GIÁNG SINH: CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI

Giáng sinh về. Có phải đây là một thời gian thích hợp nhất để nhìn lại nguồn gốc của ý nghĩa Giáng Sinh: Con Thiên Chúa xuống thế làm người để thực hiện cái mà con người cần nhất, cái mà hiện tại con người rất cần. Đó là Tình Yêu, khởi nguồn từ việc Con Chúa xuống trần.

Người đời nhìn Giáng Sinh như một dịp lễ hội nghỉ ngơi đế đón chờ năm mới. Thanh thiếu niên nhìn giáng sinh như một dịp vui chơi. Nhà buôn, nhà kinh doanh nhìn giáng sinh như một mùa thu hoạch khi nhà nhà, người người đổ xô đi mua sắm tiện nghi vật chất. Ở nhiều nơi, Giáng sinh là dịp để xả láng, tiệc tùng, nhậu nhẹt, đua xe, hẹn hò nam nữ để rồi một tháng sau đó con số phá thai tăng vọt.

Giáng Sinh mất dần ý nghĩa nguyên thủy. Tại nhiều nước phương Tây, người ta hầu như đã quên hai từ Christmas Season mà nhiều người chỉ còn biết đến “Giáng Sinh” với khẩu hiệu “Season Greeting”. Linh Mục Chánh Sở Nhà Thờ Đức Bà Paris có lần đã nói với phóng viên Tạp chí Newsweek khi được hỏi về việc nhà thờ tràn ngập người đến giáo đường, “Họ không có dự lễ đâu. Họ là những du khách đấy!” Nhà thờ tràn ngập những người đi xem các loại đèn đủ màu chớp tắt nhưng mấy ai còn nhớ con Thiên Chúa xuống trần để làm gì và giáo hội tiếp nối con đường của Ngôi Hai xuống thế với trách nhiệm gì mà Thiên Chúa đã muốn giáo hội thực hiện qua hai chữ đơn giản “Yêu Thương”?

Tình yêu là mục đích của cuộc sống được thực hiện ra sao? Có hy vọng gì để con người thực hiện tình yêu đó trong một thế giới mà 9,7 triệu trẻ em chết trước khi 5 tuổi (năm 1990 là 13 triệu), 19 phần trăm trẻ em dưới 5 tuổi chết vì bệnh sưng phổi từ năm 2000 đến năm 2003, 53 phần trăm chết vì thiếu dinh dưỡng toàn thế giới! (Time, 1-10-2007.) Có hy vọng gì trong một thế giới mà theo một nhà kinh tế học thuộc Đại Học Harvard được giải thưởng Nobel cho biết mỗi phút người ta tiêu hết 500.000 đô la cho cuộc chiến Iraq và chi phí mỗi ngày cho cuộc chiến ấy có thể dùng để chăm sóc sức khoẻ cho 423.529 trẻ em (Time, 8-10-2007). Có hy vọng gì trong một thế giới mà “mỗi phút một người phụ nữ Ai Cập được báo cho biết là bà đã bi ung thư vú (Time, 15-10-2007). Có hy vọng gì để tình yêu lan toả trong một thế giới mà theo thống kê của tổ chức nghiên cứu về những loại vũ khí nhỏ dùng cho cá nhân cho biết tại Mỹ cứ 100 người thì có 90 người trang bị cho mình súng cá nhân, đứng hàng đầu thế giới và Ấn Độ được xếp hàng thứ nhì với tỷ lệ 4/100, có nghĩa là cứ 100 người thì có 4 người “có vũ trang” súng nhỏ. Mỗi năm nước Mỹ bán ra 4,5 triệu khẩu súng cho cá nhân dùng và toàn thế giới mỗi năm số súng cá nhân cùng loại bán ra là 8 triệu khẩu (Time, 10-9-2007). Có những chuyện tưởng như đùa, nhưng cười không nổi đó là sau bao nhiêu vụ học sinh dùng súng bắn loạn xạ trong trường học, bây giờ các nhà kinh doanh vừa mới tung ra thị trường một loại đồng phục học sinh dành để “chống đạn” (bullet-proof uniforms) (AP 9-11-07). Báo cáo Human Development Report cho biết trên toàn thế giới có 4,4 tỷ người sống tại các nước đang phát triển trong đó 3 phần 5 thiếu điều kiện vệ sinh căn bản, 1 phần 3 không có nước sạch, 1 phần 4 chưa có nhà ở, 1 phần 5 chưa biết đến các dịch vụ y tế, 1 phần 5 chưa học hết bậc tiểu học, 1 phần 5 chưa ăn đủ chất đạm trong bữa ăn hàng ngày. Tạp chí Time số ra ngày 22 và 29-10-2007 cho biết bên cạnh 168.000 quân Mỹ chiến đấu tại Iraq có đến 182.000 người thuộc lực lượng bảo vệ “yếu nhân” do các công ty tư nhân Mỹ thuê mướn, mà những người này, theo Tạp Chí Time, “They quickly earned a reputation as cowboys: the kind that shoot first and never have to answer any questions.” (Tạm dịch, họ mau chóng nổi danh vì hành xử như những chàng cao bồi: một loại người bắn trước và chẳng bao giờ phải trả lời về những việc mình làm.) Khoa học càng này càng tiến bộ với kỹ thuật nano, cloning, biomimicry vs. biotechnology, futuristic cars, nuôi cấy bộ phận con người dùng cho nghiên cứu (organ designers), robots chuồn chuồn điều khiển từ xa, rồi toàn cầu hoá đang làm đảo lộn tự nhiên thế giới, đang hủy diệt các nền văn hoá lâu đời mà nhờ đó loài người tiến bộ được như ngày nay.

Giữa những rối loạn như vậy, Giáo Hội đã phản ứng ra sao? Trong phần cuối của tài liệu về Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội do Ủy Ban Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình phát hành năm 2004, Giáo Hội đã nói về Một Nền Văn Minh của Tình Yêu trong đó đề cập đến những gì Giáo Hội đem đến cho con người ngày nay, tin tưởng vào một hy vọng vững chắc của con người để “vượt qua cái ác và tìm về cái thiện”, và kêu gọi xây dựng một nền văn minh tình thương.

Giáng sinh về. Có phải đây là một thời gian thích hợp nhất để nhìn lại nguồn gốc của ý nghĩa Giáng Sinh : Con Thiên Chúa xuống thế làm người để thực hiện cái mà con người cần nhất, cái mà hiện tại con người rất cần : đó là Tình Yêu, khởi nguồn từ việc Con Chúa xuống trần..

VÌ MỘT NỀN VĂN MINH CỦA TÌNH YÊU (1)

a. Sự giúp đỡ mà Giáo Hội đem đến cho con người ngày nay

575. Trong xã hội hiện đại, con người càng ngày càng thấy một nhu cầu đặt lại những ý nghĩa về mọi phương diện. “Con người luôn luôn có một nhu cầu đi tìm hiểu – ít nhất một cách không rõ ràng – đâu là ý nghĩa của cuộc sống, của mọi sinh hoạt, và của sự chết”. 1206 Thật khó mà đáp ứng nhu cầu xây dựng một tương lai trong một cảnh quan mới của một thế giới mà trong đó những tương quan quốc tế càng ngày càng phức tạp và lệ thuộc vào nhau, trong khi đó chính những tương quan ấy lại càng ngày càng mất trật tự và kém an toàn. Sự sống và sự chết có vẻ như chỉ độc nhất nằm trong tay những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật mà tiến bộ này diễn ra nhanh hơn cả khả năng của con người trong việc tạo dựng những mục tiêu cuối cùng và lượng giá những mất mát. Thay vào đó, rất nhiều hiện tượng xảy ra cho thấy rõ rằng “ý thức không hài lòng càng ngày càng tăng đối với những sản phẩm của trần thế mà ý thức này bao trùm lên dân chúng của những quốc gia giàu có đang tàn phá rất nhanh ảo tưởng sung túc của một thiên đàng hạ giới. Nhân loại, mặt khác, lại càng ý thức nhiều hơn về quyền con người, những quyền phổ biến và không thể xâm phạm được và chính những quyền này tạo nên những quan hệ càng ngày càng chính đáng và càng ngày càng mang tính chất con người hơn.” 1207

576. Đối với những câu hỏi cơ bản về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống con người, Giáo Hội đã đáp lại bằng sự tuyên bố công khai Tin Mừng của Chúa Kitô. Chính Tin Mừng này đã khai mở phẩm giá của nhân vị con người thoát khỏi những ý tưởng đang thay đổi và bảo đảm an bình cho con người nam cũng như nữ mà không một luật lệ nào của loài người có thể làm được. Công đồng Vatican II đã cho thấy rõ vai trò của Giáo Hội trong thế giới tạm bợ này là giúp đỡ mỗi một con người tìm ra nơi Thiên Chúa ý nghĩa tối hậu của sự hiện hữu của mình. Giáo Hội biết rất rõ rằng “Thiên Chúa, và chỉ một mình Thiên Chúa, mà Giáo Hội phục vụ, có thể thỏa mãn những ước vọng thầm kín sâu xa nhất trong con tim của mỗi người, bởi vì thế giới và những gì mà thế giới phải cống hiến không bao giờ có thể đem lại sự thoả mãn đầy đủ”. 1208 Chỉ có Thiên Chúa, Người đã tạo sinh con người theo hình ảnh của Người và đã cứu chuộc con người khỏi tội lỗi qua sự Mặc Khải được thực hiện khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Thật vậy, Tin Mừng khi “công bố và tuyên xưng sự tự do của các con cái của Người, đã cởi bỏ tất cả những trói buộc do tội lỗi gây ra; Tin Mừng đã hiển thị tôn trọng sự cao quý của ý thức và sự tự do lựa chọn; Tin Mừng không ngừng thúc đẩy, mời gọi con người đem những tài năng của mình cống hiến cho Thiên Chúa và loài người và cuối cùng, Tin Mừng đề nghị mọi người thực hiện tình yêu bác ái cho tất cả nhân loại”. 1209

b. Sự khởi đầu mới mẻ vào niềm tin nơi đấng Kitô

577. Niềm tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô chiếu rọi ánh sáng vào những nguyên tắc đạo đức, mà những nguyên tắc đó chính là “nền tảng duy nhất và không thể thay thế của sự ổn định và sự an bình, của trật tự bên trong cũng như bên ngoài, của công cũng như của tư, mà một niềm tin đó cũng có thể điều hợp và bảo đảm sự phong phú của mọi quốc gia”. 1210 Cuộc sống trong xã hội này phải dựa vào kế hoạch của Thiên Chúa bởi vì “chiều kích thần học thì rất cần thiết cho cả việc giải thích và giải quyết những vấn đề hiện nay trong xã hội loài người”.1211 Trong một thế giới hiện hữu với đầy rẫy những sự bóc lột và bất công, cần phải có “một nhận thức chưa từng phổ biến và chính xác hơn bao giờ về nhu cầu cần thiết phải có một sự đổi mới tận gốc rễ về con người cũng như về xã hội có khả năng bảo đảm được công lý, sự đoàn kết, lương thiện, và sự cởi mở. Chắc chắn rằng con đường đạt đến cùng đích đó sẽ thật là dài và gian khổ; việc tìm lại cho được một sự đổi mới như vậy đòi hỏi những cố gắng vô biên đặc biệt là khi đề cập tới số lượng và sự trì trệ của những nguyên nhân làm nảy sinh và tập hợp những tình trạng bất công hiện hữu trong thế giới ngày nay. Tuy nhiên, như lịch sử và kinh nghiệm của con người cho thấy việc khám phá tận cùng nguyên nhân của những trạng huống này không khó vì những nguyên nhân này rõ ràng gắn liền với ‘văn hoá’, gắn liền với những cái nhìn nào đó hướng về con người, về xã hội và về thế giới. Thực vậy, từ trong tâm điểm của nhận thức văn hóa, chúng ta tìm thấy cảm nhận đạo đức, mà những cảm nhận này lần lượt có gốc rễ và được hoàn chỉnh bằng chính nhận thức tôn giáo” .1212 Khi đề cập tới “vấn đề xã hội”, chúng ta không được chiều theo “những mong muốn ngây thơ cho rằng chúng ta có thể tìm ra một giải pháp thần diệu nào đó khi đối diện với những thử thách lớn lao của thời đại chúng ta. Không, không bao giờ con người có thể được giải thoát bằng một giải pháp như vậy ngoại trừ bằng chính Con Người và sự bảo đảm mà Người đã đem đến cho chúng ta qua câu nói của Người gửi cho chúng ta: Ta sẽ ở lại với các con! Vì thế vấn đề không phải là phát minh ra môt ‘chương trình mới’. Chương trình đó đã có sẵn rồi: đó chính là chương trình mà con người tìm thấy trong Tin Mừng và nơi Lời Thánh Truyền Hằng Sống. Mãi mãi muôn đời sẽ như thế. Cuối cùng, chương trình đó có tâm điêm là chính nơi Đấng Cứu Thế, mà ai cũng biết Người là tình yêu và gương sáng, để từ nơi Người chúng ta có thể sống cuộc sống của Đấng Ba Ngôi, và cùng với Người thay đổi lịch sử cho đến khi hoàn thành trách nhiệm nơi Đền Thánh Giêrusalem”. 1213

c. Một Hy Vọng Vững Chắc

578. Giáo Hội dạy mọi con cái của mình rằng Thiên Chúa cho con người một khả năng thực sự để vượt qua tội ác và để tìm về cái Thiện. Thiên Chúa đã cứu chuộc loài người “bằng một giá cứu chuộc” (1 Cr 6,20). Ý nghĩa và nền tảng cơ bản của sự hiến dâng của người Kitô Hữu trong thế giới được tìm thấy trong sự vững bền đó, vì chính sự vững bền này mở đường cho hy vọng mặc dầu tội lỗi hằn sâu trong suốt lịch sử loài ngưòi. Thiên Chúa đã hứa hẹn chắc chắn rằng thế giới này sẽ không tự đóng kín mãi mãi, nhưng sẽ mở rộng cho Vương Quốc của Thiên Chúa. Giáo Hội biết rõ ảnh hưởng của “sự huyền bí của tình trạng vô luật pháp”(2 Tx 2,7), nhưng giáo hội cũng biết rõ rằng “trong con người hiện hữu một khả năng hữu hiệu và những sức mạnh, cũng như một ‘lòng thiện’ cơ bản (x. St 1,31), bởi vì con người là hình ảnh của Đấng Tạo Hoá được đặt dưới ảnh hưởng của công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô, mà chính Người đã ‘gắn chặt chính thân mình Người vào thân phận mỗi một con người’ và nhờ hoạt động hữu hiệu của Thánh Thần ‘làm đầy tràn trái đất’ (Kn 1,7)”. 1214

579. Hy vọng của người Kitô hữu cho họ một năng lực lớn lao để dấn thân vào lãnh vực xã hội bởi vì chính hy vọng đó tạo ra niềm tin vào khả năng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, mặc dầu ai cũng biết là không thể có được một thứ “thiên đàng hạ giới” . 1215 Ngưòi Kitô hữu, đặc biệt là giáo dân được khuyến khích làm việc theo cách thức mà từ đó sức mạnh của Tin Mừng chiếu soi trên đời sống hàng ngày của xã hội và gia đình. Họ sống chính họ như con cái của lời hứa và vì thế họ sẽ rất mạnh mẽ trong niềm tin và hy vọng mà họ đạt được nhiều nhất trong hiện tại (x. Ep 5,16; Cl 4,5), và kiên nhẫn chờ đợi ngày vinh quang sẽ đến (x. Rm 8,25). Vậy thì chớ gì mọi người giáo dân đừng bao giờ che dấu niềm hy vọng từ trong thâm sâu cõi lòng, nhưng hãy bộc lộ niềm hy vọng ấy không ngưng nghỉ và sẵn sàng ‘chống lại những quyền lực trần thế tối tăm cũng như những sức mạnh tinh thần của quỉ dữ’ (Ep 6,12)” 1216 Động lực tôn giáo đằng sau sự dấn thân như vậy không phải lúc nào cũng được mọi người san sẻ, nhưng bằng chứng thuyết phục về tinh thần có được sẽ là dấu chỉ của sự gặp gỡ giữa người Kitô hữu và tất cả mọi người có thiện tâm thiện ý trên thế giới này.

d. Xây dựng “nền văn minh tình thương”

580. Mục tiêu trước mắt của học thuyết xã hội của giáo hội là đưa ra những nguyên tắc và những giá trị có thể giữ gìn một xã hội xứng đáng với nhân vị con người. Trong số những nguyên tắc đó, thì nguyên tắc đoàn kết bao gồm tất cả những nguyên tắc khác một cách chắc chắn. Đoàn kết tượng trưng cho “một trong những nguyên tắc cơ bản của quan điểm Kitô giáo về cơ cấu xã hội và chính trị”. 1217

Ánh sáng chiếu rọi trên nguyên tắc này do quyền tối thượng của tình yêu, “dấu chỉ rõ ràng của các môn đồ của Chúa (x. Ga 13,35)”. 1218 Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng “qui luật cơ bản của sự hoàn thiện con người, và từ đó dẫn đến qui luật của sự biến đổi thế giới là điều răn mới của tình yêu” 1219 (x. Mt 22,40, Ga 15,12; Cl 3,14; Gc 2,8). Hành vi của cá nhân sẽ mang tính con người đầy đủ khi được phát sinh từ tình yêu, được bày tỏ bằng tình yêu và hướng về tình yêu. Chân lý này cũng áp dụng cho khung cảnh xã hội; người Kitô hữu phải là nhân chứng sâu xa của tình yêu và cuộc sống của họ phải chứng minh rằng tình yêu là động lực duy nhất (x. 1 Cr 12,31 – 14,1) có thể dẫn tới sự hoàn thiện về con người cũng như về xã hội và cho phép xã hội tiến tới điều thiện hảo.

581. Tình yêu phải hiện hữu bên trong và thấm dần vào các quan hệ xã hội. 1220 Đây là một chân lý đối với những ai chịu trách nhiệm về việc thi hành cái thiện với mọi người. Họ “phải tự mình là những con người dễ mến, và cố gắng đem đến cho người khác sự sống động, lòng thương, là người yêu và nữ hoàng của mọi đức tính. Bởi vì cái kết quả tốt đẹp mà tất cả mọi người chúng ta đều mong đợi phải được đem về bởi lòng bác ái vô bờ và bất tận; chính lòng bác ái Kitô giáo đích thực là sự hoàn chỉnh tất cả qui luật của Tin Mừng, là điều khiến tất cả mọi người sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của người khác và đó chính là luận lý chắc chắn nhất để chống lại những sự phô trương trần thế và một thứ tình yêu chỉ vì bản thân mình”. 1221 Tình yêu này có thể gọi là “lòng bác ái xã hội” hay “lòng bác ái vì mọi người” 1223 và phải bao trùm tất cả nhân loại. 1224 “Tình yêu mọi người” 1225 là phản đề đối với chủ nghĩa tự kỷ và chủ nghĩa cá nhân. Nếu không tuyệt đối hóa đời sống xã hội, như đã thấy nơi những quan điểm thiển cận tự hạn chế mình vào những giải trình mang tính học thuyết xã hội, chúng ta cũng không thế quên rằng sự phát triển toàn diện của một nhân cách và sự lớn mạnh của xã hội đều có ảnh hưởng hỗ tương lẫn nhau. Vì thế, sự ích kỷ, là kẻ thù xảo quyệt nhất của một xã hội có trật tự. Lịch sử đã cho thấy trái tim con người trở nên hoang vắng như thế nào khi con người, nam và nữ, không còn khả năng nhận ra những giá trị của nhau hoặc nhận ra những sự thật hữu hiệu khác ngoài những của cải vật chất, mà nếu con người bị ám ảnh bởi việc đi tìm những của cải vật chất đó mà thôi thì khả năng của chính họ sẽ bị chết ngạt hay rơi vào đường cùng.

582. Để làm cho xã hội mang đậm tính người hơn, cũng như cho nhân vị con người, và tình yêu trong đời sống xã hội – bao gồm cả chính trị, kinh tế lẫn văn hoá - xứng đáng hơn thì tất cả những lãnh vực đó phải được phủ lên một giá trị mới, trở nên tiêu chuẩn vững bền và cao nhất cho mọi hoạt động. “Nếu công lý tự nó thích hợp với ‘một tiến trình luận phán chính đáng và bình đẳng’ giữa mọi người liên quan đến vấn đề phân chia công bằng mọi sản phẩm hàng hóa, trong tình yêu thương, và chỉ bởi tình yêu thương mà thôi (bao gồm luôn cả tình yêu thương trìu mến mà chúng ta hay gọi là ‘lòng thương hại’) thì công lý ấy có thể trả lại con người đúng vị thế của con người”. 1226 Quan hệ giữa con người không thể chỉ do sự cai trị đơn thuần theo những biện pháp của công lý. “Người công giáo biết rằng tình yêu là nguyên do chính làm cho Thiên Chúa phải giao tiếp với con người. Và tình yêu cũng là hình thức cao nhất và quý giá nhất có thể có được giữa con người với nhau. Do đó tình yêu phải làm phấn chấn mọi góc cạnh cuộc đời của con người và lan rộng đến - để tạo thành - một trật tự quốc tế. Chỉ có tình nhân loại trong đó ‘nền văn minh của tình yêu’ ngự trị mới có thể bảo đảm một nền hoà bình đúng nghĩa và vĩnh cửu”. 1227 Vì nhận định như vậy, Huấn Quyền Giáo Hội trân trọng đề nghị một sự đoàn kết bởi vì chính đoàn kết sẽ bảo đảm thiện ý chung và nuôi dưỡng sự phát triển hài hoà con người: tình yêu “giúp con người thấy chính hình ảnh của mình nơi người đồng loại”. 1228

583. Chỉ có tình yêu mới có thể thay đổi hoàn toàn nhân vị con người. 1229 Một sự thay đổi như vậy không có nghĩa là giảm bớt chiều kích trần tục để biến thành một chiều hướng vô hồn. 1230 Tất cả những ai nghĩ rằng mình có thể sống đức yêu thương siêu việt mà không cần quan tâm tới nền móng tự nhiên sẵn có, bao gồm bổn phận về công lý, thì họ sẽ lừa dối chính họ. “Bác ái là điều răn mang tính xã hội vĩ đại nhất. Nhờ bác ái, người ta tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng quyền của người khác. Bác ái đòi hỏi thực thi công lý và chính bác ái làm chúng ta có khả năng đạt đến điều đó. Bác ái khuyến khích một cuộc sống xả thân vì người khác : ‘Ai tìm cách giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống’ (Lc 17,33)”. 1231 Tình yêu không thể tìm thấy ý nghĩa đầy đủ khi chỉ hướng theo chiều kích trần tục trong quan hệ giữa con người với nhau cũng như trong quan hệ xã hội, bởi vì tình yêu chỉ có hiệu quả đầy đủ khi gắn liền với Thiên Chúa. “Vào giây phút cuối của cuộc đời này con sẽ đến trước mặt Chúa với hai bàn tay trắng bởi vì con không cầu xin Chúa tính sổ việc làm của con. Mọi chuyện con làm gọi là công lý chẳng qua chỉ là những vết mờ trước mặt Thiên Chúa, vì thế con cầu xin Thiên Chúa bảo bọc con trong sự công chính của Ngài và xin cho con được nhận lấy từ tình yêu của Ngài sự sở hữu vĩnh cửu của chính Ngài”.

Chú thích :

(1) Phần Conclusion : For a Civilization of love, trong Compendium of the Social Doctrine of the Church, Libreria Editrice Vaticana, 2004. Biên dịch : Trần Bá Nguyệt.

(Những ghi chú từ số 1206 đến 1232 lấy từ các văn kiện Toà Thánh qua các Triều Đại Giáo Hoàng từ Đức Benedict XV đến Đức John Paul II, Công Đồng Vatican II, sách Giáo Lý của Giáo Hội có ghi trong phần phụ chú của tác phẩm vừa kể trên.)
Trần Bá Nguyệt