Results 1 to 3 of 3

Thread: ỨNG DỤNG PHẬT PHÁP VÀO ĐỜI SỐNG

  1. #1
    Senior Member gioidinhhue's Avatar
    Join Date
    Mar 2009
    Location
    http://chuavanphat.org/
    Posts
    193

    Default ỨNG DỤNG PHẬT PHÁP VÀO ĐỜI SỐNG

    11) Ứng dụng Phật pháp vào đời sống

    Thích nữ Hằng Thị



    Sư phụ xem trọng nhất là mỗi chúng ta nên có bổn phận biết tự khắc khổ bản thân, quên mình để làm lợi ích cho người.

    Mặc dầu tôi có nhân duyên xuất gia và tu học dưới sự chỉ dạy của Hòa Thượng nhưng chỉ ở chùa trong thời gian ngắn nên tôi không được học hỏi gì nhiều. Hôm nay tôi xin bàn luận về vài việc xảy ra rất tầm thường, nhưng lại biểu hiện sự nhẫn nại của Hòa Thượng trong khi giáo hóa chúng đệ tử.
    Nhớ có lần tôi thỉnh hỏi Hòa Thượng:

    - Sư Phụ! Con rất muốn sám hối với Sư Phụ, nhưng con biết con không thể làm được. Tại sao? Bởi vì con nghĩ rằng một người có đủ tư cách sám hối, nếu người đó thật thành tâm muốn sửa đổi lỗi lầm và sẽ không tái phạm sau khi đã sám hối. Nếu biết rằng con không thể -không phạm lại lỗi cũ, tức con không đủ tư cách thỉnh cầu sám hối. Cho nên mặc dù con rất muốn sám hối, nhưng con tự cảm thấy con không xứng đáng.

    Sư Phụ im lặng lắng nghe rồi nói:

    - Đó là lỗi của Sư Phụ đã không dạy dỗ con đàng hoàng.

    Nghe những lời này, tôi cảm thấy xấu hổ và hối hận vô cùng. Có thể nói là Hòa Thượng đã dạy bảo các đệ tử với lòng nhẫn nại quá mức. Sư Phụ thường tới lui các chùa chi nhánh, cũng như đối với từng đệ tử, Ngài đều quan tâm lo lắng như nhau. Vào những buổi tối, khi có lớp nghe kinh ở Diệu Ngữ Đường, Sư Phụ lúc nào cũng tới đó trước đại chúng. Thay vì tới nơi để ngồi vào Pháp tòa, nhưng Ngài đã không làm thế. Vậy Ngài làm gì? Ngài đứng ngay cửa lớp học. Dù là mùa đông lạnh giá, hay mùa hè nóng cháy ở Vạn Phật Thánh Thành, Sư Phụ đều đứng trước ngưỡng cửa nhìn chúng tôi từng người một, lần lượt vừa niệm Phật vừa bước vào Diệu Ngữ Đường. Khi tan lớp, Ngài đi ra trước hơn ai, rồi lại đứng trước ngạch cửa nhìn mỗi người bước ra, như tiễn đưa chúng tôi rời lớp vậy. Không ai biết là Sư Phụ tiếp tục đứng đó cho đến bao lâu, vì Ngài là người cuối cùng rời khỏi nơi đó, sau khi hàng ngũ của chúng tôi khuất dạng.

    Mỗi lần sắp hàng đi nghe giảng kinh, chúng tôi có cảm giác vừa nôn nao thích thú, lại vừa rất lo sợ khi gặp Sư Phụ. Tại sao chúng tôi lại có những cảm giác mâu thuẫn như thế? Chúng tôi mong gặp Sư Phụ, vì giống như gặp được mặt cha mình. Dù không được thấy Sư Phụ mỗi ngày, nhưng chúng tôi biết là nếu Sư Phụ có mặt ở Vạn Phật Thánh Thành, Ngài nhất định sẽ đến tham gia với đại chúng trong buổi nghe kinh tối.

    Mặt khác, chúng tôi lại lo sợ, bởi vì tự biết chúng tôi chưa làm tròn bổn phận tu hành cũng như chưa điều phục được chính mình. Cho nên chúng tôi cảm thấy không có mặt mũi nào để đối diện với Sư Phụ. Đa số các đệ tử Ngài đều có sự mâu thuẫn này trong tâm.

    Hơn nữa, khi thật sự khiển trách chúng tôi, Ngài thường khuyến khích chúng tôi nên học theo gương các vị Thánh Hiền. Ngài đặc biệt tán thán Nhan Hồi (đệ tử của Khổng tử):

    - Các vị biết không? Trong các bậc Thánh nhân, Nhan hồi quả thật là một vị hiền đức. Tại vì sao? Bởi vì ông không bao giờ tái phạm cái lỗi đã làm đến lần thứ hai. Đại Vũ cũng là một vị Thánh đức độ, vì hễ nghe có người làm chuyện thiện là ông liền cúi đầu bái phục người đó ngay. Tử Lộ cũng là người có đức hạnh, vì ông rất hoan hỷ khi có người chỉ ra lỗi của ông.

    Vì vậy Hòa Thượng rất muốn chúng ta học tập sửa đổi lấy mình và phải thành tâm chuyên cần trong mọi việc làm để chuyển ác thành thiện. Nói đến chuyện chuyên cần này, tôi nghĩ đến câu chuyện về Sư Phụ khi Ngài còn làm chú Sa Di. Chắc cũng có nhiều người đã biết chuyện này rồi, nhưng cũng không có hại gì, nếu nghe thêm lần nữa về việc làm gương mẫu của Sư Phụ. Điều quan trọng là khuyến khích chúng ta nên noi gương theo Ngài, mà ứng dụng vào đời sống hằng ngày.

    Lúc Sư Phụ còn làm Sa Di ở Đông bắc, Trung Quốc, dù mùa đông rét buốt khi tuyết rơi nhưng Ngài vẫn thức dậy thật sớm hơn mọi người, trước lúc kẻng thức chúng. Ngài dậy sớm để làm gì? Không phải Ngài thức sớm để dụng công tu tập cho riêng Ngài,để mau đi quét tuyết, dọn đường cho đại chúng được an toàn, không bị trượt té khi đi đến chánh điện. Ngài cũng lãnh phần đổ những thùng phân chứa trong các nhà vệ sinh. Một ngày nọ, Sư Phụ nói với các đệ tử rằng:

    - Nếu các vị biết tôi đã làm gì với hai bàn tay này thì tôi tin chắc rằng, các vị sẽ không dám ăn bữa cơm do tôi nấu hôm nay. Tôi đã dùng hai tay chùi rửa 30 thùng phân dơ bẩn, hôi thúi đây để nấu bữa cơm này đó, nên tôi tin chắc là chẳng ai dám ăn.


    Từ những chuyện nhỏ nhặt như thế, cho thấy Hòa Thượng dạy chúng ta rằng: Nhân cách cao thượng quan trọng hơn là có tài bàn luận về các triết lý tuyệt diệu cao xa. Việc mà Sư Phụ nhấn mạnh nhất là: chúng ta nên biết chịu khổ cực và quên mình để cứu giúp kẻ khác.

    Đây cũng chính là tinh thần Phật giáo chân chánh của: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Chúng ta có thể học được những lý thuyết thâm sâu nhất, nhưng tốt hơn là nên hiểu biết thật sự và thi hành từng chút một vào trong đời sống của chính mình. Như thế tức là chúng ta thật biết cố gắng y giáo phụng hành. Đây là chút kinh nghiệm của tôi từ những năm qua, nay xin chia sẻ với mọi người. Hy vọng chúng ta hãy tự thúc liễm thân tâm mình rồi áp dụng ngay trong cuộc sống hằng ngày, dù chỉ thực hành với một lời hay một câu mà Sư Phụ đã dạy dỗ chúng ta.
    Liên Trì đại sư nói: “Có thể thật sự niệm Phật, buông thân tâm, thế giới xuống, chính là đại bố thí. Chẳng khởi tham, sân, si nữa chính là đại trì giới. Chẳng kể thị phi nhân ngã, chính là đại nhẫn nhục. Chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp chính là đại tinh tấn. Chẳng còn vọng tưởng rong ruổi chính là đại thiền định. Chẳng bị những ngã rẽ khác làm lầm lạc chính là đại trí huệ”.http://hinhdongphatgiao.org/

  2. #2
    Senior Member gioidinhhue's Avatar
    Join Date
    Mar 2009
    Location
    http://chuavanphat.org/
    Posts
    193

    Default Re: ỨNG DỤNG PHẬT PHÁP VÀO ĐỜI SỐNG

    12) Mãi Mãi Tri Ân

    Hòa Thượng hoằng pháp tại Rochester, New York, ngày 11/93

    Vương Tuấn Bang.



    Tôi được sanh ra trong một gia đình Phật giáo. Cha tôi là Quả Khánh, đã ăn chay trường mấy chục năm và là một Phật tử thuần thành. Cho nên khi tôi trưởng thành, cũng được hấp thụ ít nhiều về văn hóa Phật giáo. Hơn mười năm trước, tôi tình cờ đọc được cuốn Mây Không (Empty Cloud), nói về tiểu sử lúc sanh thời của Lão Hòa Thượng Hư Vân. Tôi vô cùng cảm phục đức hạnh và sự tu hành của vị cao Tăng này. Phần nội dung cuốn sách có đề cập đến Hòa Thượng Độ Luân, cũng khiến tôi có ấn tượng sâu sắc về Ngài. Đó là sự bắt đầu gieo duyên lành của tôi với Hòa Thượng.

    Nhiều năm sau, có một ngày chú tôi, Vương Kim Bình hỏi cha tôi có biết Hòa Thượng Tuyên Hóa ở nước Mỹ không. Mặc dù cha tôi tin Phật đã lâu năm, nhưng đa số ông đều đi chùa ở Đài Loan. Vì thế ông không nghe nói về Hòa Thượng, nên nói là không biết vị Hòa Thượng này. Sau đó chú tôi mới kể cho cha tôi nghe về nhân duyên của ông với Hòa Thượng.

    Chú kể lại rằng: Có một người phạm Luật Giao Dịch Chứng Khoán ở Đài Loan bèn đến Mỹ thỉnh hỏi Hòa Thượng cách giải quyết sự khó khăn đó. Hòa Thượng bảo ông về Đài Loan tìm một vị Đại Biểu Lập Pháp tên Vương Kim Bình, thì sẽ được giúp. Tuy nhiên ông này chỉ biết một vị Đại Biểu Hội Đồng Quốc Gia là Vương Trung Bình và không hề biết gì về Vương Kim Bình. Cho nên ông hỏi Hòa Thượng thêm một lần nữa:

    - Hòa Thượng, ý Ngài nói là Vương Kim Bình, chớ không phải Vương Trung Bình, phải không?

    Nhưng Hòa Thượng nhất định nói là Đại Biểu Lập Pháp Vương Kim Bình.

    Sau đó người này cấp tốc trở về Đài Loan để tìm chú tôi. Ông nói cho chú tôi nghe nguyên nhân tự sự, rồi sau đó không lâu, vấn đề được giải quyết êm xuôi. Trước sự việc này, chú tôi và Sư Phụ đã chưa từng gặp nhau. Ai lại đoán được rằng Sư Phụ ở Mỹ xa xôi, mà Ngài lại nói rành cả tên họ của chú tôi ở tận Đài Loan để cho người đi tìm.

    Năm 1988 Hòa Thượng đến Đài Loan hoằng Pháp. Cha và chú tôi bàn với nhau tìm cơ hội đến bái kiến Hòa Thượng. Cha tôi nói về việc ông có một tòa biệt thự ở Lục Qui, Cao Hùng và muốn cúng dường Sư Phụ làm đạo tràng. Sư Phụ cười nói: Tốt lắm!

    Sau đó Sư Phụ cùng đoàn hoằng Pháp đến Lục Qui và đặt tên tòa biệt thự đó là Phật Học Viện. Cả gia đình chúng tôi gồm bốn người, đều quy y với Sư Phụ và trở thành đệ tử tại gia của Hòa Thượng Độ Luân. Đó là những nhân duyên đã khéo phù hợp xảy ra thật khó ngờ được.

    Hai năm sau, tức là 1990, cả gia đình tôi di dân đến Mỹ và định cư tại thành phố Rochester, gần biên giới Canada và New York. Chỉ có số ít người Hoa sống ở vùng này, và hầu hết họ lại là đạo Tin Lành. Cho nên nơi này rất ít có cơ hội được nghe Phật Pháp. Mặc dù tôi đã nhiều lần thăm viếng các chùa vùng lân cận, và cố gắng sắp xếp thỉnh mời Pháp sư tới Rochester, để tổ chức thành một giảng đường Phật học, hầu kết Pháp duyên với dân ở đây, nhưng tôi đành bó tay bỏ cuộc. Mãi đến năm 1993, khi cha tôi du lịch đến Rochester chơi và đề nghị: “Tại sao con không đi tìm Sư Phụ?” Nhưng khi nghĩ đến chuyện đường xá xa xôi, mệt nhọc với lộ trình từ Tây qua Đông, không biết Sư Phụ có tới được không? Rồi tôi lại nghĩ: Tại sao không thử xem? Nhưng tôi thật không hy vọng gì.

    Khi tôi liên lạc với Sư Phụ qua điện thoại, thì Ngài ưng thuận đến nơi. Để thỏa lòng mong ước của một số ít đệ tử muốn nghe Phật Pháp, Hòa Thượng đã không quản ngại, tự nguyện đi lộ trình xa từ Tây qua Đông. Tôi cảm động vô cùng với tinh thần xả thân vì Pháp của Ngài. Tôi nghĩ tôi quả thật là có phước, và Đệ tử vùng Rochester cũng có phước biết bao!

    Sau đó Pháp hội chánh thức được tổ chức vào tháng 9, và chúng tôi bắt đầu hoạch định cho nhiều chương trình sinh hoạt. Có nhiều bạn hữu và hàng xóm quanh vùng tự nguyện đến làm công quả. Chúng tôi thảo luận từ các phương diện trang trí chánh điện, vấn đề giao thông đưa rước, nơi chốn nghỉ ngơi, đến việc thỉnh Pháp, quy y v.v.... cố gắng làm cho mọi việc được tốt đẹp.

    Có điều khiến tôi áy náy là người Hoa ở Rochester này không nhiều, tôi lo là không có người đến nghe Pháp và như thế sẽ phụ lòng Hòa Thượng, nhưng cha tôi nói:

    - Tâm thành tất linh, nếu con thành tâm, mọi việc sẽ tốt đẹp. Một khi con thật lòng trong việc tổ chức cho Pháp hội được tươm tất, thì Long Thiên Hộ Pháp nhất định sẽ giúp con kêu gọi người đến.
    Thật quả không sai, Pháp hội hôm ấy có khoảng 3 đến 4 trăm người đến tham dự. Đây là chuyện hiếm lạ để có một Pháp hội trang nghiêm như vậy tại Rochester. Oai lực Phật Pháp thật là nhiệm mầu vô lượng, vô biên không thể lường hội được!

    Vào ngày 6 tháng 11, Pháp hội được chánh thức cử hành ở câu lạc bộ Wild Wood. Sau khi chín đệ tử theo nghi thức thỉnh Pháp xong, Sư Phụ bắt đầu giảng Pháp với chủ đề “Phật học và giáo dục”. Vì có một số người Mỹ tới nghe, nên chúng tôi cũng sắp đặt cho người thông dịch sang tiếng Anh rất lưu loát và kết quả rất mỹ mãn. Sau khi giảng xong, Sư Phụ dành thời gian cho mọi người trong hội trường được phát biểu nghi vấn. Đến 9 giờ rưỡi tối Pháp hội mới kết thúc. Tuy vậy, Sư Phụ vẫn nhìn quanh đại chúng với cặp mắt sáng ngời, không lộ vẻ mỏi mệt chút nào. Tôi lại càng xúc động hơn, sau khi biết được Sư Phụ đã bất kể về bịnh tình của Ngài để đến đây.

    Sáng sớm hôm sau, Sư Phụ lặng lẽ đến nhà thương khám bệnh. Khi trở về từ bệnh viện, Ngài đến hội trường ngay để chủ trì buổi lễ quy y cùng chúc nguyện phước lành. Ngày đó có hơn một trăm người đến quy y. Sư Phụ đã không nghỉ ngơi phút nào. Mặc dù Pháp hội đã kết thúc, nhưng tín chúng vẫn còn thỉnh cầu Sư Phụ chúc phước, hoặc giải đáp những mối nghi ngờ. Hòa Thượng nhất nhất đều mãn nguyện họ. Ngài đã không chút lộ vẻ gì là mệt nhọc hay thiếu nhẫn nại. Mọi người đều thưởng thức những câu giải đáp một cách chí lý với đầy đủ pháp trí và khôi hài thật đáng chú ý của Hòa Thượng.
    Pháp hội được kết thúc vào lúc 4 giờ chiều, trong khi mọi người ra về Pháp hỷ sung mãn. Hòa Thượng với tinh thần Bồ tát, vì lợi ích chúng sanh, đã không màng đến bản thân đang mang bệnh, chúng tôi thật là cảm động vô cùng!

    Sau ba ngày, Pháp hội được chấm dứt, nên ngày 9 tháng 11, Hòa Thượng đáp máy bay trở về Washington D.C. Vì để tiết kiệm ngân khoản, Ngài chọn cách ngồi xe một tiếng đến Buffalo, để đi chuyến bay địa phương nhỏ hơn, với giá rẻ hơn. Đức tính, ân cần, tiết kiệm và giản dị của Ngài, thật khiến tôi cảm thấy rất hổ thẹn về tự bản thân mình.


    Mặc dù Hòa Thượng tới Rochester hoằng Pháp chỉ có ba ngày, nhưng tôi có diễm phúc được kề cận làm thị giả, cũng như được tiếp nhận lời dạy dỗ riêng biệt của Ngài trong khoảng thời gian đó. Cho tới hôm nay, tôi vẫn còn nhớ rõ những lời dạy dỗ của Ngài và không dám lãng quên. Tuy Hòa Thượng đã viên tịch vào năm 1995 tại Los Angeles, nhưng tôi chỉ phụng thừa lời dạy của Ngài và cẩn thận tuân theo Lục Đại Tông Chỉ: không tranh, không tham, không cầu, không ích kỹ, không tự lợi, không nói dối. Tôi dùng những tông chỉ này để tự khuyến khích chính mình dũng mãnh tinh tấn trên đường Bồ Đề. Có như vậy tôi mới có thể báo đáp ân sư trong muôn một.
    Liên Trì đại sư nói: “Có thể thật sự niệm Phật, buông thân tâm, thế giới xuống, chính là đại bố thí. Chẳng khởi tham, sân, si nữa chính là đại trì giới. Chẳng kể thị phi nhân ngã, chính là đại nhẫn nhục. Chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp chính là đại tinh tấn. Chẳng còn vọng tưởng rong ruổi chính là đại thiền định. Chẳng bị những ngã rẽ khác làm lầm lạc chính là đại trí huệ”.http://hinhdongphatgiao.org/

  3. #3
    Senior Member gioidinhhue's Avatar
    Join Date
    Mar 2009
    Location
    http://chuavanphat.org/
    Posts
    193

    Default Re: ỨNG DỤNG PHẬT PHÁP VÀO ĐỜI SỐNG

    13) Hãy cố gắng hết sức mình!

    Helen Woo



    Được theo học với Sư Phụ, bất luận dù chỉ là những lời nói rất đơn giản của Ngài, nhưng nếu chúng ta có thể ghi nhớ và thực hành, thì sẽ được lợi lạc vô cùng.

    Trong những năm trước đây, khi tôi theo Sư Phụ học Phật, có rất nhiều người Mỹ và người không biết tiếng Hoa cũng muốn thân cận Ngài. Cho nên mỗi khi họ có nghi vấn gì, tôi đều giúp họ thông dịch. Mỗi khi chấm dứt cuộc đàm luận, Sư Phụ luôn luôn nói một câu bằng tiếng Anh “Try your best” (Hãy cố gắng hết sức mình). Tôi luôn ghi khắc lời này trong tâm, như con dấu ấn, khắc sâu vào tận tâm não tôi. Mỗi khi làm việc gì, tôi đều nhớ đến câu “Try your best!” này, nên nó có công dụng giúp tôi rất mạnh mẽ. Những lời này như khích lệ tôi mỗi khi tôi gặp nghịch cảnh khó khăn. Đó là những lời vàng ngọc giúp tôi sửa đổi, từ sai quấy biết quay về tốt lành, cũng như khiến tôi có đủ năng lực, để trở thành con người hữu dụng thật sự trong cuộc đời này.

    Trước khi gặp Sư Phụ, với lối sống của tôi, đã khiến tôi có cảm tưởng mình là một phần tử vô ích trong xã hội, vì tôi vốn là kẻ nghịch ngợm cứng đầu, chỉ biết hưởng thụ cho riêng mình. Tôi tới Mỹ lúc15 tuổi, bởi vậy từ lâu rồi tôi đã không được thấm nhuần các tập tục cổ truyền của Trung Hoa. Tôi lập gia đình ngay sau khi tốt nghiệp Đại học. Với đồng lương bác sĩ của chồng, kể cũng đã quá đầy đủ về tài chánh cho sinh hoạt trong gia đình tôi. Bởi vậy nên tôi lạm dụng thời gian vào các cuộc ăn chơi: khiêu vũ, ca hát, đóng nhạc kịch Tàu, đánh bạc, rượu chè. Tôi chìm đắm trong các cuộc vui như thế và sống một cuộc đời hôn trầm điên đảo cả ngày lẫn đêm. Tóm lại, đời tôi lúc bấy giờ hầu như không có ý nghĩa gì. Tôi cũng chẳng làm việc chi, ngoại trừ chuyện nuôi dưỡng hai đứa con.

    Sau cái chết của cha tôi năm 1969, tôi bắt đầu suy nghĩ: “Ông không thể mất đi chỉ bởi vì thân xác ông không còn. Vậy thần hồn của ông đã đi về đâu? Tôi cũng muốn biết tại sao tôi đến thế gian này và trong tương lai tôi sẽ đi về đâu? Tôi có rất nhiều nghi vấn về những vấn đề như vậy, nhưng tôi biết giáo lý đạo Tin Lành lại không thể trả lời được. Rồi tôi bắt đầu tìm kiếm sự giải đáp. Tôi chợt có ý nghĩ rằng, Phật giáo có lẽ sẽ giải đáp được những thắc mắc của tôi. Phật giáo nhất định sẽ có những đạo lý thâm diệu. Tuy nhiên, lúc đó (khoảng năm 1970) không có chùa nào ở miền nam Ca-li cả, tôi cũng chẳng quen biết một Phật tử nào. Cho nên Phật giáo xem như không tồn tại trong đời sống sinh hoạt của tôi. Trong tình cảnh đó, tôi bắt đầu cuộc truy tầm về chân lý của Phật giáo. Lúc mới được nghe những điều căn bản của đạo Phật, tôi vui mừng khôn xiết. Phật Pháp cao cả như vậy, thì mỗi người chúng ta đều có thể sẽ thành Phật. Vĩ đại quá! Thì ra tất cả chúng ta đều là một thể và vạn vật vốn đồng một thể như nhau. Nhưng chỉ vì chúng ta vô minh, lại thêm ba độc tham, sân, si nên mới bị luân hồi trong sáu nẻo, chịu biết bao nhiêu là khổ sở.

    Thế tôi mới biết là tôi cần phải có một vị thầy chân chánh. Vì không biết Sư Phụ đang ở San Francisco, nên vào năm 1976, tôi cùng mấy người bạn đi Đài Loan để quy y với Hòa Thượng Quảng Khâm. Sau khi trở về Mỹ, tôi mới rõ rằng, “tưởng như xa tít tận chân trời, mà thật ra là ngay trước mắt.” Do bạn bè giới thiệu, tôi được biết Sư Phụ, một vị cao tăng đang ở ngay tại San Francisco. Tôi nghĩ mình thật may mắn, đây nhất định là nhờ kiếp trước tôi đã có trồng chút căn lành rồi.

    Tôi vội vàng quyết định đi quy y với Hòa Thượng. Sau khi bàn luận với các bạn, thì số người muốn quy y tăng lên khoảng hơn cả mười người. Chúng tôi dự định sẽ đi máy bay, nhưng thấy số người càng đông hơn, nên chúng tôi quyết định mướn xe buýt. Nhưng cũng vẫn không đủ chỗ, vì số người cứ tiếp tục gia tăng. Vậy phải làm sao đây? Chúng tôi lại không quen biết Sư Phụ qua tính cách cá nhân, nên phải nhờ đến người bạn đã giới thiệu Sư Phụ với chúng tôi. Lẽ ra nếu muốn quy y thì phải tìm đến nơi Ngài, chớ làm sao mà có thể xin thỉnh Ngài đến chỗ của chúng tôi được? Bởi vì hiện có quá nhiều người, nên sau đó chúng tôi buộc phải thỉnh mời Sư Phụ. Nhưng Sư Phụ rất từ bi, liền đáp ứng, nhận lời ngay. Tôi lập tức mướn một hội trường lớn ở South Pasadena Modonic Hall, California và còn làm một tấm biểu ngữ lớn, hoan nghinh tiếp đón Sư Phụ cùng các đệ tử của Ngài ở phi trường. Sư Phụ tỏ vẻ rất trịnh trọng về việc này và Ngài cũng đã dẫn theo một số đệ tử. Hơn nữa, Ngài cũng còn đem theo rất nhiều kinh sách, gồm cả tiếng Hoa và tiếng Anh. Tôi chưa từng gặp Sư Phụ, cũng chưa bao giờ tổ chức các Phật sự như vầy. Tuy là lần đầu tiên, nhưng chúng tôi vẫn phải nỗ lực làm cho chu đáo.
    Nghi thức buổi lễ quy y hôm đó rất là trang nghiêm. Trong số người tham dự, già nhất là đã hơn 80 tuổi và trẻ nhất là một em bé. Mọi việc đều hoàn toàn tốt đẹp. Ngày đó vì quá bận nên tôi không có dịp nhìn kỹ Sư phụ. Đến sáng hôm sau, khi tôi thức dậy thì Sư phụ đã ngồi trong phòng khách của tôi. Tôi bước tới gần và quỳ xuống trước Ngài, rồi nhìn Ngài thật kỹ. Bỗng nhiên tôi bật khóc nức nở. Tôi cảm động xót xa tận đáy lòng và bắt đầu khóc lớn, “Hu.. Hu....!” Tâm tôi hòa lẫn cả vạn nỗi đau buồn cùng vui sướng, khó mà diễn tả được các nỗi buồn vui lẫn lộn này.

    Tôi khóc thật lâu, Sư phụ rất từ bi và dịu dàng bảo tôi.

    - Con nay đã về nhà rồi!

    Rồi ngài hỏi:

    - Con họ gì?

    - Con họ Từ

    - Con từ đâu đến?

    - Con từ San Francisco đến.

    - Cha con tên gì?

    Tôi nói tên cha cho Ngài nghe. A! Thì ra Sư phụ và cha tôi đã từng là bạn tốt với nhau! Cha tôi vốn rất chú ý đến nền văn hóa Trung Hoa. Cho nên sau khi Sư phụ đến Mỹ, thì hai người đã trở thành bạn hữu với nhau. Bởi tôi lập gia đình và dời về Los Angeles, nên cơ duyên chưa thành thục cho tôi có dịp gặp Sư Phụ lúc đó.

    Thật ra, cha tôi đã quen biết Sư Phụ từ năm 1962. Và tôi phải đợi đến lúc sau khi cha tôi mất (1976), mới biết được Sư phụ và quy y với Ngài.

    Sau phần quy y, Sư phụ truyền ngũ giới cho chúng tôi, nhưng lúc đó tôi còn hút thuốc và uống rượu. Sư Phụ nói:

    - Qui y rồi, con không nên hút thuốc nữa. Bồ Tát không thích người hút thuốc. Nếu con hút thuốc, thì Bồ Tát bỏ đi xa vì mùi khói thuốc đó.


    Vì vậy tôi bỏ hút thuốc. Việc cai thuốc lá thì chẳng có chi là lớn lao đối với tôi, vì tôi đã không hề thích thuốc lá. Tôi chỉ hút theo đám bạn trong lúc đánh bài. Tuy nhiên cai rượu là việc rất khó cho tôi, bởi vì tôi đã thích uống rược từ lúc còn trẻ. Chồng tôi rất lo sợ là sẽ có ngày tôi trở thành kẻ nghiện rượu. Cho nên tôi thường nói với chồng rằng:

    - Anh phải nên biết ơn và hiếu kính Sư Phụ, bởi vì Sư Phụ đã cứu mạng cả hai chúng ta đó. Nếu Sư phụ đã không biến đổi em thành người “chánh nghĩa”, thì cả sanh mạng và gia đình chúng ta có lẽ đã không còn rồi.


    Cho nên chồng tôi luôn luôn mang ơn Sư phụ. Chồng tôi vốn là đạo công giáo, nhưng bây giờ anh ta cũng là đệ tử của Sư Phụ.

    Sau đó tôi tự nghĩ: Nếu như tôi bỏ được rượu thì tôi mới thật sự bắt đầu làm lại cuộc đời mới. Thế là sau khi quy y không lâu, tôi liền cai rượu và thuốc lá. Chồng tôi kinh ngạc vô cùng vì đã không ngờ là như vậy. Từ đó trở đi, tôi bắt đầu sửa đổi mình. Việc sửa đổi những tập khí xấu của tôi thì không dễ chút nào. Nhưng tôi luôn ghi nhớ lời Sư phụ: “Hãy cố gắng hết sức mình!” (Try your best!) Rồi từ đó, tôi không bao giờ đi ca hát, nhảy đầm, uống rượu nữa. Dần dần tôi không còn đi chơi với các bạn cũ. Tôi cũng cố gắng ảnh hưởng họ bằng cách khuyến khích họ tập ăn chay. Nhiều người bạn mà tôi thường giao du lúc trước, nay cũng trở thành Phật tử. Bởi vì họ tới Mỹ từ những hoàn cảnh khác nhau, nên tôi chỉ có thể ảnh hưởng họ bằng cách tự thay đổi tánh nết, phẩm hạnh của chính mình.

    Tuy nhiên tôi vẫn chưa hoàn toàn chuyển qua ăn chay trường. Những lúc đến Vạn Phậtï Thánh Thành, sau mỗi buổi trưa tôi vẫn còn lén ra ngoài ăn gà chiên. Vậy làm sao mà tôi lại trở thành người ăn chay trường? Nguyên là, ngay khi Sư Phụ vừa mua một ngôi nhà thờ cũ ở đường số 6, Ngài định bắt đầu sẽ sửa thành ngôi chùa. Cũng đúng là lúc sau “Vụ án tàn sát tại quán Kim Long” của đảng thanh niên người Hoa, tức đảng Hoa Thanh. Ở phố Tàu lúc nào cũng có các băng đảng tranh chấp với nhau. Thế là hai băng đảng lớn là Hoa Thanh và Joe Boys đã khai chiến bắn nhau trong nhà hàng Kim Long, giết chết rất nhiều người. Chuyện này đã tạo thành nguồn tin lớn trên thế giới. Kinh tế ở phố Tàu luôn lệ thuộc vào du khách, nhưng với tin tức này, toàn cả khu phố Tàu ở San Francisco đột nhiên biến thành khu phố ma, vì chẳng ai dám lai vãng đến khu vực này. Mọi người đều biết chắc là Đảng Hoa Thanh sẽ phản kích lại, nhưng đều không biết là sẽ xảy ra lúc nào thôi.

    Vị chúa đảng Hoa Thanh lúc đó, nay đã là đệ tử của Sư phụ. Vào một ngày nọ, trong khi họ đi lùng kiếm vũ khí, thì đến khu vực gần Vạn Phật Thánh Thành. Ngày đó Vạn Phật đang tổ chức Pháp hội và có rất nhiều người Hoa tham dự. Lúc đó, tôi có nhiệm vụ trong ban tiếp tân ở trước cổng. Khi thấy một đám thanh niên trẻ tuổi, tôi rất nhiệt tâm chào đón và hướng dẫn họ vào Vạn Phật Thánh Thành để tham gia Pháp hội. Khi đó Sư phụ đang làm lễ quy y. Tôi không biết họ là ai, nhưng khi họ nói là muốn tìm Sư Phụ, tôi rất vui mừng, nghĩ: Họ ở lứa tuổi trẻ như vậy mà đã muốn học Phật Pháp và quy y Sư phụ rồi.

    Khi Sư phụ thấy họ, Ngài bèn hỏi tôi:

    - Con có biết chúng nó là ai không?

    - Dạ không biết.

    Đến lúc họ thỉnh cầu quy y với Sư phụ, Sư phụ nghiêm sắc mặt hỏi:

    - Tôi sẽ nhận lời thỉnh cầu, nhưng các chú từ nay trở đi có thể không đi giết người, trộm cắp, cướp đoạt được không?

    Trong khi đó tôi thắc mắc không biết tại sao Sư phụ lại cứ hỏi đám thanh niên này nhiều lần như vậy. Tất cả đều trả lời là: Được. Và Sư phụ cho phép họ quy y. Sau khi đám thanh niên đã ra về, Sư phụ mới bảo tôi:

    - Tụi nó là người thuộc đảng Hoa Thanh đó.


    Sư phụ biết hết! Nhưng tôi lại không biết chi và vì vô minh, nên tôi mới dẫn họ đến gặp Ngài.

    Thật vậy, nhân vì sự kiện này, Sư phụ không những đã cải biến cuộc đời họ, mà Ngài còn cứu giúp cả cộng đồng Hoa Kiều ở phố Tàu, San Francisco. Sau cuộc “Án tàn sát ở quán Kim Long”, khu phố Tàu lâm vào tình cảnh khó khăn. Vì nếu mọi người vẫn tiếp tục tránh xa, không dám tới gần phố Tàu, thì có lẽ ở đó sẽ không còn buôn bán làm ăn được gì.

    Sau khi các hội viên đảng Hoa Thanh quy y với Sư Phụ, họ bèn cải tà qui chánh, nên không còn những trận đổ máu hay đấu súng nhau nữa. Phố Tàu dần dần hưng thịnh trở lại, nhưng rất ít người biết được, chuyện gì đã xảy ra. Sau đó các thành phần trong đảng Hoa Thanh còn tới chùa Kim Sơn giúp đỡ rất nhiều việc. Khi đó nhân lúc Vạn Phật Thánh Thành đang xây cổng Tam Quan, nên họ cũng phụ trách công tác này. Sau đó họ lại đến đường số 6 để phụ giúp tu sửa ngôi nhà thờ cũ. Khi tôi và Quả Cao đem cơm cho họ, tôi mới phát giác là đám thanh niên đảng Hoa Thanh này đều ăn chay cả. Tôi cảm thấy rất là xấu hổ và tâm tư xao động. Bởi vì tôi đã theo Sư phụ nhiều năm, nên đối với họ tôi như là bậc đại sư tỷ, vậy mà tôi vẫn chưa hoàn toàn ăn chay trường. Vào một đêm, tôi bỗng giựt mình thức giấc, nghe tựa hồ như tự mình hoặc là Bồ Tát Quán Thế Âm nói rằng:

    - Con ăn chưa đủ sao?


    Tôi vội vàng đến phòng thờ Phật và cầu nguyện với Bồ Tát. Rất ít khi nào tôi cầu với Bồ Tát. Ngay cả lúc tôi bị bệnh nặng hay bị đau đớn, tôi vẫn nghĩ đó đều là những nghiệp chướng mà tôi phải nhẫn chịu. Nhưng đây là lần đầu tiên tôi cầu xin sự cứu độ của Bồ Tát Quán Thế Âm. Tôi cầu Ngài giúp tôi đủ quyết tâm để chuyển qua ăn chay trường. Sáng hôm sau, tôi nói với chồng tôi là kể từ nay tôi sẽ ăn chay. Nhưng ông chồng tôi vẫn không tin mà nói “Ý em nói là bữa nay em sẽ ăn chay thì phải!” Đó cũng chính là ngày 2/1/83, Kim Luân Tự (chi nhánh Vạn Phật Thánh Thành) chánh thức làm lễ khai quang.
    Từ đó trở đi, tôi bắt đầu lạy Vạn Phật Sám ở nhà vào mỗi sáng, thành tâm sám hối các nghiệp ác mà tôi đã tạo ra từ kiếp trước. Điều khó sửa đổi nhất là tánh tình nóng nảy của tôi. Mỗi tháng Sư phụ đều đến chùa Kim Luân ở Los Angeles thuyết Pháp, Sư Phụ thường hỏi tôi:

    - Con có còn nóng giận không?

    Đến nay tôi vẫn cố gắng hết sức để sửa đổi tật xấu này.

    Sư Phụ dạy chúng ta nên sửa đổi từ trong tâm, chớ không phải tìm cầu ở bên ngoài. Nếu như ngay cả nhân cách làm người cũng còn không xong, thì làm sao có thể thành Phật được? Cho nên chúng ta phải xem xét tánh nết hành động của mình trong cuộc sống hằng ngày. Phải luôn luôn cảnh giác và tự hỏi: Đây có phải là điều mà người Phật tử nên làm không? Chúng ta có phải là đệ tử của Sư Phụ không? Chúng ta có thật sự tuân theo Lục Đại Tông Chỉ: không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi và không nói dối chưa?

    Sư Phụ một đời đã chịu cực khổ nhọc nhằn, đều là vì muốn cảm hóa chúng sanh, khiến cho chúng ta thoát khổ được an lạc. Bởi vậy chúng ta không nên cô phụ nỗi khổ nhọc của Ngài. Chúng ta nên cố gắng tận lực! (Try your best!) Với đức độ cao dày cùng lòng từ bi, Ngài mới có thể cảm hóa được hằng hà vô số chúng sanh như chúng ta. Vì vậy chúng ta nên phát tâm chân thật và tinh tấn tu tập, như thế mới không phụ lòng kỳ vọng của Ngài ở chúng ta. Và chúng ta hãy nên phát huy hoằng dương chánh pháp rộng rãi với tinh thần quảng đại của Ngài mới xứng đáng là người Phật tử.


    Lời ban biên tập:

    Mỗi lần tới buổi giảng kinh ở Vạn Phật Thánh Thành, thì cổng thành được khóa lại. Lễ đản sanh Bồ Tát Quán Thế Âm vào ngày 19 âm lịch năm 1974, khoảng 1 giờ trưa, Sư Phụ thuyết giảng “Phẩm Phổ Môn” ở chánh điện. Tại chánh điện vì không có cửa sổ, nên không cách nào nhìn xa ra tới cổng Tam quan được. Lúc đó Sư Phụ chưa rời khỏi Pháp tòa, mà đột nhiên Ngài bảo Thầy Hằng Lai ra mở cổng thành và nói:

    - Có cả hơn 10 người đang đợi ngoài cổng đã lâu, chú hãy mau ra mở cổng cho họ vào đi.

    Thầy Hằng Lai nghe thế, lúc đầu chẳng lấy làm tin, nhưng khi thầy mở cổng, thì quả nhiên thấy có hơn 10 thanh niên đã đợi bên ngoài hơn cả tiếng đồng hồ rồi.

    Cư Sĩ Quả Tướng (Helen Woo) hướng dẫn họ vào chánh điện thắp hương và khuyên họ nên quy y Tam Bảo. Mặc dù trước đây Sư Phụ chưa từng gặp những thanh niên này, nhưng chỉ thoáng nhìn qua là Ngài đã biết họ là ai rồi. Cho nên lời đầu tiên Ngài nói với họ là:

    “Nếu các chú muốn quy y, thì phải không được giết người, phóng hỏa, trộm cướp, tà dâm hay uống rượu.”


    Mọi người trong Pháp hội đều im thin thít, không biết tại sao Sư phụ lại nói như vậy, mà cũng không ai dám hỏi các thanh niên đã từng làm qua những gì? Rồi Sư phụ lập tức gạn hỏi:

    - Ai là Đại ca, đưa tay lên!

    Chúa Đảng Hoa Thanh liền đưa tay lên.

    Sau khi quy y không lâu, một số thành viên trong băng này làm loạn và muốn trở lại hành nghề cũ. Nhưng ngay đêm đó, tám người trong bọn họ đều nằm mơ giống nhau. Trong giấc mơ họ đều thấy Hòa Thượng hiện ra trước mặt và cấm họ không được tiếp tục làm ác. Hôm sau, khi thức dậy, họ kể lại cho nhau nghe về những giấc mơ. Rồi từ đó chẳng người nào dám làm chuyện xấu xa nữa. Mà ngược lại là họ còn biết bù đắp tội xưa, sửa đổi làm người mới và trở thành Phật tử rất nhiệt tâm.

    Thật ra, khó mà cảm hóa được người xấu ác. Nếu Sư phụ không phải là một vị chân tu với đức độ cao thâm thì khó có thể độ được những thanh niên này!

    http://www.dharmasite.net/PhapNhuThamAn.htm#11
    Liên Trì đại sư nói: “Có thể thật sự niệm Phật, buông thân tâm, thế giới xuống, chính là đại bố thí. Chẳng khởi tham, sân, si nữa chính là đại trì giới. Chẳng kể thị phi nhân ngã, chính là đại nhẫn nhục. Chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp chính là đại tinh tấn. Chẳng còn vọng tưởng rong ruổi chính là đại thiền định. Chẳng bị những ngã rẽ khác làm lầm lạc chính là đại trí huệ”.http://hinhdongphatgiao.org/

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts