Nhạc Cổ Điển



Cùng với Opera và Ballet, nhạc cổ điển trước đây vẫn được coi là dành cho giới thượng lưu trưởng giả. Từ khi Radio & Television xuất hiện, chuyện thưởng ngoạn nghệ thuật đã lan rộng và từ từ chúng đã trở thành đại chúng.
Đúng ra phải gọi là nhạc cổ điển Tây Phương đặng phân biệt với cổ nhạc – Cổ nhạc của VN mình thôi còn mấy nước khác thì tui mù tịt - Nhạc cổ điển tây phương xuất hiện đã lâu lắm rồi, còn cổ nhạc của mình e rằng nó chưa cổ gì mấy, và trong khuôn khổ bài viết này, tui làm bộ lơ nó đi.

Đôi dòng khái niệm
Âm nhạc không phải là công việc của trí tuệ mà là của cảm nhận vì nó thành đạt và diễn tả những cảm xúc. Đọc sách nhưng nghe nhạc, nghe mới thưởng thức được cái hay của nhạc. Nghe nhạc là cả một nghệ thuật và ngó bộ hổng ngon ơ như người ta thường tưởng - rằng chỉ việc mở lên rồi nghe khơi khơi - Mỗi ngày chúng ta nghe biết bao là nhạc phát từ radio TV và những dàn máy tối tân, nhưng e rằng chúng ta hổng thưởng thức nhạc. Cái sự nghe ni nó phiến diện bởi nó chạy vào tai phải và ra bằng tai trái liền tù tì. Khi nó vào xong, rồi ù lì đóng trụ và tạo cảm xúc thì mới đích thị là chuyện thưởng thức. Theo cách ấy thì thưởng thức nhạc là cả một nghệ thuật cần phải học hỏi và luyện tập lâu dài.

Vì nhạc cổ điển không có lời nên rồi chuyện nghe và cảm nhận có khó khăn lắm chăng? Để phát triển nghệ thuật thưởng thức nhạc cổ điển, một số nguyên tắc căn bản đã được đề ra:
- Nghe bài nhạc càng lâu càng tốt để nó thấm vào linh hồn và vào cả trí khôn.
- Lắng nghe cái âm điệu của bài nhạc, khúc nào thích thì đoán coi nó được chơi bằng nhạc cụ gì
- Tưởng tượng trong đầu mình những hình ảnh mà bản nhạc tạo nên.
- Tưởng tượng tác giả đang nghĩ chi lúc viết ra nó.
- Đánh nhịp dậm chân hay là lúc lắc theo điệu nhạc.
- Để ý khi nào thì tiết điệu thay đổi, và tại sao.
- Tìm hiểu, nếu được, thời gian và lý do bài nhạc đã được sáng tác.
- Nên cố gắng nghe nhạc thêm lên mỗi ngày.

Những nguyên tắc ni thực ra không đáp ứng được hết mọi khía cạnh của nghệ thuật thưởng thức, nhưng chúng giúp bạn nghe được nhạc lâu hơn mà không bị chán hay bồn chồn – chờ bài nhạc hết lẹ để coi như ... xong nợ!
Thưởng thức nhạc là đi cùng với nhạc chớ hổng phải hì hục chạy theo nó – chạy như thế thì mệt chết bà ! Các nguyên tắc trên làm bạn tưởng như muốn nghe được nhạc thì phải tốn sức lao động lắm lắm. Thành ra tội chi mà khổ cực dzậy trờ !
Kể ra chuyện khổ cực (nếu quả thiệt có thì) nó đáng đồng tiền bát gạo lắm nha. Vì rằng âm nhạc là một trong những điều thiết yếu căn bản, tạo những đáp ứng cảm tính, kích thích giác quan và do đó làm cuộc sống con người trở nên phong phú gấp bội.

Âm nhạc là ngôn ngữ chung của nhân loại. Người nghe nhạc và người viết nhạc không cần có cùng quốc tịch mà vẫn cứ hiểu nhau như thường. Ngay cả giữa các thính giả, họ cũng hiểu nhau như đang nghe chung một thứ tiếng mà hổng cần phải ... lớn lời (Xin chào chú em SGLT ... w)
Nhạc loại nào ra sao thì còn tùy. Tùy gu và tùy cái duyên của bài nhạc với người nghe nhạc. Bạn nghe Bach Handel Mozart Beethoven nhưng cùng lúc bạn vẫn có thể khoái bài ‘Bao Giờ Biết Tương Tư ’ vì nó làm bạn nhớ tới tình yêu thuở đầu đời (Ôi con nhỏ ngộ thiệt nhưng cà chớn thấy bà. À, hồi đó mình còn ngây thơ lắm lận!)

Phàm muốn nghe nhạc cho đúng nghĩa thưởng thức thì phải chọn nhạc, nếu thấy phê thấy thấm thì là đã chọn đúng. Phải ý thức chuyện chọn lọc nhạc mà nghe, vì nếu để người khác chọn giùm thì hỏng bét! Nhưng rồi cái vụ bị chọn dùm nó xảy ra hoài hà, thành ra có chuyện là vậy. Chẳng hạn trên đường tới sở mở la-dô bỗng bị nghe dàn nhạc Mantovani chơi bài Viennese waltz thay vì dàn đại hoà tấu Vienna Philharmonic, nghe như thế ấm ức chết mồ luôn. Đó là bản nhạc đã nổi tiếng, thành ra rồi nếu chưa có duyên quen trước thì lắm khi đâm ghét luôn cả bài nhạc hổng chừng. Và ghét như vậy là chuyện thiệt thòi, ít hơn cho người viết nhạc (hổng có mợ chợ vẫn đông) nhưng nhiều lắm lận cho người nghe nhạc, vì đã lỡ mất một dịp để làm quen với người tuy đẹp nhưng chưa hân hạnh quen (mà lại rất có thể là người lý tưởng hổng chừng vì vừa ngoan và dám lại vừa giàu có nữa!)

Các tay chọn nhạc trong Radio thường chia nhạc thành 3 nhóm: nhạc cổ điển, nhạc giải trí và nhạc pop. Chia như thế hổng ổn, vì với người này là nhạc giải trí nhưng với người kia lại không. Ngay cả chữ cổ điển cũng đã là sai bét. Cổ điển là một giai đoạn thời gian kéo dài khoảng 80 năm ở cuối thế kỷ thứ 18, đây là thời khắc Haydn và Mozart nổi tiếng nổi tăm. Nhạc lúc này được viết theo đúng truyền thống và bài bản. Nhạc cổ điển tiếp tục gọi là cổ điển sau này vì nó không fantaisy, nó chỉ có nghĩa là nhạc thuần túy chưa biến dạng (như những loại nhạc có tên gọi là jazz, blue, pop ...).

Một câu hỏi hay được đặt ra: Lúc nào thì bạn bắt đầu biết nghe và biết thưởng thức nhạc? Trả lời được câu này hổng phải là dễ đâu nha! Trước hết phải nhìn nhận rằng, người mù tịt về âm nhạc khó có thể thưởng thức nhạc cho tới nơi tới chốn. Thành ra rồi muốn nghe nhạc thì phải học là vậy. Học ở đây có thể là chỉ học lý thuyết (nhạc lý) có thể là cả lý thuyết lẫn thực hành (chơi nhạc cụ), học nhiều học ít tùy theo điều kiện và khả năng, miễn sao dùng nó để thưởng thức âm nhạc đúng cách và tường tận. Dĩ nhiên có học thì tốt nhưng rồi hổng có cơ hội học thì sao đây? Thì cũng thưởng thức được nhạc vậy và lắm khi còn thưởng thức một cách thông minh ngon lành nữa là khác, và vì phải tự biên tự diễn nên đường đi thường ngó bộ lồi lõm gian truân hơn!

Lịch sử về âm nhạc là cửa ngõ mở đường để chúng ta đi vào và hiểu rõ hơn thế giới âm nhạc. Sững sờ và thích thú biết bao khi biết rằng phần lớn các tác phẩm vĩ đại của Beethoven đã được viết ra khi ông bắt đầu điếc nặng. Rồi lại biết rằng Bach và Beethoven sống cách nhau độ khoảng nửa thế kỷ (tác phẩm đầu tiên của Bach cách tác phẩm cuối cùng của Beethoven đúng 50 năm), có nhiều nhặn chi cho cam đâu, vậy mà nhạc của họ đã khác xa nhau lắm lận.

Ngoài lịch sử về âm nhạc, người nghe nhạc cũng nên biết chút ít về cấu-trúc thể-loại về tiết-tấu âm-điệu của bài nhạc vv.. Thông thường tiết tấu và âm điệu đi song song và quan trọng ngang nhau. Nhưng (ôi những cái nhưng làm rối rắm cuộc đời!) đôi khi tiết tấu đã làm thăng hoa âm điệu. Thí dụ điển hình nhứt về sự thăng hoa này nằm trong bản Bolero của Maurice Ravel.

Tui xin tào lao về bản Bolero này để chấm dứt phần sơ khởi về nhạc cổ điển:
Maurice Ravel (1875-1937) là dân tây, lùn xủn, rất tếu và lắm khi nhũn như chi chi. Là học trò của Fauré, Ravel bắt đầu nổi tiếng năm 1907 với bản Rhapsodie Espagnole. Tuyệt tác phẩm của Ravel, theo một số phê bình gia, là Daphnis and Cloe viết cho ballet. Thời gian cuối của cuộc đời ông sống ẩn dật tại một vùng quê hẻo lánh ở ngoại thành Paris.

Bolero của Ravel, bạn đã nghe nó chưa vậy hè? Có khi nghe rồi mà hổng biết ha.
Năm 76 hay 80 chi đó, Uỷ ban thể thao thế vận Olympic comity cho thêm vào lịch trình tranh tài của bộ môn Trượt băng Skating một môn thi nữa là Dance on ice. Dance on ice đúng ra chỉ là một loại Ballroom on ice không hơn không kém. Bộ môn này trước nay luôn luôn bị Liên bang sô viết khống chế. Mãi tới năm 1984 thì gió đổi chiều, huy chương vàng thế vận và thế giới cùng năm lọt vào tay Torill & Dean của Anh Quốc. Họ chọn bản Bolero của Ravel làm nhạc nền và đã đoạt điểm tối đa 6.0 của toàn hội đồng giám khảo quốc tế.

Bolero thực ra chỉ là một đoạn nhạc ngắn được lập đi lập lại tất cả 18 lần tổng cộng, sau mỗi lần thì nhạc lại được chơi to hơn và nhanh hơn. Đến gần cuối bài thì xuất hiện vài đoạn chuyển ngắn giống như jazz với tiếng kèn rồi nó ngưng ngang đột ngột và chấm dứt cái rụp. Đây là một điệu nhảy dĩ nhiên, và thoạt tiên được Ravel gọi là, má ơi, 'Vũ Điệu Gọi Mời' (dance lascive, lewd dance). Khán giả chưng hửng ngạc nhiên khi lần đầu tiên nghe nhạc và nhìn Ida Rubeinstein nhảy trình diễn tại Hí viện Paris Opera ngày 20 November 1928 . Thậm chí có người còn la ầm ĩ là tác giả của nó (anmo)mad quá xá ! Nhưng rồi bài nhạc được ca tụng không ngớt, đến nỗi cha đẻ của nó cũng hổng ngờ. Để đáp lễ lại những lời khen tặng, Ravel chỉ nhũn nhặn rằng : Ôi, theo tui thì hổng lâu đâu mà, vì nó đang à la mode vậy thôi!

Khi được hỏi trong các tác phẩm của chính mình, Ravel ghét bài nào nhứt, bạn đoán thử coi. Chính là bài Bolero bất hủ đó bạn ạ !

PS: Nhân đây cũng xin trả lời một câu hỏi của ai đó về chữ Symphony Orchestra và Philharmonic.
Symphony orchestra là nghĩa thông thường của một dàn nhạc đại hòa tấu - tui sẽ nói thêm sau nếu có dịp. Chữ Philharmonic trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là ‘người yêu âm nhạc’ và nó không dính líu chi hết với cái dàn nhạc đại hoà tấu cả. Nhưng rồi do cách đặt tên của một số dàn nhạc, Vienna Philharmonic hay New-York Philharmonic chỉ có nghĩa là những người yêu âm nhạc của Vienna, của New-York vv .. và từ đó nó gây lộn xộn về nghĩa là thế!

Rất thân ái. Mme Ngô