Chúa Nhật XXVIII, C

Đức tin là điều kiện tiên quyết để được lành bệnh tâm hồn và thể xác
(Lc 17,11-19)


Quả thực số phận của những bệnh nhân phong cùi vào thời Đức Giêsu thật vô cùng nghiệt ngã thương tâm: Họ hoàn toàn bị trục xuất ra khỏi gia đình, làng xóm và các thành thị như những kẻ ô uế, dơ bẩn và nguy hiểm, bị đuổi khỏi chỗ làm và phải sống trong các hang động xa xôi hẻo lánh, đúng như Sách Lê-vi đã trình bày. «Người phong hủi phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu và kêu lên: ‘Ô uế ! Ô uế!’ Bao lâu còn mắc bệnh, thì nó còn ô uế; nó ô uế : nó phải ở riêng ra, chỗ ở của nó là một nơi bên ngoài trại» (Lv 13,45-46).

Vì thế, mười người bệnh phong cùi được nói đến trong Tin Mừng đã phải đứng đàng xa. Theo luật thì họ chỉ được phép đến gần những người khõe mạnh cách xa bằng một tiếng gọi, đủ cho người khác nghe đuợc. Họ đã gọi Đức Giêsu bằng chính tên của Người, và khá ngạc nhiên là họ đã xưng Người là «Thầy», một kiểu xưng hô mà bình thường chỉ các môn đệ của Người mới được sử dụng.

«Các ngươi hãy đi và trình diện với các Tư Tế!» Vâng, để tuân thủ lề luật hiện hành lúc bấy giờ, Đức Giêsu đã truyền cho các bệnh nhân phải đi trình diện với các thầy Tư Tế để được chứng thực sự lành bệnh của mình. Như Thế, chúng ta thấy rằng Đức Giêsu đã tuân giữ trọn vẹn lề luật của Gia-vê mà Môsê đã công bố: «Đây là luật về người hủi, trong ngày nó được thanh tẩy, nó sẽ được dẫn tới thầy Tư Tế» (Lv 14,2). Và trong lúc mười người tật phong đang trên đường đi tới thầy Tư Tế thì được lành bệnh.

Nhưng rồi, ở đây, chúng ta lại phải trực diện với một hiện tượng không bình thường và hoàn toàn không ngờ - kể cả đối với Đức Giêsu – đã xảy ra. Vâng, mười người tật phong đã gọi Đức Giêsu là Thầy. Mười người tật phong đều đã khẩn cầu lòng thương xót của Người và cả mười người tật phong đã được Người chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên chỉ có một người – và lại là một người Sa-ma-ri-ta-nô, một người thuộc một dân tộc thiểu số mà sau cuộc lưu đày Ba-by-lon đã bị coi là ngoại đạo và tránh giao thiệp – đã một mình đầy lòng biết ơn, quay lại cảm tạ và ca tụng Chúa về hồng ân cao cả Người đã ban cho anh.

Về hiện tượng hoàn toàn bất bình thường này, tôi muốn được đưa ra hai ghi nhận:

1. Ở đây thánh sử Luca đã dẫn chứng trường hợp người xứ Sa-a-ri-ta-nô bị bệnh phong hủi và đã được Đức Giêsu chữa lành. Nhưng khi Đức Giêsu, vốn một Do-thái, chữa lành bệnh cho một người Sa-ma-ri-ta-nô, thì Người đã công khai xóa bỏ những rào cản tâm lý phân cách giữa người dân Do-thái và người dân xứ Sa-ma-ri. Người hoàn toàn không quan tâm tới những cãi cọ dằng co giữa đôi bên từng kéo dài trong bao thế hệ qua. Đó cũng là lý do cắt nghĩa tại sao Người đã ân cần đứng nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-na ở bờ giếng Tổ phụ Gia-cóp (x. Ga 4), và cũng tại sao Người đã kể cho dân chúng nghe dụ ngôn «Người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu» (x. Lc 10). Đối với Đức Giêsu, điều đáng phải quan tâm hàng đầu là phẩm giá và sự hạnh phúc của con người đang phải đối mặt với những đau khổ và thiếu thốn, hơn là những tranh chấp và xung đột mang tính cách lịch sử.

2. Điều ngạc nhiên thứ hai là Đức Giêsu đã cứu thoát mười người khỏi một thứ bệnh nguy hiểm và khủng khiếp đặc biệt đối với thời bấy giờ; Qua đó, Người đã tạo cho họ đủ điều kiện để quay trở lại với cuộc sống chính trị và tôn giáo bình thường trong xã hội; nhưng chỉ có một người duy nhất đã tỏ lòng biết ơn. Và đó chính là người Sa-ma-ri-ta-nô, một người ngoại kiều. Trước sự vô ơn trắng trợn của lòng người như thế, Đức Giêsu đã phải thất vọng hỏi: «Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu rồi?» Phải chăng chín người này cảm thấy không cần thiết phải cảm tạ và ca tụng Thiên Chúa về hồng ân cao cả Người đã ban cho họ sao? Và sự thể xem ra là như thế. Bởi vậy họ đã quay gót ra đi, chứ không thèm đến tạ ơn Người.

Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay chúng ta có thể đưa ra những nhận định và suy tư tóm tắt sau đây :

• Đức Giêsu đã không tự hỏi : Điều gì tôi được phép làm và điều gì không được phép làm? Điều gì làm vừa lòng người đời và điều gì sẽ làm cho dư luận xì xèo bất bình? Đối với Người, nhân vị và phẩm giá con người phải được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy, Người đã nhất định chữa lành cho mười người bệnh đáng thương, hầu dẫn họ ra khỏi cuộc sống cô lập bất hạnh và trở lại cuộc sống hài hòa, vui vẻ và hòa đồng trong xã hội.

• Đức Giêsu đã hoàn toàn không hài lòng về thái độ vô ơn của chín người bệnh đã được chữa lành, vì họ đã không trở lại cám ơn Thiên Chúa. Phải chăng đối với chín người này, việc Đức Giêsu chữa cho họ được lành bệnh là một việc đương nhiên? Phải chăng họ chỉ quên không trở lại cám ơn Chúa, hay tự bản tính, họ vốn là những người vô ơn? Vâng, chắc chắn chúng ta đã ghi nhận được rằng thái độ «quên cám ơn» là một hiện tượng của con người nói chung và của thời đại tân tiến ngày nay nói riêng. Sự giàu có phồn thịnh - và thực trạng cụ thể do sự giàu có mang lại – đã có thể dùng tiền bạc mua sắm cho mình được mọi sự, kể cả «những dịch vụ tôn giáo» như ngày nay người ta thường nói. Điều đó đã làm cho lòng con người trở thành chai đá vô cảm và những tương quan giữa con người với nhau trở thành lạnh lùng buồn tẻ. Nhưng, phải chăng một lời nói cám ơn không còn giá trị bằng một đồng tiền hay sao? Sự tranh đấu dành dựt với cuộc sống vật chất hằng ngày thường đã làm cho con người chúng ta quên nói lên chữ ám ơn. Tuy nhiên, chúng ta đừng quên rằng một lời «cám ơn» hay một lời chúc «xin Chúa trả ơn cho ông/bà, anh/chị» phát xuất từ một con tim chân thành, sẽ làm cho đời chúng ta thêm tươi vui và có giá trị.

• Vào phần cuối bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã đề cập tới sự tác động quan trọng của đức tin. Qua đó, Người cũng muốn đặt ra cho chúng ta, những thính giả hôm nay của Người, câu hỏi: «Quan điểm và thái độ của chúng con thế nào trong vấn đề đức tin và sự biết ơn?» Chính đức tin vào Thiên Chúa Cha từ ái là động lực cơ bản giúp cho con người thoát ra khỏi sự cô lập bất hạnh để được hòa đồng vào trong cuộc sống xã hội, vào trong mạng lưới của những tương quan thân ái giữa con người với con người như những người bạn và như những người anh em thực sự, và vào trong bầu không khí được tiếp nhận như những thành viên thực sự của đại gia đình nhân loại.

Vâng, đức tin trở thành điều kiện tiên quyết trong việc con người muốn được cảm nghiệm trong tận đáy lòng mình ơn được chữa lành và ơn được cứu rỗi. Vì thế, những ai cũng có được đức tin mạnh mẽ và luôn biết cảm tạ trước những hồng ân Thiên Chúa ban cho như người Sa-ma-ri-ta-nô, người đó cũng sẽ được chữa lành khỏi bệnh phong hủi tinh thần do tội lỗi gây ra và đang gặm mòn linh hồn mình. Người đó chắc chắn cũng sẽ được gặp gỡ được Đức Giêsu trong đức tin như là «Thầy» và «Đấng Cứu Thế» như mười người tật phong xưa kia, và rồi sẽ cảm nhận được sự đổi mới đầy tích cực trong cuộc sống mình như những người tật phong trên thân xác họ.

Tất cả chín người Do-thái và một người ngoại giáo Sa-ma-ri-ta-nô mắc chứng phong hủi đều đã được Đức Giêsu thương chữa lành, nhưng chỉ có người Sa-ma-ri-ta-nô duy nhất biết nhận ra sự lành bệnh của mình là một ơn lành của Thiên Chúa ban, nên đã mau quay trở lại cám ơn Thiên Chúa. Phải chăng người Sa-ma-ri-ta-nô trung hậu này chưa đáng cho chúng ta phải hết lòng cảm phục? Phải chăng anh không phải là gương mẫu cho chúng ta?
Lm Nguyễn Hữu Thy