùng tôi và một số bạn khác họp thành một đoàn kịch, do nghệ-sĩ Đặng Ngọc Lựu đạo-diễn, trình-diễn kịch thơ và kịch văn tại Huế và các Tỉnh lân-cận. Tôi thấy Tấn cặm-cụi sáng-tác, tuy không đem ra trình-bày nhưng vẫn tiếp-tục viết, sửa; tôi xem thì thấy toàn là tuồng cải-lương; hỏi anh, anh đáp là đã gắn-bó với đoàn Kim-Sanh, không thể nào quên. Hỏi thêm, Tấn cho biết là hiện nay Kim Sanh chỉ còn một người thứ hai, nhưng ông ấy đã chuyển qua tân-nhạc, và hiện làm việc ở Nha Thông-Tin. Đó là Châu Kỳ.
Theo lời yêu-cầu của tôi, Tấn dẫn tôi đến làm quen với Châu Kỳ.
Nha Thông-Tin Trung-Phần có dành riêng một số phòng trong trụ-sở Nha cho một số văn-nghệ-sĩ tạm-trú. Khi Tấn dẫn tôi vào phòng Châu-Kỳ thì thấy Châu-Kỳ đang cắt móng chân cho một thiếu-nữ đẹp. Họ giới-thiệu với tôi đó là nữ-ca-sĩ Mộc-Lan. Mộc-Lan là một ca-sĩ nổi tiếng, và Châu Kỳ đang sống chung với Mộc-Lan.
*
Châu Kỳ trạc tuổi của Tấn. Vì cùng đam-mê và hoạt-động văn-nghệ nên Châu-Kỳ và tôi trở nên bạn thân.
Thuở ấy chúng tôi không có máy điện-thoại riêng, nên thường gặp nhau một cách bất-thường, chuyện-trò những khi chỉ có một mình anh thôi. Thường thì tôi đến tìm anh nơi tổ uyên-ương của anh ở Nha Thông-Tin, nơi tôi thường đến suốt cả thập-niên (Ngoài việc ghé thăm Châu Kỳ, tôi còn vào thăm nghệ-sĩ Tô Kiều Ngân, nhà thơ Nguyễn Anh, nhà nghiên-cứu Phan Khoang, kịch-sĩ Vũ Đức Duy, nhà văn Bửu Kế, nhà nghiên-cứu Bửu Cầm, rồi sau này là cặp vợ+chồng nhà văn Hoàng Pha, v.v...; có lần tôi dùng xe đạp chở nữ ca-sĩ Kim Tước từ Nha Thông-Tin qua cầu Trường Tiền đến Đài Phát-Thanh Huế để tập dượt nhạc, vì xe Jeep bị hư, thời-gian tôi làm Trưởng Đài "Tiếng Nói Quân-Đội tại Miền Trung").
*
Mối tình Châu-Kỳ - Mộc-Lan, quả đẹp như thơ, nhưng không bền lâu.
Châu Kỳ rời Huế bao giờ tôi không được biết, dù rất thân nhau. Phải chăng vì tình tan vỡ nên anh buồn tủi lặng-lẽ ra đi?
Ngang đây tôi xin chép trích một đoạn có đề-cập đến Châu Kỳ, trong cuốn hồi-ký "Về Vùng Chiến-Tuyến" của tôi (do nhà Văn Nghệ ở Nam Cali xuất-bản vào năm 1996 – ISBN 1-886566-15-1 – trang 186):
[Một hôm, nhân vào Sài-Gòn lập thủ-tục du-học Hoa-Kỳ, tôi gặp trung-sĩ Tôn Thất Óc giữa phố. Óc là nhân-viên Đội Biệt-Động ở Huế; cùng đi với ảnh có vài ba người nữa, đang ngồi trong một chiếc xe-hơi đậu bên lề đường. Ảnh dừng lại chào hỏi tôi. Khi ảnh lên xe đi rồi, có mấy người mà tôi thấy quen mặt đang ngồi trong nhà hàng Thanh Thế vẫy tôi vào. Họ là công-nhân, quân-nhân hoặc thường-dân gốc ở Huế, nay vào tùng-sự, thụ-huấn hoặc sinh-sống trong này.
Nhạc-sĩ Châu Kỳ ghé tai tôi nói nhỏ: "Đừng bắt mình, nghe, Thanh-Thanh!" Tôi tròn mắt hỏi lại: "Tôi làm gì mà bắt ai?" Nhạc-sĩ Lê Trọng Nguyễn liền vỗ vai Kỳ: "Thanh-Thanh không dính vào những việc đó đâu!"]
(Ghi chú: mật-vụ nhà Ngô, phe Ngô Đình Cẩn, thủ-tiêu các nhân-vật "có máu mặt" ở Huế và vào hoạt-động tận trong Nam).
*
Nhà thơ Hồ Đình Phương, người tích-cực hoạt-động trong Văn-Đoàn và Nhà Xuất-Bản "Xây-Dựng" của tôi, sau khi tốt-nghiệp thủ-khoa Khoá I Cao-Học Quốc-Gia Hành-Chánh, làm Trưởng Ty Thuế-Vụ ở Tỉnh Long-An, đã dẫn tôi đi thăm một xưởng dệt vải của Công-Ty Tơ Lụa Việt-Nam (?) và chỉ cho tôi thấy một nữ viên-chức trẻ đẹp ở sở làm này, mà nói đó là bạn mới của Châu Kỳ.
Tôi không tò-mò hỏi về đời tư của Châu Kỳ, nhưng về sau có nghe Hồ Đình Phương nói là "bà" sau này thật dễ thương, rất chiều-chuộng Châu Kỳ, và Kỳ đã đạt được hạnh-phúc gia-đình. Tôi mừng cho anh.
*
Sau quốc-biến Tháng Tư Đen năm 1975, các hoạt-động kháng-Cộng của nhiều giới đồng-bào, bằng nhiều phương-tiện và dưới nhiều hình-thức, đã được dấy lên công-khai, suốt nhiều năm trường, tại nhiều nơi ở Miền Nam.
Em tôi, Trương Minh Dũng, một cựu sĩ-quan cao-cấp Quân-Lực Việt-Nam Cộng-Hoà, cũng có làm thơ (bài nào cũng được Châu Kỳ phổ nhạc) và cũng hát hay, đã cùng với Châu Kỳ đi thực-hiện những buổi ca-nhạc chống-Cộng tại các nhà-hàng và địa-điểm đông người ngay tại Sài-Gòn, trong một thời-gian khá lâu. Hiện-tượng này, cùng với hoạt-động của các nhân-vật khác ở các lĩnh-vực khác, tất cả đều cùng chống Cộng, đã được đưa vào phim ảnh của chế-độ mới, thí-dụ cuốn phim "Vụ Án Hồ Con Rùa", phổ-biến khắp nơi (hồi đầu cộng-sản còn lo "phục-vụ" đồng-bào nông-dân, đưa phim đi chiếu khắp các thôn ấp), tôi ở trong trại "cải tạo" cũng có được xem.
Các nghệ-sĩ kiên-trì và quả-cảm này sau đó đã bị bắt đi "cải tạo" nhiều năm. Vì là bị tù, dù tù chính-trị, sau khi Việt-Nam Cộng-Hoà không còn, nên Mỹ không tính "thâm-niên" để nhận cho đi tị-nạn theo diện cựu-chính-trị-phạm như các anh+chị+em H.O.
*
Vào năm 1999, băng nhạc, và CD, nhan đề "Năm Mười Bảy Tuổi", là băng Vân Sơn 10, sản-xuất tại Mỹ, đã được đưa về Việt-Nam, trong đó có bản "Tuý Ca", do Trường Vũ hát, và ghi tác-giả bản nhạc là Tú Nhi.
Thật ra, "Tuý Ca" là tên của một bài thơ của Trương Minh Dũng, do Châu Kỳ phổ nhạc, đã được xuất-bản trong bộ Thuỳ Dương Nhạc Tuyển của chương-trình ca-nhạc "Tiếng Thuỳ Dương" của Đài Phát-Thanh Quân-Đội tại Sài-Gòn, do Mỹ Hạnh phát-hành, vào năm 1974 (tôi còn giữ bản nhiếp-sao).
Vào thời-gian đó, ở Mỹ vừa mới xảy ra vụ kiện, người giữ bản quyền bản dịch vở kịch "Lôi Vũ" đã được thắng kiện, vì người đem diễn kịch ấy đã không xin phép và trả tác-quyền. Giữa Hoa-Kỳ và Việt-Nam lại đã có ký hiệp-ước bảo-vệ tác-quyền "tài-sản tinh-thần". Có người đề-nghị Châu Kỳ và Trương Minh Dũng nên kiện để đòi bồi-thường, ít nhất cũng có chút tiền mà tiêu trong cảnh túng nghèo. Châu Kỳ, qua Trương Minh Dũng, nhờ tôi tìm hiểu rõ hơn. Tình-cờ tôi gặp nhạc-sĩ Trần Thiện Thanh (ca-sĩ Nhật-Trường), hỏi anh tại sao người ta ghi tên tác-giả "Tuý Ca" là Tú Nhi, Tú Nhi là ai, thì anh đáp là hình như việc đó là do Chế Linh.
Rốt cuộc, cả Châu Kỳ lẫn Trương Minh Dũng đều không tiến-hành vụ kiện. Dũng nói với tôi: Châu Kỳ bảo rằng Chế Linh với Kỳ+Dũng cũng là anh+em với nhau từ xưa, nỡ nào?
Một thời-gian sau, Dũng gửi qua tôi một số ấn-bản tập nhạc nhan-đề "Những Tình-Khúc Châu Kỳ & Trương Minh Dũng" do nhóm Song Nguyên, Lê Hiếu, Nhật Triết và Thạch Cầm ở Việt-Nam thực-hiện trong năm 2000, và trong "Lời Dẫn" có đoạn:
"50 năm. Phải, Châu Kỳ và Trương Minh Dũng đã kết bạn với nhau được 50 năm. Lời ca, hồn thơ và sóng nhạc đã quyện hai người thành một... Năm mươi năm trước, Châu Kỳ & Trương Minh Dũng đã từ đất Huế xa xăm "hành phương Nam", họ đem theo muôn nghìn cái lấp lánh của mặt sông Hương trong một sáng rực rỡ mặt trời. Bây giờ họ kết thành một chuỗi minh châu mười một tình khúc. Mỗi hạt đều long lanh, tròn trịa... sương mai."
Tập "Những Tình Khúc Châu Kỳ & Trương Minh Dũng" gồm có 11 bản nhạc, tất cả đều phổ từ thơ của Trương Minh Dũng:
1. Sao Chưa Thấy Hồi Âm
2. Bỏ Phố Lên Rừng
3. Mưa Trên Quảng Đức
4. Giọt Đàn Theo Giọt Lệ
5. Về Sông Cũ
6. Tuý Ca
7. Tình Thơ Ý Nhạc
8. Người Đi Chưa Về
9. Em Đi Về Đâu
10. Hồi Âm
11. Người Nhớ Bài Ca, Ta Nhớ Người
(Về bài "Bỏ Phố Lên Rửng", có người mới đây tưởng là Châu Kỳ qua nó ghi lại hoàn cảnh chật vật, phải bán nhà ra ngoại ô trú ngụ. Hoàn-cảnh sau này thì chật-vật thật, nhưng bài ấy là thơ của Trương Minh Dũng sáng-tác từ thập-niên 1960).
Châu Kỳ và Trương Minh Dũng nhờ tôi chuyển tặng một số bản, có ghi tên người nhận và mang chữ ký của cả hai người, nhưng không thấy bản gửi tặng Chế Linh. Có lẽ Châu Kỳ gửi thẳng, qua đường dây khác, hoặc chờ...
Cho đến năm 2005, Châu Kỳ được Trung-Tâm Thuý Nga bảo-trợ qua Canada để thu cuốn băng "Paris by Night 78", anh đã cùng vợ từ Canada qua miền Nam California gặp thăm một số bạn-bè. Tôi tin là anh đã gặp Chế Linh, "anh+em với nhau từ xưa".
*
Từ mấy tháng qua, một số anh+chị+em văn-nghệ-sĩ ở hải-ngoại (Mỹ, Pháp, Thuỵ Sĩ, Na-Uy, v.v...) đã quyên góp một số tiền để tổ-chức "Cây Mùa Xuân Mậu-Tý" cho anh+chị+em văn-nghệ-sĩ hiện còn ở tại quê nhà; thủ-quỹ việc này là nhà văn Vũ Uyên Giang.
Tôi có góp vào để nhờ trao riêng nhạc-sĩ Châu Kỳ một món quà.
Nhưng theo tin nhà cho biết thì Châu Kỳ đã bị bệnh nặng, phải vào bệnh-viện, tôi sợ không kịp liền gửi thẳng về chị Kỳ một món quà nữa.
Ngày 28 tháng 12 năm 2007, tôi gọi điện-thoại hỏi thăm, gặp lúc Châu Kỳ đã về nhà rồi. Anh còn tỉnh-táo, nghe chị trao đổi với tôi, nhưng không nói được. Tôi nhờ chị đưa ống nghe vào sát tai anh để anh nghe tôi. Cuối cùng, tôi chúc anh sớm hồi-phục. Chị nói là anh mỉm cười và gật đầu. Thế là anh+em chúng tôi đã "gặp lại" nhau, qua máy điện-thoại, và hẳn là anh đã có nhớ lại bao nhiêu kỷ-niệm giữa hai chúng tôi từ những thuở nào, trước ngày anh vĩnh-viễn ra đi.
Mấy tháng trước đó, anh còn khoẻ mạnh, vợ+chồng Châu-Kỳ đã cùng với các anh+chị Tô Kiều Ngân, Phạm Cung, Song Nguyên, họp với vợ+chồng Trương Minh Dũng em tôi, đại-diện cho tôi bên phía nhà gái, để tiếp nhà trai trong lễ cầu-hôn con gái của tôi. Bây giờ thì Trương Minh Dũng, vốn đã có mặt bên cạnh Châu Kỳ những ngày cuối đời của anh, cũng lại đại-diện cho tôi trong lễ nhập-quan, di-quan của anh.
Xin thắp một nén nhang lòng cầu-nguyện cho hương-linh bạn tôi, nhạc-sĩ Châu Kỳ, sớm được thảnh-thơi trên cõi vĩnh-hằng.
LÊ XUÂN NHUẬN
(*) - Nhạc sĩ Châu Kỳ vừa qua đời ngày 6 tháng 1, 2008