Mùa Xuân Vĩnh Cửu

Ca dao viết :

Cây có gốc mởi nở nghành sanh ngọn

Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu

Người ta có gốc từ đâu

Có cha có mẹ rồi sau có mình


Lòng hiếu thảo và biết ơn của con cháu đối với ông bà cha mẹ rất quan trọng trong tâm thức người dân Việt nam. Tình cảm này không những được thể hiện qua cách đền ơn đáp nghĩa của con cháu đối với ông bà cha mẹ khi còn sống mà cả khi các Ngài đã qua đời,con cháu vẫn thực hiện việc cúng giỗ để báo hiếu,ghi nhớ công ơn những người đã gầy dựng nên cuộc đời mình.Việc cúng giỗ mang một sắc thái đặc biệt trong tín ngưỡng ngàn đời của dân tộc Việt nam,đó là tín ngưỡng Tôn Kính Tổ Tiên hay Đạo Ông Bà.

Người Việt nam tin rằng: con người có hồn có xác,chết chưa phải là hết hẳn,thể xác chết nhưng linh hồn vẫn còn tồn tại và lui tới với những người thân trong gia đình.Hồn mới thật cao quý là tinh anh của con người ”Thác là thể phách, còn là tinh anh”.Văn hoá truyền thống dân tộc gặp được ánh sáng Tin mừng soi dẫn và người Việt nam Công giáo chúng ta hướng tới một thực tại cao cả hơn đó là sự sống lại,là hạnh phúc Thiên đàng.

Giáo hội dành tháng 11 cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời,nên tháng 11 là tháng của niềm hy vọng Phục sinh.Đây là thời gian mà mỗi khi thắp nén nhang trên phần mộ người chết,nhìn theo làn khói nhẹ toả bay ta cũng nâng tâm hồn lên tới Chúa là nguồn sự sống của mình.Và mỗi khi đặt bó hoa tươi trên phần mộ người thân yêu,ta thấy được mùa xuân vĩnh cửu đang bừng lên từ khắp những nấm mồ chung quanh.Quả that: sự sống thay đổi chứ không mất đi.

Sau thánh lễ chúng ta ra về,trên nghĩa trang này chỉ còn hương khói và những ngọn nến lung linh.Bầu khí tĩnh mịch thật trầm lắng và thánh thiện.Cảnh vắng lặng của một thế giới đang tan thành bụi đất như đang nói về sự rũ bỏ những vướng víu để đạt tới thành toàn viên mãn.Vài người thắp nến trên phần mộ người thân thương,ánh sáng toả ra một vùng nhỏ,toả vào ký ức nhớ những người thân đã khuất bóng.Gia đình cùng đọc kinh rồi im lặng để hình ảnh người đã khuất hiện dần lên trong trí nhớ.Những kỷ niệm lung linh nhập nhoà,bởi hình hài thể phách vật chất không còn nữa.Nơi đây là thế giới của tan rã,chỉ có bụi đất và cỏ cây,những người chết không còn nói năng,ăn uống, đi đứng,cảm xúc, nghĩ ngợi, nổi niềm,không ham muốn, không lo âu,không hoạch định không gắng sức.Họ đã bước vào cõi đời đời sau khi đã đi qua thế giới hữu hạn,họ trải qua mùa đông ảm đạm của sự chết để đi vào mùa xuân vĩnh cửu của sự sống thiên quốc.Như hạt lúa gieo xuống lòng đất tuy có bị thối đi nhưng chính từ trong hạt giống bị chết đi đó,môt cây lúa mới mọc lên,con người cũng vậy,chỉ có thể bước vào sự sống đời đời qua ngưỡng cửa sự chết.

Trong Phúc Am,các phụ nữ đã đến thăm mồ Chúa và các bà được Thiên sứ báo tin Người đã phục sinh.Các bà đã thấy chính Chúa Phục sinh xuất hiện ngay bên nấm mộ sự chết.Vậy thì hôm nay,khi cùng nhau cử hành thánh lễ nơi nghĩa trang – Đất Thánh,bên phần mộ những người thân yêu đã chết,người Kitô hữu chúng ta lắng nghe lời Đấng Phục Sinh khẳng định:Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống,ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống.Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết.Và chúng ta cũng thưa với Chúa Giêsu như Macta xưa rằng:Lạy Chúa,con tin,Thầy là Đức Kitô con Thiên Chúa hằng sống,Đấng phải đến thế gian.

Tạ ơn Chúa vì Chúa đã chết và sống lại để tiêu diệt sự chết và trao ban sự sống bất diệt cho chúng ta.

Tạ ơn Chúa vì tình thương Người đã quy tụ chúng ta lại chung quanh bàn Tiệc Ly của Người để chúng ta hiệp thông với nhau,hiệp thông giữa những người đang sống và những người đã an giấc nơi đây đang được chiêm ngưỡng Chúa và hăng liên kết với chúng ta trong mối dây liên hệ mới bền vững muôn đời.
LM. Giuse Nguyễn Hữu An