Chúa Nhật TẾT CANH DẦN

TẾT CHO MỌI NGƯỜI


Dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa với nền văn minh lúa nước vốn có những ngày Tết truyền thống, những ngày lễ hội dân gian đầy ý vị và vui tươi. Từ Tết cơm mới cuối vụ mùa cho đến lễ mở rừng đi săn. Đến như lễ tết ra giêng để vào hè thì có Tết Thượng Nguyên, Tết Hàn Thực, Tết Đoan Ngọ. Đặc biệt để tiễn mùa đông người Việt đã ăn Tết Nguyên Đán. Bên cạnh đó còn có nhiều tết khác như Tết Trung Nguyên (rằm tháng bảy) của Phật Giáo, Tết Trung Thu (dành cho thiếu nhi), Tết Trùng Dương, Tết Ông Táo... Tất cả đều có sự tính toán dựa theo sự chuyển đổi của thời tiết trong năm và căn cứ vào nông lịch phương Đông.

Chữ "Tết" ngày nay đã được một số quốc gia sử dụng như là một "Lễ" hết sức độc đáo của dân tộc Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu đều cho rằng chữ "Tết" bắt nguồn từ "Lễ Tiết" bên Trung Quốc. Tết do Tiết đọc chệch đi. Từ chữ Tết người ta còn ghép theo từ Nhứt nữa nghe thật thú vị, như 'Tết Nhứt' là do đọc chệch đi từ hai âm Hán Việt "Tiết Nhựt", có nghĩa là ngày Tết. Còn Nguyên Đán, theo chữ Nôm: Nguyên là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai, Nguyên Đán là sớm mai đầu năm. Nguyên Đán còn gọi là "Chính Đán" tức là "Chính Nguyệt Chi Đán" (buổi sớm mai tháng giêng), ngoài ra còn sử dụng từ tam chiêu, là ba cái sớm mai (sớm mai đầu năm, sớm mai đầu mùa, sớm mai đầu tháng).

Tự xưa nay, là người Việt Nam, dẫu ở bất cứ nơi đâu vẫn xem trọng ngày Tết Nguyên Đán. Một năm làm lụng vất vả mưu toan cho cuộc sống; một năm xa gia đình bôn ba mọi nơi, ba ngày Tết Nhứt vui vẻ, đoàn tụ, mọi chuyện buồn phiền lo toan đời thường tạm gác sang một bên để mọi người cùng hưởng niềm vui đón xuân về, tết đến.

Người Việt Nam vui hưởng Tết và luôn nhớ về Tổ tiên ông bà cha mẹ, nhưng không quên nghĩ đến người nghèo, thương đến những người đã khuất núi.

Tết cho người trần

"Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết", câu nói ấy đủ cho thấy người Việt chú trọng đến ngày Tết như thế nào. Dù khốn dù khó thì ngày Tết cũng phải có cặp bánh chưng, khoanh giò lụa, nải chuối, hộp mứt. Nhà có điều kiện thì mua sắm đủ thứ, nào là mâm ngũ quả thật đẹp, các loại bánh mứt thật hảo hạng, cây giò thật to, gà, thịt thật nhiều, bánh chưng và nhiều loại bánh khác. Cùng với những thứ ăn, là những chậu hoa, cây cảnh, chậu quất sai qủa, gốc mai cành đào đầy đủ lộc, nụ, hoa...

"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ" là cái Tết truyền thống của người Việt Nam. Ý nói cái Tết có cả phần vật chất lẫn tinh thần. "Câu đối đỏ" ngày nay được cải tiến rất nhiều. Bên cạnh những đôi câu đối viết bằng mực đen trên nền giấy điều, giấy lụa là những câu đối in trên loại giấy bóng tốt, nhiều nhà còn sắm về những hoành phi câu đối bằng gỗ, khảm trai hay những đôi câu đối thêu... Quan niệm của người Việt, ngày Tết tiễn cái cũ đi, đón cái mới về. Chính vì vậy, cùng với việc mua sắm, nhiều nhà có điều kiện, những tháng cuối năm thay đổi những cái cũ trong nhà như thay đổi tivi mới to hơn, đổi cái tủ lạnh, cái máy giặt hay thay xe... nhà không có điều kiện thì cũng cố gắng làm cho căn nhà mới hơn bằng việc quét vôi lại hoặc kê dọn đồ đạc trong nhà, lau chùi đánh bóng lư hương bát đèn, dọn dẹp sân vườn sạch sẽ...

Ngày Tết, còn là dịp để người người vui chơi. Bên cạnh việc "Ăn Tết", người ta nghĩ đến việc "Chơi Tết". Chơi Tết có thể kéo dài từ những ngày áp Tết 27, 28, 29 Tết với những cuộc đi ngắm chợ hoa, đi chợ Tết và ngày nay còn cả việc đi vào các siêu thị. Có thể mua hoặc có thể chẳng mua gì, song việc đi chợ như là niềm vui của ngày Tết, đặc biệt đối với giới nữ. Vì vậy, chợ là nơi thu hút đông người. Chợ vốn dĩ đã ồn ào, náo nhiệt thì những ngày áp Tết chợ càng thêm tưng bừng, rộn rã hơn. Nói đến "Chơi Tết" thì không thể không nói đến chuyện đi thăm hỏi, chúc Tết nhau, con cái đi chúc Tết cha mẹ, anh em, họ hàng, thân bằng cố hữu đến chúc Tết nhau. Trong nhà, ngoài đường vui như trẩy hội. Việc "Chơi Tết" không chỉ dừng lại ở ngày Mùng Một, Mùng Hai. Nó có thể kéo dài hết tháng giêng, tháng hai và cả tháng ba với những lễ hội, đình đám. Vìû thế mà người ta có câu: Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai đình đám, tháng ba hội hè. Có lẽ người người chờ đón Tết, thích Tết cũng vì lẽ đó.

Tết cho người âm

Người Việt rất trọng chữ "Lễ nghĩa - trước sau". Ngày Tết nhà ai cũng phải có mâm ngũ quả, mâm cơm thắp hương tổ tiên. Quan niệm "Trần sao, âm vậy" nên dễ thấy những ngày trước Tết, trong các chợ, quầy bán hàng mã cũng rất đông người. Người ta mua tiền, vàng, mua quần áo, có nhà chu đáo còn mua cả tivi, tủ lạnh, xe đạp, xe honda hay cả xe hơi, điện thoại di động, toà nhà nhiều tầng về đốt cho người thân ở cõi âm.

Ở nhiều làng quê, người ta còn nghĩ về người âm, lo Tết cho những người âm không có nhà cửa bằng việc nấu cháo hay cơm nát đơm từng thìa cho vào lá sung hoặc lá ổi đã được cuộn tròn như cái phễu đem để bụi tre, dọc đường vào đêm ba mươi. Và cũng trong đêm ba mươi, ngày mùng một chủ nhà nào cẩn thận còn bảo con cháu ra mở cửa, mở cả cửa trước, cửa sau, ngoài ý niệm trần thế đón Xuân vào nhà còn hàm ý mở cửa mời ông bà, tổ tiên về cùng vui đón Tết.

Tết cho người âm còn thể hiện ở việc người trần đi tảo mộ. Thường người ta đi tảo mộ vào sáng sớm mùng hai hoặc mùng ba Tết với mâm cơm nhỏ để ông bà, cụ kị chứng cho con, cho cháu, hoặc với những người trẻ xấu số thì mâm cơm tảo mộ còn để cho hương hồn họ không cảm thấy cô quạnh.

Tết cho hai phần thế giới... giao thoa

Ngày Tết, đất trời giao hòa, người người gần gũi nhau hơn. Trong cái không khí ấm áp lạ thường của ngày Tết, người đi xa lại thêm nhớ về nhà, về quê hương, nơi đó có những người thân yêu, ruột thịt. Bên mâm cơm gia đình, gợi nhớ những người ở xa, ngậm ngùi nghĩ về những người thân đã khuất. Trong cái khối đất trời hoà quyện, người người muốn tìm và gặp nhau có lẽ cũng xuất phát từ những ước nguyện ấy.

Những ngày Tết, người ta đến với cửa chùa, cửa đền nhiều hơn. Tuỳ từng điều kiện của mỗi gia đình, tuỳ vào lòng thành của mỗi người song hầu hết đến chùa ai cũng có được lễ vật để dâng. Ở nơi này, trong bảng lảng của khói hương, người người cầu ước và hy vọng những ông quan với bộ mặt hiền từ ngồi kia cùng những linh hồn quanh đó nghe được và giúp họ thực hiện những điều ước tốt đẹp trong năm mới. Trong dân gian, người ta cũng truyền miệng nhau rằng, ngày Tết, các quan trông coi các chùa cũng rất bận rộn. Họ phải cắt cử nhau ở chùa để ghi lại những điều mong ước của người trần. Sau đó báo cáo lên thiên đình, rồi căn cứ vào những việc làm thiện, ác của từng người, của từng gia đình mà thiên triều cho người đó được hưởng hạnh phúc hay khổ đau trong năm đó. Những vong hồn cũng quanh quẩn cửa chùa thường là những vong hồn phiêu dạt không cửa nhà, họ tìm đến đây để xin được ăn. Và cửa chùa chính là nơi giúp người âm và người dương gần nhau hơn. (Tổng hợp từ các báo xuân: tuổi trẻ, phụ nữ, nhân đạo, kinh tế, công giáo dân tộc).

Tết nơi xứ đạo

Những ngày giáp Tết mọi nhà tất bật bận rộn công việc bán mua, sắm sửa cho ngày Tết. Chợ búa đông vui nhộn nhịp.

Xứ đạo tôi thuộc miền quê, rộn ràng bao lo toan đón Tết. Chuẩn bị quà Tết cho người nghèo. Năm nay mất mùa, người nghèo nhiều hơn. Quà Tết cho người nghèo là lương thực cứu đói. Huy động hết mọi đoàn thể, mọi giới trong xứ đi lạc quyên giúp người nghèo được "Ăn Tết" cùng với mọi nhà, bởi lẽ "giàu thì ngày ăn ba bữa, nghèo thì cũng đỏ lửa ba lần". Quà cho các cụ già trên 70 tuổi như tấm lòng biết ơn cùng với lời chúc thọ của con cháu trong thánh lễ Mồng Hai Tết.

Năm nào giáo xứ cũng tổ chức hội thao cho giới trẻ, thiếu nhi, bóng đá bóng chuyền. Thêm ba đêm hội chợ, văn nghệ vui xuân. Vì thế khuôn viên Nhà thờ tấp nập mọi đoàn thể ngày đêm tập luyện, chuẩn bị cho ba ngày Tết. Vui Tết lành mạnh, ở làng quê giảm đi bao tệ nạn cờ bạc rượu chè say sưa.

Đất Thánh cũng đông người đến tảo mộ, sửa soạn cho Thánh Lễ sáng Mồng Hai Tết. Những ngày cận Tết, nghĩa trang lung linh ánh sáng đèn nến, nhập nhoà hương khói.

Chuyện Tết cho người trần, Tết cho người âm, Tết cho người nghèo chính là cuộc sống mà người người đang hối hả khi cái Tết bắt đầu gõ cửa.



Lm Giuse Nguyễn Hữu An