XIN CHO ĐƯỢC LÒNG SÁM HỐI TỘI LỖI GỒM TỘI CHIA RẼ

Chúa Nhật 3 Thường Niên, Năm A

Is 8:23-9:3; 1Cr 1:10-13,17; Mt 4:12-17


Thánh Kinh Cựu ước và Tân ước có liên hệ mật thiết với nhau. Có thể nói những gì ghi chép trong Cựu ước đều được ứng nghiệm trong Tân ước. Ngôn sứ Isaia trong Cựu ước hôm nay tiên báo: Dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng (Is 9:1). Trong Phúc âm, thánh sử Mát-thêu nhận ra Ðức Kitô đã đến để hoàn thành lời ngôn sứ Isaia: Ðoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng (Mt 4:16). Ðức Kitô đến mang ánh sáng chiếu soi để loại trừ bóng tối: bóng tối lầm lạc và tội lỗi, gồm tội chia rẽ.

Thánh Phaolô nhận ra tín hữu Corintô đã làm lu mờ ánh sáng Ðức Kitô bằng cách phân tán thành bè phái trong cộng đoàn. Hôm nay thư thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô ghi lại, giáo dân chia thành năm bè, bảy nhóm: Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Khêpha, tôi thuộc về Ðức Kitô (1 Cr 1:12). Ðiều đó khiến thánh Phaolô thắc mắc: Thế ra Ðức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi sao (1 Cr 1:13)? Những vấn đề tranh chấp giữa họ không thuộc phạm vi tín lý hay luân lý, nhưng chỉ là những khác biệt về tính tình và sở thích. Khi đã đến lúc phải chận đứng vấn đề phe nhóm trong giáo đoàn, thánh Phaolô bảo họ: Anh em đã chịu phép rửa nhân danh Phaolô sao? (1 Cr 1:13). Thánh Phaolô muốn nói với họ rằng họ chỉ chịu phép rửa nhân danh Ðức Kitô mà thôi.

Thánh Phaolô là người hơn ai hết hiểu được ý niệm thần học của nhiệm thể màu nhiệm Chúa Kitô. Trên đường đi xin uỷ nhiệm thư để bách hại người Kitô giáo, một luồng sáng từ trời chiếu toả quanh người, khiến Phaolô bị choáng váng, ngã xuống đất, ông nghe có tiếng phán bảo: Saolê, Saolê, tại sao nhà ngươi bách hại ta (Cv 9:4). Thực sự thì Phaolô chỉ bách hại người Kitô hữu mà thôi. Sau này nhờ suy niệm, cầu nguyện và được ơn thánh linh soi sáng, Phaolô hiểu được người Kitô hữu là phần chi thể trong nhiệm thể màu nhiệm mà Chúa Kitô là đầu. Cắt nghĩa theo ý niệm thần học của thánh Phaolô thì bách hại người Kitô hữu là bách hại chính Chúa Kitô. Trong bữa tiêc li, Chúa cầu nguyện cho các tông đồ và cho tất cả những người nghe theo lời giảng dạy của các tông đồ được hiệp nhất trong một Giáo hội mà Chúa đã thiết lập trên nền tảng đá thánh Phêrô. Người còn làm hơn nữa ngoài việc cầu nguyện. Người đã chịu chết để họ được hiệp nhất.

Nếu đưa mắt nhìn quanh, ta thấy bao nhiêu giáo phái Kitô giáo khác nhau trên thế giới được tìm thấy xuất hiện. Phái nào cũng mạo nhận là theo gót chân Chúa một cách trung thực. Ngoài Giáo hội Công giáo, còn có các Giáo hội Chính thống, các Giáo hội Ðông phương không hiệp thông với Giáo hội Công giáo và cả hàng trăm giáo phái Tin lành khác nhau. Nhiều người lập ra những giáo hội hay giáo phái Kitô giáo không hiệp thông với Giáo hội công giáo lúc đầu cũng nằm trong Giáo hội Công giáo. Vì những lý do khác nhau như bất đồng quan điểm hoặc bất phục tùng, hoặc vì đam mê hoặc tham vọng cá nhân, đã tách rời khỏi Giáo hội Công giáo để lập những giáo phái riêng. Lịch sử giáo hội cho thấy nếu không ở lại hiệp nhất với Giáo hội mà chính Chúa đã thiết lập, người ta còn tiếp tục chia rẽ thêm nữa.

Trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo, mỗi người Kitô giáo cần nhận thức rằng việc chia rẽ phân tán trong thế giới Kitô giáo nói chung, và trong Giáo hội Công giáo nói riêng, đang làm suy yếu nhiệm thể Chúa Kitô, khiến cho việc rao giảng sứ điệp Phúc âm ít hấp dẫn đối với người ngoài Kitô giáo. Vậy sứ vụ của người Kitô giáo là cầu nguyện cho việc hiệp nhất giữa những người tin theo Chúa.

Người tín hữu cũng cần cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong chính Giáo hội Công giáo. Nếu muốn cổ võ sự hiệp nhất trong thế giới Kitô giáo, trước hết ta cần cầu nguyện cho sự hiệp nhất trong Giáo hội: Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Ðể được hiệp nhất, người công giáo cần tôn trọng quyền giáo huấn chính thức của giáo hội. Người tín hữu cần cầu nguyện cho các giám mục được hiệp nhất với Ðức Giáo hoàng là người kế vị thánh Phêrô. Người tín hữu còn cần cầu nguyện cho các linh mục được hiệp nhất với Giám mục bản quyền. Và người tín hữu cần biểu lộ sự hiệp nhất bằng lời nói, hành động và lời cầu nguyện.

Ðể được bước đi trong ánh sáng - ánh sáng chân lí - Chúa dạy phải sám hối (Mt 4:17), nghĩa là phải loại trừ bóng tối lầm lạc và tội lỗi. Sám hối theo nghĩa thánh kinh có nghĩa là từ bỏ nếp sống tội lỗi. Có những tội mà người ta phạm, và sở dĩ người ta phạm những tội đó, là vì người ta có vấn đề. Khi mà người ta đối đầu với vấn đề, người ta cần đem vấn đề ra ánh sáng. Trước hết người ta phải thú nhận rằng người ta có vấn đề, hay nói trắng ra là người ta có bệnh, thường là bệnh tâm lí. Không nhận mình có bệnh thì không thể nào được chữa khỏi. Khi người ta nhận mình có bệnh là người ta đã được chữa lành một phần. Bời vì khi nhận mình có bệnh, người ta mới tìm gặp thầy thuốc tâm linh để được chữa trị, hoặc người ta sẽ đọc sách tìm hiểu sao mình mắc bệnh đó và người ta cầu nguyện xin Chúa giải thoát mình khỏi bệnh.

Ðể đối chất với vấn đề, người ta cần đi qua ba giai đoạn. (1) Thứ nhất tìm ra căn nguyên cội rễ tại sao mình có bệnh phạm tội đó. Lí do có thể là vì cô đơn, hoặc vì tò mò, ham muốn, tham lam, ghen tuông, đánh giá thấp về mình (low self-esteem), hoặc tự ti mặc cảm về phương diện nào đó, hoặc chưa thoả hiệp với chính mình, với những gì mình có, hoặc ước muốn chưa được toại nguyện.. Do đó mà người ta mới phạm tội để mong được toại nguyện. Người ta không ý thức được rằng tìm cách toại nguyện kiểu này thì không bao giờ toại nguyện được. (2) Thứ hai tìm cách phát triển những tài năng hay ưu điểm mình có để mình cũng có gì để hãnh diện, cũng có một thế đứng nào đó trong nhóm, hay trong cộng đồng hay trong xã hội, để mình có thể mãn nguyện về mình về phương diện nào đó. Người ta cũng có thể tình nguyện làm những việc bác ái xã hội nào đó để đem lại sự thoải mái về tinh thần hay thoải mái thiêng liêng cho đời sống. (3) Khi không phát triển được tài năng hay ưu điểm nào để được mãn nguyện, người ta phải học để chấp nhận: chấp nhận bản thân và hoàn cảnh, và học để biết đầu hàng ý mình, ý muốn và tham vọng của mình trước ý Chúa. Từ đó mình học để thiết lập mối liên hệ cá biệt và gần gũi với Chúa, hầu có thể cảm nghiệm được tình yêu của Chúa đối với mình.

Lời cầu nguyện xin cho ánh sáng chiếu rọi vào bóng tối lầm lạc và tội lỗi:

Lạy Chúa Giêsu, Con Một Thiên Chúa!

Chúa xuống thế chịu chết để giao hoà đất trời.

Chúa thiết lập Giáo hội trên nền tảng các tông đồ,

và đặt Phêrô làm người lãnh đạo.

Xin cho các giáo phái Kitô giáo được hiệp nhất

trong một nhiệm thể mà Chúa là đầu

để làm chứng cho chân lí Phúc âm.

Xin chiếu rọi ánh sáng vào tâm trí và đời sống con

để con biết tìm ra đâu là sự thật, đâu là giả trá. Amen.


trongtb@yahoo.com
LM. Trần Bình Trọng