Dương Nguyệt Ánh


Tôi là người thù dai. Thù dai có cái xấu và có cái tốt. Tôi nghĩ thù dai cũng có điểm tốt. Thù dai để không quên những chuyện xấu người khác làm cho mình. Không thù dai thì làm sao Nguyễn Trãi nằm gai nếm mật suốt mười năm để trả thù nhà, để đền nợ xã tắc, giang sơn ?

Thù từ năm 1975 đến nay thì có dai thật.

Năm 1975, với đợt tị nạn đầu tiên đến Mỹ, tờ Newsweek đăng một bài viết của Shana Alexander về những người Việt được đưa sang Mỹ tị nạn. Người đàn bà này lo ngại là những người Việt Nam tị nạn chưa biết sử dụng cái máy giặt, cái máy sấy, không biết Michaelangelo là ai, thì làm sao sống được ở Mỹ.

Ðó là những câu nhục mạ những người Việt quá nặng.

Nhưng chuyện không biết dùng cái máy giặt thì cũng dễ hiểu. Kìa, như thái tử Naruhito của hoàng gia Nhật, mãi đến khi sang học tại Merton College ở Oxford, ông hoàng tử này mới biết dùng cái máy giặt để khoe nhắng lên. Vậy thì dùng cái máy giặt không phải là chuyện đáng kiêu hãnh. Không biết dùng cái máy giặt thì cũng không phải là điều xấu xa gì như bài báo ngu xuẩn của Shana Alexander đã úp mở.

Từ đó, năm nào, cứ đến tháng Tư là tôi lại nhớ đến bài báo của Shana Alexander, và cứ nghĩ đến những câu nhục mạ ấy là lại run người lên vì giận.

Nhưng người Pháp vẫn nói là trả thù cũng như thức ăn nguội, ăn lạnh mới ngon. Shana Alexander nghỉ viết từ lâu, không biết đang ở đâu để rảnh rang kiếm nàng, mời nàng đi đến thăm vài ba đại học Mỹ, ghé lại Little Saigon chơi cho bỏ những ngày cơ cực và để cho nàng thấy tận mắt những người nàng khinh bỉ ấy đã sống như thế nào.

Ðó là cách trả thù vậy.

Nhưng chưa bao giờ tôi thấy hả dạ được như cuối tuần qua, khi nhận được tờ Newsweek, tờ báo 32 năm trước từng đăng bài báo của Shana Alexander, tôi đọc được bài viết của George Will trong mục The Last Word ở trang 84 số báo đề ngày 17 tháng 12 năm 2007 .

George Will dùng nguyên một trang để nói về đóng góp của một người Việt Nam, một phụ nữ Việt, một trong những người Việt lếch thếch kéo nhau sang Mỹ và bị Shana Alexander đem ra nhục mạ trong bài báo.

Tôi có thể nói là chưa bao giờ tôi đọc được một bài báo viết về một người khác như George Will đã viết.

Nếu bài báo ấy do một cây bút Việt Nam viết thì người đọc cũng dễ dàng coi đó là chuyện hai con mèo khen nhau có những cái đuôi dài.

Nhưng bài viết này là của George Will một trong những cây bút bình luận chính trị bảo thủ, lỗi lạc nhất của báo chí Mỹ, thì nó là một bài báo giá trị. Mười lần Shana Alexander cũng không thể bác được điều đó.

Bài báo của George Will viết về Dương Nguyệt Ánh, mẹ đẻ ra một loại bom mói tên là Thermobaric. Chương trình nghiên cứu được hạn cho ba năm để hoàn thành, nhưng chỉ sau 67 ngày, bà Ánh đã thành công , chế ra được loại bom mới để dùng cho mặt trận Afghanistan. Loại bom mới này công hiệu hơn tất cả các loại bom khác của thế giới. Bom ném vào hang đá ở Afghanistan không công phá ngay như các loại bom cũ, mà sức nóng và sức nổ của bom ở lại lâu, tiến sâu vào các hang hốc khiến khả năng công phá và hủy diệt của bom hơn hẳn mọi loại võ khí khác.

Nước Mỹ đã phải cám ơn bà Dương Nguyệt Ánh về loại võ khi mới này. Tờ Washington Post mới đây có viết một bài khá dài về bà Ánh nhân dịp bà được trao tặng một huy chương về những thành quả và đóng góp của bà cho nước Mỹ.

George Will kể lại cảnh bà tiến ra trước máy vi âm, không đọc một bài viết sẵn, mà ứng khẩu trước một cử tọa rất đông đảo smoking, nơ đen trang trọng. Bà Dương Nguyệt Ánh nói rằng 32 năm trước, bà tới nước Mỹ với tư cách một người tị nạn, hai bàn tay trắng và một túi hành trang đầy những ước mơ tan nát.

Nhưng nước Mỹ, với bà, là một thiên đàng, không phải vì vẻ đẹp và tài nguyên phong phú, mà vì người dân Mỹ vị tha, rộng lượng đã giúp gia đình của bà khi mới tới Nước Mỹ và giúp hàn gắn những thương tích trong tâm hồn, đem lại lòng tin vào con người và cảm hứng cho công việc của bà. Bà muốn tặng lại danh dự của tấm huân chương bà nhận được cho 58 ngàn người Mỹ đã tử trận tại Việt Nam và hơn 260 ngàn chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh để cho những người như bà có được cơ hội sống trong tự do. Bà xin Thượng đế ban phúc cho những người sẵn sàng chết cho tự do, và nhất là những người sẵn sàng chết cho tự do của những người khác. Bà cám ơn nước Mỹ.

George Will kết bài viết của ông bằng mấy câu này:

Cám ơn Dương Nguyệt Ánh. Xin cô hiểu là cô đã trả món nợ mà cô nói cô nợ của nước Mỹ, cô đã hoàn trả đầy đủ, không thiếu một chút nào. Cô đã trả hết món nợ đó, và luôn cả tiền lời nữa.

Tiền lời, là đóng góp rất lớn của Dương Nguyệt Ánh cho tự do và an ninh của nước Mỹ, quốc gia đã mở cửa đón gia đình của bà.

Shana Alexander ở đâu, có đọc bài báo này chưa ?


Bùi Bảo Trúc