Sách mới về điệp viên Phạm Xuân Ẩn



Ông Phạm Xuân Ẩn và tác giả Larry Berman
Tác giả Larry Berman đã phỏng vấn ông Phạm Xuân Ẩn trong thời gian dài
Cuốn sách về một trong số những điệp viên cộng sản được Tây phương biết đến nhiều nhất, ông Phạm Xuân Ẩn, đã được ấn hành tại Mỹ trong tháng Tư.

Cuốn Perfect Spy (Điệp viên hòan hảo) của giáo sư Larry Berman, do HarperCollins ấn hành, được trông đợi sẽ cung cấp nhiều chi tiết nhất từ trước tới nay về cuộc đời phi thường của vị thiếu tướng tình báo Việt Nam.

Bản quyền tiếng Việt của quyển sách thuộc về Nhà xuất bản Thông tấn thuộc Thông tấn xã Việt Nam.

Hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam thế kỷ 20 đã sản sinh ra nhiều nhà tình báo tầm cỡ. Nhưng với phương Tây, có lẽ người được biết đến nhiều nhất là ông Phạm Xuân Ẩn, người làm phóng viên cho các hãng tin nước ngòai tại Sài Gòn giai đọan chiến tranh Việt Nam.

Và như mọi điệp viên khác, cuộc đời ông cũng được phủ lên màn sương huyền thọai và bí ẩn.

Khi ông qua đời năm ngóai, truyền thông ở Việt Nam bày tỏ sự kính trọng và ca ngợi vị thiếu tướng tình báo, nhưng không nhắc đến một số chương tranh cãi trong cuộc đời ông.

Nay, cuốn sách của Larry Berman, giáo sư chính trị học ở Đại học California, Davis, hứa hẹn tiết lộ thêm nhiều chi tiết cũng như cung cấp một đánh giá cân bằng về con người này.

Nhà báo Lê Phan nói về ông Phạm Xuân Ẩn

Điệp viên nhị trùng

Sinh năm 1927 ở Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ông tham gia lực lượng Việt Minh chống quân Nhật, Pháp khi còn thiếu niên.

Ông Ẩn được Đảng Cộng sản cử đi học báo chí ở Mỹ trong thập niên 1950, trước khi ông quay lại Sài Gòn và trở thành phóng viên cho Reuters và Time đầu thập niên 1960.

Ông làm bạn với nhiều nhà báo Mỹ có tiếng như David Halberstam, Neil Sheehan và Stanley Karnow, những người xem ông là bạn và là nguồn tin đáng quý.

Stanley Karnow viết trong cuốn "Vietnam - A History" rằng ông Ẩn "trở thành người hâm mộ bóng đá - và yêu mến nước Mỹ."

Cùng lúc, nhà điệp viên cũng cung cấp thông tin cho Hà Nội.

Trong suốt 20 năm, ông Ẩn có cuộc sống nhị trùng mà không ai biết sự thật về ông.

"Ông vừa là điệp viên vừa là nhà chiến lược," Jean-Claude Pomonti, phóng viên đã về hưu của báo Pháp Le Monde, nhận xét.

"Ông có mạng lưới liên lạc sâu sát với người Mỹ và có khả năng phân tích tình huống xuất sắc. Họ chưa bao giờ bắt được ông. Ông là điệp viên hoàn hảo."

Tiếp cận nhân vật

Larry Berman là giáo sư chính trị học ở Đại học California, Davis, và là giám đốc Chương trình UC-Davis Washington.

Ông từng viết ba cuốn sách liên quan chiến tranh Việt Nam, trong đó cuốn Không hòa bình, Chẳng danh dự đã được dịch sang tiếng Việt và do Việt Tiến xuất bản ở Hoa Kỳ.

Giáo sư Berman gặp ông Phạm Xuân Ẩn tháng Bảy 2001, và theo lời tác giả, đã có hàng trăm giờ phỏng vấn nhà điệp viên trong 5 năm.

Ông Ẩn đã chia sẻ các hồ sơ cá nhân và xem Berman là người viết sách về cuộc đời mình bằng tiếng Anh.

Phức tạp thời hậu chiến

Năm 1975, khi Sài Gòn thất thủ, Đảng Cộng sản ban đầu định tiếp tục cho ông Ẩn sang Mỹ để tiếp tục công tác. Nhưng Hà Nội thay đổi ý định, mà có người cho rằng lý do là vì nỗi e ngại ông Ẩn đã trở nên thân Mỹ.

Terence Smith, người bạn của ông Ẩn khi làm trưởng phòng đại diện báo New York Times ở Việt Nam năm 1968-1970, nói ông chịu bi kịch của những người phục vụ hai chủ - họ không được cả hai tin tưởng.

Có lần ông Phạm Xuân Ẩn được cử ra Hà Nội để học lớp chính trị, nhưng ông bảo "thời tiết ở Hà Nội quá lạnh với người già, và họ cuối cùng để tôi quay về nhà."

Từ 1975 đến 1987, nhà chức trách đặt một lính gác bên ngoài nhà của vị cựu điệp viên.

Ông không được tiếp xúc với người nước ngoài, nhưng lệnh cấm được bỏ vào năm 1988, khi ông được cho phép ăn tối với Robert Shaplen, phóng viên châu Á kỳ cựu của tạp chí New Yorker.

Ông Ẩn là người hài hước, một đặc điểm ông giữ mãi cho đến cuối đời.

Ông bảo với tác giả Berman rằng khi ông được thăng chức thiếu tướng năm 1990, ông đã nói với ban lãnh đạo, "Tôi hiểu biết cả năm quân đội - Việt Minh, Pháp, Việt Cộng, Mỹ và Nam Việt Nam - thế thì tôi phải là tướng năm sao. Tôi không nghĩ họ hiểu sự hài hước của tôi."