Results 1 to 2 of 2

Thread: Vì sao không vãng sanh ?

  1. #1
    Senior Member gioidinhhue's Avatar
    Join Date
    Mar 2009
    Location
    http://chuavanphat.org/
    Posts
    193

    Default Vì sao không vãng sanh ?

    Hỏi: Ngày hôm qua cháu cùng cô Diệu Thường và ban hộ niệm có hộ niệm cho một bác trai 70 tuổi, bác thường xuyên đưa đón vợ mình đi hộ niệm. Ngay cái hôm hộ niệm cho một bà cụ được vãng sanh vào ngày 12 tháng giêng, thì vợ bác trở về thấy bác đã bị té trong nhà tắm, nhưng miệng thì cứ kêu "Phật ơi cứu con, Phật ơi cứu con và niệm mười niệm", nhưng gia đình vẫn đưa bác vào bệnh viện cấp cứu, nhưng bác sỹ từ chối và mang bác về nhưng vẫn được thở ô xy, nhưng đã mê man bất tỉnh. Cô Diệu Thường đến khai thị và cùng ban hộ niệm, niệm Phật cho bác được 12 tiếng đồng hồ (sau khi tắt thở).

    Nhưng khi khám xác thì xác cứng và ấm ngực, bác đã không được vãng sanh. Ban hộ niệm buồn lắm chú ơi! Tại sao bác thành tâm như vậy mà không được vãng sanh vậy chú? Có phải tại gia đình đưa bác vào cấp cứu trong bệnh viện nên thần thức đã bị tán loạn không chú? Trong vòng 49 ngày mình có thể làm gì cho bác ấy được vãng sanh không chú? Bác rất có tâm đạo, thường xuyên niệm Phật, và thường chở vợ mình đi niệm Phật, đáng lý ra bác có rất nhiều công đức, phải có cơ hội vãng sanh nhiều chứ chú, cháu buồn lắm!!
    Kính thư
    cháu Huệ Hạnh
    Nguyễn Thị Hồng

    Trả lời:
    Người được vãng sanh không phải dễ dàng. Tất cả đếu phải có nhân có duyên đầy đủ mới được. Đừng thấy mình hộ niệm được một số người ra đi với thoại tướng tốt đẹp thì tưỏng rằng với ai cũng được phước phần này.
    Người niệm Phật mà sau cùng không được vãng sanh chính vì nhân niệm Phật đời này chưa thành tựu mà nhân trong nhiều đời trong quá khứ đã kết tựu về.

    Nhân quả thông ba đời. Cận tử nghiệp rất dễ sợ! Người niệm Phật mà ỷ lại hay sơ ý, thi dù có hộ niệm, người đó cũng khó tránh khỏi ách nạn của cận tử nghiệp.
    Hộ niệm là trợ giúp người ra đi thêm Tín Nguyện Hạnh để vãng sanh, chứ Hộ niệm đâu thể quyết định giùm cho người ra đi.

    Chính người ra đi phải quyết định. Chính Tín-Nguyện-Hạnh của người ra đi phải đầy đủ. Điều này chính người đi phải lo huân tu, phải ngày đêm tự mình cố gắng mới được, chứ không phải hỗ trợ cho vợ con tu hành là đủ, không phải cúng dường cho chùa chiền là xong, không phải giúp cho người khác tu hành là Phật thương sẽ cứu mình đâu...
    Tâm Phật tịch tĩnh, có cầu có ứng, cứu độ tùy duyên, không có phan duyên. Giống như cái chuông, có đánh có tiếng. Liệu người tu hành có cầu đúng không. Nói rõ hơn, tất cả do chính tâm mình quyết định vậy. Cho nên, phải nắm rõ đường thành đạo.

    Nghe kể lại sự việc, thì hình như ông bác này nặng về tu phước, chứ không nặng tu vãng sanh. Tu như vậy chẳng qua là kiếm chút phước báu nào đó mà thôi.
    Tu phước thì hưởng phước. Nhưng thưa thực rằng, hưởng được phước cũng không phải dễ, vì phải đợi cái duyên phước đến mới hưởng được cái phước này. Giả như có hưởng được phước đi nữa, thì cái phước này liệu có bao phủ được nghiệp chướng trong nhiều đời nhiều kiếp không?

    Thành tâm niệm Phật, cầu sanh Tây phương, khi bị hoạn nạn thì hãy niệm "A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật,..", phải nhiếp tâm vào câu Phật hiệu để cầu vãng sanh Cực Lạc, chứ sao lại kêu "Phật ơi cứu con, Phật ơi cứu con,... ". Cứu gì đây? Người đó đang xin Phật cứu cái tai nạn của mình hay cứu cho mình khỏi bị chết chăng?
    Hãy tha thiết cầu sanh Cực lạc thì mới có cảm ứng, mới hợp với đại nguyện của Phật. Nếu sơ ý cầu lệch ra khỏi quỹ đạo này thì chính mình bị lạc đường. Tất cả đều do tâm mình tạo ra. Phật chính là tâm, tâm chính là Phật. Tâm nguyện cuối cùng là điểm giải quyết tương lai.Cho nên, chính người trong cuộc đang hướng về đâu trong lúc này. Nếu chuyển đổi tâm ý, thay vì :"mười niệm tất sanh", thì công đức niệm Phật (nếu có) đã biến thành phước báu nhân thiên, hoặc bất thành tựu.

    Ông bác thường chở vợ đi hộ niệm, tại sao ông không chịu tham gia hộ niệm với vợ vậy? Có lẽ chính ông bác này cũng ỷ lại vào vợ chăng?

    Người nào ăn nấy no, ai tu nấy chứng. Không ai tu giùm cho ai được!

    Vậy người niệm Phật hãy nhiếp tâm niệm Phật, đừng quá ỷ lại. Mình ưng thuận cho người niệm Phật, mà chính mình không niệm Phật, thì chủng tử Phật trong tâm của mình yếu, hoặc không có. Vì thế nên lúc hữu sự không cất nổi tiếng Phật hiệu.

    Muốn nhân chủng Phật mạnh trong tâm thì làm sao?

    Ngày đêm niệm Phật, huân tu câu Phật hiệu, niệm thành thứ phản xạ tự nhiên mới được.

    Niệm Phật có Phật, niệm ma có ma. Người không niệm Phật thì ma, niệm cạnh tranh hanh tỵ, niệm lý hay luận giỏi, niệm lục đạo vô thường. Niệm lục đạo thì đành phải chịu sanh tử luân hồi.

    Đừng lý luận, triết lý, nói huyền, nói diệu nữa. Đừng nên tham gia vào các cuộc hội đàm, tranh cãi, thị phi, hơn thua nữa. Những thứ này nó làm mình phải mê muội, tâm hồn không thanh tịnh. Tâm loạn thì đường giải thoát bị che kín. Những cái tâm hăng sùng, cạnh tranh, hơn thua, lý lẽ... chính là những chiếc lưỡi hái do chính mình tạo ra, nó sẽ chờ ngày đoạn mất cơ hội thoát nạn của chính mình. Uổng lắm!

    Vậy tốt nhất hãy thành tâm niệm Phật, chí thành niệm Phật. Thành tất linh, một ngày nào đó mình được thành đạo. Đừng để quá trễ mà ân hận.

    Cho nên, cố công niệm Phật, phải tự mình làm lấy chứ không thể làm một chút ít việc thiện là đủ đâu. Nên nhớ căn nghiệp của mỗi người chúng ta lớn lắm, không thể sơ ý được.

    Người khi chết, trong vòng 8 giờ mà bị đụng chạm, bị cắt mổ, bị đưa vào ướp xác, v.v... rất khó thoát nạn. Người biết hộ niệm phải hiểu rõ chuyện này. Nếu khinh thường thì khó có thể tránh khỏi ách nạn.
    Trong vòng 49 ngày, thần thức còn có cơ hội siêu sanh. Gia đình nên chí thành cầu siêu, làm thiện làm phước, phóng sanh để hồi hướng. Hằng ngày tụng kinh niệm Phật và khai thị cho hương linh sớm giác ngộ mà phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Việc hiếu nghĩa thì người sống phải cố gắng làm, thành tâm làm, đây là điều cần thiết, chớ nên sơ suất vậy.

    Diệu Âm
    (1/4/09)
    Liên Trì đại sư nói: “Có thể thật sự niệm Phật, buông thân tâm, thế giới xuống, chính là đại bố thí. Chẳng khởi tham, sân, si nữa chính là đại trì giới. Chẳng kể thị phi nhân ngã, chính là đại nhẫn nhục. Chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp chính là đại tinh tấn. Chẳng còn vọng tưởng rong ruổi chính là đại thiền định. Chẳng bị những ngã rẽ khác làm lầm lạc chính là đại trí huệ”.http://hinhdongphatgiao.org/

  2. #2
    Senior Member gioidinhhue's Avatar
    Join Date
    Mar 2009
    Location
    http://chuavanphat.org/
    Posts
    193

    Default Re: Vì sao không vãng sanh ?



    Ngài Lý Bỉnh Nam (sư phụ của lão pháp sư Tịnh Không) nói rằng: "Sáu chữ Hồng danh là vua trong các câu chú. Sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật là bí mật không phiên dịch, đều chẳng phải văn tự Trung Hoa. Pháp này cao tột, hơn trì bất cứ lời chú nào."

    Thế mới biết một câu A Di Đà Phật đã bao gồm tất cả mọi câu thần chú trong ấy rồi. Sau khi liễu ngộ điều này, liền buông bỏ mọi câu thần chú khác và chỉ chuyên nhất niệm câu A Di Đà Phật.

    Một điều nữa rất quan trọng mà HM không thể không nhắc nhở bạn. Nếu bạn đã thực hành rồi thì xin hãy cứ đọc cho vui vì đây cũng chính là bài học mà HM đã phải tự nhắc nhở mình mãi. Đó là người niệm Phật phải phát bồ đề tâm. Bồ đề tâm nói nôm na cho dễ hiểu là tâm thường nghĩ đến những điều lợi cho người, tức lợi tha. Đừng nghĩ đến lợi ích của riêng cá nhân mình mà mọi việc mình làm đều nên suy xét sao cho lợi chúng sanh. Trong bài khai thị của cư sĩ Lý Bỉnh Nam, ngài đã nhấn mạnh điều này qua câu nói: "Một vạn người niệm Phật, thật sự vãng sanh chỉ có vài ba người". Vì sao số người vãng sanh quá ít như vậy ? Vì không phát tâm bồ đề, nên tâm không thanh tịnh. Bởi tâm không thanh tịnh nên còn thị phi, nhân ngã, tham, sân, si, mạn, nghi. Những thứ này không tương ứng với thế giới Cực Lạc một chút nào. Tây phương Cực Lạc là nơi tụ hội của chư thượng thiện nhân, tức là chỗ của những người thiện lành bậc nhất. Cho dù chúng ta niệm Phật rất siêng năng đến đâu, hoặc một ngày có thể niệm đến trăm ngàn lần, nhưng tâm của chúng ta không thiện, làm sao có thể lên Tây phương ở cùng chỗ của các bậc thượng thiện nhân?

    Để tâm dần thanh tịnh, ngoài công phu chánh là niệm Phật chúng ta cần phải có trợ công phu nữa. Trợ công phu giúp chúng ta tiêu dần nghiệp chướng và bớt vọng tưởng vì chính những nghiệp chướng sâu dầy của chúng ta mà sinh ra vọng tưởng. Chúng cứ dồn dập kéo đến dễ làm cản trở lớn đến việc niệm Phật khi ta ngồi tĩnh toạ niệm Phật.
    Trợ công phu gồm có:

    1- Thường xuyên sám hối nghiệp chướng của mình. Thường ngày chúng ta chỉ nên xem xét hành động của mình và tìm lỗi của mình mà sửa. Đừng bao giờ tìm, chỉ lỗi người. Càng thấy mình có lỗi thì chúng ta càng nổ lực tu sửa và càng phải sám hối thì nghiệp chướng dần dần tiêu bớt đi. Chúng ta sinh nhằm thời mạt pháp này nên nghiệp chướng chắc chắn là sâu dầy nên không thể chỉ dùng câu A Di Đà Phật trong một thời gian ngắn mà có thể đoạn trừ chúng được. Thấy người làm điều tốt mình cũng nên phát tâm hoan hỉ, vui theo thì công đức của mình cũng lớn như vậy. Dùng công đức ấy mình hồi hướng cho việc vãng sanh là điều rất nên làm.

    2- Chúng ta nên sinh tâm chán ghét thế gian Ta Bà này và một lòng muốn về Tây Phương Cực Lạc. Nếu chúng ta muốn vãng sanh về thế giới của Phật A Di Đà mà lòng vẫn còn ham thích nhà lớn, xe mới đẹp ở thế gian này thì đó là chướng ngại lớn kéo chúng ta lại nơi này. Mỗi khi HM ra đường nhìn thấy nhà lầu đẹp liền nghĩ ở Tây Phương Cực Lạc lầu các bằng bảy báu đẹp hơn nhiều. Nếu nghe bài nhạc hay HM liền nghĩ nhạc ở đây dù hay cách mấy cũng làm sao sánh bằng âm thanh vi diệu phát ra từ cây báu, chim quý nơi cõi Cực Lạc? Khi HM ngửi mùi thơm từ xa thoảng đến liền tự nhắc mình hương thơm ở Ta Bà này làm sao sánh bằng hương thơm ở Tây Phương? Đồ ăn cao sang mỹ vị dọn ra trước mắt HM cũng nghĩ rằng thức ăn nơi thế gian này sao ngon bằng ở Cực Lạc quốc? Áo quần mô-đen dù đẹp đến đâu ở đây cũng không thể nào sánh bằng y phục của Thế Giới Cực Lạc. Có tâm chán ghét nơi thế gian Ta Ba này chúng ta mới thật lòng muốn về Tây Phương Cực Lạc. Thế cho nên mới có câu:

    Thân tuy ngự ở Ta Bà
    Mà lòng đã gửi ở toà Hoa Sen

    Điều cuối cùng HM muốn chia sẻ với bạn Sutuhuyet về vấn đề nhất tâm. HM hoàn toàn đồng ý với bạn Dct87 là chúng ta không nên đặt nặng về chuyện này khi niệm Phật. Cứ chuyên cần niệm nhưng đừng trông mong và gián đoạn. Cầu nhất tâm và gián đoạn là 2 điều tối kị sẽ đưa đến không thành. Xin bạn đừng lo niệm Phật không được nhất tâm mà điều chúng ta nên quan tâm đến bây giờ là phải niệm Phật sao cho thành phiến. Niệm Phật thành phiến tức là câu trước câu sau dính liền nhau và ở giữa không xen vọng tưởng vào. Ban đầu chúng ta tập 2 câu thành phiến, rồi 3 câu thành phiến, rồi 5 câu thành phiến... Lâu dần sẽ thành. Cứ bền bỉ nhưng đừng trông mong. Bởi khi lâm chung dù chúng ta chỉ đạt ở trình độ niệm Phật thành phiến, Phật quang A Di Đà chiếu đến thân chúng ta thì công phu của chúng ta sẽ được nâng lên một bậc là Nhất Tâm Bất Loạn. Nếu công phu của chúng ta đã đạt đến Sự Nhất Tâm Bất Loạn thì khi lâm chung được Phật A Di Đà phóng quang đến chúng ta sẽ có được Lý Nhất Tâm Bất Loạn. Nếu công phu của chúng ta đã đạt đến Lý Nhất Tâm Bất Loạn rồi thì khi lâm chung đức Từ Phụ đến sẽ nâng công phu chúng ta lên thành Niệm Phật Tam Muội. Đây là lời của lão pháp sư Tịnh Không nói chứ HM chẳng dám bịa ra. Vì thế bạn cứ an tâm, kiên trì niệm Phật đừng để cho gián đoạn nhé.

    Đôi dòng chia sẻ cùng bạn.

    Hữu Minh

    Thật vì sanh tử
    Phát lòng bồ đề
    Dùng Tín Nguyện sâu
    Trì danh hiệu Phật
    ---------Triệt Ngộ Đại Sư
    Liên Trì đại sư nói: “Có thể thật sự niệm Phật, buông thân tâm, thế giới xuống, chính là đại bố thí. Chẳng khởi tham, sân, si nữa chính là đại trì giới. Chẳng kể thị phi nhân ngã, chính là đại nhẫn nhục. Chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp chính là đại tinh tấn. Chẳng còn vọng tưởng rong ruổi chính là đại thiền định. Chẳng bị những ngã rẽ khác làm lầm lạc chính là đại trí huệ”.http://hinhdongphatgiao.org/

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts