26. Đề từ cho sách Âm Chất Văn Đồ Chứng
Đời đã loạn đến cùng cực, ai nấy đều mong bình trị, nhưng chẳng tìm ra đạo để đạt đến bình trị, chỉ mong mỏi xuông thì rốt cuộc có ích gì đâu? Do vậy, phải nên đề xướng giáo dục trong gia đình và nhân quả báo ứng. Giáo dục trong gia đình phải khởi đầu khi con cái đang còn thơ ấu, ngõ hầu chúng nó biết tường tận “hiền từ, hiếu thảo, nhường nhịn, cung kính, hòa thuận, nhân từ, trung thực” chính là thiên chức của kẻ làm con, làm anh em, làm chồng vợ, làm chủ, làm tớ. Từ đấy, ai nấy trọn hết bổn phận của chính mình để mong đấng sanh ra ta chẳng bị hổ thẹn, để làm kẻ hiền thiện. Lại còn tuyên nói nhân quả báo ứng ngõ hầu có pháp tắc để chế ngự cái tâm, chẳng đến nỗi vượt lý, phạm phận thì những ý niệm tự tư tự lợi xấu ác tự bị tiêu trừ, thiện tâm vì người vì vật sẽ tự nẩy sanh. Như thế thì chuyện tranh giành, đánh phá lẫn nhau sẽ bị diệt mất, thiên hạ thái bình, nhân dân yên vui. Bởi thế, cùng với những người có cùng một chí hướng lưu thông sách này ngõ hầu người đọc sách sẽ thọ trì làm theo, xoay vần lưu truyền thì may mắn lắm thay!
27. Đề từ cho bản in gộp chung tác phẩm Phóng Sanh Sát Sanh Hiện Báo Lục của tiên sinh Giang Thận Tu và bài văn khuyên kiêng giết phóng sanh của Liên Trì đại sư
Ông Hoàng Sơn Cốc nói:
Ngã nhục, chúng sanh nhục,
Danh thù, thể bất thù,
Nguyên đồng nhất chủng tánh,
Chỉ thị biệt hình khu,
Khổ não tùng tha thụ,
Phì cam vị ngã nhu,
Mạc giao Diêm lão đoán,
Tự sủy, ứng hà như?
(Thịt ta, thịt chúng sanh,
Tên khác, thể chẳng khác,
Vốn cùng một chủng tánh,
Chỉ là khác hình hài.
Khổ não chúng cam chịu,
Ngọt bùi ta hưởng riêng.
Chẳng đợi Diêm vương xử,
Tự suy ắt biết mà!)
Nguyện Vân thiền sư có bài kệ như sau:
Thiên bách niên lai oản lý canh,
Oán thâm như hải, hận nan bình,
Dục tri thế thượng đao binh kiếp,
Đản thính đồ môn dạ bán thanh.
(Trăm ngàn năm qua trong bát canh,
Oán sâu tự biển, hận khôn bình;
Muốn biết đao binh trên cõi thế,
Lắng nghe lò mổ giữa đêm thanh)
Từ Thọ thiền sư nói:
Ẩm thực ư nhân nhật nguyệt trường,
Tinh thô tùy phận tắc cơ thương,
Hạ hầu tam thốn thành hà vật?
Bất dụng tương tâm tế giảo lượng.
(Đời người ăn uống bao niên,
Dở, ngon tùy phận khỏi phen đói lòng,
Nuốt qua cổ họng là xong,
Tính toan tỉ mỉ nhọc lòng làm chi?)
Những vật nuôi dưỡng con người trong thế gian kể sao cho xuể, nấu nướng nêm nếm đúng cách, vị đều ngon lành. Há nên vì bụng miệng ta mà giết hại sanh mạng đến nỗi đời đời kiếp kiếp sát hại lẫn nhau trọn chẳng có khi nào dứt, chẳng đáng buồn sao? Vì thế, lưu truyền sách này để mong vãn hồi sát kiếp. Nguyện người thấy nghe đều cùng tin nhận thì may mắn lắm thay!
28. Đề từ sách Thọ Khang Bảo Giám (bài thứ nhất)
Không một ai chẳng muốn chính mình và con cháu đều trường thọ, yên vui. Nếu đối với chuyện sắc dục chẳng biết kiêng dè, thận trọng, sẽ gặt lấy hậu quả trái ngược, thật đáng đau thương! Vì thế, Khổng Tử nói: “Thiếu chi thời huyết khí vị định, giới chi tại sắc” (Lúc niên thiếu khí huyết chưa định, phải kiêng dè nơi sắc dục). Mạnh Tử nói: “Dưỡng tâm giả mạc thiện ư quả dục. Kỳ vi nhân dã quả dục, tuy hữu bất tồn yên giả, quả hỹ. Kỳ vi nhân dã đa dục, tuy hữu tồn yên giả, quả hỹ” (Dưỡng tâm thì không gì hay bằng ít ham muốn. Ai làm người mà ít ham muốn, tuy tâm người ấy có những điều không hợp đạo nghĩa, nhưng những điều ấy cũng ít. Ai làm người mà lắm ham muốn, tâm dù có giữ được đạo nghĩa thì đạo nghĩa ấy cũng chẳng được mấy[6]). Do vậy nói rằng: “Sự sống chết tồn vong của con người tùy thuộc quá nửa nơi con người có ít ham muốn sắc dục hay không?”
Bất Huệ trọn chẳng có sức cứu đời, nhưng lòng mong duy trì tuổi thọ cho người đời. Do vậy, bèn tu chỉnh, bổ sung cuốn sách này để ấn hành, lưu truyền, nhằm mong những ai biết yêu thương chính mình và con cháu hễ có được cuốn sách này đều đọc kỹ càng thì quan hệ lợi - hại sẽ rõ ràng như nhìn vào ngọn lửa. Trong là răn nhắc con cháu, ngoài là răn nhắc những kẻ cùng hàng. Lại mong xoay vần lưu thông để truyền khắp vũ trụ ngõ hầu hết thảy mọi người cùng hàng đều được sống lâu, mạnh khỏe, đấy chính lời cầu chúc thơm thảo vậy!
http://www.niemphat.net/Luan/aqvstam...tambien19.htma