-
Senior Member
Những Tiếng Hát Làm Ấm Lòng Người -Nghiêm Xuân Cường
Những Tiếng Hát Làm Ấm Lòng Người
Trong những ngày cuối năm ở miền Đông nước Mỹ, trời bỗng dưng trở lạnh một cách khủng khiếp. Nhiệt độ ngoài trời mấy hôm nay thường chỉ là 10 đến 15 độ F mà thôi, và nếu cộng thêm yếu tố gió (the wind chill factor) thì có thể xuống đến -10 hoặc 15 độ F. Một buổi chiều ra lấy thơ, tôi nhận được dĩa nhạc (CD, compact disk) “Trường Ca Việt Nam Oai Hùng” do dược sĩ Nguyễn Minh Ngọc gởi tặng. Tôi để CD nhạc ở trong xe và mở nghe trên đường đi làm. Cảm động làm sao khi ở xa quê hương hơn nửa vòng trái đất các Anh Chị Dược khoa khóa 1975 vẫn có thể dầy công thực hiện một CD tài tử nhưng tràn đầy tình yêu thương đất nước. Tôi lắng nghe từng lời giới thiệu cho mỗi bài hát và tưởng tượng như mình đang đi lùi lại mười mấy thế kỷ trước, để sống lại những giây phút lịch sử huy hoàng sáng lạng của Cha Ông ta. Hôm nay ngoài trời vẫn gió rét lạnh buốt, nhưng trên đường đến sở làm lòng tôi bỗng thấy ấm áp xiết bao khi nghe tiếng hát hào hùng của những người bạn mà mình chưa được biết mặt hay biết tên. Thế nhưng những khoảng cách không gian hay thời gian đâu còn ý nghĩa gì nữa khi lòng mình đang cùng hướng về một xứ sở, cùng chia xẻ một niềm thương yêu về một nơi rất xa nhưng rất thân thương ấy, quê hương Việt Nam kiêu hùng.
Mỗi bài hát đã giúp tôi ôn lại một trang sử oai hùng của đất nước Việt Nam. Bản nhạc “Trưng Nữ Vương” của Thẩm Oánh vừa oai nghiêm, vừa vui tươi, diễn tả thật chính xác ý chí quật cường của một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng không hề khiếp sợ hay chịu hàng phục tên láng giềng khổng lồ phương Bắc.
Trưng Nữ Vương lau phấn son mưu thù nhà
Mài gươm vang khúc toàn thắng hùng ca
Thu về giang san cho lừng danh gái Nam
Bầu trời Á sáng ngời ánh quang
Nợ nước phó tay người nhi nữ
Tình riêng cứu nguy cho toàn dân
Một lòng trung trinh son sắt bền
Hát Giang … sóng rền …
Mang phấn son tô điểm sơn hà
Lòng vì nước vì nhà
Cho Việt Nam hướng đi hùng cường
Nhờ ơn Đức Trưng Vương.
Lòng tôi bùi ngùi thương cảm khi nghe bản nhạc “Ngày Xưa” của nhạc sĩ Hoàng Giác. Điệu nhạc chậm và bi hùng làm người nghe tưởng chừng mình đang ở nơi di tích lịch sử linh thiêng ấy và nghe đâu đây anh linh của Hai Bà vẫn còn phảng phất với núi sông, mặc dù đã gần hai thiên niên kỷ trôi qua.
Giòng sông Hát nước xanh mờ sương
Êm đềm trôi về đến nơi đâu
Sóng đưa lăn tăn con thuyền ai soi
Trong gió khơi tiếng ca âm thầm trầm rơi
Nghìn xưa kia nơi đây đã từng vang hình bóng
Đôi quần thoa đem máu đào hòa nước sông nhà
Hồn linh thiêng sống trong muôn trùng dương
Những khi chiều vắng trầm đưa lên tiếng ca
Thuyền ai lướt trên giòng sông sâu
Êm đềm trôi về đến nơi đâu
Có hay chăng ai trên giòng sông xanh
Tiếng ca thuở xưa như gợi tấm tình.
Tôi đã nhiều lần nghe bản nhạc này nhưng chưa bao giờ ghi lại nhiều xúc cảm đến như vậy. Những lời giới thiệu được viết rất công phu và sự trân trọng của những người đọc, vừa dõng dạc, vừa trang nghiêm, quả đã sửa soạn tâm hồn của người nghe để đón nhận từng nốt, từng lời của bản nhạc bất hủ này. Dù ở xa đất nước Việt Nam đến hơn nửa vòng trái đất, tôi chợt nhận thấy thật rõ ràng mối giây thiêng liêng gắn liền mình với những đồng bào ruột thịt của mình trên dãy đất hình chữ S tràn đầy lịch sử ấy .
Kế đến tôi đã được nghe một tuyệt khúc của nhạc sĩ Văn Giảng, bản nhạc “Thúc Quân”. Lời thật cảm động đầy ý nghĩa, hòa với khúc nhạc dồn dập làm tôi như thấy mình đang ở trong chốn khói lửa máu xương thuở Cha Ông mình đang chống giặc Nguyên.
Đồn trong đêm vắng ngàn tiếng đồng loa vang lừng
Đầu người lô nhô sát theo bờ núi sông hò reo
Mây tan trong khói, mây tiến quân tiến quân theo
Nơi chốn sa trường quân Nam dồn sức oai vang trời
Việt Nam hận, đi diệt quân Nguyên
Quân lướt tới, thây kề thây
Máu tuôn rơi theo mộ đường
Mây nước chập chùng đi về đâu.
Nhìn trong hơi gió thoảng bóng quân Nam lướt đi
Thề cùng diệt tan giống tham tàn
Nơi đây đất nước đang hiến bao đấng anh linh
Xương trắng xây thành, cố tâm đền núi sông ơn nhà
Hai câu cuối cùng của bản nhạc làm tôi bật khóc:
“Nơi đây đất nước đang hiến bao đấng anh linh
Xương trắng xây thành, cố tâm đền núi sông ơn nhà”
Chao ôi, tôi nợ nần nhiều thế hay sao! Như lời người giới thiệu dõng dạc cho tôi biết Việt Nam, một giải giang sơn gấm vóc, không phải tự nhiên mà có. Tôi đã mang nợ quá nhiều người mà mình đã không biết. Tôi chợt liên tưởng đến một bản nhạc thiền: “Có gì của ta đâu, từ thân thể tới đầu, có gì của ta đâu, sao cứ mãi sầu đau …” (Có Gì Của Ta Đâu, do Mộng Lan phổ nhạc thơ Ngô Hưng). Chưa bao giờ hơn lúc này, tôi nhận biết rõ sự thật của những câu thơ giản dị ấy. Người Tây phương có câu nói ví von “Nếu chúng ta đứng hiên ngang cao lớn, đó là bởi vì chúng ta đứng trên vai những người khổng lồ, là những thế hệ đã đi trước”. Tất cả những gì mà ta nghĩ là của ta chẳng qua chỉ là những gì ta có được nhờ kế thừa những di sản của tổ tiên và Cha Ông truyền lại cho mình. Càng nghĩ, tôi lại càng hổ thẹn với chính mình. Tôi nợ nần nhiều quá, thế mà tôi đã làm được gì cho mảnh đất quê hương mến yêu và bao nhiêu triệu đồng bào ruột thịt còn đang gắn bó với giải đất thân thương ấy.
Tôi cũng đã có những phút xúc cảm dạt dào qua những bản hùng ca bất hủ của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: Hội Nghị Diên Hồng, Bạch Đằng Giang và Ải Chi Lăng. Ở “Hội Nghị Diên Hồng”, lời và nhạc rất cân xứng với nhau một cách tài tình, khiến người nghe như cảm thấy được cái khí thế cấp bách, dầu sôi lửa bỏng của giây phút lịch sử ấy
Toàn dân nghe chăng! Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng, biên thùy rung chuyển!
Tuôn đầy non sông rền vang tiếng vó câu
Gây oán nghìn thu.
Toàn dân Tiên Long! Sơn hà nguy biến!
Hận thù đằng đằng! Nên hòa hay chiến?
Diên Hồng tâu lên cùng minh Đế,
Báo ân, hỡi đâu tứ dân .
Giòng nhạc chậm lại cho ta như hòa vào giòng người đang lũ lượt về kinh đô phó hội …
Kìa vừng hồng, tràn lan trên đỉnh núi!
Ôi Thăng Long, khói kinh kỳ phơi phới
Loa vang vang, chiếu vang truyền bốn phương …
Và cứ như thế, tôi lắng mình trong giòng nhạc lịch sử đó, hãnh diện mình là người con giống nòi Tiên Rồng. Tôi ngậm ngùi thương cảm cho bao thế hệ, những người chiến sĩ vô danh đã vị quốc vong thân. Trong ngót một tiếng đồng hồ ngắn ngủi, tôi đã ôn lại bao nhiêu là bài học lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam. Hơn lúc nào hết, dù ở xa tổ quốc biết bao, tôi cũng hết sức hãnh diện là một phần của khối kiêu hùng ấy. Xin cảm ơn các Anh Chị Dược khoa khóa 75, những người bạn dù chưa quen mặt, biết tên, nhưng hôm nay, tôi cảm thấy hết sức gần gũi. Các Anh Chị đã dầy công thực hiện CD thật giàu giá trị nghệ thuật cũng như tinh thần. Dĩa nhạc đã nhắc nhở và khơi dậy trong mỗi chúng ta niềm tự hào về đất nước mến yêu của mình.
Ngoài trời cơn bão mùa Đông vẫn đang tiếp diễn, gió vẫn réo gào và cái hàn thử biểu bên ngòai chỉ 2 độ F nhưng lòng tôi chiều nay chợt ấm lên xiết bao! Tôi không chỉ là một người di dân gốc Á Đông, mà còn là một con dân của một dân tộc oai hùng với bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Tôi và mấy triệu người Việt Nam tha hương dù có ở chân trời góc bể nào chăng nữa vẫn luôn luôn ràng buộc với quê Mẹ bằng một mối giây thiêng liêng, bởi vì:
Có những tình thương rất thiết tha
Chân trời góc bể thật bao la
Có những người con lìa quê Mẹ
Vẫn nhớ miên man một mái nhà
Xin mãi mãi được làm người Việt Nam kiêu hùng!
Michigan, 1-23-03
Nghiêm Xuân Cường cẩn ghi
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules