Xin ban cho con nước hằng sống
CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY A


Xuất hành 17: 3-7; Tv 95; Rôma 5: 1-2,5-8; Gioan 4: 5-42

Thưa quí vị

Từ “di dân” (immigrant) ngày nay quen thuộc với hết mọi người, mọi quốc gia. Nhưng cách đây không lâu thị còn là ngôn ngữ lạ tại vì những người mới đến thường được ta gọi bằng từ khác: dân ngoại cư (alien). Phong trào di dân bây giờ cũng là chuyện thường tình. Lý do thì vô số: kinh tế, chính trị, tôn giáo, sắc tộc…

Ông tổ tôi là người miền nam nước Ý đại lợi. Tên họ chúng tôi chứng minh điều ấy. Cư dân nước Mỹ bây giờ đều như thế cả: Anh, Pháp, Đức, Ái nhĩ lan, Phi châu, Á châu. Ngay cả dân da đỏ, tự nhận mình là dân bản địa (native). Nhưng thực ra thì cũng từ nơi khác đến. Có thể là 20, 30 ngàn năm về trước. Chẳng cần khảo cổ, cứ tra cứu tên gốc của họ, tự khắc biết. Thời còn trẻ, dưới con mắt của tôi, ông bà cha mẹ tôi là những old folks (dân kỳ cựu) họ bỏ quê hương tìm đến “đất hứa”. Họ đã chịu đựng nhiều thiệt thòi, gian khổ, rét mướt, khinh dễ, thành kiến, ghét ghen, kỳ thị… và họ cam chịu để con cháu được hưởng phúc lộc hôm nay. Ông bà tôi kể, lúc mới đến người ta ghê tởm họ vì lầm tưởng họ là những kẻ ăn giun (trùng). Thực ra họ ăn spaghetti một đặc sản của nước Ý, nổi tiếng bây giờ, nhưng lúc ấy còn rất nghèo, nên spaghetti có màu xám. Ngoài ra họ thường bị hiểu lầm về nhiều chuyện khác do ngôn ngữ bất đồng. Về phần ông bà tôi thì cũng nhớ quê hương da diết bởi phải gánh chịu những nặng nhọc, khó khăn mới.

Vậy thì chúng ta hiểu tâm lý của dân tộc Israel trong bài đọc 1 hôm nay trích từ sách Xuất hành:”Trong sa mạc, dân chúng khát nước đã kêu trách ông Môsê rằng: ông đưa chúng tôi khỏi Ai cập để làm gì? Có phải để chúng tôi, con cái chúng tôi và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay sao?” Tuyển dân cũng đang trên đường di cư. Họ rời bỏ kiếp nô lệ ở Ai Cập, nơi mà tổ tiên họ đã cư ngụ 400 năm, để về đất hứa. 400 năm là thời gian dài, họ đã cắm rễ sâu vào mảnh đất ấy, quen thuộc với phong tục, tập quán, nếp sống củ hành củ tỏi Ai Cập. Lúc này phải bỏ lại tất cả để ra đi, thì thật là khó, rồi phải đương đầu với những gian nan nhọc nhằn mới ở đất lạ quê người, chiến đấu với thiên nhiên, thú dữ, thổ dân. Cho nên tâm lý bất an, chao đảo là điều không thể tránh được. Như xuất hành thuật lại: Tác giả dùng hai từ cụ thể làm bằng cớ: Massah : thử thách và Meriba: chịu đựng. Cuộc hành trình thật dài, thật gian khổ, thất bại và thất vọng triền miên. Sách kể tiếp: Họ nghi ngờ kêu lên : Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?

Chúng ta có thể đồng hóa với tuyển dân trong mùa chay này, khi mà hằng ngày cũng gặp những giây phút tương tự, hoàn cảnh tương tự, trên con đường thiêng liêng, với bao cám dỗ của đồng đạo, đồng bào và thế giới chung quanh. Chúng ta than: Ích chi những khổ chế trong khi thiên hạ ngày ngày yến tiệc linh đình, ích chi khó nghèo, khiêm nhường, vâng phục; trong khi nhung lụa ê hề, kiêu căng tự khẳng định khắp hang cùng ngõ hẻm: Ti vi, báo chí, xã hội, kinh tế, chính trị, giáo hội, nhà tu? Liệu tôi chịu đựng được bao lâu? Liệu Chúa còn ở với tôi không? Kết thúc rồi thế nào? Điều chi ở phía trước? Từ chối mình để làm chi? Tốt nhất là người ta sao mình vậy? Thử xem ai đã hơn ai? Trăm nghìn cám dỗ ở chân núi Horeb như tuyển dân vậy.

Hiểu thế để chúng ta thấy rằng muốn trung thành với ơn gọi chúng ta phải khao khát Chúa. Chúng ta cần đến Ngài từng giây từng phút. Chúng ta phải thay đổi não trạng thế tục để có thể tiếp tục đi tiếp con đường đã “trót chọn” theo tiếng Chúa gọi. Chúng ta luôn cảm nghiệm sa mạc trong cõi lòng mình, cho nên luôn cần nước trong lành của Ngài để giải khát, chứ đừng thắc mắc: Tôi vào nhà dòng để làm gì? Để rồi cố gắng thu tích sung sướng cho riêng mình.

Bởi lẽ, cứ như câu truyện hôm nay Chúa sai Môsê đập đá tảng cho chúng ta có nước uống. Chính từ những gian khổ hàng ngày, những vật lộn với các cám dỗ mà ơn thánh sẽ vọt ra làm đỡ cơn khát cho các môn đệ trung thành. Điều này không phải là khuyên nhủ ăn bánh vẽ. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ Samaritana ở giếng Giacóp là bằng chứng chân lý. Câu truyện dài và quá quen thuộc. Nhưng hoàn cảnh hơi khác thường. Cứ theo thói tục. Thì phân biệt giới tính thời Chúa Giêsu rất nặng nể trong các xã hội Palestine. Đàn bà, con gái, trẻ em lúc ấy chẳng có chút địa vị và nhân phẩm nào. Họ thuộc “sở hữu” của đàn ông. Luật lệ do đàn ông ban hành. Phụ nữ chỉ có bổn phận vâng theo mù quáng và tuyệt đối. Chỗ của họ là ở nhà, bếp núc, con cái. Chỗ của đàn ông là đồng ruộng, nơi công cộng, chợ búa và cổng làng. Giếng nước là chung nhưng khác thời gian: Buổi sáng và chiều, đàn bà con gái. Đàn ông, các lúc còn lại. Nhưng người phụ nữ hôm nay ở giữa trưa vắng vẻ. Các chú giải bảo rằng vì chị ta nổi tiếng xấu, nên tránh đàm tiếu của dân làng. Không hiểu thực hư thế nào. Nhưng rõ ràng câu chuyện chỉ xẩy ra giữa hai người: Một, đàn ông Do thái, kẻ thù của dân tộc Samaritanô. Hai, phụ nữ trắc nết, thuộc cư dân rối đạo.

Chắc quí vị đoán ra ngụ ý của Gioan: Ông muốn đưa vào Tin mừng một cuộc cách mạng : xã hội, tôn giáo và chủng tộc. Một con đường tinh thần hoàn toàn mới: Xóa bỏ mọi ranh giới ngăn cách. Khơi dây trong lòng người ta nội lực vô tận. Xin đọc kỹ Phúc âm. Tác giả John P. Pilch đếm được 7 lần Đức Giêsu cất tiếng nói và 7 lần người phụ nữ ngỏ lời. Đó là điều mới lạ trong cộng đồng Gioan, nơi chỉ có đàn ông được phép nói. Người ta miệt thị phụ nữ, coi họ như nô lệ. Ngày nay cũng vẫn vậy, mặc dù lý thuyết có đổi khác.

Chính các tông đồ đi chợ về chứng kiến quang cảnh cũng lấy làm gương mù. Rồi thì chị ta lại dám đi vào thành loan tin cuộc trò truyện của mình với một đàn ông lạ mặt. Đúng là Đức Kitô đang thực hiện một cuộc “tạo dựng” mới. Tạo dựng bình đẳng giữa người và người tại một nơi rất tầm thường “giếng nước”. Nhưng ý nghĩa thật là sâu sắc. Giống như Thiên Chúa ngày thứ nhất dựng nên ánh sáng. Đức Giêsu cũng kéo người phụ nữ ra khỏi tối tăm của tâm hồn, khỏi nếp sống sa đọa của chị, ban cho chị dần dần ý thức được tình trạng nô lệ của mình và căn cước của người nói chuyện với chị. Thoạt đầu, chị gọi Ngài là dân Do thái, sau đó tiến lên Đấng tiên tri, rồi Đấng thiên sai, cuối cùng Cứu Chúa của thế gian. Thì ra chị đã hiểu Đức Giêsu hơn ai hết trong giai đoạn này.

Phần Đức Kitô lại còn sâu sắc hơn. Ngài tế nhị xin nước của chị, rồi dần dần dẫn chị đến lòng khao khát “nước” Ngài ban cho chị, nước ấy vọt ra từ tâm hồn chị vươn đến sự sống muôn đời. Đó là nội lực của mỗi linh hồn. Ngôn ngữ võ nghệ gọi là thế công. Chúng ta nên suy nghĩ sâu xa hơn về biến cố này và áp dụng cho linh hồn mình. Kẻo cứ vô tâm chạy theo thế gian mãi.

Riêng đối với những ai làm việc truyền giáo, cũng nên học nơi bài đọc 3 hôm nay nghệ thuật thu hút linh hồn người ta. Không bằng tiền tài, danh vọng hoặc cưỡng chế thuyết phục, học thức hào nhoáng. Nhưng bằng kỹ thuật của Đức Kitô. Kỹ thuật đó cũng là “nội lực” của linh hồn Ngài, rồi tiếp đến xin người ta cho nước ưống, tức tài năng trí tuệ hiện trạng mà họ đang có, rồi dẫn đến sự thiếu thốn trong con người họ. Từ đấy nảy sinh lòng khao khát sự thật. Đức Kitô không dùng áp lực để tiến vào tâm hồn chị phụ nữ. Nếu như Ngài làm như vậy chị sẽ lập tức đóng cửa linh hồn chị lại, chứ không mở toang ra cho Ngài. Đây là sự khác biệt to lớn giữa những người tự nhận là thông thái, là độc quyền chân lý và Đức Giêsu, nhà truyền giáo thật sự và vĩ đại. Ngài khơi đầu câu chuyện bằng cách bày tỏ “nhu cầu” của mình: Ngài đang khát khao linh hồn người đối diện. Chị liền mở lòng ra ban tặng “nước” cho Ngài. Câu truyện tiến hành hết sức tự nhiên. Người đàn bà từ từ nhận ra “nhu cầu” của mình và tình nguyện xin “nước hằng sống”. Xin tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng lạ lùng thay Chúa bảo chị “nước” đó đang nằm sẵn trong trái tim chị. Chị chỉ cần khơi dậy và được uống thỏa thuê.

Than ôi, xưa nay chúng ta kiêu căng và ngu tối biết bao! Cho nên chẳng lạ gì thế giới vẫn đi trong đêm tối âm u. Bao nhiêu lần chúng ta rao giảng về Chúa, khoe mình là thông thạo về Ngài. Nhưng kỳ thực chưa bao giờ được gặp Ngài. Vì nếu gặp thì đã nên giống chị đàn bà Samaritana hôm nay. Vội vàng chạy vào thành báo tin và cả thành ùa ra đón Chúa và mời Chúa ở lại với chúng ta. Phúc âm kể rằng Ngài đã ở lại đó hai ngày. Sau cùng họ nói với chị: không phải vì lời chị mà chúng tôi tin. Chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người là Đấng cứu độ trần gian.

Chúng ta dâng cho Chúa phần nhỏ nhất mình có, phần còn lại dành cho vinh quang mình. Ăn chay, đánh tội, khổ chế cũng vậy thôi, chứ chưa nói đến việc dung dưỡng xác thịt. Chúng ta quên rằng hy sinh cho Chúa, sẽ nhận lại gấp trăm. Ở Cana, Chúa xin mấy người phục vụ đổ nước lã đầy các chum và kết quả là 6,7 trăm lít rượu ngon. Trên núi, em bé cho Ngài năm cái bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ, vậy mà hàng vạn người ăn no nê. Hôm nay chị đàn bà cho Ngài uống chút nước và chị được nguồn suối tình yêu vọt lên đến sự sống muôn đời. Chúng ta nghĩ sao về mùa chay này, hy sinh cho Chúa hay tiếp tục gấm vóc lụa là, ngày ngày yến tiệc linh đình. Cái đó tùy lòng đạo đức mỗi người. Amen.

Chuyển ý Lm Thomas Túy OP
Lm Jude Siciliano OP