Ngày 1 tháng 12: Kính Chân Phước Charles de Foucauld


Charles de Foucauld sinh năm 1858, thuộc một gia đình quí tôc ở Strasbourg. Lớn lên sau cuộc cách mạng Pháp nên Foucauld không mấy quan tâm về tôn giáo, thích hành động nên gia nhập quân đội nhưng đến năm 1881 thì bị cho giải ngũ vì bị tai tiếng. Foucauld ham thích mạo hiểm và say mê vùng đất sa mạc nên xin vào làm cho Sở Địa dư Pháp và nhận làm một cuộc thám sát đầy nguy hiểm trong xứ Morocco.

Khi đến thăm người chị và say sưa kể lại những thành tích của mình tại Bắc Phi, thì người cháu gái nhỏ đã hỏi Foucauld: “Những việc làm của cậu thật là oai hùng nhưng cậu đã làm được gì cho Chúa Giêsu chưa?” Câu nói của cô bé đã thức tĩnh Charles và từ đó đức tin Công giáo truyền thống của gia đình đã sống lại, vĩnh viễn thay đổi hẳn quan niệm vô thần và cuộc sống trụy lạc của Foucauld: “Khi tôi nhận biết có một Thiên Chúa, tôi không thể làm một việc gì khác hơn là sống vì Chúa. Ơn gọi đời sống tu trì bắt đầu từ lúc này cũng như Đức Tin của tôi.”

Foucauld làm một cuộc hành hương đến Đất Thánh, đi theo bước chân của Chúa Giêsu trên các nẻo đường mà Chúa Giêsu đã đi qua. Sau đó thì Foucauld xin vào dòng khổ tu (Trappists) và đã tu nhiều năm trong một tu viện ở Syria. Nhưng đời sống bình lặng của nhà tu không đáp ứng khát vọng của Foucauld. Điều làm cho Foucauld khắc khoải chính là cuộc đời của Chúa Giêsu, Con của Thiên Chúa là một người lao công nghèo khó. Chúa Giêsu đã làm thợ mộc trước khi đi rao gỉang Tin Mừng.

Khi suy nghĩ như vậy thì Foucauld muốn đem những ý tưởng đó ra thực hành. Trong ba năm Foucauld đã đến làm lao động trong tu viện dòng Clares nghèo khó ở Nazareth. Theo Foucauld thì Nazareth đại diện cho bất cứ nơi nào trên thế giới. Sau đó Foucauld đã xin theo học để làm linh mục.

Sau khi chịu chức Foucauld trờ lại Algeria, sống ở sa mạc Béni-Abbès tại biện giới Morocco. Ý nguyện của Charles là phát triển một kiểu mẫu đời sống tu trì chiêm nghiệm một cộng đoàn Tiểu đệ, sống giữa những người nghèo với tinh thần nghèo khó, yêu thương và phục vụ. Trong lề luật của Hội dòng Foucauld đã viết: “Trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta phải rao giảng Tin Mừng không chỉ bằng lời nói mà chính bằng đời sống của chúng ta.”

Foucauld đã sống ở Béni-Abbès trong 15 năm, khi nhận thấy vùng này trở nên đông đúc thì dời đến nơi thanh tịnh hơn là Tamanrasset, chính ở đó Foucauld bị quân Tuareg phản loạn giết chết.

Foucauld đã chờ đón các bạn cùng chí hướng nhưng không một ai đến với mình. Foucauld đã viết bài kinh phú thác trông cậy như sau: “Lạy Cha con xin phú thác đời con trong tay Cha, xin Cha hãy xử dụng đời con theo thánh ý Cha. Dù có gì xẩy ra, con luôn cám đội ơn Cha. Con sẵn sàng đón nhận mọi biến cố để ý Cha được thành tựu nơi con cũng như nơi mọi tạo vật.”

Cuộc sống ẩn dật và ý tưởng của Foucauld đem lại kết quả phi thường. Năm 1933, René Voillaume và bốn người bạn rời Paris đến ẩn tu trong sa mạc Sahara. Họ trở thành nồng cốt của tu hội dòng Tiểu đệ của Chúa Giêsu. Ít năm sau thì dòng Tiểu muôi của Chúa Giêsu cũng ra đời. Cộng đoàn này phát triển nhanh chóng và có mặt khắp nơi trên thế giới, bắt đầu từ Sahara cho đến những nơi tối tăm nghèo nàn nhất trên thế giới.

Chết cơ đơn trong sa mạc, mới đầu xem như thất bại, nhưng một thời gian sau thì tư tưởng và nếp sống của Foucauld đã ảnh hưởng sâu rộng trong thế kỷ 20 này.

Tuy sống ẩn dật, xa lánh nhân loại để được gần gủi Thiên Chúa nhưng luôn mang một tấm lòng yêu mến sâu xa đồng loại như chính mình.. Trước khi bị giết Foucauld đã viết như là một di chúc:

“Chúa Giêsu đến Nazareth, sống một cuộc đời ẩn dật, một cuộc sống xem ra tầm thường, một đời sống gia đình, cầu nguyện, làm lụng. Sống trong lu mờ để tu luyện những đức tính đạo đức, thực thi một mình với Thiên Chúa, đối xử tốt với bạn bè và những người chung quanh. Vậy chúng ta phải tôn trọng những người anh em thấp kém, chúng ta hãy hòa đồng cùng họ. Hãy là một trong thành phần của họ như thánh ý Chúa, đối xử với họ như tình anh em để có được danh dự và niềm vui khi được họ đón tiếp như người anh em.”
PhóTế Huỳnh Mai Trác