DỌN và DẸP

Suy niệm Lời Chúa CN 2 vọng A (Is 11,1-10; Mt 3,1-12; 2Rm15-4-9)

Sứ mệnh Đấng Cứu Thế

Đấng Cứu Thế mà dân Chúa mong đợi được Tiên Tri Isaia báo trước là một Đấng Xét Xử công bình cho người thấp cổ bé miệng. Người đến từ Gốc Gies-sê, thân phụ của Đavít, thuộc dòng dõi Đavít. Người tràn đầy bảy ơn Thánh Thần của Đức Chúa. Người sẽ kiến tạo một nền hòa bình viên mãn, mà trong đó, công lý làm tiêu tan bao thế lực gian tà. Luật ưu tiên sẽ không còn thuộc về số đông của những người thống trị nhờ tiền hay quyền lực, nhưng thuộc về những người cùng đinh bị trị, không tiền không quyền. Thế lực của những gian tà sẽ không còn nơi dung thân và nền hòa bình vững chắc dựa vào công lý, tín thành tự nơi con người Đấng Cứu Thế. Vâng, một tin vui cho toàn thể nhân loại, khi sói, khi beo không còn hung hản dử tợn, mà ngược lại, trở nên hiền lành vui với lũ chiên ngoan, bé thơ còn đang bú giởn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang… (x. Is. 11,1-8) Đấng Cứu Thế đến, Ngài sẽ làm cho mọi sự dữ, sự ác nơi vũ trụ nầy tan biến đi và trở thành những sự lành dễ thương như ngày sáng thế: tất cả mọi sự đều tốt đẹp trước mặt Đức Chúa. Như thế viễn ảnh hòa bình mà Isaia đề cập đến, chính là sự tái lập một địa đàng tuyệt đẹp trên trần gian, nơi ấy con người và Thiên Chúa chứa chan an vui trong mối tương quan mật thiết, mối giao hảo toàn vẹn của tình yêu và lòng thương xót…Tái lập tương quan với Thiên Chúa và nền hòa bình viên mãn lúc ban đầu tổ tiên nhân loại đã đánh mất, đó chính sứ mệnh của Đấng Cứu Thế.

Dọn lòng đón Đấng Cứu Thế đến

Để xứng đáng đón tiếp Đấng Cứu thế và ơn lộc hòa bình mà Ngài mang lại qua sứ mệnh của Ngài, Tiên tri Isaia đã báo trước: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Is 40,3). Và hôm nay, lời tiên tri ấy đã ứng nghiệm khi Thánh Gioan Tiền Hô xuất hiện và lớn tiếng hét lên cho nhân loại một mệnh lệnh khẩn cấp : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (Mt 3,2). Như vậy, Nước Trời – hiểu theo nghĩa đã triển khai: một đất nước của tình yêu thương và hòa bình viên mãn, đã đến, và việc “dọn sẵn con đường cho Đức Chúa”, cho “Nước Trời” chính là “sám hối”. Theo trình thuật Tin mừng hôm nay, thì sám hối không chỉ là biết mình có tội, mà còn phải “thú tội”, nhận lấy “phép rửa” và hơn thế nữa, còn phải “sinh hoa quả” các nhân đức để tỏ lòng sám hối. Sám hối không thể là một hành vi đạo đức có tính cách dối trá lừa đảo theo kiểu vụ hình thức của nhóm Pharisieu và Sadu. Thiên Chúa không chấp nhận kiểu sám hối nhân danh nòi giống của những người công chính, của các tổ phụ; kiểu sám hối cho qua chuyện dựa trên thân thế của các thánh nhân. Một kiểu sám hối tự phụ của những con người sám hối công khai. Việc “trổ sinh hoa quả của lòng sám hối” theo lời dạy của Thánh Gioan Tiền hô nhắc đến tính tích cực của lòng sám hối là “tin vào tin mừng” và biến đổi thành “con người mới của Tin mừng”. Một bài học về Đức Tin và lòng sám hối mà Thánh Gioan Tiền Hô thay lời cho Thiên Chúa cảnh cáo thật nghiêm nhặt: “Các anh đừng tự phụ mà cho rằng chúng ta đã có tổ phụ Abraham. Vì tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho loài sỏi đá trở thành con cháu ông Abraham”. Vì thế, “Cái rìu đã đặt sát gốc cây, bất cứ cây nào không sinh quả tốt, đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Mt 3, 9-10).

Cũng trong chiều hướng ấy, người tín hữu Việt Nam vui mừng được HĐGM VN kêu gọi hưởng ứng năm 2008 Giáo Dục Đức Tin Kitô Giáo, mà trong một đoạn suy niệm ngày 6-12 của nguoitinhuu đã triển khai gọn gàng nhưng đầy ý nghĩa:

“Trong trường giáo dục đức tin thì học nhất thiết phải đi đôi với hành: Lời Chúa phải được thực hành bằng chính sự hoán cải tấm lòng, chứ không chỉ để chia sẻ hay rao giảng cho người khác. Để sống được Lời Chúa, bạn hãy bắt đầu bằng sự thay đổi chính mình, bạn sẽ khám phá ra điều Chúa muốn bạn sống, trước khi bạn nói người khác sống”. (Suy niệm 6-12.Nguoitinhuu)

Dẹp bỏ những rào cản

Dọn đường cho Chúa đến, trước tiên dọn cõi lòng mình bằng một khát vọng hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, để khao khát ấy sôi sục lên trong lòng những thôi thúc hoán cải cho phù hợp với ý của Đấng Cứu Thế, Người ta mong đợi. Ý của Đấng Cứu Thế là tái lập một tương quan toàn vẹn với Thiên Chúa Cha. Vì thế, tất cả những rào cản làm trở ngại hoặc phá hủy tương quan nầy đều phải được dẹp bỏ. Ngoài những rào cản thông thường là tội lỗi có thể thấy được, nay còn thêm những rào cản tinh vi là “tội lỗi không thể thấy được” của những ảo tưởng tốt lành.

-Có thể nói việc bất tín nhiệm các thành phần quan trọng trong giáo hội là một khúc quanh co cần phải uốn cho ngay thẳng không những phía các thành phần bất tín nhiệm mà cả phía cần được tín nhiệm. Từ những sự bất tín nhiệm ấy, trổ sinh bao ảo tưởng xây dựng giáo hội theo cách ảo tưởng tốt chủ quan của mình, kéo theo cả một tầng tầng lớp lớp xa dần sự hiệp nhất cần có trong cùng một Đức Kitô, một Adam mới trong một Địa Đàng mới. Thiết nghĩ, sự hoán cải tấm lòng của mỗi người và mọi người, của cá nhân và tập thể cộng đồng, sự hoán cải đồng bộ và phổ quát mới có sức làm nên một nền hòa bình viên mãn trong Nước Thiên Chúa thể hiện qua Giáo Hội trần gian. Nói như thế không có ý hàm chứa đặt điều kiện với nhau trong mọi thành phần, nhưng thiết nghĩ, đó chính là ước muốn của Thiên Chúa qua tiên tri Isaia và Thánh Gioan Tiền Hô. Việc hoán cải tấm lòng và thay đổi chính mình theo tinh thần của Tin mừng luôn là một đòi buộc không miễn trừ ai. Và càng có trách nhiệm trong giáo hội càng phải trở nên gương soi, nên tiêu chuẩn cho tinh thần hoán cải nầy: Hoán cải để nên hiệp nhất, cần dẹp bỏ những ảo tưởng chủ quan, như Thánh Phao Lô tha thiết : “Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Kitô Giêsu đòi hỏi. Nhờ đó, anh em có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (2Rm 15,5-6). Hoán cải để hiệp nhất, cụ thể, cũng theo Thánh Phaolô: “Vậy, anh em hãy đón nhận nhau như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa”. (2Rm 15,7)

-Đã có những người trong giáo hội nghiêng về những xu hướng chính trị một cách thái quá để bảo vệ cho một chân lý không thuộc về Đức Kitô với ảo tưởng là để làm chứng cho Đức Kitô, có thể nói là không quá cần thiết và cũng không mang lại một hiệu quả nào cho nền hòa bình viên mãn mà Đức Kitô mong muốn. Không có một thế lực chính trị nào mà không có những thủ thuật nằm ngoài sự thật của Chúa Kitô. Dù là chủ thuyết nào, cũng đều có ước muốn duy trì một quyền lực trần thế. Cơn cám dỗ làm vui lòng nhân loại để an định thái độ chính trị đôi khi đành để Tin mừng Chúa Kitô phải chấp nhận nhường đường hay thua thiệt. Bênh vực cho Chân Lý Chúa Kitô hay bênh vực cho một chủ trương trần thế đang là một thách đố dẫn con cái Chúa đi vào khúc vòng vo cần phải sửa lại cho ngay thẳng để đón Chúa đến. Lời hứa khi rửa tội “từ bỏ ma quỷ và các việc của ma quỷ” vẫn đòi buộc mỗi người suy nghĩ và thực hiện lời hứa ấy từng ngày. Nhưng để thấy được “các việc của ma quỷ” trong thời đại tinh vi nầy thì quả là một điều cần cảnh tỉnh: Ước vọng chủ quan truyền giáo cho thế lực không nhìn nhận Thiên Chúa, đôi khi phải chấp nhận dừng lại, để dành cho lòng thương xót của Thiên Chúa quyết định, như Thánh Phao lô dạy : “Còn các dân ngoại có được tôn vinh Thiên Chúa thì đó là do lòng thương xót của Người” (2Rm 15, 9). Như thế, khi đã nhận ra tính chủ quan mạo hiểm, thì việc “sám hối” không chỉ dừng lại ở việc nhìn thấy, mà còn phải dứt khoát, không thể tiếp tục làm công cụ cho một thế lực nào ngoài Tin mừng Chúa Kitô, vì không có một khuôn mẫu cứu thế nào khác hơn là Đức Kitô và Tin mừng của Ngài.

Để kết

Lời Chúa chúa nhật 2 vọng là một lời cảnh tỉnh khẩn thiết cho tất cả những ai chưa tha thiết với một nền hòa bình tự bên trong là tương quan tốt đẹp giữa cá nhân với Thiên Chúa và cũng là lời cảnh tỉnh cho những người có trách nhiệm giới thiệu nền hòa bình mới nầy cho nhân loại. Không ai có thể làm cản trở hoặc dừng lại công cuộc cứu thế của Đấng Cứu Thế và ý định ngàn đời của Ngài. Và mỗi chúng ta, ngoài việc “hoán cải tấm lòng” “biến đổi chính mình” thì “hoa trái của lòng sám hối” khả thi nhất là lời cầu nguyện cho sự “hiệp nhất Giáo Hội” và sự “dứt khoát với những việc của ma quỷ”, để chuẩn bị cho Thiên Chúa thật sự Giáng Sinh trong mỗi cõi lòng và trong toàn thể nhân loại- một thế giới hòa bình viên mãn theo tinh thần của Tin Mừng.
Pm. Cao Huy Hoàng