SỐNG VỚI NHAU NHƯ ANH EM MỘT NHÀ
A. ĐẠI Ý
Thánh lễ hôm nay diễn tả hai việc Phục sinh : Việc Phục si nh lịch sử của Chúa Ki-tô và việc Phục sinh tinh thần của những người tân tòng.
Chúa Ki-tô như phiến đá bị thợ xây loại bỏ, bị xô đẩy cho ngã quỵ, những đã biến thành tảng đá góc tường do quyền năng của Thiên Chúa hùng mạnh, đã thực hiện những điều kỳ diệu lạ lùng, làm cho Ngài chiến thắng (Đáp ca) : nghĩa là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại (Bài đọc II) ; sau khi sống lại Ngài đã hiện ra với các Tông đồ, và hôm nay, sau tám ngày, Ngài còn hiện ra với họ để củng cố đức tin cho một người trong bọn họ là Tô-ma (Tin Mừng).
Những người tân tòng là những người nhờ lượng từ bi của Đức Chúa Cha và nhờ sự Phục sinh của Đức Ki-tô, được tái sinh, được hy vọng sống vĩnh cửu, được thừa hưởng gia nghiệp không hư nát. Sự tái sinh của họ không khác gì sự Phục sinh của Chúa Ki-tô. Niềm hân hoan vui sướng vì được tái sinh và Phục sinh, nhất là vì hy vọng vào vinh quang bất diệt khi Đức Ki-tô lại đến, làm cho mạnh dạn can đảm đương đầu với những sầu khổ thử thách hiện tại (Bài đọc II) ; đồng thời khiến họ sống hòa hợp với nhau, đồng tâm nhất trí trong việc cầu nguyện cũng như trong nghi lễ Bẻ bánh ; hơn nữa họ còn sống một nếp sống cộng đồng thật vui vẻ, tương tự như nếp sống tu trì vậy (Bài đọc I).
Do đó chúng ta thấy sự Phục sinh của Chúa có một ảnh hưởng thật sâu đậm, không phải chỉ trong nếp sống của những người đương thời được tiếp xúc với Đức Ki-tô Phục sinh, mà còn ảnh hưởng đến nếp sống của các tín hữu tân tòng ở mỗi thời đại ; dĩ nhiên trong đó phải có ta, tuy dù ta không phải tân tòng theo nghĩa thông thường.
B. SUY NIỆM
“Đặt ngón tay vào đây, …
Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27)
1. Nhân từ nhưng cương quyết
Chúa Ki-tô như một người cha, hơn nữa như một người mẹ, vì nhân từ thương yêu, hầu như đã “chịu thua” sự thách thức của đứa con ngỗ nghịch, đã hạ mình nhận cho nó thử nghiệm theo lối lý luận thực tế nhưng quá tầm thường, và đầy tính cách vật chất, xác thịt, giác quan. Một người khác, đâu dám đòi một sự thử nghiệm kiểu đó : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Thực là táo bạo, thực là sống sượng và trơ trẽn.
Tình thương của Chúa thật bao la, coi như đã thua cuộc thách đố nhưng đã thắng sự táo bạo trắng trợn của Tô-ma. Chúa chỉ cần hiện ra trước mặt Tô-ma, chắc chắn là ông phải hàng phục rồi và sự nghi ngờ của ông đã tan ra như mây khói, đã chảy ra như sáp ong gặp lửa. Thế nhưng Chúa chấp nhận sự thách đố tới cùng và mời Tô-ma, nếu còn can đảm thì hãy thi hành lời thách đố : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy …”. Tất cả các nhà chú giải Kinh Thánh đều đồng ý rằng : Tô-ma không thể còn đủ can đảm, hay đúng hơn còn đủ trơ trẽn mà xỏ ngón tay vào lỗ đinh, hay thọc bàn tay vào vết thương cạnh sườn Thầy. Nguyên một sự hiện diện của Chúa đã đủ để cho Tô-ma phải kêu lên : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !”.
Chúa nhân từ thương xót có vẻ nhân nhượng trước đòi hỏi quá đáng của người môn đệ đa nghi nhưng thành thực ; người môn đệ này cách đó ít bữa, khi thấy không thể can ngăn Thầy đừng dấn thân vào chốn nguy hiểm, đã nói với các bạn : “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy !” (Ga 11,16). Tuy nhiên Chúa cương quyết không lùi bước trước sự đa nghi và đòi hỏi quá đáng đó : Ngài đã đích thân đến và thách thức hay kêu mời người môn đệ đó thi hành ý định để lấy lại niềm tin.
2. Đừng cứng lòng
Chúng ta cảm thấy như Chúa có vẻ “khổ sở” khi thấy những người thân tín nhất không chịu tin vào việc Ngài sống lại. Ngài đã phải “trá hình” làm một người giữ vườn để đánh đổ thành kiến của Ma-đa-la cho rằng xác Ngài bị mất trộm, tương tự như kẻ thù đã phao vu. Ngài cũng đã “tàng hình” theo hai con chiên rơi đàn trong cuộc hành trình bất đắc dĩ hằng ba chục cây số, để khuất phục họ. Và Ngài đã hơn một lần quở trách công khai vì có nhiều người còn nghi ngờ chưa chịu tin. Rồi lần này Ngài đã đích thân đến để làm cho người môn đệ khó tính nhưng chân thành và có thiện chí, phải “đầu hàng vô điều kiện” trước sự thật hiển nhiên.
Tất cả những lo lắng và công phu của Ngài đều nhắm tới việc đập tan những tảng băng nghi ngờ cứng lòng không chịu tin : Sự nghi ngờ cứng lòng đó không phải chỉ ở nơi những người đương thời, mà còn ở nơi mọi người thuộc mọi thời đại và chủng tộc.
Ở đâu còn một chút thiện chí thì thế nào ơn Ngài cũng chiến thắng. Cuồng tín và hung hăng như Sao-lô rồi cũng phải quy hàng trước sự tấn công của ơn Chúa.
Có lẽ không phải Chúa chỉ nói với một mình Tông đồ Tô-ma rằng : “Đừng cứng lòng”, mà Chúa muốn nhắc lại câu ấy với mọi người ! Tình trạng thiếu thiện chí, thiếu sự thành thực, tình trạng ác ý muốn bóp méo hết mọi sự như người Biệt phái : đó là tình trạng đáng sợ nhất, vì đóng hết các cửa ngõ tâm hồn không cho ơn Chúa thấm nhập vào.
Ngày nay, một số người ỷ vào tài cán trí thức của mình, muốn giải thích tín điều Phục sinh theo một đường lối mà họ cho là khoa học, là thông thái, là hợp lý … Vô tình hay hữu ý họ đang đi vào con đường lầy lội tăm tối, đi vào những ngõ cụt của những người Biệt phái thiếu thiện chí, thiếu thành thực, chuyên môn bóp méo sự thật, để rồi cuối cùng họ sẽ đi đến chỗ cứng lòng không tin hay chối bỏ tín điều Phục sinh, hoặc coi Phục sinh như một kết quả của suy tư, của ước vọng thầm kín chủ quan nơi con người, chứ không phải một sự kiện lịch sử có thật, đã xảy ra trong không gian và thời gian.
3. Nhưng hãy tin
Đứng trước sự kiện tỏ tường Chúa Phục sinh “bằng xương bằng thịt” (Lc 24,39), Tô-ma đã khỏi được bệnh cứng lòng. Nhưng Tô-ma đã mất công phúc của Đức tin thực thụ là chấp nhận những chân lý mà mình không thấy. Theo kiểu nói của Chúa Ki-tô mà cũng là quan niệm thông thường, thì Tô-ma đã tin vì đã thấy tận mắt. Nhưng việc tin của Tô-ma lúc đó chỉ là chấp nhận một sự thật quá hiển nhiên mà mình không còn cách nào chối bỏ được nữa. Cũng như việc chấp nhận chân lý toán học “hai với hai là bốn” không thể coi như việc tin, vì không ai nói : “tôi tin hai với hai là bốn”. Đức tin thực thụ, đức tin được chúc phúc, được kể là hạnh phúc, là chấp nhận một chân lý khi mình không thấy, khi mình không thể hiểu hết, khi mình không thể kiểm chứng được hết ; tuy nhiên mình vẫn chấp nhận là đúng, là thật, vì mình tín nhiệm vào thế giá của người chuyển đạt, loan truyền chân lý đó cho mình …
Tôi tin Chúa Ki-tô đã sống lại thật, không phải vì tôi đã chứng kiến việc Chúa sống lại, cũng không phải tôi đã gặp thấy Chúa Phục sinh, nhưng vì tôi tín nhiệm vào Kinh Thánh và Giáo Hội, mà Kinh Thánh và Giáo Hội đã dạy tôi rằng : Chúa Ki-tô thực sự đã từ cõi chết sống lại.
Lời Chúa Ki-tô thật là thâm thúy : “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ít nữa là hãy có một sự tin tưởng tầm thường mộc mạc của những kẻ thấy rồi mới tin. Ít nữa là như thế, chớ đừng cứng lòng như những kẻ Biệt phái đầy ác ý : mù quáng trước sự thật hiển nhiên và chúng cố tình giải thích để phủ nhận, để chối bỏ sự thật đó. Ít nữa là con đừng cứng lòng như thế.
“Vì đã thấy Thầy, nên anh tin”, tuy đã tốt hơn nhóm Biệt phái, nhưng còn thua xa những kẻ không thấy mà tin. Họ mới thực là những người hạnh phúc ! Phải,
“Phúc thay những người không thấy mà tin !”
SƯU TẦM