Results 1 to 3 of 3

Thread: Châu Kỳ

  1. #1
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Châu Kỳ

    Châu Kỳ


    Nhạc Sĩ Châu Kỳ Từ Trần Tại Sài Gòn, Thọ 86 Tuổi

    Nhạc sĩ Châu Kỳ đã từ trần tại Thủ Đức lúc 1g sáng ngày 6/1/2008, hưởng thọ 86 tuổi.

    Tin này được loan qua các mạng thông tin của giới nghệ sĩ hôm chủ nhật. Trước đó nhiều tháng, nhạc sĩ đã có tình hình sức khỏe yếu đi rất nhiều.

    Nhạc Sĩ Châu Kỳ đã có nhiều thập niên sáng tac1, nổi tiếng trong làng nhạc Miền Nam từ nhiều thập niên trứơc 1975. Trong đó có những bài đã vào lịch sử như Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa, Miền Trung Thương Nhớ, Sao Chưa Thấy Hồi Âm...

    “Châu Kỳ là tên thật của nhạc sĩ Châu Kỳ.

    Ông sinh ngày 5 tháng 11 năm 1923 tại Dưỡng Mong, Thừa Thiên (Huế).


    Xuất thân từ một gia đình mà anh chị em đều sống với nền cổ ca Huế, Châu Kỳ có một số vốán âm nhạc cổ thật phong phú của miền Trung. Ưu điểm thứ hai là Châu Kỳ có dịp may được gặp một sư huynh nhạc sĩ đại tài hướng dẫn về nhạc lý và sáng tác là sư huynh Pétrus Thiều nên Châu Kỳ tiến triển rất nhanh trong chiều hướng sáng tác và âm hưởng cổ nhạc miền Trung được thấy đây đó qua những ca khúc như "Khúc ly ca", "Từ giã kinh thành", "Mưa rơi" (Lời Ưng Lang), "Khi ánh trăng vàng lên khơi"...”

    Đặc biệt, đài RFA qua bài Thy Nga phỏng vấn Nhạc sĩ Châu Kỳ trong chuyến thăm Canada và Mỹ phát thanh ngày 17-7-2005, mô tả Châu Kỳ là “Vua Phổ Thơ.”

    “...Ngày 6 tháng Sáu năm nay với nhạc sĩ Châu Kỳ chắc cũng là "ngày dài nhất" vì đó là ngày mà ông lần đầu tiên đặt chân lên nước ngoài, một chuyến đi vượt những điều mong ước lâu nay của ông.

    Được Trung tâm Thúy Nga bảo trợ qua Canada để thâu hình trong chương trình Paris By Night 78. Rồi từ Toronto sang California bên Mỹ, ông bà Châu Kỳ có dịp thăm thân nhân, và gặp lại bạn hữu nghệ sĩ thời trước...

    Là một trong các nhạc sĩ kỳ cựu của làng âm nhạc Việt Nam, tới nay Châu Kỳ đã viết khoảng 200 nhạc bản gồm nhiều thể loại. Sáng tác đầu tay là bài "Trở về"...

    Sinh trưởng tại Thừa Thiên, Huế trong một gia đình nghệ nhân vì thế ngay từ khi còn nhỏ, Châu Kỳ đã thích ca hát.

    Trước khi trở thành nhạc sĩ, Châu Kỳ từng là ca sĩ do đó, Thy Nga đã yêu cầu ông hát vài câu để lưu lại kỷ niệm về chuyến đi này cho thính giả đài Á Châu Tự Do.

    "Một mình với guitar" cuốn 1 và 2. Ngoài ra, như nhạc sĩ Châu Kỳ vừa nói là vẫn sáng tác, sau 1975, ông còn có bài "Giọt đàn theo giọt lệ", "Bỏ phố lên rừng" ghi lại hoàn cảnh chật vật phải bán nhà, ra ngoại ô trú ngụ, "Bóng mát Tân Quy" phổ thơ Kiên Giang, …

    Ông có tiếng là "Vua phổ thơ" vì đã soạn rất nhiều bài theo ý thơ từ Tố Như, Đinh Hùng cho đến những bài thơ của thân hữu.

    Nhạc sĩ Châu Kỳ cho hay là gần đây, bộ Văn Hóa - Thông Tin đã cho phép phổ biến lại một số sáng tác trước 1975 của ông...

    Cảm xúc khi nghe mùa Thu chết, Châu Kỳ viết bài "Mùa thu còn đó" để khẳng định "rằng mùa Thu vẫn sống dài trên sông núi, Hồ thu xưa, trăng nghìn nước vẫn sáng ngời …" Julie hát bài này rất hay.

    Châu Kỳ thường viết chung với Hồ đình Phương như các bài "Con đường xưa em đi", "Đừng nói xa nhau", "Xin làm người tình cô đơn", "Tiếng hát dân Chàm", … "Nén hương yêu" thì viết với Duy Khánh. Bài "Mưa rơi" lời của Ưng Lang, "Chiều trên đồi thông" và "Người em Văn Khoa" lời Hoài Hương Tử, "Nhớ" thơ Tố Như...”

    ===============

    Một tâm hồn bình dị - Những mối tình thật đẹp nhưng đều dang dở



    Thập niên 1950, qua làn sóng điện của các Đài Phát thanh Pháp Á và Đài Quốc gia (tức Đài Phát thanh Saigon), nhạc phẩm "Trở Về" của Châu Kỳ gây một tiếng vang sâu rộng trong giới tân nhạc và để lại trong lòng người thưởng ngoạn thật nhiều cảm mến. Bài nhạc, tuy viết với cung Ré trưởng nhưng buồn man mác và càng nghe càng thắm thía, cảm thông với nỗi lòng của tác giả khi trở về chốn quê nhà, nhìn quang cảnh tiêu điều, nhà cửa xác xơ, mẹ già không còn nữa. Đó là vào năm 1943, khi Châu Kỳ từ Huế trở về Thanh Hà, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên), để chứng kiến cuộc ly tan vì mẹ chàng bị lũ lụt cuốn đi theo giòng nước:
    "Về đây nhìn mây nước bơ vơ
    Về đây nhìn cây lá xác xơ
    Về đây mong tìm bóng chiều mơ,
    Mong tìm mái tranh chờ, mong tìm thấy người xưa..."

    Châu Kỳ là tên thật của nhạc sĩ Châu Kỳ. Ông sinh ngày 5 tháng 11 năm 1923 tại Dưỡng Mong, Thừa Thiên (Huế). Xuất thân từ một gia đình mà anh chị em đều sống với nền cổ ca Huế, Châu Kỳ có một số vốán âm nhạc cổ thật phong phú của miền Trung. Ưu điểm thứ hai là Châu Kỳ có dịp may được gặp một sư huynh nhạc sĩ đại tài hướng dẫn về nhạc lý và sáng tác là sư huynh Pétrus Thiều nên Châu Kỳ tiến triển rất nhanh trong chiều hướng sáng tác và âm hưởng cổ nhạc miền Trung được thấy đây đó qua những ca khúc như "Khúc ly ca", "Từ giã kinh thành", "Mưa rơi" (Lời Ưng Lang), "Khi ánh trăng vàng lên khơi" v.v...

    Là một cậu học sinh bé nhỏ Châu Kỳ của trường Tiểu học Dưỡng Mong rồi sau đó lên Huế học tại trường Pháp Việt, Châu Kỳ vốn có sẵn giòng máu văn nghệ cho nên ông thường bắt chước ngân nga những bài hát Pháp ngữ thịnh hành thời đó như "J' ai deux amours", "Tant qú il y aura des étoiles", "Où vous étiez, mademoiselle"... mà danh ca Tino Rossi thường hay trình bàỵ Tuy là hát chơi để cho mình thỏa thích chính mình nhưng tiếng ca Châu Kỳ lại được bạn bè cũng ưa thích. Sẵn dịp, bà chị của Châu Kỳ là nữ nghệ sĩ tên tuổi Châu thị Minh sáng lập đoàn Ca kịch Huế với bảng hiệu Hồng Thu, và theo lời yêu cầu tha thiết của chị, Châu Kỳ bỏ dở nửa chừng con đường học vấn để theo hẳn nghiệp cầm cạ Lúc đó Châu Kỳ nghĩ rằng gia đình cũng không được khá giả gì cho lắm, nếu còn phải đến trường thì cha mẹ phải lo chu cấp cho việc ăn học, còn chị mình thì đang lúc cần mình cho đoàn ca kịch Hồng Thụ Thôi, một công mà đôi việc, vừa giúp chị mà cũng vừa giúp cha mẹ đỡ một gánh nặng, lại còn có thể đem tiền về giúp lại cha mẹ già nữa. Thế rồi cậu học sinh Châu Kỳ trở thành nghệ sĩ Châu Kỳ, chuyên trình bày ca nhạc, theo đoàn đi lưu diễn khắp nơi.

    Thoạt tiên, đoàn sang Lào, diễn tại các tỉnh Savannakhet, Thakhet và thủ đô Vientianẹ Những mối tình được dịp nẩy nở giữa chàng trai tuấn tú, đa tài của Việt Nam và những cô gái Lào duyên dáng ở 3 địa điểm mà đoàn đã đi qua.

    Nhưng mối tình đầu của người con trai xứ Huế là khi đoàn Ca kịch Huế trở về Việt Nam, đi lưu diễn một vòng ở Việt Bắc, ra Hà Nội, trở lại miền Trung rồi lần đến Nha Trang. Tại đây, người ca sĩ trẻ tuổi, hát hay Châu Kỳ lọt vào cặp mắt xanh của một nữ sinh thật đẹp, vốn dòng dõi trâm anh, con nhà quyền quý tên Đoàn thị Sum. Lạ gì phản ứng của bậc cha mẹ thời đó, môn phải đăng, hộ phải đối, nhà cửa đôi bên thông gia phải tương xứng nhau, trong khi nhạc sĩ Châu Kỳ, nhà là đoàn hát, cửa là cửa rạp hát cho nên ông bà thân của cô Sum bắt buộc cô phải chọn một trong hai, hiếu hoặc tình. Để cho đôi bên được vẹn toàn, cô nữ sinh, người yêu đầu tiên của Châu Kỳ đã uống thuốc độc tự tử. Hôm ấy là vào ngày 10 tháng 12 năm 1942. Ngày cô Sum tự tử vì Châu Kỳ và cho Châu Kỳ, người nhạc sĩ đa tài của chúng ta đang diễn tại Phan Rang. Nghe tin sét đánh này, Châu Kỳ cũng quyết nhảy xuống dòng nước để hủy mình theo người yêu nhưng nhờ bà chị cản ngăn, khuyên bảo, viện dẫn lý do Châu Kỳ là con trai trưởng, còn cha mẹ già phải lo phụng dưỡng cho nên Châu Kỳ bỏ ý định quyên sinh. Chúng ta ắt cũng hiểu vì sao những sáng tác của Châu Kỳ đa số là những bài nhạc không vui như "Tôi viết nhạc buồn", "Xin làm người tình cô đơn", "Khúc ly ca"v.v...

    Người yêu chết, Châu Kỳ không chết theo được, chàng buồn bã rời bỏ đoàn hát, trở về Huế để rồi - họa bất đơn hành - chàng lại được một tin buồn khác khi thân mẫu của chàng bị nước cuốn trôi trong cơn lũ lụt ở Thanh Hà.

    Bước chân phiêu lãng đưa Châu Kỳ vào Saigon năm 1947. Ông cộng tác với Đài Phát thanh Pháp Á trong ban "Thần Kinh Nhạc Đoàn" của ca nhạc sĩ Mạnh Phát và ban Tiếng Thùy Dương do chính anh làm trưởng ban. Trong hai ban này, có mặt các ca sĩ như Mạnh Phát, Linh Sơn, Minh Diệu, Minh Tần, và Mộc Lan. Chúng ta không ngạc nhiên chút nào khi tình cảm nẩy nở giữa đôi trai tài gái sắc, một Châu Kỳ đã nổi danh từ Huế vào Nam, một người đẹp Mộc Lan, tính tình đoan trang, thùy mị, dịu dàng, duyên dáng mà không chút kiêu căng, còn tiếng hát thì truyền cảm, dễ thương. Không lâu sau đó, đôi trai tài gái sắc thành chồng vợ. Tháng 11 năm 1949, hai vợ chồng Châu Kỳ - Mộc Lan được ông Thái văn Kiểm, giám đốc Thông tin ở Huế mời hai người ra cộng tác với Đài Phát thanh Huế. Châu Kỳ nghĩ rằng bây giờ đã có gia đình, thôi thì cũng nên trở về Huế làm việc và sống gần gũi với mẹ cha. Nhưng chỉ được 3 năm, vào năm 1952, Mộc Lan âm thầm từ giã Châu Kỳ để chàng thêm một lần nữa, khóc cho tình duyên của mình thêm một lần ngang trái, bẽ bàng. Buồn vì cuộc tình không trọn vẹn, Châu Kỳ xin thôi cộng tác với Đài Phát thanh Huế để trở vào Saigon với những nhạc phẩm viết cho mối tình dang dở này như "Từ giã kinh thành", "Mưa rơi"...

    Trở lại Saigon hoa lệ năm 1953, cảnh cũ còn đó nhưng người xưa chẳng thấy đâu, Châu Kỳ chỉ làm bạn với chiếc tây ban cầm cũ kỹ trong nhà và ở ngoài đường phố là chiếc "vespa" xập xình, màu trắng mà anh dùng làm chân để xê dịch đó đây, lên đài phát thanh, lại nhà in, ra quán nhạc, tới quán nhậụ Thời gian này, nỗi đau buồn tích trữ, cô đọng lại thành những âm điệu bi ai, Châu Kỳ liên tục cho ra đời những sáng tác "Giữa lòng đất mẹ", "Tôi chưa có mùa Xuân", "Sao chưa thấy hồi âm", "Hồi âm", "Cánh nhạn hồi âm", "Con đường xưa em đi", "Đừng nói xa nhau", "Cuối đường kỷ niệm", "Nước mắt quê hương", "Đón Xuân này nhớ Xuân xưa", "Vào mộng cùng em", "Em sắp về chưa"... mà một vài bài trong số này phần lời do Hồ Đình Phương hoặc Tô Kiều Ngân viết. Đặc biệt trong loạt bài này có một bài Châu Kỳ viết theo thể điệu Tango, cung Ré thứ rất ai oán, não nùng, than trách cho thân phận của một người còn lại khi người yêu đi lấy chồng. Đó là bài "Được tin em lấy chồng":
    "Được tin em lấy chồng
    Ôi lòng buồn biết mấy
    Được tin em lấy chồng,
    Biết người từ dạo ấy,
    Còn thương tiếc hay không...”

    Nhưng thời gian là liều thuốc nhiệm mầu - như người ta thường nói - cuộc tình xưa rồi cũng đi vào dĩ vãng, dần dần chìm vào lãng quên, còn lại chăng chỉ là những dòng nhạc buồn, những dòng nhạc kỷ niệm, tích trữ thành những tác phẩm để lại cho hậu thế.

    Năm 1955, Châu Kỳ thành hôn với một ý trung nhân người miền Nam, cô Kha Thị Đàng. Hôn lễ được cử hành tại tửu lầu Trương Ký ở Chợ Lớn có sự tham dự đông đủ của anh chị em ca nhạc sĩ trong giới tân nhạc như Phạm Duy, Hoài Trung, Hoài Bắc, Thái Thanh, Thái Hằng, Khánh Ngọc, Trần Văn Trạch, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Châu Hà, Thu Hồ... và một số đông anh chị em trong giới cổ nhạc Nam phần. Châu Kỳ và bà Kha Thị Đàng có được 4 người con, 3 trai và một gái, những người con đều đã thành gia thất.

    Cũng như một số ca nhạc sĩ trước 1975 mà nay còn ở lại Việt Nam, gia đình Châu Kỳ không thoát khỏi cảnh nghèo túng. Từ một ngôi nhà khang trang trước 1975 phải bán đi để trả nợ cho sự sống còn để rồi còn một mái nhà dột nát ở xã Tân Quy, huyện Nhà Bè hiện nay, từ một chiếc "vespa" cũ kỹ trước 1975, nay lại còn một chiếc xe đạp và từ năm 1975 cho đến nay tính ra Châu Kỳ đã có đến chiếc xe đạp thứ 16, vì bị mất cắp, vì bị hư hỏng không còn xài được nữa và bạn bè - cũng rách nát như anh - thương tình giúp đỡ cùng với món tiền ít oi mà các trung tâm băng nhạc ở hải ngoại gửi về để cho anh mua chiếc xe đạp khác, mua rồi mất, mất rồi mua, nay đã là chiếc xe đạp thứ 16 của anh.

    Cũng trong thời gian sau 1975, trong bối cảnh của một xã hội đổi mới theo chiều hướng đi xuống, Châu Kỳ có những sáng tác mới thích hợp với cuộc sống hiện tại như "Bóng mát Tân Quy" (lời Kiên Giang), "Một mình với Guitare" (1 và 2), "Giọt đàn theo giọt lệ", "Bỏ phố lên rừng", "Đôi dép ngược" và một số bài phổ thơ của Hoàng Hương Trang, Trương Minh Dũng, Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Thanh Nhã, Vũ Thành Nhơn, Nguyễn Hải Phương...

    Người nhạc sĩ tuổi bát tuần, thân thể giờ đây tuy có ốm yếu, gầy mòn nhưng trong nét nhạc vẫn còn những tinh anh vì tuổi Quý Hợi tuy bề ngoài hiền hậu, thư sinh, ôn nhu nhưng bên trong chứa đầy nghị lực. Mới ngày nào đây, khi những ca khúc đầu tay như "Trở về", "Tiếng hát dân Chàm" ra đời thế mà nay đã ngót nửa thế kỷ, "bóng dâu đã xế ngang đầu".

    Từ xã Tân Quy, huyện Nhà Bè, Châu Kỳ nhìn lại khoảng đời đã đi qua mà lòng không khỏi bùi ngùi xúc động, xót thương cho một số đông bè bạn thân mến đã vĩnh viễn ra đi, một số thì diệu vợi xa cách, chỉ còn chăng một số ít oi còn ở lại nhưng cũng lâm vào hoàn cảnh khốn khó, bần bách, đôi mắt nhòa nhạt vì tuổi đời chồng chất.


    Lê Dinh
    ----------

    CHÂU KỲ

    Một Số Tác Phẩm Của Nhạc Sĩ Châu Kỳ

    ___________________

    Bỏ phố lên rừng
    Chiều làng em
    Chiều trên đồi thông
    Con đường xưa em đi (với Hồ Đình Phương)
    Cố đô yêu dấu
    Đón xuân này, nhớ xuân xưa
    Đừng nói xa nhau (với Hồ Đình Phương)
    Được tin em lấy chồng
    Em sắp về chưa (với Tô Lang)
    Huế xưa
    Hương giang còn tôi chờ
    Khúc ly ca
    Khuya nay anh đi rồi
    Mai lỡ hai mình xa nhau
    Miền Trung thương nhớ
    Mộng đào nguyên
    Mưa rơi
    Nén hương yêu (với Duy Khánh)
    Nếu mai này hoà bình
    Người em Văn Khoa
    Nhạc sĩ trong sương chiều
    Nhớ
    Phượng tìm hoàng
    Sao chưa thấy hồi âm
    Thần Kinh thương nhớ
    Tiếng hát dân Chàm
    Tìm quên
    Tình quê (với Hồ Đình Phương)
    Tôi chưa có mùa xuân
    Trở về
    Trôi vào xứ mộng
    Từ giã kinh thành
    Xin làm người tình cô đơn (với Hồ Đình Phương)
    Last edited by delta; 01-07-2008 at 10:03 AM. Reason: Một Số Tác Phẩm Của Nhạc Sĩ Châu Kỳ

  2. #2
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Châu Kỳ

    Nhạc sĩ kỳ cựu Châu Kỳ thăm Little Saigon, cảm thấy tràn trề hạnh phúc


    Vợ chồng nhạc sĩ Châu Kỳ tại Little Saigon.


    • Lê Thụy

    Nhạc sĩ kỳ cựu của làng ca nhạc Việt Nam, Châu Kỳ, 82 tuổi, và phu nhân, hiện viếng thăm Little Saigon, Westminster, và nhân dịp này các nam, nữ ca sĩ từng là học trò của ông ngày nào, như Thanh Thúy, Chế Linh, Hoàng Oanh, Hương Lan... dự định sẽ tổ chức đêm hội ngộ cho nhạc sĩ lão thành này tại ngay Little Saigon này, nơi có cộng đồng Việt Nam đông đảo nhất ở hải ngoại, để ông có thể gặp gỡ lại được các nam, nữ ca nhạc sĩ, đồng nghiệp, đồng hương, từng mến mộ ông trước đây, khi còn ở trong nước.

    Nhạc sĩ Châu Kỳ, cùng thời với các nhạc sĩ lão thành nổi tiếng như Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Phạm Duy, Nguyễn Hiền, Lữ Liên... tuy nhiên sau tháng Tư 1975, đã bị kẹt lại Việt Nam, nên đã phải chịu bao nhiêu điều kỳ thị, vất vả, đọa đầy từ chế độ mới, kể cả bị đưa đi “cải tạo” (tù Cộng sản) trong 5 năm liền, chỉ vì mỗi tội là “sáng tác nhạc vàng”, mà nhạc sĩ hiên ngang này, đã dám quả quyết ngược lại là “nhạc không hề có mầu sắc.”

    Lẽ dĩ nhiên các sáng tác của nhạc sĩ Châu Kỳ đã bị cấm phổ biến sau tháng Tư 1975, mặc dù ông chỉ có một số ít nhạc về lính Việt Nam Cộng Hòa, như “Con đường xưa em đi”, “Ðừng nói xa nhau”... còn thì đại đa số, đều là các bài hát về quê hương, như Tiếng hát dân Chàm, Từ giã Kinh thành, Hương Giang tôi còn chờ... hay tình yêu đôi lứa, trọn vẹn cũng có, tan vỡ cũng nhiều, như: Sao chưa thấy hồi âm, Ðược tin em lấy chồng, Ðón Xuân này nhớ Xuân xưa, Nén hương yêu, Huế xưa, Mưa rơi, Trở về, Khúc ly ca, Xin làm người tình cô đơn, Vào mộng cùng em, Giọt lệ đài trang, Em không buồn nữa chị ơi, Tiếng ca đó về đâu, Phượng tìm Hoàng (lời Ðinh Hùng)... trong tổng số khoảng 200 bài hát do ông sáng tác.

    Nhạc sĩ Châu Kỳ nhìn nhận rằng, trong thời gian gần đây, nhà nước Cộng Sản Việt Nam, trong chính sách cởi mở của họ, có cho phép hát lại một vài bài hát của ông, tuy nhiên hầu như tất cả các bài hát của ông, vốn đã đi sâu vào lòng người miền Nam Việt Nam nhờ tính cách bình dị ngọt ngào, trữ tình, đã được dân chúng tự động lấy ra hát hết, và người dân miền Bắc cũng đua nhau hát theo.

    Giờ đây nhạc sĩ Châu Kỳ được phép xuất ngoại sang Toronto, Canada lần đầu tiên vào hôm 6-6-2005, để thu hình cho Trung Tâm Thúy Nga, chương trình Paris by night 78, với chủ đề tác giả, tác phẩm, để gợi nhớ lại cho các khán thính giả quen thuộc, và nhất là để lưu lại cho hậu thế các tác phẩm âm nhạc của Việt Nam, sau các chương trình về các nhạc sĩ như Lam Phương, Hoàng Thi Thơ, Phạm Duy, Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Song Ngọc, Huỳnh Anh, Nhật Ngân, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An...

    Châu Kỳ sinh năm 1923 tại Thừa Thiên, Huế, trong một gia đình có truyền thống văn nghệ (thân phụ là một nghệ nhân có tên tuổi trong giới văn nghệ ở Huế). Ông khởi nghiệp bằng nghề trình diễn, ca sĩ, kịch sĩ lưu diễn quanh các nước thuộc vùng Ðông Dương, rồi viết kịch, sáng tác ca khúc (sau khi học nhạc lý và sáng tác với sư huynh Pétrus Thiều).

    Rời bỏ sân khấu, ông lập nghiệp tại Saigon từ năm 1947. Thời gian đầu cộng tác với Ðài phát thanh Pháp Á, khi đài này ngưng hoạt động, ông chuyển sang cộng tác với Ðài Phát thanh Saigon, Ðài Phát thanh Quân đội và Ðài Truyền hình Saigon, tức Ðài số 9.

    Nhạc sĩ Châu Kỳ cũng còn chủ trương nhà xuất bản Tiếng Thùy Dương, chuyên phát hành những ca khúc của ông và bạn hữu, đã có số phát hành rất cao ở miền Nam thời điểm trước năm 1975.

    Sau khi không còn đất sống sau năm 1975, nhạc sĩ Châu Kỳ đã phải bán căn nhà ở Quận 3, Saigon, để ra sống ở vùng ngoại ô hẻo lánh, với một vợ và 4 con (một gái, 3 trai).

    Nhạc sĩ Châu Kỳ lúc đó thường đùa vui khi có người hỏi địa chỉ cư trú hiện tại của ông, như sau:

    “Tôi hiện ở đường không tên, nhà không số, phố không đèn...”

    Giờ đây, tuy đã lớn tuổi, nhưng khi đến Little Saigon, trông nhạc sĩ Châu Kỳ vẫn còn nhanh nhẹn linh hoạt và vui vẻ, gặp lại các ca nhạc sĩ quen biết, đã định cư tại đây, như các nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Nhật Ngân, các ca sĩ Hoàng Oanh, Phương Hồng Quế, Thái Châu... và ông đã tiếp xúc với mọi người một cách thật thoải mái.

    Ông cũng hết lời ca ngợi vẻ sạch đẹp, sự thịnh vượng, đầy tình người, chân thật của Little Saigon, khiến gợi nhớ lại cho ông, Saigon của trước tháng Tư 1975, mặc dù chỉ mới có mặt tại đây được vài ngày.

    Nhạc sĩ Châu Kỳ hy vọng có cuộc hội ngộ với các khán thính giả Việt Nam tại Little Saigon, cũng như tại San Jose, California, hay Houston, Texas... các nơi đều có cộng đồng Việt Nam đông đảo... trước khi ông và phu nhân, trở lại Việt Nam.

    Ông nói:

    “Từ sau năm 1975, tôi coi như mình đã bỏ nghề, đã mất tất cả, ai ngờ lại có được ngày hôm nay, được đứng trước các khán giả khắp thế giới với những sáng tác của chính mình, qua các giọng ca mà mình yêu mến nhất. Một lần nữa tôi xin cám ơn TT Thúy Nga và một số bạn thân, đã tạo cho tôi hạnh phúc to lớn này...”

    LÊ THỤY

  3. #3
    Senior Member delta's Avatar
    Join Date
    Oct 2007
    Posts
    1,697

    Default Re: Châu Kỳ





    Bấm Vào Nghe Nhạc

    Download

    Nhớ
    Sáng Tác: Châu Kỳ
    Lời: Thơ: Tố Như
    Trình Bày : Hồng Vân

    Nhịp 4/4 Habanera chậm

    1.
    Đêm qua Phạm Thái nhớ Quỳnh Như
    Đồng mạ xanh non nhớ vũng hồ
    Trinh nữ bâng khuâng ngồi nhớ bạn
    Ngũ Hành Sơn... có nhớ Tây Du

    Trọng Thủy lên đường nhớ Mỹ Châu
    Ngưu Lang Chức Nữ nhớ nhau sầu
    Cô Tô buồn nhớ Hàn Sơn Tự
    Bến nước tầm dương... nhớ thuở nào

    Điệp khúc
    Biết rồi... Phạm Lãi nhớ Tây Thi
    Chim nhớ... cành đa muốn trở về
    Đêm cũ... xa xưa... đèn nhớ bóng
    Đường Minh Hoàng... nhớ Dương Quý Phi

    Khắc Chung... rong ruổi nhớ Huyền Trân
    Kim Trọng... thương Kiều nhớ Thúy Vân
    Trăm năm... bến nhớ con đò cũ
    Biết Tấm rồi đây có nhớ tầm

    2.
    Lưu Bình trở giấc nhớ Châu Long
    Lạc nẻo ai kia nhớ giống dòng
    Nguyễn Huệ, Trưng Vương mình nhớ mãi
    Con Hồng cháu Lạc... nhớ non sông

    Bạch mã bên thành nhớ trạng Nguyên
    Chế Bồng Nga nhớ gót chinh yên
    Mỵ Nương nhớ sáo Trương Chi lắm
    Trăng nhớ hoàng hôn... em nhớ anh


    Tham khảo:
    * Băng nhạc “Tiếng hát Hương Lan” thực hiện tại Saigon khoảng năm 1974.)
    * Tiếng hát Hồng Vân trong băng nhạc Tiếng Thùy Dương 2 (thập niên 60s)





Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts