-
Moderator
Tâm sự người linh mục
Tâm sự người linh mục
Lời Ngỏ: Tác gỉa xin gởi tặng bài viết này cho anh em DCCT.VN hiện đang truyền giáo tại các vùng cao nguyên, đặc biệt là nơi có đông đảo anh chị em dân tộc thiểu số. Người viết cũng ước ao gởi đến các anh em linh mục Triều đang làm việc tại các họ đạo miền quê hay các vùng xâu xa, để nói lên sự cảm thông trong những khó khăn và sự cô quạnh mà anh em đã can đảm chấp nhận.
Michel Quoist, một cái tên khá quen thuộc và có lẽ không xa lạ gì lắm đối với chúng ta. Ngài đã trở nên danh tiếng nhờ vào một số các tác phẩm mà ngài đã viết và cho xuất bản, đặc biệt là cuốn, “Prayers of Life”. Tác phẩm này đã được dịch sang 24 ngôn ngữ và đã in trên hai triệu ấn bản, được phổ biến trên khắp thế giới. Trong cuốn sách này, linh mục Michel Quoist đã gói ghém phần lớn tất cả những kinh nghiệm quý báu của đời sống linh mục. Ngài viết với tấm cả tâm lòng và chân tình chia sẽ những kinh nghiệm buồn vui, sướng khổ, hạnh phúc và gian truân của người linh mục, ngay cả những nỗi cô đơn và thất vọng. Đọc tác phẩm ấy, tôi cảm thấy được sự cảm thông và sự nâng đỡ về mặt tinh thần của một người đàn anh linh mục, đã từng trải, đã từng va chạm và đã từng nếm thử sự diụ ngọt cũng như đắng cay của một kiếp người. Tôi rất ngưỡng mộ cha Michel Quoist, dù chưa một lần được diện kiến, tôi chỉ biết về ngài qua các tác phẩm mà ngài đã xuất bản. Cũng như tôi, chưa từng lần nào có cái vinh dự lớn lao được diện kiến Đức Giêsu, như các môn đệ đồng thời với Ngài, nhưng tôi đã gặp và biết Ngài qua Lời Ngài đã phán. Lời đã hóa thành nhục thể và cư ngụ giữa chúng ta. Chính vì sự gặp gỡ Đức Giêsu, nên cuộc đời tôi đã biển đổi, đã chuyển hướng và rồi kết cuộc, tôi đã thành người môn độ của Ngài, trong sứ vụ linh mục.
Cha Michel Quoist đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng, đặc biệt những gì ngài viết trong Lời nguyện của vị linh mục vào buổi chiều chủ nhật.
“Người ta đòi hỏi rất nhiều ở người linh mục, và có lẽ đúng như thế. Nhưng họ cũng nên hiểu rằng làm linh mục không phải là chuyện dễ dàng. Người linh mục đã cho đi tất cả thời thanh xuân của mình, nhưng họ vẫn mang thân phận con người, và vì thế mỗi ngày “con người ấy” nơi vị linh mục, muốn tìm cách lấy lại những gì mà mình đã từ bỏ hoặc dâng hiến. Thật là một sự chiến đấu và giằng co liên tục để có thể hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Người linh mục không cần những lời ca tụng (chỉ bằng đầu môi chót lưỡi) hoặc những qùa tặng đắt tiền; điều mà họ cần là những ai được trao phó cho họ chăm sóc biết sống yêu thương kẻ khác, qua đó chứng tỏ cho họ thấy rằng, đời sống hiến dâng của họ đã không luống công vô ích. Vì vẫn là con người (với nam tính), linh mục thỉnh thoảng cần những cử chỉ tế nhị của một tình bạn mà không cần chiếm hữu... vào những buổi chiều chủ nhật khi một mình lẻ loi, đơn độc.” [1]
Khi đọc những dòng chữ này của cha Michel Quoist, tôi liên tưởng đến các anh em linh mục bạn của tôi, mà hiện nay họ đang phục vụ rải rác trên các cánh đồng truyền giáo tại nhiều nơi trên khắp cùng bờ cõi Việt Nam và tại Hải Ngoại. Họ là những sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế, mang trong người tinh thần và nhiệt huyết muốn đem Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô đến cho người nghèo, những con người tất bạt, đang bị xã hội và giáo hội lãng quên. Lẽ đó, họ đã không quản ngại đường xá xa xôi, họ lặn lội vào tận trong các buôn làng của người anh em miền cao nguyên, có khi giáp cả biên giới Việt-Miên-Lào. Họ sống trong một môi trường và một điều kiện thiếu thốn về mọi phương diện, đặc biệt là về mặt vật chất. Thế nhưng họ vẫn hăng say rao giảng Lời Chúa, Lời hằng sống, Lời có khả năng tái sinh con người, biến đổi người nghe, từ những con người ích kỷ, chỉ biết sống cho chính mình trở thành những con người quảng đại, biết cho đi và sống trọn vẹn cho tha nhân.
Cách đây ba năm (2004), khi tôi đang phục vụ tại Việt Nam. Có lần tôi được cha giám tỉnh cho tháp tùng, đi thăm viếng anh em DCCT tại các điạ điểm truyền giáo của nhà dòng trên vùng cao nguyên, tỷ dụ như: Bảo Lộc, Pleiku, Kontum. v.v... Khi đến nơi, tôi hơi bàng hoàng và ngạc nhiên vô cùng... không hiểu lý do nào đã thúc đẩy những người anh em linh mục trẻ của nhà dòng lại bằng lòng dấn thân và vui vẻ phục vụ tại đây. Khi tôi được họ mời lên ngôi nhà chòi mà họ đang tạm trú, tôi không cầm được nước mắt, nhìn thấy tận mắt, nơi họ ăn uống và ngủ nghỉ qúa đơn sơ, nghèo nàn, ngoài những gì mà tôi có thể tưởng tượng hoặc hình dung. Phòng ngủ của họ chỉ có một cái chiếu manh trải trên sàn nhà và một cái gối cũ. Bàn làm việc thì rất sơ sài, có anh em dùng cái vali (rương) của mình làm bàn viết. Họ ăn uống rất đạm bạc, đôi khi không có gạo để nấu cơm, họ ăn khoai hoặc bắp, do dân làng biếu. Bổng lễ của họ là những quày chuối hoặc những trái bầu, trái bí. Ấy thế mà nơi họ lại toát ra một niềm vui sâu thẳm, nét mặt của anh em lúc nào cũng tươi cười, hân hoan, họ dường như cảm nghiệm được một cái gì đó huyền nhiệm lắm, niềm vui của kẻ dám cho đi, ngay cả mạng sống của chính mình, để yêu thương và phục vụ những con người nghèo, những người đang bị ruồng bỏ, không ai muốn đoái hoài tới.
Và tôi cũng liên tưởng tới những người anh em linh mục Việt Nam, hiện nay đang phục vụ tại các xứ đạo miền quê tại các giáo phận xa xôi trên lãnh thổ Úc Châu này. Những anh em ấy đã chia sẻ với tôi, cái nỗi niềm cô đơn của họ, vì phải sống trong một môi trường cách biệt, qúa xa đối với người giáo dân hay bạn bè. Có anh em cho biết, đôi khi lái xe hơn cả 100 cây số để dâng thánh lễ chủ nhật, ấy vậy chỉ có khoảng 4-5 người tham dự, sau đó lại phải lái xe chạy sang một địa điểm khác cũng xa khoảng như vậy. Bù lại cho những em anh linh mục ở miền quê, thì họ cho biết, giáo dân tại đó rất thân thiện, họ rất qúy mến và yêu thương các linh mục của mình. Nhờ đó mà họ cảm thấy được sự đỡ nâng thực sự về mặt tinh thần.
Riêng bản thân tôi, vì là linh mục dòng, nên tôi sống trong cộng đoàn với anh em, mọi sinh hoạt trong đời sống thường ngày có giờ giấc quy định hẳn hoi, ngay cả giờ ăn, giờ kinh nguyện hoặc thánh lễ. Điều này là một trợ giúp rất lớn đối với tôi trong đời sống tu trì. Tôi cảm thấy sự đỡ nâng của anh em trong cộng đoàn, những lúc vui hoặc buồn, tôi luôn luôn có người để tâm sự hoặc chia sẻ, nếu muốn. Lúc nào tôi cũng có anh em ở bên cạnh. Tuy nhiên, hai năm vừa rồi, tôi có được cơ hội phục vụ tại một xứ đạo tương đối khá sống động và giáo dân tại đây vẫn siêng năng tham dự thánh lễ mỗi chủ nhật, cũng như ngày thường. Tại đây tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm, trước tiên là từ cha xứ, một linh mục triều, rất năng nổ, và có nhiều khả năng. Ngài lúc nào cũng vui vẻ, ân cần tiếp đón giáo dân, và luôn sẵn sàng giúp đỡ họ, nếu có yêu cầu. Có lẽ trời ban cho ngài một đức tính luôn sẵn sàng và ít khi biết từ chối.
Tôi làm việc và sống với ngài được hai năm, anh em chúng tôi sống với nhau rất thân tình, sẵn sàng chia sẻ mọi công việc, ngay cả những gánh nặng nếu có... Chúng tôi luôn tôn trọng lẫn nhau và dành cho nhau những khoảng thời gian cần thiết. Tôi thích những buổi tối thứ bảy hoặc chủ nhật, khi cả hai anh em chúng tôi đều có mặt ở nhà, sau khi dâng thánh lễ và đóng cửa nhà thờ. Chúng tôi, tổ chức nấu ăn và rồi cùng dùng bữa cơm tối chung với nhau, những lần như vậy, anh em chúng tôi thường hay khui một chai rượu vang để uống và thưởng thức, vì “rượu ngon phải có bạn hiền.” Trong những lúc như vậy, anh em chúng tôi thỉnh thoảng đàm đạo với nhau công việc của xứ hoặc bàn thảo các chương trình và kế hoạch cho tương lai, đôi khi hai anh em chỉ nói chuyện để tâm sự và chia sẻ với nhau về những gì mình cảm nghiệm trong cuộc sống hay trong công việc mục vụ của mình.
Tôi nhớ có lần ngài đi nghỉ holiday một tháng và tôi phải trông nom giáo xứ một mình. Mỗi tối khi đêm về, nhất là những ngày cuối tuần, sau khi dâng thánh lễ chiều ngày thứ bảy, tôi phụ với một vài giáo dân đóng cửa nhà thờ, rồi một mình trở lại ngôi nhà xứ vắng lặng, vì chỉ một mình tôi lúc đó, lủi thủi xuống nhà bếp kiếm gì ăn cho xong bữa, rồi đi ngủ để sáng mai còn dậy sớm, hầu dâng thêm 3 thánh lễ vào sáng ngày chủ nhật. Có một lần, tôi bị cảm cúm vào giữa tuần, ho nhiều và mất ngủ, tôi bị lên cơn sốt, bà thư ký cố gắng gọi điện thoại để mời cha khách phụ tôi dâng lễ cuối tuần, nhưng vì qúa cận ngày, nên các ngài đều bận cả, không cha nào có thể giúp dâng lễ vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật, thế là tôi đành phải lãnh đủ. Dù trong người còn yếu và nói không muốn ra tiếng, tôi cũng phải cố gắng ra khỏi giường, sang bên nhà thờ để cử hành thánh lễ cho giáo dân, tôi cố gắng giảng nhưng khi giảng xong thì tôi lại bị “mất tiếng”! Những lúc như vậy, tôi nhớ đến những anh em linh mục của tôi, nhất là những anh em linh mục triều, đang làm việc tại các giáo xứ, có thể các vị ấy cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự như tôi, tôi thấy thương cho các ngài, vì bây giờ, tôi đã trải qua cái kinh nghiệm ấy, một mình phải tự lo cho chính mình trong lúc ốm đau, đàng khác còn phải lo phục vụ giáo dân, cử hành thánh lễ cho họ.
Trải qua hai năm làm việc tại giáo xứ, tôi cảm thông và hiểu được phần nào về đời sống linh mục của các anh em bên triều. Tôi thấy trách nhiệm của họ nặng nề và đôi khi khá căng thẳng, họ làm việc nhiều để có thể đáp ứng các nhu cầu của người giáo dân, từ việc rửa tội, cho đến hôn phối, từ đám tang cho đến đám cưới. Họ đảm nhận vai trò lãnh đạo, cương vị chủ chăn, người tư vấn, người trung gian, môi giới, làm hòa, người làm bia lãnh đạn khi có chiến tranh bùng nổ giữa các nhóm với nhau. Tóm lại, họ qủa thực là “làm dâu” trăm họ! Một vai trò khó có thể chu toàn cách hoàn hảo, nhất là đôi khi gặp phải các bà “mẹ chồng” khó nết, ưa nói hành nói tỏi, ưa chỉ trích và chê bai, chứ ít khi biết nâng đỡ, khích lệ hoặc khen ngợi thực tình.
Bởi vậy, tôi cảm thấy rất chí lý điều mà cha Michel Quoist đã viết mà tôi mạn phép được trích dẫn thêm một lần nữa, dưới đây, để kết thúc bài viết.
“Người ta đòi hỏi rất nhiều ở người linh mục, và có lẽ đúng như thế. Nhưng họ cũng nên hiểu rằng làm linh mục không phải là chuyện dễ dàng. Người linh mục đã cho đi tất cả thời thanh xuân của mình, nhưng họ vẫn mang thân phận con người, và vì thế mỗi ngày “con người ấy” nơi vị linh mục, muốn tìm cách lấy lại những gì mà mình đã từ bỏ hoặc dâng hiến. Thật là một sự chiến đấu và giằng co liên tục để có thể hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.”
Linh mục Trần Mạnh Hùng, C.Ss.R
L.J. Bioethics Centre
39 Jugan Street,
Glendalough, WA 6016
Email: phtran-ljgbc@iinet.net.au
[1]. Michel Quoist, “The Priest: A Prayer on Sunday Night,” in Prayers of Life (Dublin: Gill and Macmillan Ltd., 1963), pp. 49-51. Trần Mạnh Hùng phỏng dịch.
Lm. Trần Mạnh Hùng
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules