VÂNG LỜI NHƯ TÔMA



Với Tôma, ông chỉ còn chờ thập giá mà thôi. Khi Chúa Giêsu đề nghị đến Bêtania lúc được tin Ladarô bị bệnh, Tôma phản ứng "Chúng ta hãy tới đó để cùng chết với Ngài". Tôma không thiếu can đảm, nhưng ông có tính bi quan. Không ai nghi ngờ việc Tôma rất yêu Chúa Giêsu. Ông yêu Ngài đủ để sẵn sàng cùng đi với Ngài lên Giêrusalem, sẵn sàng để chết trong khi các môn đệ khác phân vân, sợ hãi. Điều mà Tôma chờ đợi đã xảy ra, và khi việc xảy ra như ông chờ đợi thì lòng ông vẫn đau đớn vô cùng. Ông đau đớn đến độ không muốn nhìn mặt ai nữa, ông ở riêng với niềm đau của mình.

Vua George Đệ Ngũ thường nói một trong những qui luật sống của mình : "Nếu ta phải chịu đau khổ thì hãy để ta như một con vật tốt giống và để ta chịu khổ một mình trong cô đơn". Tôma phải đối diện với nỗi đau buồn của ông trong cô đơn. Vì thế, khi Chúa Giêsu trở lại với các môn đệ thì ông không có mặt. Với ông, tin báo Chúa Giêsu đã sống lại là một tin dường như quá tốt lành đến độ không thể có thật, vì thế ông đã không chịu tin. Với tâm trạng phân vân do bản tính bi quan, ông tuyên bố chẳng bao giờ ông tin Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết cho đến khi thấy tận mắt, đặt ngón tay ông trên dấu đinh trên tay Chúa và đặt bàn tay ông vào chỗ mũi giáo đã đâm nơi hông Ngài (Kinh Thánh không chép gì về các vết thương nơi bàn chân Chúa Giêsu, vì trong hình phạt đóng đinh vào thập giá, đôi chân không bị đóng đinh, chỉ cột hờ vào đó mà thôi).

Thêm một tuần lễ trôi qua, lần này thì Tôma có mặt với các môn đệ khác. Chúa Giêsu biết rõ tấm lòng của Tôma. Ngài lặp lại lời ông và mời ông tự làm cuộc trắc nghiệm mà ông từng đòi hỏi. Bấy giờ, lòng Tôma tuôn tràn ra tình yêu thương và lòng tôn thờ, ông chỉ có thể thốt lên : "Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Trời tôi". Chúa Giêsu nói với ông : "Tôma ơi, ngươi cần thấy tận mắt rồi mới chịu tin, nhưng sẽ có lúc người ta chỉ thấy bằng đôi mắt của đức tin và tin nhận". Trong câu truyện này tâm tánh của Tôma đã bộc lộ rõ ràng trước mắt chúng ta:

1. Tôma đã phạm một lỗi lầm.

Ông đã rút lui khỏi các buổi họp mặt hiệp thông của các môn đệ. Ông tìm sự cô đơn hơn là họp nhau lại. Và vì không có mặt với các bạn nên ông mất cơ hội gặp Chúa Giêsu lúc Ngài đến lần thứ nhất. Chúng ta sẽ mất mát nhiều nếu tự tách mình ra khỏi sự hiệp thông với các kitô hữu khác để tìm cách sống cô đơn. Nhiều điều có thể xảy đến khi chúng ta cùng nhóm họp hiệp thông với nhau trong Giáo hội Chúa nhưng sẽ không xảy ra nếu chúng ta sống cô đơn. Khi gặp cảnh đau buồn, chúng ta thường có khuynh hướng muốn đóng cửa lại nhốt mình riêng một nơi, không muốn gặp ai cả. Nhưng chính những lúc như thế, mặc dầu đau buồn, chúng ta nên tìm thông hiệp với các môn đệ khác, vì trong sự thông hiệp đó chúng ta có cơ may gặp Chúa mặt đối mặt nhiều hơn cả.

2. Nhưng Tôma có hai đức tính lớn.

Ông nhất định không chịu nói mình tin khi ông chưa tin, không bao giờ nói là mình hiểu trong khi ông không hiểu. Ông có thái độ thành thật bất khả khoan nhượng. Ông không hề đè nén sự nghi ngờ của mình xuống bằng cách làm như mình không hề nghi ngờ. Tôma không thuộc loại người không chịu thông qua bài tín điều khi chưa hiểu nó dạy gì. Ông muốn biết chắc mọi sự, và thái độ này của ông hoàn toàn đúng.

Một người đòi hỏi cho chắc chắn thì có đức tin vững vàng hơn kẻ chỉ lặp lại như con vẹt những điều mình chẳng bao giờ suy nghĩ đến, không thật sự tin tưởng. Chính sự hoài nghi như thế đến cuối cùng sẽ đạt đến chỗ tin chắc.

3. Đức tính kia của Tôma là khi đã biết chắc chắn, ông sẽ đi cho đến cùng. Ông nói : "Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Trời tôi".

Với Tôma không có vị trí lưng chừng. Ông không làm bộ hoài nghi chỉ nhằm chơi trò xiếc tinh thần, ông nghi ngờ vì muốn trở thành người biết chắc, và khi đã biết chắc rồi, ông hoàn toàn tuân phục. Khi một người chiến đấu với những nỗi hoài nghi để đi đến chỗ tin quyết Giêsu là Chúa, người ấy đã đạt được sự chắc chắn mà những người dễ chấp nhận không suy nghĩ sẽ chẳng bao giờ đạt được.

Chúng ta không rõ những ngày sau đó điều gì xảy ra cho Tôma Nhưng có một sách ngoại kinh nhan đề "Các công việc của Tôma" dựng lại tiểu sử của ông. Dĩ nhiên đây chỉ là truyền thuyết, nhưng ẩn trong truyền thuyết cũng có phần nào lịch sử của ông, và trong sách đó, Tôma được mô tả trung thực với tánh tình của ông. Sau đây là một phần trong câu truyện đã được kể về ông.

Sau khi Chúa sống lại, các môn đệ phân bổ khu vực rao truyền Phúc Âm, mỗi người đến một nơi nào đó để truyền bá Phúc Âm hầu mọi người khắp thế gian đều được nghe. Tôma bắt thăm nhằm xứ Ấn độ (Giáo Hội thánh Tôma ở miền nam Ấn truy lai lịch của họ từ Tôma). Thoạt đầu Tôma không chịu đi, ông bảo không dủ sức để thực hiện một chuyến đi xa như thế. Ông nói : "Tôi là một người Do thái, làm sao lại có thể đến sống giữa những người Ấn độ mà truyền giảng chân lý cho họ được ?" Tối đến, Chúa Giêsu hiện đến với ông và bảo "Này Tôma, đừng sợ, hãy đến Ấn độ và giảng ở đó, vì ân sủng của Ta ở cùng ngươi". Thế nhưng Tôma vẫn ngoan cố từ chối. Ông nói : "Nếu Ngài muốn sai tôi đi thì sai, nhưng đi nơi nào khác chứ đến với dân Ấn, tôi sẽ không đi đâu !"

Bấy giờ có Abbanes một thương gia Ấn Độ đến Giêrusalem, ông được nhà vua Gundaphorus sai đi tìm một thợ mộc giỏi đem về Ấn độ, và Tôma vốn là thợ mộc. Chúa Giêsu đến cùng Abbanes ngoài chợ và hỏi : "Ông có muốn mua một thợ mộc không ?" Abbanes đáp : "muốn". Chúa Giêsu nói : "Tôi có một tên nô lệ làm thợ mộc và tôi muốn bán !” Rồi Ngài chỉ Tôma đứng đàng xa, họ ngã giá và Tôma bị bán. Tờ bán viết như sau : "Tôi tên là Giêsu, con trai Giuse thợ mộc, nhìn nhận có bán tên nô lệ của tôi là Tôma cho ông Abbanes, thương gia của Gundaphorus, vua dân Ấn". Sau khi viết xong giấy bán, Chúa Giêsu đi tìm Tôma, đưa ông đến với Abbanes. Abbanes hỏi : "Có phải người đó là chủ của anh không ?" Tôma đáp : "Phải". Abbanes nói : "Tôi đã mua anh từ ông ta". Tôma yên lặng. Sáng hôm sau, Tôma dậy sớm cầu nguyện, sau đó ông thưa với Chúa Giêsu: "Lạy Chúa, con xin nhận bất cứ nơi nào Ngài muốn, nguyện ý Ngài được nên trọn". Đó chính là Tôma một người chậm tin, chậm thuần phục, nhưng khi đã thuận phục thì thuận phục hoàn toàn.

Câu truyện tiếp tục kể rằng vua Gundaphorus ra lệnh cho Tôma xây một cung điện, Tôma tâu rằng có đủ khả năng để làm việc ấy. Nhà vua cấp tiền đầy đủ cho ông mua vật liệu và thuê nhân công, nhưng ông đem phân phát hết cho người nghèo. Ông luôn luôn tâu với vua rằng ngôi nhà đang được xây cất, sau đó nhà vua sinh nghi bèn cho gọi Tôma đến hỏi : "Ngươi xây cung điện cho ta xong chưa ?" Ông đáp : "Bây giờ hoàng thượng chưa thể đến xem được, nhưng sau khi lìa bỏ đời này thì hoàng thượng sẽ thấy". Thoạt đầu nhà vua nổi cơn thịnh nộ và tánh mạng Tôma lâm nguy, nhưng cuối cùng nhà vua tin Chúa. Như thế, Tôma đã đem Kitô giáo đến Ấn độ.

Nơi Tôma, có cái gì rất đáng yêu, đáng ngưỡng mộ. Với Tôma, có đức tin không phải là chuyện dễ, ông không bao giờ sẵn sàng vâng lời ngay. Tôma là người muốn biết chắc chắn, ông tính thật kỹ giá phải trả. Một khi đã biết chắc, ông nhất quyết tin và vâng phục cho đến cùng. Đức tin như Tôma tốt hơn loại đức tin bằng đầu môi chót lưỡi, vâng lời như Tôma vẫn tốt hơn cái gật đầu dễ dàng đồng ý nhận làm việc gì đó mà không cân nhắc, để rồi sau đó rút lại điều mình đã hứa.


SƯU TẦM