-
Senior Member
Nhạc Sĩ Quốc Dũng nói về hòa âm
Nhạc Sĩ Quốc Dũng nói về hòa âm
Nói tới hòa âm là nói tới vấn đề rất rộng và rất chuyên sâu của âm nhạc. Vấn đề này không chỉ rộng lớn với những người hành nghề âm nhạc mà còn rộng lớn đối với cả những khán thính giả thưởng thức âm nhạc nữa. Nhưng để hiểu về nó, có những khái niệm về nó thì mỗi người hay mỗi giới đều có những suy nghĩ, những hiểu biết khác nhau.
(Bấm vào đây để nghe bài nói về hòa âm- đoạn 1 của NS. Quốc Dũng)
Có nhiều người, khi nghe nhạc, chỉ để ý tới giai điệu bài hát, ca từ của bài hát, chất lượng âm thanh của bài hát, mà chẳng mấy quan tâm tới phần hòa âm cho bài hát đó. Đồng thời lại có những người nghe nhạc thì lại bị lôi cuốn theo hòa âm của bài hát đó và họ không còn nhớ gì tới giai điệu cũng như là nghe được lời của bài hát đó. Họ cảm thấy bị hấp dẫn, lôi cuốn ngay bởi cái phần hòa âm của bản nhạc đó. Do đó, hòa âm thật là quan trọng trong việc giới thiệu một bài hát mới, hay là kéo dài “đời sống” của bài hát đó, giúp bài hát đó sống mạnh, sống lâu và ăn sâu vô lòng người.
Tôi cho rằng, người viết hòa âm giống y như một kỹ sư và kiến trúc sư. Cả hai đều cố vươn tới cái đẹp nhất bằng chất liệu có sẵn, trong những điều kiện có thể. Hòa âm thường là do một người nghĩ ra, nhưng có khi là thành quả của cả một tập thể ban nhạc. Một nhạc sĩ sáng tác thì chỉ cung cấp giai điệu mà ta gọi là melody. Khi có một cái đờn đệm theo thì sự phối hợp giữa melody đó và cây đờn đó đã có thể gọi là có hòa âm. Những bản nhạc in mà có ghi thêm hợp âm ở phía trên mỗi nốt nhạc, đã có thể coi bản nhạc đó đã có hòa âm.
Tùy theo kinh nghiệm chơi nhạc, tùy theo bản lĩnh về âm nhạc, và tùy theo cảm xúc của mỗi người, mà hợp âm ghi trên các nốt của bản nhạc có khác nhau, nhưng theo tôi, chỉ có một đường “binh” hợp âm duy nhất, hợp lý nhất và hữu hiệu nhất, tùy theo trình độ của người viết hòa âm.
Có nhiều người có kinh nghiệm về âm nhạc, có khả năng chuyên môn về âm nhạc rất cao, đồng thời cũng có những cảm xúc về âm nhạc và thẩm mỹ về âm nhạc cao nữa. Với những người như thế thì tôi tin chắc rằng họ ghi hợp âm giống nhau giống như ta binh bài xập xám vậy. Với 13 lá bài nhưng chỉ có một đường binh tốt nhất, đạt được xác suất thắng cao nhất. Điều này thấy rõ ở trong những tác phẩm bất hủ của ban nhạc The Beatles. Những hợp âm trong những ca khúc này dù có hàng ngàn ban nhạc hòa tấu hay hát lại thì phần hợp âm gần như giữ nguyên, không thay đổi so với nguyên bản.
Đơn giản trong những bản nhạc sọan cho độc tấu piano cổ điển, thì phần tay phải là melody và phần tay trái, có nghĩa là dòng dưới là phần hòa âm. Hai dòng nhạc này gắn chặt với nhau và khó có thể sửa đổi. Nếu tay phải đánh đúng nhưng tay trái đánh sai, thì hiệu quả nghệ thuật của bản nhạc sẽ bị giảm đi rất là nhiều.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm một lần nữa việc ghi hợp âm cho một ca khúc là việc cực kỳ quan trọng. Nó quyết định hết 80% sự hay hay dỡ của ca khúc đó.
Trên thế giới, hầu như từ xưa tới nay, tất cả những nhạc sĩ sáng tác dù là sáng tác cho khí nhạc hay là cho ca đều tự sọan những hợp âm cho những ca khúc của mình. Chỉ riêng ở Việt Nam thì nhạc sĩ sáng tác hòan tòan giao phó đứa con tinh thần của mình cho các ban nhạc được tự do xào nấu theo ý họ. Điều này đưa đến những kết quả thật là bất ngờ. Có nhiều ca khúc, tác giả viết trong tâm trạng rất là buồn và giai điệu rất là tha thiết, sâu lắng, nhưng qua những bàn tay phù thủy của ban nhạc, bản nhạc đó có khi lại rất là sôi động, vui vẻ, náo nhiệt, rất là kích động người nghe. Tình trạng này anh em trong nghề viết hòa âm chúng tôi nói đùa với nhau là cái hòa âm này đã “cưỡng hiếp” giai điệu. Là một nhạc sĩ sáng tác ca khúc, tôi thú thật rất là buồn khi những bản nhạc của tôi bị hòa âm theo kiểu đó.
Gần đây, các bạn có nghe nói tới từ “hòa âm hiện đại”. Và trên các trang báo hay trên internet, khi bàn luận về âm nhạc, một số phóng viên phê bình về âm nhạc thường dùng những danh từ như “hòa âm hiện đại”, có ý như tôn vinh người viết hòa âm dạng đó.
Sự thực hòa âm hiện đại có nghĩa là gì? Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên vi tính thống trị tất cả mọi ngành, trong đó ngành âm nhạc, riêng trong lĩnh vực hòa âm, đã được những kỹ thuật vi tính làm biến đổi hẳn bộ mặt, cũng giống như như bên điện ảnh, có nhiều cuốn phim với nhiều cảnh con người không thể nào có thể dựng nên được nếu không có sự hổ trợ của kỹ thuật vi tính thì bên lĩnh vực hòa âm của âm nhạc cũng như thế.
Ngày nay chúng ta được nghe những hòa âm mà không thể tưởng tượng ra được có một nhạc công, có một ban nhạc nào trên đời có thể đàn được như thế. Cái đó được gọi là hòa âm hiện đại.
Các bạn nào đang chơi nhạc, và cũng đã có nghiên cứu về vi tính hẳn đã biết rằng hiện nay có rất nhiều phần mềm viết về âm nhạc, hổ trợ cho việc hòa âm. Đó là những đọan nhạc được sọan sẵn, do được pha trộn bởi rất nhiều những sounds, những nhạc cụ lạ. Kết hợp một cách ngẩu nhiên nhưng có chu kỳ về thời gian mà ta thường gọi là Loop. Những đọan nhạc này có muôn ngàn điều có sẳn. Người viết hòa âm hiện đại chỉ cần lựa những điều nghe thấy hợp lý, hợp lổ tai mình đưa ra để làm một câu intro... cho một ca khúc nào đó. Những đọan nhạc này nghe cực kỳ hấp dẫn, y như nhạc phim, mặc dù không ăn nhậu gì tới bài hát. Khi bắt đầu vô ca khúc, ca sĩ cứ việc rên rĩ, cứ việc hát lê thê nhưng nhạc thì cứ vẫn đì đùng, nghe rất vui tai. Lọai nhạc với hòa âm này hiện đang chiếm hầu như đại đa số các chương trình của đài phát thanh và đài truyền hình.
Vậy thì hòa âm hiện đại có phải là do một sự sáng tạo của một nhạc sĩ giỏi về hòa âm hay không? Tôi xin khẳng định là không. Hiện tại trong tay tôi có hàng ngàn những đọan nhạc như thế và có thể dùng nó suốt đời không hết. Theo tôi, một người muốn làm nghề hòa âm hiện đại bây giờ chẳng cần phải đi học nhạc đâu cả mà họ vẫn có thể thành công, tên tuổi vẫn có như thường. Những sản phẩm mà họ làm ra rất hấp dẫn người nghe trong một giai đọan ngắn. Sau đó vài tháng là hầu như không còn tồn tại trên thế gian này nữa. Nhắc tới những bản nhạc đó, người ta không còn nhớ chút gì về cái giai điệu của nó, và chỉ nhớ lùng bùng là nghe rất là hấp dẫn, vì như tôi đã nói, những ca khúc được hòa âm theo kiểu đó thì giai điệu của nó đã bị “hiếp dâm” từ đầu rồi, làm sao còn có thể tồn tại trong tâm hồn của người nghe nữa.
Tôi xin mô phỏng mô hình của một bài hòa âm hiện đại cho các bạn.
Việc đầu tiên bạn gắp một đọan nhạc nào đó trong vi tính đã sọan sẵn. Điều đặc biệt là những đọan nhạc có sẵn này bạn lại có thể thay đổi được những âm thanh của nó nhờ kỹ thuật MIDI để khi sau đó phát ra thì cái đọan nhạc của bạn hòan tòan không giống ai. Thậm chí nếu bạn cần làm lại bản nhạc đó, bạn cũng không thể làm lại giống như chính mình đã vừa làm được.
Phổ biến bây giờ là mở đầu vô bài các bạn sẽ nghe những âm thanh vi vu bay lượn như ở vũ trụ, rồi kế đó, chen vào là một tiếng đàn piano điện mà đa phần chúng ta gọi là Road “lăn tăn” một vài nốt trong một hợp âm rãi nào đó. Rồi kế đó, bạn chế lại một câu guitar nào đó nghe càng quái dị càng hay. Chủ yếu là bạn cũng phải có một chút kỹ thuật để cho tiếng guitar nghe có vẻ quằn quại. Càng khó nhớ càng hay. Bởi những câu hay thì thực sự khó nghĩ quá. Thiên hạ đã xài trước hết rồi. Sau đó, bạn “búa” thêm một vài tiếng trống để mà vào bài cho ca sĩ hát.
Xong phần intro, bạn chịu khó bắt đầu phần melody. Bạn ghi accord cho bản nhạc, ghi làm sao cũng được, miễn sao nó phù hợp với những gì có sẵn nhưng cũng đừng quá xa cách với giai điệu của bài hát. Sau khi đã có hợp âm rồi thì phần đệm tự động của vi tính cứ thế mà theo bài hát cho tới khi nào bạn chán, bạn tạm ngưng lại và chọn một cái loop khác.
Loop là một đọan nhạc tổng hợp nhiều âm thanh, nhiều màu sắc và có chu kỳ, thường thường chu kỳ là 4 hoặc bội số của 4. Bạn nghe thử một số đọan loop này nhé.
Nếu bạn chịu khó sưu tầm và nghiên cứu các phần mềm trong vi tính, các bạn có thể tạo cho mình một thư viện. Trong đó đầy ắp những tư liệu gồm có loop, intro. và gồm có những sound đặc biệt. Với kỹ thuật MIDI, bạn có thể biến tất cả những cái sounds này thành những cái sounds của riêng bạn. Các bạn cũng có muôn vàn những câu báo trống đã được ghi sẵn, bạn chỉ việc lấy, gắp bỏ vào.
Sau khi chọn một cái tempo cho nó phù hợp, thí dụ như những câu báo sau đây (câu báo)
Đơn giản lắm, các bạn chỉ cần biết chơi sơ qua piano hay keyboard là các bạn hoàn toàn có thể trở thành một nhà viết hoà âm hiện đại xuất sắc rồi đấy.
Nói chuyện về hoà âm thì thật là dài, nếu như có những người cùng trong nghề hoà âm mà ngồi bàn chuyện với nhau thì tôi nghĩ rằng nói mấy ngày cũng chưa hết chuyện.
Riêng theo quan điểm của tôi thì hoà âm là làm thế nào để cho cái phần nhạc đệm và cái giai điệu nó gắn bó với nhau như hình với bóng, như nồi với vung, như hai bộ phận khó có thể tách rời. Qua phần hoà âm, người nghe họ nhớ mãi tới giai điệu của bài hát. Cũng như khi nghe một bài hát đó, người nghe bắt buộc phải được hoà âm đúng y như là bài mà họ đã nghe.
Tôi thí dụ như một đoạn nhạc có một sức sống mạnh mẽ bền bỉ cho tới bây giờ mà giới trẻ ai cũng thích. Tôi thích hồi còn trẻ và bây giờ không còn trẻ nữa, tôi vẫn thích. Đó là bài Hotel California của ban nhạc Eagles. Khi nghe ca khúc đó, tất cả mọi người ai cũng thuộc cái intro, cái phần gian tấu và khó có thể có một hoà âm nào khác thay thế được bản gốc đó.
Có những hoà âm cực kỳ giản dị mà hàng mấy chục năm qua hầu như cũng không hề thay đổi. Thí dụ như bài Yesterday của ban nhạc the Beatles, intro đơn giản chỉ là một accord rải một cái và sau đó là hát. Và khi hết bài thì nhạc và tiếng hát ngưng cùng một lúc. Hình như nếu thêm vào bất kỳ một cái gì đó nữa, tôi đều cảm thấy nó không có duyên. Bản nhạc đó đã ăn sâu trong lòng bao nhiêu thế hệ. Từ hồi tôi còn bé cho tới bây giờ, gần hơn 40 năm qua, mỗi lần chơi bản nhạc đó, tôi vẫn nhớ mãi những cái hợp âm của nó và hầu như không cần thêm một cái gì khác ngoài phần hợp âm của nó, bản nhạc đã hoàn hảo.
Paul Mauriat
Các bạn trẻ nào chơi nhạc, yêu nhạc và có thích nghiên cứu về hoà âm thì tôi thành thật khuyên các bạn hãy nên tìm nghe nhạc hoà tấu với phần hoà âm xuất sắc của ban nhạc Paul Mauriat. Ông không chỉ là một bậc thầy về hoà âm mà phải gọi là vị thầy của các bậc thầy. Vì sao nào? Hoà âm của ông với một phong cách thật đa dạng, đầy màu sắc. Từ những giai điệu thuần tuý cổ điển, cho tới những ca khúc hiện đại nhất. Qua tài hoà âm của ông, hầu như đã được chắp thêm đôi cánh để bay thật cao hơn nữa trên bầu trời nghệ thuật. Ở bên Nhật dân chúng ngưỡng mộ ông tới độ họ thành lập ra một trường phái âm nhạc gọi là Paul Mauriat style. Nghĩa là chơi nhạc theo phong cách của Paul Mauriat. Tôi đã được nghe đĩa nhạc này, đầu tiên tôi cứ tưởng là của Paul Mauriat hoà âm. Nhưng sau khi nhìn bìa đĩa thì té ra đó là một ban nhạc Nhật và họ trình bày theo phong cách hoà âm của Paul Mauriat. Ông mới qua đời cách đây vài tháng (3/11/2006), tôi tin chắc tôi cũng như một số bạn bè của ông, tất cả đều mang một tâm trạng tiếc nuối lớn lao...
Quốc Dũng
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules