LÊN NÚI – BIẾN ĐỔI - XUỐNG NÚI


CN II MÙA CHAY

Nếu biển gợi lên cái gì mênh mông bao la thì núi gợi lên cho ta cái gì cao cả hùng vĩ. Trong nhiều tôn giáo, núi là biểu tượng cho sự uy nghi hùng vĩ, sự cao cả. Núi được coi như nơi ngự trị thích hợp cho thần thánh. Do đó nhiều đền chùa được xây trên núi cao mời gọi con người hướng thượng. Người Việt Nam chúng ta coi núi như biểu tượng của cha, nước như biểu tượng của mẹ. “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

Kinh Thánh nói khá nhiều đến núi. Sion là ngọn Núi Thánh được nói đến nhiều hơn cả. Trong Thánh Kinh, núi thường được xem là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa thần linh và con người. Những mạc khải quan trọng trong Thánh Kinh đều diễn ra trên núi. Môsê đã được kêu mời lên núi Sinai để gặp gỡ Giavê Thiên Chúa và đón nhận lề luật cho dân riêng. Elia đã ròng rã 40 ngày đêm lên núi Horeb để gặp gỡ Chúa. Núi là nơi Đức Giêsu cầu nguyện (Lc 6,12;9,28), nơi Đức Giêsu công bố Hiến Chương Nước Trời (Mt 5,1), nơi Đức Giêsu biến hình (Mt 17,1; Mc 9,2; Lc 9,28). Núi còn là nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh (Mt 27,33; Mc 15,22; Lc 23,33) và là nơi Người từ giã các môn đệ để về Trời (Mt 28,16).

Trang Tin Mừng hôm nay, Thánh Matthêu kể câu chuyện: Chúa Giêsu đưa ba môn đệ lên núi Tabor. Sau khi cho các ông thấy một thoáng phục sinh trước phục sinh, nếm trước một chút thiên đàng trước thiên đàng, Chúa lại đưa các ông xuống núi chuẩn bị bước vào cuộc khổ nạn.

Cuộc hành trình ấy, hành trình: lên núi - biến đổi - xuống núi được thể hiện trong suốt cuộc đời mỗi con người.

LÊN NÚI

Lên núi là đi gặp gỡ Chúa. Lên núi là một việc làm đòi hỏi nhiều cố gắng. Đó không phải là cuộc dạo chơi nhàn hạ. Nó đòi hỏi sức khoẻ, sức chịu đựng, khéo léo, can đảm. Cần bứt ra những ràng buộc của cuộc sống thường ngày. Cần có nhiều thời giờ cho việc leo núi. Càng lên cao càng có ánh sáng. Muốn có ánh sáng phải lên cao. Lên cao thì vất vả. Lắm lúc đụng phải sướn sốc cheo leo, đá sắc trơn trượt. Nhưng đổi lại, lên đỉnh núi ta sẽ thấy tâm hồn nhẹ nhàng thư thái an hoà với đất trời bao la.

Đức Giêsu chỉ đưa theo ba môn đệ thân tín vì gặp gỡ với Chúa là một gặp gỡ thân tình. Chúa muốn ta đến với Chúa trong tình thân mật. Tình yêu triển nở trong thiên nhiên và trong thanh vắng. Núi cao thanh vắng là nơi đón nhận và bày tỏ tình yêu giữa ta và Chúa.

BIẾN ĐỔI

Chúa đưa ba môn đệ lên núi cao. Các ông được đi vào một thế giới vừa kỳ diệu vừa lạ lùng, làm biến đổi ý nghĩa cuộc đời.

Các ông thấy: “Dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà”. Và có tiếng phán từ trong đám mây “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”. Đó là những biểu tượng cho các ông thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, có bản tính Thiên Chúa.

Các ông còn thấy “có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia»”. Đây là hai nhân vật quan trọng nhất trong Cựu ước, đại diện cho hai thực tại quan trọng nhất của Do Thái giáo. Môsê đại diện cho luật pháp. Elia đại diện cho các ngôn sứ. Hai ông là biểu tượng tiên báo sự ra đời của Đức Giêsu. Trong sách Đệ Nhị Luật, Môsê viết: «Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy» (Đnl 18,15). Còn Êlia được ngôn sứ Malakia tiên báo là sẽ trở lại trước khi Đức Giêsu đến: «Này Ta sai ngôn sứ Êlia đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng» (Ml 3,23). Đức Giêsu cũng xác nhận Êlia phải trở lại trước khi Ngài đến (x. Mt 17,10-12; Mc 9,12-13).

Trên núi cao, Đức Giêsu gặp gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Y phục trở nên trắng như tuyết, khuôn mặt Người sáng láng. Các môn đệ ngất ngây trong niềm hạnh phúc tuyệt vời. Các ông muốn ở lại trên núi để sống niềm hạnh phúc ngập tràn ấy. Ai gặp được Chúa cũng đều hạnh phúc, cũng đều được biến đổi. Ong Môsê sau khi ở trên núi Sinai 40 đêm ngày tiếp xúc thân mật với Chúa, mặt ông trở nên sáng láng đến độ, khi ông xuống núi, dân chúng không dám nhìn vào. Ông phải lấy khăn che mặt lại, dân chúng mới dám đến gần ông.

Gần đèn thì sáng. Tiếp xúc thân mật với Chúa sẽ làm thay đổi tâm hồn ta. Tình yêu của Chúa sẽ đốt nóng trái tim ta, xoá tan băng giá thờ ơ. Sự dịu dàng của Chúa sẽ làm cho ta nên dịu hiền. Sự khiêm nhường của Chúa sẽ làm ta nên đơn sơ. Sự bao dung của Chúa sẽ giúp ta sống hoà nhã. Sự tha thứ của Chúa giúp ta luôn biết cảm thông. Càng gần gũi Chúa, tâm hồn ta càng được thanh luyện khỏi mọi nhỏ nhen, ích kỷ. Càng yêu mến Chúa, ta càng thêm yêu mến anh em. Càng kết hiệp mật thiết với Chúa, tâm hồn ta càng nên giống Chúa hơn.

XUỐNG NÚI

Khi đã hưởng nếm hạnh phúc ngọt ngào ở bên Chúa rồi, ta chẳng muốn lìa xa Chúa nữa. Thánh Phêrô, trong giây phút tuyệt đẹp đã xin Chúa cho dựng ba chiếc lều để ở lại hưởng hạnh phúc trên núi. Các môn đệ muốn đăng ký thường trú trên núi Tabor, muốn đắm mình trong hào quang rực rỡ. Họ bỏ lại dưới chân núi các bạn đồng môn, các cuộc truyền giáo của Thầy. Họ muốn xa rời dân chúng đang khao khát Lời Chúa. Nhưng Đức Giêsu đưa các môn đệ trở xuống. Người chỉ lên đỉnh Tabor trong chốc lát rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá lên núi Sọ. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Đức Giêsu phải chịu khổ nạn, chịu chết rồi mới Phục Sinh mở lối vào thiên đàng. Hai đỉnh núl: núi Tabor và núi Sọ cách nhau không xa về địa lý nhưng lại là con đường vạn lý. Chỉ có con đường tình yêu mới nối liền hai núi mà thôi.

Thánh Phêrô cùng các Tông đồ còn phải vượt qua những yếu đuối, sa ngã, còn phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách, còn phải chịu đau khổ vì Thầy chí thánh, còn phải trải qua cái chết đớn đau rồi mới tới được Núi Thánh thiên quốc như lòng mong ước. Các ngài chỉ đi một con đường Thầy mình đã đi qua. Đó là con đường tình yêu.

Trong cuộc sống người tín hữu, lên núi chính là những giây phút dành cho việc cầu nguyện, tiếp xúc thân mật với Chúa. Đó là những buổi tham dự Thánh lễ, kinh nguyện, những giờ cầu nguyện riêng tư, những buổi Tĩnh Tâm. Cần phải dành những giây phút lên núi với Chúa: Núi của thánh lễ, núi của cầu nguyện, núi của sám hối, núi của những dịp tĩnh tâm. Đó là những giây phút lên núi để gặp gỡ Chúa, để lắng nghe, để chiêm niệm, để biến đổi bản thân mình.

Kỷ niệm ngọt ngào trong những giờ sống hạnh phúc bên Chúa sẽ là sức mạnh nâng đỡ ta trong những thách đố của đời sống. Núi Thánh sẽ trở thành quê hương yêu dấu để tâm hồn ta luôn hướng về, dù còn phải vượt qua rất nhiều trở ngại cách ngăn. Thiên Đàng thoáng thấy qua những giờ kết hiệp với Chúa sẽ là nguồn động viên giúp ta chu toàn mọi nghĩa vụ của con người. Như thế, khi đã xuống núi rồi, ta vẫn còn mong ước sẽ trở lên núi mỗi khi có dịp.

Chúng ta có sẵn sàng nhận lời mời của Chúa Giêsu để cùng với Người “lên núi” không? Mỗi lần Cầu Nguyện, Tĩnh Tâm, Linh Thao, Dâng Lễ, lắng nghe Lời Chúa, đón nhận các Bí Tích, là chúng ta được “lên núi” với Chúa. Nhiều lần “lên núi” như thế là để thực tập cho quen với một lần “lên Núi Thánh” là đỉnh cao cuối cùng trong Nước Trời.

LM. Giuse Nguyễn Hữu An