GIÁO LÝ PHÚC ÂM CHÚA NHẬT

Ngày 9 tháng 12, 2007: CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, NĂM A.

Sách Tiên tri Isaiah 11:1-10; Thư gửi Roma 15:4-9 và Phúc Âm Matthêu 3:1-12

I. Sứ Điệp Phúc Âm

Sám hối sẽ được tha thứ và nhận phần thưởng nước Trời.

Không sám hối, sẽ nhận hình phạt hoả ngục như cây không sinh quả sẽ bị chặt bỏ.

II. Câu hỏi giáo lý

1. Tại sao gọi là Gioan Tẩy Giả?

Gioan là tên chính thức do Ông Giacaria, ba của Gioan đặt theo ý Chúa (Luca 1:57-66). Tẩy Giả là đính danh hay biệt danh được thêm vào sau nhằm chỉ việc làm của Gioan là làm phép rửa sám hối và phân biệt với Gioan tông đồ (John the Apostle).

Cũng có thể dùng biệt danh để chỉ nguyên quán như Giêsu thành Nadareth (Jesus of Nazareth); Phanxicô thành Assisi (Francis of Assisi 1181-1226) hay chỉ tài danh của một người như thánh Gioan Kim Khẩu (John Chrysostom 347-407). Kim Khẩu (Golden-mouthed) để chỉ tài giảng thuyết trứ danh của thánh nhân. Gioan Tẩy Giả (John the Baptist) là người làm phép rửa thanh tẩy.

2. Phép rửa của Gioan khác với bí tích rửa tội như thế nào?

Phép rửa của Gioan là phép rửa sám hối, dấu chứng của lòng sám hối, một cử chỉ xin lỗi về chuyện không tốt mình đã làm, không phát sinh tức khắc hiệu quả tha tội, không có sự can thiệp trực tiếp của Chúa, người có quyền tha tội. “Tôi làm phép rửa bằng nước để giục lòng sám hối.”

Phép rửa tội, do Chúa Giêsu lập, là bí tích, có mô thức thiết định để phát sinh hậu quả tha tội tổ tông và tội mình làm cách tức khắc và đương nhiên. “Đấng đến sau tôi, sẽ rửa anh em trong Thánh thần và trong lửa!”

3. Chúa là Cha đầy lòng nhân ái, rất thương yêu chúng ta, sao còn phạt chúng ta trong hoả ngục?

Chúa nói ”Ta đến để cứu độ, chứ không để luật phạt!” Chúa không phạt ai cả! Nhưng chúng ta tự chọn lấy án phạt cho mình. Chúng ta thích lái xe ẩu và chạy quá tốc độ, chúng ta biết sẽ gây tai nạn và bị cảnh sát phạt. Tai nạn xảy ra gây thương tích hay tàn phế nặng hoặc nhẹ hơn chỉ bị phạt một số tiền. Chúa không phạt, Chúa không làm cho tai nạn xảy ra, Chúa cũng không sai cảnh sát đến. Chính chúng ta chọn lấy sự xấu và xui rủi cho mình. Thường người hay đổ thừa là “số xui!” hay “Chúa không thương!” mình. Không đúng!

Chúa đến cứu mọi người và ban cho mọi người hạnh phúc trường sinh trên thiên đàng, nhưng nhiều người không tin Chúa, chọn lối sống bất lương, “không phát sinh hoa quả tốt” như trong Phúc Âm hôm nay. Họ đã tự chọn hình phạt hoả ngục như cây không quả sẽ bị đốn bỏ đi.

III. Áp dụng

1. Xin tự trả lời: Mô thức rửa tội thành sự như thế nào?

2. Ai là thừa tác viên bình thường của bí tích rửa tội (Ordinary minister of Baptism)?

Ai là thừa tác viên ngoại thường (Extraordinary minister of Baptism)?

3. Tâm niệm: Sáng sớm đôi kinh, dâng ngày sống

Học hành, làm việc để giúp người.

Tận dụng tài năng và ơn Chúa.

Thánh giá cuộc đời đươm trái “hy sinh!”
LM. Phêrô Trần Thế Tuyên