Biển càng mặn, cá mập càng ít máu



Lượng máu trong mỗi con cá mập phụ thuộc vào độ mặn của nước biển xung quanh. Tương tự, thể tích các dịch lỏng khác cũng được điều tiết theo môi trường.

Đây là một trong những nghiên cứu quy mô nhất về hiện tượng này cho đến nay.

Mặc dù hấp thụ nước qua mang, song đôi khi cá mập cũng uống nước biển và thải ra nước tiểu để giữ cho cơ thể cân bằng với môi trường. "Việc điều chỉnh chất lỏng cơ thể quan trọng đối với chúng giống như quan trọng đối với con người", trưởng nhóm nghiên cứu Gary Anderson, từ Đại học Manitoba, cho biết.

Nhóm đã phân tích các nghiên cứu trước kia và dữ liệu trên cá mập bò, cá mập tre, một vài con cá nhám góc và các loài cá mập, cá đuối khác. Họ phát hiện thấy trong điều kiện nước ngọt hoặc muối nhạt, cá mập có thể tích máu cao hơn nhiều so với trong nước mặn.

Theo nhóm nghiên cứu, cá mập thay đổi thể tích máu và các dịch thể qua ít nhất 5 quá trình khác nhau:

- Đầu tiên là hút nước qua mang, song đôi khi việc này vẫn không đủ.

- Uống trực tiếp. Khi hai con cá nhám góc được đưa vào bể nước muối nồng độ 80 đến 100%, chúng uống nước giống như người đang khát vậy.

- Một cách khác để điều chỉnh dịch thể là thay đổi lượng nước tiểu thải ra.

- Ngoài thận, cá mập cũng sở hữu một tuyến trực tràng, được làm từ các mô chuyên hoá cho việc tích trữ muối. Nó cũng ảnh hưởng đến lượng máu trong cơ thể, nhưng chức năng đầy đủ vẫn chưa rõ ràng.

- Cuối cùng, ruột cũng đóng vai trò quan trọng để giữ cho dịch thể cân bằng với môi trường. Nếu quá mặn, các tế bào ruột sẽ phải làm việc tích cực hơn để thải bỏ lượng muối dư.

Mặc dù những quá trình phức tạp này cho phép cá mập thích nghi với môi trường tự nhiên qua nhiều thế kỷ, song trái đất ấm lên có thể phá vỡ những quy trình đó.