Sài Gòn Trong Nhạc Việt


Tạp ghi của Lê Hoàng Thanh
(Viết để tặng Phong Trào Quốc Dân đòi trả lại tên Sài Gòn do Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ chủ xướng và thân tặng Cô Nguyễn Thanh Hà, anh Việt Sĩ và anh Dominic Hoàng nhân dịp Đại Hội Thế Giới Phong Trào Sài Gòn lần thứ II, 2007)

***
Vốn là người miền Trung nên khi bắt đầu vào bậc trung học đệ nhất cấp tôi mới nghe nói đến thành phố Sài Gòn, lý do là quí thầy cô khi đến nhậm chức thường hay giới thiệu từ đâu đến. Có Thầy tốt nghiệp đại học sư phạm đến từ Huế, Đà Lạt và có Thầy Cô đến từ Sài Gòn. Từ đó thủ đô Việt Nam Cộng Hoà mang tên Sài Gòn hiện hữu trong tâm trí của tôi.
Sau này vì lý do nghề nghiệp ba má tôi thỉnh thoảng vào Sài Gòn (SG) và mỗi lần về kể lại cho nghe chúng tôi mới biết thêm về Sài thành, mới biết là thành phố SG sầm uất, với những ngôi nhà “cao chật trời” qua sự tưởng tương của trẻ thơ, với những con đường dập dìu xe cộ, với những cửa tiệm đầy hàng hóa đẹp được nhập cảng từ ngoại quốc v.v… Tóm lại là Sài Gòn có rất nhiều cái lạ, ngựa xe đông đúc mà tỉnh nhỏ tôi không có và không thể so sánh được:
Ai đến Sài Gòn cũng khen Sài Gòn lớn
Ai đến Sài Gòn thấy chi cũng lạ hơn
Người đông xe đông đường phố mênh mông
Nhịp sống sôi động ngày đêm chờ mong
Ai đến Sài Gòn nhớ vô thăm chợ Lớn
Thăm bến Bạch Đằng rất vui Thảo Cầm Viên
Từ khắp bốn phương mời hãy ghé thăm
Ai đến một lần để biết Sài gòn
Ước mơ được ghé thăm Sài Gòn chớm nở trong tôi từ khi nghe ba má nói vài ngày nữa Ba (hay Má) vào Sài Gòn nhưng …mãi đến hè 1965 khi học xong đệ tam, lần đầu tiên tôi mới được dịp vào thăm SG vài tuần. Lúc đó tôi được ba gởi vào ở nhà người bạn gần Việt Nam Quốc Tự nên đã có cơ hội làm quen với SG, một thời được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”.
Vào trú ngụ ở khu bàn cờ nhưng đâu biết tại sao người ta gọi như thế, rồi có dịp dạo phố, đi thăm sở thú v.v.. và điều mà tôi không quên được là trong những ngày ở đây tôi “đã khóc” hơi nhiều vì hầu như ngày nào cũng ngửi hơi lựu đạn cay vì luôn có các cuộc biểu tình trước khu Việt Nam Quốc Tự và cảnh sát muốn giải tỏa đoàn người biểu tình nên hay sử dụng loại vũ khí này. Dầu vậy trong trí óc của cậu học trò 16 tuổi lúc bấy giờ vẫn còn giữ lại vài hình ảnh khó quên, đúng như nhạc sĩ Văn Phụng diễn tả:
Cùng nhau đi tới Saigon
Cùng nhau đi tới Saigon
Thủ đô yêu dấu nước Nam tự do
Dừng chân trên bến Cộng Hòa
Người Trung Nam Bắc một nhà
Về đây chung sống hát khúc hoan ca
Cùng nhau đi tới Saigon
Là nơi du khách dập dồn …

Ngựa xe buôn bán hẹn hò
Người dân no ấm sống đời tự do
(Ghé Bến Sài Gòn của Ns Văn Phụng)


Lần thứ hai vào SG hè 1968, sau khi tôi học xong bậc trung học. Lần này ở SG lâu hơn nên tôi có nhiều thì giờ để thăm viếng thành phố Sài Gòn nhưng dù gì cũng chỉ là “khách phương xa” nên không dám nói về Sài thành. Khoảng sáu tháng sau từ giã gia đình, tạm biệt bạn bè tôi rời VN đi xa, thật xa với lời hứa hẹn đơn sơ là sẽ có ngày trở lại. Trong suốt chuổi ngày bôn ba xứ người thỉnh thoảng một mình trong căn phòng trọ tôi thường nghĩ về quê hương VN, gia đình bên kia bờ đại dương, ngồi ôn lại quá khứ và dĩ nhiên làm sao quên được thành phố Sài Gòn:
Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi
Nhớ Sài Gòn như nhớ người thương,
Bao năm xa cách thiết tha miên trường
Xuân sắc một thời em xinh như mộng,
Đẹp ơi là đẹp, Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông
(Nhớ Sài Gòn của Ns Bùi Kim Cương & Nhất Tâm)

Tôi nói riêng lại nhớ đến SG nhiều hơn nữa mỗi lần nhận thư bạn bè từ VN gởi sang. Mà không nhớ sao được khi vài cô bạn gái “chơi ác” nhắc khéo:
Anh còn nhớ không anh ?
Nhớ Sài Gòn mưa rơi thật nhiều
Nhớ Sài Gòn bao nhiêu là chiều
Nhớ Sài Gòn từng tiếng hát đêm
(Sài Gòn 2 mùa)

Tuy chưa có dịp tìm hiểu nhiều về Sài Gòn vì chỉ ở có hơn 5 tháng nhưng tôi cũng đã từng dạo phố Sài Gòn những chiều thu. So với cái lạnh chết người xứ mà tôi (bất đắc dĩ) tìm đến chẳng thấm vào đâu nhưng cũng đã trải qua cái lạnh nhè nhẹ cuối năm của Sài Gòn ngày nào:
Khoác chút áo màu ra phố
Lang thang mùa Đông Sài Gòn
Anh đi đâu mùa khốn khó
Tôi (*) cô đơn đến ngại ngùng
(Mùa đông Sài Gòn của Ns Nguyễn ngọc Thiện)
*) Nguyên văn là: Em cô đơn đến ngại ngùng

Thế rồi như đã nói, tôi rời SG năm 1968 khi VN đang cuối đông. Thời gian trôi đi nhanh thật, sau 6 năm xa xứ, giữ đúng lời hứa tôi đã trở lại quê hương, ghé thăm Sài Gòn vào mùa Xuân 1975, phản ảnh phần nào tâm trạng của nhạc sĩ Khúc Lan:
Sài Gòn nơi đi Sài Gòn chốn đến
Ai bước chân đi chẳng mong ngày về
Tàu nào ra khơi mà không nhớ bến
Trở lại quê xưa vẹn một lời thề.
(Sài Gòn Niềm Nhớ của Ns Khúc Lan)

Đây là lần thứ ba tôi đặt chân đến Sài Gòn sau nhiều năm cách biệt. Rất tiếc tình hình chính trị VN vào thời điểm này trở nên căng thẳng nên chỉ về trung được có một tuần lễ thăm gia đình là tôi phải vào lại SG, ở đó cho đến khi từ giả thành phố này. Không ngờ lần chia tay này (cho đến nay!) cũng là lần chót tôi giã từ SG vì sau đó VNCH thua trận, miền Nam VN bị cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm. Tôi mất nước từ 30.04.1975, xin tị nạn xứ người và SG của tôi ngày nào đã bị đổi tên. Dầu vậy, mỗi lần nhắc đến Hòn Ngọc Viễn Đông dạo nào thì Sài Gòn vẫn là cái tên luôn ngự trị trong tim, không bao giờ phai nhạt đối với tôi nói riêng và hầu hết người Việt tị nạn nói chung:
Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên
như giòng sông nước quẩn quanh buồn
như người đi cách mặt xa lòng ta hỏi thầm em có nhớ không
Sài Gòn ơi! Đến những ngày ôi hè phố xôn xao
trong niềm vui tiếng hỏi câu chào sáng đời tươi thắm vạn sắc màu
nay còn gì đâu...
(Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên của Ns Nguyễn Đình Toàn)

Cưỡng chiếm miền Nam VN xong rồi thì cộng sản áp đặt sự thống trị trên phần đất chúng chiếm được. Quân cán chính VNCH thì hết lớp này đến lớp khác bị đẩy vào các trại cải tại, ra đi mà chẳng biết ngày về. Chưa đủ, cs đã xóa luôn tên thủ đô VNCH. Hãy nghe nhạc sĩ Trần quang Lộc bùi ngùi tiếc thương dùm cho đồng hương miền Nam của mình:
Sài Gòn giờ đã thay tên
Cũng như em đã đổi họ năm nào
Sài Gòn vui buồn dấu trong tim
Chỉ biết thương nhau bằng ánh mắt nhìn
(Trả Lời Thư Em của Ns Trần Quang Lộc)

Tình yêu dành cho thành phố Sài Gòn không vì thế mà phai nhòa. Ngược lại là khác. Nhiều văn sĩ, nhạc sĩ đã mượn lời thơ giòng nhạc để viết về Sài Gòn, để tiếc thương một thành phố đã ăn sâu vào tâm thức người miền Nam VN nói chung. Tâm trạng đó đã được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên diễn tả qua ca khúc “Sài Gòn Còn Đó Nỗi Buồn”:
Còn đâu nữa Sài Gòn
Còn chăng nữa niềm đau không tên
Bao nhiêu năm qua, đời như đợi chờ
Đời như tình cờ, đời như mịt mờ
Đời như nắng mưa qua
(Sài Gòn Còn Đó Nỗi Buồn của Ns Ngô thụy Miên)

Sau 30.04.1975 hàng triệu người Việt lưu lạc khắp năm châu. Khi quyết định bỏ nước ra đi hầu như mọi người đều ấp ủ hoài bảo và hẹn sẽ có ngày trở lại. Có lẽ tâm trạng của nhạc sĩ Nam Lộc cũng là tâm trạng của những người cùng cảnh ngộ, đã phải lìa bỏ quê hương ra đi để tìm sự sống:
Sài Gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về
Người tình ơi, tôi xin giữ trọn mãi lời thề
Dù thời gian, có làm một thoáng đam mê
Phố phường vắng ánh sao đêm
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên.
(Vĩnh Biệt Sài Gòn của Ns Nam Lộc)

Và sau khi sang được đến bờ tự do, được định cư tại một đệ tam quốc gia nào đó, người Việt tị nạn cộng sản vẫn không quên thành phố Sài Gòn. Dầu đang đi giữa thành phố hoa lệ Paris mà ngày nào từng mơ ước được một lần ghé thăm nhưng kỷ niệm cũ quay về, hình ảnh Sài Gòn lờn vờn trước mặt, nổi buồn lâng lâng được thể hiện qua tâm trạng của Ngô Thụy Miên:
Tôi đi giữa trời Paris mà nhớ thương Sài Gòn
Nắng Sài Gòn hôm nao dìu bước chân em
Qua phố phường vào quán chợ thân quen
Tôi bỗng thấy lòng bâng khuâng
(Nắng Paris Nắng Sài Gòn của Ns Ngô thụy Miên)

Càng sống lâu nơi đất lạ người Việt chúng ta mới có thể so sánh để rồi lại nhớ thương về quê mẹ, về Sài Gòn của chúng ta thưở nào. Nhạc sĩ Phạm Anh Dũng đã mượn lời nhạc phát họa cho chúng ta thấy vài hình ảnh của Hòn Ngọc Viễn Đông ngày xưa và nếu ai tình cờ vào trang nhà Phan Châu Trinh nghe nữ ca sĩ Xuân Thanh với tiếng hát điêu luyện, ngọt ngào của “người con gái miền sông Hương núi Ngự” trình diễn trọn bài hát này thì chắc chắn sẽ nhớ Sài Gòn ghê lắm:
Nhớ đến em nhiều này Sài Gòn ơi.
Xa xôi ngàn khơi đâu tà áo trắng.
Duy Tân im lìm phố vắng.
Thương ai cây lá hoang tàn.
Người xây giấc mơ hồi hương
Này Sài Gòn yêu thương …
(Nhớ Sài Gòn của Ns Phạm Anh Dũng)

Còn rất nhiều nhạc sĩ sáng tác những bản nhạc viết tặng riêng cho Sài Gòn như: Sài Gòn Có Em của Phạm Mạnh Đạt; Đêm nhớ về sài Gòn của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng; Sài Gòn Em và Tôi của Y Vũ; Sài Gòn Trên Đường Nguyễn Du và Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó của Trường Sa; Mùa Đông Sài Gòn của Nguyễn ngọc Thiện hay Hẹn Em Sài Gòn của Hà Thúc Sinh, Chiều Trên Đường Hồng Thập Tự của Nguyễn Tất Nhiên v.v… Gần đây có nhạc sĩ Trần Chí Phúc đã sáng tác và trình diễn nhiều bài hát viết cho Sài Gòn như Sài Gòn Em Ở Đó, Sài Gòn Một Thoáng 30 Năm….nhưng xin thông cảm cho là tôi không thể trích dẫn hết ra đây được.


Khi rời Sài Gòn lần sau cùng thì tôi còn là một thanh niên trẻ. Thắm thoát đã hơn 30 năm biệt xứ kể từ tháng 04-1975, chưa một lần ghé lại thăm nên tôi nói riêng rất thích nghe và thường khẽ hát bài hát do Kim Tuấn và Lê Uyên Phương sáng tác, có lẽ vì nội dung bản nhạc phản ảnh đúng tâm trạng của chính mình!. Vâng tôi đã xa Sài Gòn khá lâu, không biết là:
Sài-gòn bây giờ trời mưa hay nắng ?
Sài-gòn bây giờ ai khóc thương ai ?
Sài-gòn giới nghiêm che kín đêm dài ?
Sài-gòn khói bay, Sài-gòn nắng đổ ?
Sài-gòn có còn bước chiều bơ vơ ?
(Khi Xa Sài Gòn của Ns Kim Tuấn & Lê Uyên Phương)

… Nhưng từ ngày nghe biết đến Phong Trào Sài Gòn thì trong tôi lại toé lên một tia sáng hy vọng. Phong Trào Quốc Dân đòi trả lại tên Sài Gòn (gọi tắt là PTSG) do Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ chủ xướng, với sự hỗ trợ đắc lực của Cô Nguyễn Thanh Hà, các ông Việt Sĩ và Dominic Hoàng, từ đó lại có thêm nhiều bản hát viết về Sài Gòn ra đời, bài đầu tiên được phổ biến trên trang nhà http://www.saigonforsaigon.org/ là “Hãy Trả Lại Tôi Sài Gòn” của Nhạc Sĩ Xuân Điềm, kế đến là những bản hát khác như “Đòi lại tên Sài Gòn” của Hải Sơn, “Trả lại ta tên Sài Gòn” của Nhật Tùng, “Mãi Mãi Sài Gòn” của Phan văn Hưng và Nam Dao hay gần đây với bản nhạc mới xuất hiện với tựa đề “Sài Gòn Còn Mãi Trong Tôi” của Cù Hoà Phong và Nhật Hạnh …. Phải nói đây là việc làm đáng hoan nghênh và nên tiếp tục thực hiện. Viết nhạc với chủ đề Sài Gòn để vinh danh SG, để người Việt tỵ nạn CS không quên Sài Gòn, để cái tên Sài Gòn yêu dấu từ đó trở nên quen thuộc trong lòng mọi người Việt tha hương!
Phong Trào Sài Gòn được sự ủng hộ khá mạnh mẽ của người Việt tỵ nạn CS hải ngoại cũng như đồng hương ở quốc nội và văn thư đòi đổi tên Tổng Giáo Phận HCM thành Sài Gòn đã được gởi đến Toà Thánh Vatican. Hy vọng rằng một ngày không xa, Vatican sẽ chuẩn y nguyện vọng của người Việt tỵ nạn CS, biến ước mơ thành sự thật, để (tưởng như là):
Thấy mình vừa trở lại quê hương
Đã gặp người một trời yêu thương, cho lòng thêm chút ấm
Thấy bạn bè thèm ngồi bên nhau, Nhắc chuyện người chuyện đời thương đau
và lúc đó chúng ta sẽ cùng nhau quây quần nắm tay vui mừng cất tiếng hát vang bài “Sài Gòn” của nhạc sĩ Y Vân :
Sống mãi trong tôi bóng hôm nay sẽ không phai
Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi ! Sài Gòn ơi !
Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi ! Sài Gòn ơi !

Lê Hoàng Thanh
(Thượng tuần tháng 05.2007)