Đức Thánh Cha Biển Đức 16 và vấn đề phòng ngừa Sida
VATICAN.- Giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cha Lombardi, bác bỏ giải thích cho rằng có một ”khúc quanh cách mạng” trong lập trường của ĐTC Biển Đức 16 về việc cho dùng túi cao su để ngừa Sida.
Trong số ra ngày 21-11-2010, Báo Quan sát viên Roma của Tòa Thánh có trích đăng một số đoạn trong cuốn sách ”Ánh Sáng thế gian” về cuộc phỏng vấn ĐGH dành cho ký giả Peter Seewald, sẽ được xuất bản ngày 23-11-2010 này, trong đó có đoạn ngài trả lời câu hỏi về tính dục và việc phòng ngừa Sida:
”Nếu chỉ tập trung vào vấn đề túi cao su, thì có nghĩa là tầm thường hóa tính dục, và sự tầm thường hóa này là lý do nguy hiểm khiến cho bao nhiêu người không coi tính dục là điều biểu lộ tình yêu của họ, và chỉ coi đó như một thứ ma túy, người ta sử dụng cho mình. Vì thế, cuộc chiến chống sự tầm thường hóa tính dục cũng thuộc vào những nỗ lực lớn nhắm làm sao để tính dục được đánh giá tích cực và có thể có công hiệu tích cực trên con người trong toàn thể.”
ĐTC nói thêm rằng: ”Có thể có những trường hợp riêng rẽ trong đó việc dùng túi cao su biện minh được, ví dụ khi một đàn ông mại dâm dùng túi cao su, điều này có thể là bước đầu để tiến tới một sự luân lý hóa, một hành động trách nhiệm đầu tiên để tái phát triển ý thức về sự kiện không phải tất cả đều được phép và không thể làm tất cả những gì mình muốn. Nhưng túi cao su không phải là cách thức thực sự để chiến thắng sự nhiễm vi trùng HIV gây bệnh Sida. Thực sự cần phải nhân bản hóa tính dục”.
Khi đọc đoạn trên đây, nhiều giới truyền thông cho rằng ĐTC đã đề ra một hướng đi mới, đã thay đổi lập trường cố hữu của Giáo hội đối với việc dùng túi cao su để phòng ngừa bệnh Sida.
Cha Lombardi:
Tuy nhiên, Cha Lombardi, Giám đốc phòng báo chí Tòa Thánh, đã ra thông cáo bác bỏ giải thích sai trái ấy. Cha nói:
Vào cuối chương 11 của cuốn ”Ánh sáng thế gian”, ĐGH trả lời 2 câu hỏi của ký giả Peter Seewald về cuộc chiến chống bệnh Sida và việc sử dụng túi cao su, những câu hỏi này liên hệ tới cuộc tranh luận tiếp theo một vài lời của ĐGH về vấn đề này trong cuộc viếng thăm của ngài tại Phi châu hồi tháng 3 năm 2009.
”ĐGH tái khẳng định rõ ràng rằng ngài không muốn đưa ra lập trường về vấn đề túi cao su nói chung, nhưng muốn mạnh mẽ khẳng định rằng vấn đề Sida không thể chỉ được giải quyết bằng cách phân phát các túi cao su, vì cần phải làm nhiều hơn nữa: phòng ngừa, giáo dục, trợ giúp, tư vấn, ở cạnh con người, để họ khỏi bị ngã bệnh cũng như trong trường hợp họ bị bệnh.
”ĐGH nhận xét rằng trong lãnh vực ngoài Giáo Hội người ta cũng phát triển ý thức tương tự, như lý thuyết gọi là ABC, tức là Abstinence - tiết dục, Be faithful - chung thủy, Condom - túi cao su; trong lý thuyết này, hai yếu tố đầu tiên tức là tiết dục và chung thủy có tính chất rất quyết định và cơ bản đối với cuộc chiến chống bệnh Sida, trong khi túi cao su xét cho cùng chỉ là lối thoát thân khi thiếu hai yếu tố trước đó. Vì thế, phải ý thức rõ rằng túi cao su không phải là giải pháp cho vấn đề.
”Rồi ĐGH mở rộng cái nhìn và nhấn mạnh sự kiện chỉ tập trung vào túi cao su có nghĩa là tầm thường hóa tính dục, khiến cho nó mất ý nghĩa như một sự biểu lộ tình yêu giữa con người và trở thành một thứ ”ma túy”. Chiến đấu chống sự tầm thường hóa tính dục là ”thành phần trong nỗ lực lớn để tính dục được đánh giá tích cực và có thể có công hiệu tích cực trên con người trong toàn thể”.
”Dưới ánh sáng cái nhìn bao quát và sâu xa về tính dục con người và vấn đề này ngày nay, ĐGH tái khẳng định rằng ”Dĩ nhiên Giáo Hội không coi các túi cao su như giải pháp đích thực và hợp luân lý” cho vấn đề Sida.
”Qua lời đó, ĐGH không cải tổ hoặc thay đổi giáo huấn của Giáo Hội, nhưng ngài tái khẳng định giáo huấn ấy bằng cách đặt nó trong viễn tượng giá trị và phẩm giá của tính dục con người như một sự biểu lộ tình yêu và trách nhiệm.
Đồng thời ĐGH cứu xét một hoàn cảnh ngoại thường trong đó việc thực thi tính dục là một rủi ro thực sự đối với sự sống của người khác. Trong trường hợp ấy, ĐGH không biện minh về luân lý cho việc thực thi tính dục tháo thứ, nhưng chủ trương rằng việc sử dụng túi cao su để giảm bớt nguy hiểm lây bệnh là ”một hành vi trách nhiệm đầu tiên”, một bước đầu tiên trên con đườgn tiến về một tính dục nhân bản hơn”, tốt hơn là việc không sử dụng nó khiến cho tính mạng người khác bị rủi ro.
”Qua đó, lý luận của ĐGH không thể bị coi là một sự thay đổi cách mạng. Nhiều nhà thần học luân lý và những nhân vật thế giá của Giáo Hội đã và đang chủ trương những lập trường tương tự; nhưng quả thực là họ chưa nghe những lời rất rõ ràng từ miệng của một vị ĐGH, dù rằng dưới hình thức nói chuyện chứ không phải là giảng dạy.
”Vì thế, ĐTC Biển Đức 16 can đảm mang cho chúng ta một sự đóng góp quan trong để làm cho rõ ràng và đào sâu một vấn đề đã được thảo luận từ lâu. Đó là một sự đóng góp đặc sắc vì một đàng đóng góp ấy trung thành với các nguyên tắc luân lý và đàng khác chứng tỏ sự sáng suốt trong việc bác bỏ một con đường ảo tưởng như ”sự tín thác nơi túi cao su”; nhưng đàng khác đóng góp của ĐGH chứng tỏ một cái nhìn bao quát và nhìn xa trông rộng, qua tâm khám phá những bước tiến nhỏ - cho dù mới chỉ là bước đầu và chưa rõ ràng - của những người thường rất nghèo về tinh thần và văn hóa, tiến tới một sự thực thi tính dục một cách nhân bản và trách nhiệm.”
Lm Trần Đức Anh OP