Chúa Nhật 5 Mùa Chay Năm A



Ðọc Tin Mừng Ga 11, 1-45

1 Có một người bị đau nặng, tên là Ladarô, quê ở Bêtania, làng của hai chị em cô Macta và Maria. 2 Cô Maria là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh Ladarô, người bị đau nặng, là em của cô. 3 Hai cô cho người đến nói với Ðức Giêsu: "Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang đau nặng." 4 Nghe vậy, Ðức Giêsu bảo: "Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh."

5 Ðức Giêsu quý mến cô Macta, cùng hai người em là cô Maria và anh Ladarô. 6 Tuy nhiên, sau khi được tin anh Ladarô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. 7 Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: "Nào chúng ta cùng trở lại miền Giuđê!" 8 Các môn đệ nói: "Thưa Thầy, mới đây người Do thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao?" 9 Ðức Giêsu trả lời: "Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng của thế gian này. 10 Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!" 11 Người nói những lời này, sau đó Người lại bảo họ: "Ladarô, bạn của chúng ta đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây." 12 Các môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khỏe lại." 13 Ðức Giêsu nói về cái chết của anh Ladarô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. 14 Bấy giờ Người mới nói rõ: "Ladarô đã chết. 15 Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy." 16 Ông Tôma, gọi là Ðiđymô, nói với các bạn đồng môn: "Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!"

17 Khi đến nơi, Ðức Giêsu thấy anh Ladarô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. 18 Bêtania cách Giêrusalem không đầy ba cây số. 19 Nhiều người Do thái đến chia buồn với hai cô Macta và Maria, vì em các cô mới qua đời. 20 Vừa được tin Ðức Giêsu đến, cô Macta liền ra đón Người. Còn cô Maria thì ngồi ở nhà. 21 Cô Macta nói với Ðức Giêsu: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy." 23 Ðức Giêsu nói: "Em chị sẽ sống lại!" 24 Cô Macta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết." 25 Ðức Giêsu liền phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?" 27 Cô Macta đáp: "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng phải đến thế gian." 28 Nói xong, cô đi gọi em là Maria, và nói nhỏ: "Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!" 29 Nghe vậy, cô Maria vội đứng lên và đến với Ðức Giêsu. 30 Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Macta đã ra đón Người.

31 Những người Do thái đang ở trong nhà với cô Maria để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em. 32 Khi đến gần Ðức Giêsu, cô Maria vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết." 33 Thấy cô khóc, và những người Do thái đi với cô cũng khóc, Ðức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. 34 Người hỏi: "Các ngươi để xác anh ấy đâu?" Họ trả lời: "Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem." 35 Ðức Giêsu liền khóc. 36 Người Do thái mới nói: "Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!" 37 Có vài người trong nhóm họ nói: "Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?" 38 Ðức Giêsu lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. 39 Ðức Giêsu nói: "Ðem phiến đá này đi." Cô Macta là chị người chết liền nói: "Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày." 40 Ðức Giêsu bảo: "Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?" 41 Rồi Người ta đem phiến đá đi.

Ðức Giêsu ngước mắt lên và nói: "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. 42 Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con." 43 Nói xong, Người kêu lớn tiếng: "Anh Ladarô, hãy ra khỏi mồ!" 44 Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Ðức Giêsu bảo: "Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi!" 45 Trong số những người Do thái đến thăm cô Maria và được chứng kiến việc Ðức Giêsu làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.


Gợi ý để sống và chia sẻ Tin Mừng

Một lần kia đến thăm một trại nuôi dưỡng người già tàn tật và những người nghèo vô gia cư ở T. B, tôi có dịp hớt tóc cho một trại viên gần 40 tuổi. Khi biết tôi là sinh viên thường đi ngang qua khu vực gia đình anh hiện đang sống, anh liền kể cho tôi nghe về hoàn cảnh tuyệt vọng đáng thương của anh.

Lạy Chúa, tâm hồn này bị nhận xuống bùn đen,

theo Lời Ngài, xin cho con được sống (Tv 118,25)


Ðược sinh ra trong một gia đình gia giáo theo đạo Thiên Chúa, anh là con đầu lòng nên từ nhỏ đã được bố rất nghiêm khắc nhưng hết mực yêu thương cho đi học ở chủng viện. Ông hy vọng ngày nào đó, anh sẽ là niềm vinh dự cho gia đình. Nhưng trong lần về nhà nhân kỳ nghỉ hè lớp 10, anh đã theo bạn bè cùng xóm quậy phá. Việc ấy gây tai tiếng đến nỗi bố anh vì thất vọng và vì danh dự đối với bà con lối xóm, nên đã chửi mắng, đánh đập rồi đuổi anh đi. Thế là vì tự ái và thiếu suy nghĩ nên T. đã bỏ nhà ra đi, bất kể tới hậu quả ra sao. Từ đó đến nay đã hơn 20 năm, T. đã trải qua biết bao thăng trầm. Anh tự mưu sinh với đủ thứ việc, như bốc vác, phụ hồ, làm rẫy, làm ruộng... T. cũng làm quen với nhiều thói xấu trên đời mà một thanh niên không gia đình dễ dàng buông thả.

Hơn 20 năm bỏ nhà ra đi, cũng có những giây phút T. cảm thấy lòng anh trống vắng hướng về mái ấm gia đình và nhớ người bố ngày một già yếu. Ðã có những lần anh quyết tâm dẹp bỏ tự ái để trở về, nhưng lần nào cũng gặp thất bại vì anh không được bố chấp nhận. Cụ thể lần chót cách đây chừng 6 năm, anh đã xin bố tha thứ và cho phép ở lại gia đình nhưng anh hoàn toàn tuyệt vọng vì ao ước của anh không được đáp ứng, cho nên anh đã thở dài và nói: "Bây giờ chỉ biết chôn cuộc đời trong cái trại phức tạp này!"

Ðược gợi nhớ về dụ ngôn "Người cha nhân hậu", anh T. đã phản ứng: "Ước gì bố mình cũng được như người cha đó! Nhưng bây giờ thì hết còn hy vọng nữa!".

Tôi lại mò mẫm nói với T. về chữ "Hiếu": Cho dầu bố anh là người thế nào đi nữa thì cũng là người đã sinh thành và dưỡng nuôi anh để anh có ngày nay. Cho nên anh phải kiên trì nhắm tới việc hòa giải với bố và với gia đình thay vì thất vọng trong niềm oán trách gia đình. Xem ra T. được đánh động, cố nén cảm xúc. Với đôi mắt đỏ hoe, anh nói: "Mình nghĩ mình là con trai lớn, mấy đứa em lập gia đình hết rồi, để ông già lớn tuổi mà không ai chăm sóc, mình áy náy lắm chứ. Nhưng ông khó lắm, người Bắc mà!"

Rõ ràng tình cảm T. dành cho gia đình còn đó, không phải không có sức mạnh. Tôi liền đoan chắc với T.: "Cũng như anh, bố anh không thể nào quên anh được vì anh đã từng là người con được ông yêu thương và kỳ vọng. Rồi sẽ có lúc chính ông sẽ hối hận và cần sự có mặt của anh, đó là lúc ông sẽ tha thứ cho anh. T. liền nói: "Mình không cần bố cho phép ở lại nhà, mà chỉ cần ông tha thứ và cho phép đôi ba tháng về thăm ông một lần là mãn nguyện rồi."

Sau vài giây trầm tư, đột nhiên T. ngước nhìn tôi, khiến tôi phải dừng tay kéo. Trong mắt anh, tôi thấy anh đang hy vọng. Và quả thật, anh nói cho tôi nghe về điều đó khi nhờ tôi làm người trung gian, thỉnh thoảng ghé nhà nói chuyện với bố anh, để ông tin rằng hiện nay anh thật sự hối hận về lầm lỗi trước kia, cũng như thực sự anh thương nhớ ông và muốn được thăm nom mà không cần phải ở lại gia đình. Anh còn nói: "Bây giờ không có gì gởi cho ông hết, nhưng bắt đầu từ hôm nay, mình sẽ gom góp quà do các phái đoàn đến viếng thăm trại cho, để làm quà thăm nhờ anh chuyển giùm."

Con kể lể đường đời, Chúa đáp lại (Tv 118,26)

Tôi nhận ra sự sống mới nơi T. Lòng anh tràn đầy hy vọng thay vì thất vọng. Không chỉ một mình anh, cả gia đình đều nghiệm thấy một biến chuyển giây chuyền.

Trước tiên là ba đứa em trai và ba em dâu tới thăm T. ở trại. Anh khoe với tôi: "Mình chỉ biết là rất hạnh phúc vì có lại được tình cảm của gia đình."

Sau đó vài tuần, cũng dịp tới thăm trại, tôi được anh khoe rằng bố anh đã tới thăm anh. Ông cụ khóc quá sức. Cả hai bố con cùng an ủi nhau trong nước mắt, đó là lúc anh nghiệm thấy tình cha con nồng nàn mãnh liệt từng bị tắc nghẽn suốt 20 năm qua.

Nhưng tình cảm mà T. cảm thấy mãnh liệt hơn cả là khi người em trai lên chở anh về thăm gia đình. Cả nhà làm một bữa tiệc nhỏ quây quần bên nhau. Bố và các em đều an ủi và khuyến khích anh cố giắng ở lại trong trại một thời gian. Gia đình sẽ thu xếp, kiếm được việc làm, sẽ đón anh về nhà luôn. Vì dù sao, anh cũng vẫn là con, là người anh cùng chung máu mủ, thì làm sao bỏ nhau được!

Ðường chân lý, này con đã chọn (Tv 118,30)

Ðiều lạ lùng là hôm đó, trước khi từ giã gia đình để trở về trại, chính anh T. đứng ra khuyên bố cùng mẹ kế của anh hiện đang sống ly thân trong cùng một căn nhà mà ngăn đôi, chỉ vì xích mích giữa con chung, con riêng, nên anh xin các ngài nên bỏ qua tất cả để làm hoà, vì tuổi đã già, nên lo phần tinh thần là hơn cả. Anh cho rằng xích mích xảy ra chỉ vì mấy đứa em còn nhỏ, chưa suy nghĩ chín chắn, khiến có lời ra tiếng vào làm mất lòng. Phần anh vẫn coi mẹ kế như mẹ ruột của mình. Anh xin mẹ tha thứ cho anh và cho những đứa em đã gân nên bất hoà trong gia đình nay cần được hàn gắn, đó là ước mong của anh trước khi ra đi. Bố và các em dặn anh: "Cần điều gì cứ nhắn về nhà!" Còn mẹ kế đã cho anh 50,000đ, một chai dầu xanh, và vừa khóc vừa khuyên anh tu tỉnh "nhất là nhớ đọc kinh cầu nguyện mỗi ngày!"

Câu chuyện vừa kể liên quan tới phép lạ

Ðức Giêsu cho ông Ladarô sống lại như thế nào?


Ladarô là em của hai chị em Mácta và Maria. Cả ba được Ðức Giêsu thương mến. Gia đình họ ở làng Bêtania, cách Giêrusalem chừng 2 dặm. Khi Ladarô đau nặng, hai chị em nhắn tin cho Ðức Giêsu hay, nhưng Ðức Giêsu đã không vội vàng lên đường. Khi tới Bêtania, Ðức Giêsu được đặt trước cảnh than khóc của hai chị em và những người thân, vì Ladarô đã chết và đã được chôn trong mộ bốn ngày rồi. Ðó là lúc Ðức Giêsu tuyên bố bản thân Người chính là sự sống lại và là sự sống (c.25). Rồi Ðức Giêsu đi đến mộ và gọi Ladarô bước ra khỏi đó, với các băng vải còn cuốn đầy mình.

Câu chuyện được kể cũng nói tới một chàng thanh niên được Ðức Giêsu thương mến nhờ chàng sinh viên tới hớt tóc cho anh. Sinh viên này đã vận dụng lời Chúa Giêsu trong dụ ngôn Người cha nhân hậu (Lc 15,11-32) và chữ hiếu (giới răn thứ tư) để thức tỉnh lương tâm của trại viên T. Lạ lùng thay, trại viên T. nhờ đó được hoà giải với bố và gia đình anh. Cách nào đó, anh như Ladarô đã chết được Chúa cho sống lại.


Một số câu hỏi gợi ý

1. Nghe câu chuyện người sinh viên kể về trại viên T., bạn tâm đắc về điều gì nhất: Ðức Giêsu vẫn thương mến trại viên T. mặc dầu 20 năm đi bụi? Người thương mến cả người bố và mọi người trong gia đình ông? Anh sinh viên kể chuyện đúng là cánh tay nối dài của Chúa Giêsu Phục Sinh?

2. Chuyện vừa kể có thể năng xảy ra chăng? Với điều kiện người Kitô hữa ý thức mình là cánh tay nối dài của Chúa Phục Sinh?

Linh Mục Augustine, SJ