11) Ứng dụng Phật pháp vào đời sống
Thích nữ Hằng Thị
Sư phụ xem trọng nhất là mỗi chúng ta nên có bổn phận biết tự khắc khổ bản thân, quên mình để làm lợi ích cho người.
Mặc dầu tôi có nhân duyên xuất gia và tu học dưới sự chỉ dạy của Hòa Thượng nhưng chỉ ở chùa trong thời gian ngắn nên tôi không được học hỏi gì nhiều. Hôm nay tôi xin bàn luận về vài việc xảy ra rất tầm thường, nhưng lại biểu hiện sự nhẫn nại của Hòa Thượng trong khi giáo hóa chúng đệ tử.
Nhớ có lần tôi thỉnh hỏi Hòa Thượng:
- Sư Phụ! Con rất muốn sám hối với Sư Phụ, nhưng con biết con không thể làm được. Tại sao? Bởi vì con nghĩ rằng một người có đủ tư cách sám hối, nếu người đó thật thành tâm muốn sửa đổi lỗi lầm và sẽ không tái phạm sau khi đã sám hối. Nếu biết rằng con không thể -không phạm lại lỗi cũ, tức con không đủ tư cách thỉnh cầu sám hối. Cho nên mặc dù con rất muốn sám hối, nhưng con tự cảm thấy con không xứng đáng.
Sư Phụ im lặng lắng nghe rồi nói:
- Đó là lỗi của Sư Phụ đã không dạy dỗ con đàng hoàng.
Nghe những lời này, tôi cảm thấy xấu hổ và hối hận vô cùng. Có thể nói là Hòa Thượng đã dạy bảo các đệ tử với lòng nhẫn nại quá mức. Sư Phụ thường tới lui các chùa chi nhánh, cũng như đối với từng đệ tử, Ngài đều quan tâm lo lắng như nhau. Vào những buổi tối, khi có lớp nghe kinh ở Diệu Ngữ Đường, Sư Phụ lúc nào cũng tới đó trước đại chúng. Thay vì tới nơi để ngồi vào Pháp tòa, nhưng Ngài đã không làm thế. Vậy Ngài làm gì? Ngài đứng ngay cửa lớp học. Dù là mùa đông lạnh giá, hay mùa hè nóng cháy ở Vạn Phật Thánh Thành, Sư Phụ đều đứng trước ngưỡng cửa nhìn chúng tôi từng người một, lần lượt vừa niệm Phật vừa bước vào Diệu Ngữ Đường. Khi tan lớp, Ngài đi ra trước hơn ai, rồi lại đứng trước ngạch cửa nhìn mỗi người bước ra, như tiễn đưa chúng tôi rời lớp vậy. Không ai biết là Sư Phụ tiếp tục đứng đó cho đến bao lâu, vì Ngài là người cuối cùng rời khỏi nơi đó, sau khi hàng ngũ của chúng tôi khuất dạng.
Mỗi lần sắp hàng đi nghe giảng kinh, chúng tôi có cảm giác vừa nôn nao thích thú, lại vừa rất lo sợ khi gặp Sư Phụ. Tại sao chúng tôi lại có những cảm giác mâu thuẫn như thế? Chúng tôi mong gặp Sư Phụ, vì giống như gặp được mặt cha mình. Dù không được thấy Sư Phụ mỗi ngày, nhưng chúng tôi biết là nếu Sư Phụ có mặt ở Vạn Phật Thánh Thành, Ngài nhất định sẽ đến tham gia với đại chúng trong buổi nghe kinh tối.
Mặt khác, chúng tôi lại lo sợ, bởi vì tự biết chúng tôi chưa làm tròn bổn phận tu hành cũng như chưa điều phục được chính mình. Cho nên chúng tôi cảm thấy không có mặt mũi nào để đối diện với Sư Phụ. Đa số các đệ tử Ngài đều có sự mâu thuẫn này trong tâm.
Hơn nữa, khi thật sự khiển trách chúng tôi, Ngài thường khuyến khích chúng tôi nên học theo gương các vị Thánh Hiền. Ngài đặc biệt tán thán Nhan Hồi (đệ tử của Khổng tử):
- Các vị biết không? Trong các bậc Thánh nhân, Nhan hồi quả thật là một vị hiền đức. Tại vì sao? Bởi vì ông không bao giờ tái phạm cái lỗi đã làm đến lần thứ hai. Đại Vũ cũng là một vị Thánh đức độ, vì hễ nghe có người làm chuyện thiện là ông liền cúi đầu bái phục người đó ngay. Tử Lộ cũng là người có đức hạnh, vì ông rất hoan hỷ khi có người chỉ ra lỗi của ông.
Vì vậy Hòa Thượng rất muốn chúng ta học tập sửa đổi lấy mình và phải thành tâm chuyên cần trong mọi việc làm để chuyển ác thành thiện. Nói đến chuyện chuyên cần này, tôi nghĩ đến câu chuyện về Sư Phụ khi Ngài còn làm chú Sa Di. Chắc cũng có nhiều người đã biết chuyện này rồi, nhưng cũng không có hại gì, nếu nghe thêm lần nữa về việc làm gương mẫu của Sư Phụ. Điều quan trọng là khuyến khích chúng ta nên noi gương theo Ngài, mà ứng dụng vào đời sống hằng ngày.
Lúc Sư Phụ còn làm Sa Di ở Đông bắc, Trung Quốc, dù mùa đông rét buốt khi tuyết rơi nhưng Ngài vẫn thức dậy thật sớm hơn mọi người, trước lúc kẻng thức chúng. Ngài dậy sớm để làm gì? Không phải Ngài thức sớm để dụng công tu tập cho riêng Ngài, mà để mau đi quét tuyết, dọn đường cho đại chúng được an toàn, không bị trượt té khi đi đến chánh điện. Ngài cũng lãnh phần đổ những thùng phân chứa trong các nhà vệ sinh. Một ngày nọ, Sư Phụ nói với các đệ tử rằng:
- Nếu các vị biết tôi đã làm gì với hai bàn tay này thì tôi tin chắc rằng, các vị sẽ không dám ăn bữa cơm do tôi nấu hôm nay. Tôi đã dùng hai tay chùi rửa 30 thùng phân dơ bẩn, hôi thúi đây để nấu bữa cơm này đó, nên tôi tin chắc là chẳng ai dám ăn.
Từ những chuyện nhỏ nhặt như thế, cho thấy Hòa Thượng dạy chúng ta rằng: Nhân cách cao thượng quan trọng hơn là có tài bàn luận về các triết lý tuyệt diệu cao xa. Việc mà Sư Phụ nhấn mạnh nhất là: chúng ta nên biết chịu khổ cực và quên mình để cứu giúp kẻ khác.
Đây cũng chính là tinh thần Phật giáo chân chánh của: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Chúng ta có thể học được những lý thuyết thâm sâu nhất, nhưng tốt hơn là nên hiểu biết thật sự và thi hành từng chút một vào trong đời sống của chính mình. Như thế tức là chúng ta thật biết cố gắng y giáo phụng hành. Đây là chút kinh nghiệm của tôi từ những năm qua, nay xin chia sẻ với mọi người. Hy vọng chúng ta hãy tự thúc liễm thân tâm mình rồi áp dụng ngay trong cuộc sống hằng ngày, dù chỉ thực hành với một lời hay một câu mà Sư Phụ đã dạy dỗ chúng ta.