Sự trỗi dậy của truyền thông phi chính thống


Những diễn biến của vụ Trường Sa – Hoàng Sa cho tới sự việc tòa Khâm sứ đánh dấu một sự phát triển vượt bực của truyền thông phi chính thống ở Việt Nam.

Hơn 600 tờ báo chính thống do nhà nước quản lý đều giữ thái độ im lặng một cách khó hiểu trước hai sự kiện quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm trên.

Thế nhưng thông tin về những cuộc biểu tình yêu nước của thanh niên Việt Nam và việc cầu nguyện của giáo dân Hà Nội vẫn được cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng phi chính thống.

Phi chính thống.

Nhiều nhà quan sát nhận định rằng cuộc biểu tình ngày 19/12 sẽ không diễn ra nếu như Yahoo 360 không có mặt tại Việt Nam.

Nhận định khá xác đáng đó cho thấy vai trò quan trọng của các blogger trong việc duy trì thông tin và “định hướng dư luận” xung quanh cuộc biểu tình.


Giáo dân đang xem bản tin hôm nay của VietCatholic ở một giáo xứ ở Hà Nội

Tương tự, những cuộc cầu nguyện không thể kéo dài nếu như VietCatholic không truyền tải thông tin một cách liên tục trên mạng lưới truyền thông toàn cầu của mình.

Truyền thông phi chính thống đã đóng góp một vai trò tích cực và hiệu quả trong việc truyền tải thông tin.

Điều quan trọng nhất để một cuộc biểu tình có thể xảy ra chính là nhiều người biết được thông tin biểu tình sẽ diễn ra ở đâu, vào thời gian nào, vì sao lại biểu tình, cần phải có những hành động và chuẩn bị gì…

Trước đây vài năm, những thông tin được đánh giá là vô cùng nhạy cảm đó trong xã hội cộng sản chắc chắn không có cách nào có thể được lan truyền một cách rộng rãi. Lý do vì sao?

Môi trường công cộng là không gian cho phép tất cả những hình thức thông tin và đối thoại giữa con người với nhau và có tính hướng công cộng truyền thông.

Không gian này gồm báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình) và xuất bản - gồm cả chính thức và không chính thức, các hành động tập thể hướng công luận như mít tinh, biểu tình, các diễn đàn, các vũ đài chính trị mở v.v.

Dưới sự quản lý của nhà nước theo kiểu độc tài toàn trị, không gian công bị nhà nước Việt Nam độc quyền kiểm soát và hầu như không còn tồn tại.

Thế nhưng, không gian công đó lại “hồi sinh” mạnh mẽ trong vòng một thập niên trở lại đây nhờ vào một tiến bộ khoa học kỹ thuật bậc nhất của thế kỷ 20: Internet.

Khi mà báo chí, xuất bản chính thống đều bị nhà nước kiểm soát chặt chẽ thì những thông tin nhạy cảm chỉ có thể được loan truyền một cách rộng rãi qua các diễn đàn như x-cafevn.org, những trang tin như VietCatholic và đặc biệt là qua các blog.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của luồng thông tin phi chính thống đó đã góp phần mở ra những cuộc tranh cãi về chính trị - xã hội – những vấn đề vốn bị cấm kỵ ở Việt Nam.

Hơn nữa, những thông tin đó đã góp phần định hướng dư luận, yếu tố quan trọng bậc nhất góp phần vào thành công của những cuộc biểu tình và cầu nguyện vừa qua.

“Phi” thắng “chính”.

Truyền thông phi chính thống đã có một cuộc thắng lợi ngoạn mục trước truyền thông chính thống trong hai sự kiện nổi bật đã nêu.

Trong khi từng phút một, những thông tin về cuộc biểu tình Trường Sa – Hoàng Sa được loan tải một cách nhanh chóng trên các diễn đàn, các blog thì báo chí nhà nước lại giữ một sự im lặng đáng sợ.

Những thông tin về việc cầu nguyện trước tòa Khâm sứ cũng được thông tấn xã công giáo - VietCatholic cập nhật liên tục hàng ngày.

Trong khi đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam, người dân không thể nào biết được rằng ngay tại lòng thủ đô Hà Nội đang diễn ra một sự kiện đặc biệt chưa từng có từ khi chế độ cộng sản lên nắm quyền: giáo dân cầu nguyện tập thể để yêu cầu chính quyền trả lại đất đã chiếm của giáo hội.

Truyền thông chính thống thường không được phép đưa những tin như vụ đòi lại Tòa Khâm Sứ.

Bộ máy truyền thông đảm nhận một vai trò tiềm ẩn nhưng rất quan trọng đó là: định hướng dư luận.

Việc Đảng Cộng sản kiên quyết không chấp nhận cho bất kỳ một tờ báo tư nhân nào ra đời ở Việt Nam cho thấy quyết tâm nắm vững dư luận.

Thế nhưng truyền thông nhà nước đã thua trong mặt trận định hướng thông tin trong hai sự kiện nổi bật vừa qua.

Trước đây, trong bối cảnh thông tin thiếu thốn, người dân chỉ có thể tiếp cận được những thông tin chính thống, không có sự cạnh tranh một cách lành mạnh, những đợt tuyên truyền của báo chí Việt Nam tỏ ra hiệu quả, điển hình là vụ kiện chất độc màu da cam, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Sống mãi tuổi 20 mà Tuổi Trẻ luôn đi tiên phong.

Bây giờ, gió đã đổi chiều. Những sự kiện nổi bật nhất, gây sự quan tâm chú ý của dư luận nhất lại do chính những “nhà báo công dân”, những blogger tự do khởi xướng và tạo thành một phong trào đấu tranh mạnh mẽ không chỉ online mà còn offline.

Những cuộc biểu tình yêu nước phản đối Trung Quốc xâm lấn là một minh chứng sống động.

Phản ứng chậm chạp của truyền thông Việt Nam, đặc biệt là của những nhà báo dòng chính thống bởi những lý do sau:

Thứ nhất, kinh nghiệm làm báo của những nhà báo đó cho họ biết rằng đừng nên đưa tin về những vấn đề nhạy cảm nếu như không muốn có nguy cơ “treo bút”.

Một phóng viên của VietNamNet đã bị cho thôi việc khi viết và đăng tải quan điểm ủng hộ cuộc biểu tình Hoàng Sa - Trường Sa. Thậm chí tổng biên tập VietNamNet cũng có nguy cơ mất chức.

Thứ hai, những nhà báo có tên tuổi không muốn bị dư luận phê phán. Họ thừa hiểu rằng một bài viết đúng ý của Đảng thì sẽ đi ngược lại tinh thần của cuộc biểu tình. Do đó, họ cũng không “dại dột” viết một bài để rồi hứng chịu những lời trách móc nặng nề của dư luận.

Ngoại trừ những tờ báo vốn bị xem là những tờ báo lá cải phục vụ cho tầng lớp bình dân ở Việt Nam như Công An TPHCM, An ninh thế giới… thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những bài viết đúng “ý đảng” nhưng không hợp “lòng dân”.

Vai trò truyền thông của dòng thông tin chính thống đang chịu đựng sự cạnh tranh mạnh mẽ bởi dòng thông tin phi chính thống. Về khía cạnh phát triển, đó là những tín hiệu đáng mừng khi mà thông tin ngày càng trở nên đa dạng, phong phú và nhiều chiều hơn.

Những nguyên tử bị cô lập, trôi nổi trong không gian công toàn trị, đã và đang liên kết lại với nhau ngày một chặt chẽ hơn để hình thành một mạng lưới thông tin chặt chẽ.

Một bức tranh truyền thông tự do, độc lập, tươi sáng hơn của Việt Nam đã được thành hình.
Hoàng Xuân Ba (BBC)