Điểm Phim - In her Shoes



Trần Viết Minh-Thanh


Đoạn đầu phim diễn tiến chầm chậm, với hai nhân vật nữ thời thượng như từ một quyển tiểu thuyết tình cảm xã hội. Hai chị em có cá tính khác biệt nhau, cô chị Rose Feller (Toni Collette), là luật sư, siêng năng, ngăn nắp, nhan sắc trung bình, ít điểm trang, thân hình hơi đẫy một tị, trong khi đó Maggie (Cameron Diaz), cô em, thân hình hấp dẫn, mắt xanh đa tình, ham vui, và... vô trách nhiệm. Gần ba mươi tuổi, Maggie vẫn cư ngụ tại nhà bố và bà dì ghẻ khó tánh, vì đổi việc xoành xoạch, lương tiền không nhất định. Thế rồi trong một đêm vui, Maggie về nhà say khướt, bị dì ghẻ đuổi ra khỏi nhà, và Rose đành nhận giúp đỡ cô em lần nữa. Tuy khác nhau như ngày và đêm nhưng hai chị em rất thân nhau, có thể tâm tình với nhau đủ mọi chuyện, trừ những lúc Rose lên tiếng dạy đời thái quá! Một ngày nọ Maggie trong lúc hơi ngà ngà, sứa sứa, cộng thêm nỗi buồn bực về buổi kiếm việc, tất nhiên có hành động kém suy nghĩ, đã quyến rũ anh chàng có-triển-vọng-là-bồ của chị mình, vào giường ngủ. Thất vọng về mối tình ôm ấp bấy lâu, chán ngán cô em gái, Rose đuổi Maggie ra khỏi nhà.



Không còn nơi nương tựa, Maggie tìm đến bà Ngoại (Shirley McLaine) ở Florida, mà từ ngày mẹ qua đời hai chị em đã mất liên lạc. Chỉ mới gần đây thôi Maggie đã tìm thấy những thiệp bà gởi trong các dịp lễ, hội, sinh nhật, thiệp không hề được bóc ra, có lẽ ông bố của hai chị em đã dấu biệt đi.



Đến lúc này phim ra khỏi tính chất chuyện tình cảm xã hội thường tình của các bà các cô, mà từ Anh ngữ đương đại gọi là chick flick, (từ vừa mới bỏ vào từ điển năm nay), để bước vào những biến chuyển tâm lý của các nhân vật. Tại khu dưỡng lão của bà Ngoại, Maggie vẫn chứng nào tật đó, tối ngày ra hồ bơi phơi nắng, vẫn lục quần áo của người thân (lần này của bà Ngoại), kiếm tí bạc lẻ xài, nhưng cô nàng đã đụng phải một bà già cứng rắn và thông minh. Bà nói thẳng cho Maggie biết bà biết tẩy Maggie không phải đến Florida đi nghỉ mát, mà cô cháu yêu quý chẳng có công ăn việc làm, tính sống bám vào bà. Tuy vậy, để khuyến khích Maggie, bà giao hẹn nếu cô nàng chịu khó đi làm, thì bà sẽ thêm cho cô số tiền ngang như số tiền lương cô kiếm được. Thế là Maggie trở thành trợ tá trong khu dưỡng lão. Tuy nhận việc một cách miễn cưỡng, nhưng về lâu về dài, công việc đã giúp cho Maggie có niềm tự tin, thêm bạn, cùng nhận được sự nể nang tin cậy của mọi người.



Dựa theo quyển tiểu thuyết bán chạy của nữ văn sĩ Jennifer Weiner, Susannah Grant tác giả kịch bản phim, đã chọn những nhân vật bao quanh Maggie là những ông bà cụ gần đất xa trời, nhưng có đầy kinh nghiệm đời để chia sẻ. Tri thức, trí tuệ, sự dịu dàng, lòng kiên nhẫn của các cụ đã thay đổi đời sống của Maggie.



Có hai bài thơ được đọc trong phim. Bài đầu có tựa là One Art – Một nghệ thuật, của Elizabeth Bishop. Nghệ thuật đánh mất chẳng là điều khó làm. Có nhiều thứ sinh ra để mà mất, thế nên mất chúng không là thảm họa. Mỗi ngày chúng ta mất một thứ gì đó, một cái chìa khóa, thời giờ sử dụng bừa bãi...Vậy, hãy tập đi, tập mất đi, những cái tên, các nơi chốn mà ta muốn tìm đến. Chẳng có điều nào là thảm họa đâu. Tôi mất cái đồng hồ của mẹ tôi, cái trước đó và cái trước đó nữa. Tôi mất hai thành phố, cả hai đẹp tuyệt vời. Tôi luyến tiếc chúng, nhưng điều đó chẳng phải là tai hoạ. Ngay cả mất người thân, một tiếng nói cợt đùa, một cử chỉ mà tôi yêu, chẳng dấu gì tôi tiếc lắm chứ... (thế nhưng) nghệ thuật đánh mất chẳng khó làm đâu, mất mác không là thảm họa, dù rằng lúc ấy chúng ta thấy nó (muốn viết chúng) là một thảm họa. Người nhờ Maggie đọc bài thơ này là một cựu giáo sư, mắt đã mờ, nhưng tâm trí sáng suốt, tới những giây phút cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn là người hữu dụng cho xã hội, giáo sư đem trí tuệ của mình để truyền lại cho thế hệ sau. Qua cách đọc của Maggie ông biết cô bị bệnh dyslexia, một bệnh làm khả năng đọc bị rối loạn, ông khuyến khích Maggie tìm thấy ý nghĩa sâu xa của bài thơ, và hơn nữa giúp cô thấy được sự tự tin trong khả năng lý luận.



Ngoài Maggie ra, vai trò của hai nhân vật nữ, cô chị Rose và bà Ngoại cũng được phát triển một cách sâu sắc. Tuy Maggie có lỗi với Rose, nhưng tình chị em không vì thế mà sức mẻ. Sau khi Maggie rời thành phố (Philadelphia), Rose cũng thay đổi lối sống, tạm ngưng cuộc đời đều đặn, sáng đi tối về, để tìm lại con người mình. May mắn hơn nữa, Rose gặp lại được một anh chàng cùng sở ngày trước, tên Simon, người đã thầm yêu Rose từ lâu mà cô không để ý đến. Mối tình nẩy nở và Simon ngỏ lời cầu hôn với Rose. Sắp đến ngày đám cưới mà Rose không thể nói cho anh hôn phu biết chuyện gì đã xảy ra giữa hai chị em. Rose không muốn Simon khinh ghét em gái mình.



In her shoes, là một thành ngữ mang ý nghĩa: ta có đứng trong địa vị, hoàn cảnh của người đó, thì ta mới hiểu tại sao họ hành xử như thế. Có thể tựa phim nói về Maggie, vì bị bệnh rối loạn ngôn ngữ, nên đã không thành công như cô chị trên đường khoa bảng, và có lẽ đó cũng là lý do Maggie không giữ một công việc nào lâu dài, vì đều là những việc cô không thích. Tựa phim cũng có thể là về Rose, tuy bề ngoài thành công, nhưng ngày bé cô bị mập, cho nên Rose luôn mang mặc cảm kém nhan sắc, cô chỉ biết vùi đầu vào sách vở. Khi buồn Rose có sở thích đi mua giày thật đắc tiền về chứa đầy tủ. Thân hình thay đổi thì phải mua quần áo mới, nhưng lên cân xuống cân thường không ảnh hưởng đến bàn chân, mang một đôi giày đẹp vào chân là nguồn an ủi cho cô luật sư Rose. In her shoes! Có mang đôi giầy của nàng, mới hiểu nàng như thế nào. Maggie mượn giầy của Rose hoài, thế nên hai chị em lúc nào cũng đi guốc vào bụng nhau!



Sự xuất hiện đột ngột của hai cô cháu gái đã giúp cho bà ngoại Ella có dịp nhìn lại những tình tiết sâu xa của cái chết của người con gái duy nhất của bà. Bà nghĩ đến cách hành xử của người con rễ hai mươi mấy năm trước, cũng có thể do những đòi hỏi hơi quá đáng của bà chăng? Phim dành một thời gian khả dĩ để cho Shirley McLaine phát triển vai trò tâm lý phù hợp với tài năng của nữ tài tử lão thành này.





Hai nữ tài tử Cameron Diaz và Toni Collette diễn xuất thật tuyệt vời. Cameron xuất hiện là một người đẹp trong phim Mask, một phim hài tình cảm, và từ đó cô thành công qua các phim hài khác như My Best Friend’s wedding, There’s something about Mary. Mười năm kinh nghiệm diễn xuất, In her shoes chứng tỏ tài năng già dặn của Cameron. Toni Collette là một tài tử Úc Châu. Cô thành công ngay với Muriel’s Wedding, một thiếu nữ từ lúc bé đã vẽ vời một cái đám cưới lộng lẫy, và cuối cùng cô đã choàng mình ra khỏi giấc mơ để sống với thực tế. Toni Collette không nổi đình đám như các tài tử đồng nghiệp Úc châu khác, mong rằng với In her shoes, cô sẽ được chú ý nhiều hơn với tài năng đa dạng của cô. Đạo diễn là Curtis Cranson, người đã thực hiện phim LA Confidential, một phim trinh thám rất đặc biệt. Với In her Shoes, Cranson đã chuyên chở được hồn phim qua nhiều góc cạnh,những người đàn bà trẻ tâm lý rắc rối, các cụ trong nhà dưỡng lão, thanh thản, yêu đời, các bài thơ êm ái, nhẹ nhàng làm người đọc và người nghe thở phào thư thái, chấp nhận mất mác, đau thương...



Bài thơ thứ hai đọc vào phần kết của phim là bài thơ của e.e. cummings, I carry your heart with me. Tôi mang tim (em, anh, mẹ, cha, con, bạn) trong tôi. Trong trường hợp này là tình hai chị em. Trong em có trái tim của chị, trong chị có trái tim của em. em mang trái tim cúa chị trong tim em. không bao giờ em quên mang nó theo. Em không sợ một định mệnh nào cả, vì chị là định mệnh của em, chị dịu hiền. em không cần một thế giới nào cả, vì chị là thế giới của em, thế giới thật, chị là ánh trăng toả ánh sáng dịu dàng, là mặt trời ngày bừng nở...



Bao nhiêu người coi phim đã chảy nước mắt khi cô em đọc bài thơ này cho chị nghe. Vì ai cũng có người để yêu, cũng đã trải qua những mất mác trong cuộc đời. Hai chị em nhìn nhau, họ nuốt hình ảnh của nhau vào trong mắt, trong tim.. Họ vui niềm hạnh phúc của người kia, và cùng chia sẻ nỗi buồn. Người mẹ đã mất từ hai chục năm hơn, nhưng bà hoài hiện hữu trong các phần tử của con bà, trong tình thương của mẹ bà, mỗi ngày chúng ta đánh mất một tí gì đó, một kỷ niệm, một cái đồng hồ, chiếc nhẫn, một người thân, nhưng tình thương thì ta có thể mang theo hoài trong trái tim ta.



Minh-Thanh