Kính cẩn trình bày phương pháp xem đọc dành cho những vị chưa từng nghiên cứu Phật học
Ba quyển đầu trong bộ tụng văn này được chia làm hai phần lớn:
1) Từ trang thứ nhất của quyển Một cho đến dòng thứ sáu của trang hai mươi lăm [trong quyển Một] đều là những bài ca tụng các chuyện thuộc Bổn hay Tích của Bồ Tát trong kiếp xưa trích theo kinh điển.
2) Tiếp theo đó đều là những bài kệ tụng về sự tùy cơ cảm ứng của Bồ Tát ở phương này (tức cõi Sa Bà nói chung và Trung Hoa nói riêng – chú thích của người dịch).
Nếu những vị nào chưa từng nghiên cứu Phật Học thì khi xem, hãy nên đọc trước từ dòng thứ bảy trang hai mươi lăm của quyển thứ nhất trở đi cho đến hết quyển thứ ba. Rồi đọc những phần dẫn kinh văn để chứng minh trong quyển thứ tư. Đọc phần kinh văn dẫn chứng xong, lại xem từ trang thứ nhất của quyển Một thì sẽ chẳng cảm thấy khó hiểu, chẳng nẩy sanh ý tưởng không muốn đọc cho hết, chắc chắn sẽ hớn hở, hoan hỷ, sanh lòng cảm kích lớn lao. Đối với những điều người đời trước đã may mắn tránh được thì chính mình cũng muốn tránh. Phàm những gì người xưa đã may mắn đạt được thì chính mình cũng muốn đạt được. Bỏ cái tâm chấp trước của phàm phu, thuận theo hoằng nguyện của Bồ Tát, tự xót, xót người, tự thương, thương người. Từ đấy thường niệm thánh hiệu của Bồ Tát, lại còn khuyên khắp hết thảy những người cùng hàng [đều niệm danh hiệu Bồ Tát] để ắt đều tiêu trừ nghiệp chướng từ vô thủy, tăng trưởng thiện căn tối thắng, gần là hưởng cái nhân “các duyên thuận thảo, không điều gì chẳng tốt lành”, xa là đạt cái quả “siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử”.
* Kính khuyên các độc giả phải chú trọng chí thành cung kính để tự đạt được lợi ích thật sự
Pháp thế gian hay xuất thế gian đều lấy lòng Thành làm gốc. Hễ có lòng Thành thì sẽ cảm được thánh ứng; không có lòng Thành thì do không cảm, thánh sẽ không ứng. Ví như mặt trăng rạng rỡ giữa bầu trời, hiện bóng trong muôn sông. Nếu nước đục ngầu, xao động, bóng trăng khó thể hiển hiện được. Do nước gây nên như thế, đâu phải lỗi của trăng! Vì thế nói: “Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, ắt phải cầu từ nơi cung kính. Có một phần cung kính, tiêu được một phần tội nghiệp, tăng một phần phước huệ. Có mười phần cung kính, tiêu được mười phần tội nghiệp, tăng mười phần phước huệ”. Nếu không cung kính thì chỉ kết được cái duyên xa, khó được lợi ích thật sự. Nếu lại còn khinh nhờn sẽ mắc tội vô lượng.
Hơn nữa, những bài tụng và lời chú giải trong các trang mười sáu, mười bảy, mười tám của quyển Ba nhằm dẫn khởi trí huệ, chứa đựng nhiều Thiền cơ. Những câu nói ấy chỉ có người thật sự có sở ngộ mới hiểu được ý chỉ, chớ nên dò đoán, tìm tòi ý nghĩa dựa theo câu văn! Dẫu cho sẵn tánh thông minh, hễ càng suy lường thì càng xa. Lời lẽ trong nhà Thiền đều là như thế. Nếu có thể chú trọng lòng kính, giữ lòng Thành, chấp trì thánh hiệu của Bồ Tát thì mai kia nghiệp tiêu trí rạng, tất cả những lời lẽ Thiền cơ sẽ đều hiểu rõ từng câu như “mở cửa thấy núi, vẹt mây thấy mặt trăng” vậy!
21. Đề từ cho An Sĩ Toàn Thư
* Đọc sách cần biết
Trong sách này, phàm tân truyền[4] của Khổng - Mạnh, đạo mạch của Phật, Tổ, cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, liễu sanh thoát tử và những lời ăn tiếng nói, xử sự trong thường ngày, khởi tâm động niệm, mỗi mỗi đều chỉ rõ, đáng làm khuôn mẫu. Thật có thể nói là “mượn nhân quả thế gian để chỉ rõ khuôn mẫu huyền nhiệm hòng trở thành thánh”, quả thật là đạo mầu để Như Lai tùy theo căn cơ độ sanh, là chân thuyên[5] để chúng sanh lìa khổ được vui. Độc giả hãy nên coi sách này giống hệt như kinh Phật, hãy giữ lòng kính nể, đừng khinh nhờn thì không phước nào chẳng đưa tới, không tai nạn nào chẳng tiêu! Kính thưa trình cách đọc gồm mười điều, mong hãy xét cho lòng ngu thành.
1) Lúc sắp mở sách ra đọc tụng, trước hết hãy nên phát tâm cung kính như gặp vị khách quý, như đối trước bậc tiên triết, ngõ hầu luôn luôn ngộ nhập được dụng ý sâu xa của tác giả.
2) Lúc sắp mở sách ra đọc tụng, trước hết hãy nên phát tâm chí thành, thốt lời khẩn thiết, khen ngợi ông Châu An Sĩ vận tâm cứu thế rộng lớn để soạn thành kiệt tác cứu thế này và vui mừng mình đã hữu duyên được đọc.
3) Lúc sắp mở sách ra đọc tụng, trước hết hãy nên rửa tay, súc miệng, đặt sách trên bàn sạch trong gian phòng sạch sẽ rồi mới mở ra xem.
4) Lúc sắp mở sách ra đọc tụng, trước hết chỉnh đốn quần áo, ngồi ngay ngắn một lát, sám hối hết thảy những ác niệm, ác ngữ, ác hạnh như ganh ghét, khinh mạn, kiêu cuồng v.v…
5) Lúc đọc tụng, hễ ngộ nhập được một câu một chữ, đều nên khởi lòng hoan hỷ lớn lao và tùy thời ghi chép những điều tâm đắc, đừng bỏ mặc cho quên mất!
6) Lúc đọc tụng, hãy nên nghĩ rộng rãi về ý nghĩa, thoạt đầu là dùng sách để nhiếp tâm, tiếp đó dùng tâm để chuyển nghiệp, cuối cùng tiến tới tâm niệm không ngừng nghỉ thực hành, khuyên dạy rộng rãi để chuyển thế giới Ngũ Trược thành thế giới Cực Lạc.
7) Lúc tâm khởi vọng niệm, hãy nên cung kính đặt sách xuống, tạm ngừng đọc.
8) Đọc xong hoan hỷ, theo đúng pháp vâng làm, hãy nên thường khởi lòng hâm mộ tâm hoằng pháp của ông Châu, tận lực bắt chước làm theo.
9) Đọc hết bộ sách xong, hãy nên nghĩ kỹ rộng rãi xu hướng trong xã hội hiện tại để nhiếp hóa rộng lớn, ngõ hầu điều lành được lưu truyền.
10) Đọc hết bộ sách xong, thấy được những chỗ có thể tuyên thuyết phù hợp căn cơ liền vì người không biết chữ mà phương tiện diễn nói rộng rãi để tạo lợi ích lớn lao.
http://www.niemphat.net/Luan/aqvstam...tambien19.htma