CANH THỊT VÀ CON HƯƠU NHỎ




Ngụy Văn Hầu sai Nhạc Dương dẫn binh đi đánh nước Trung Sơn, lúc ấy con trai của Nhạc Dương đang ở nước Trung Sơn, vua nước Trung Sơn đang lúc cao hứng sai người đem con trai của Nhạc Dương nấu thành canh thịt và đem cho Nhạc Dương ăn, Nhạc Dương ở trong trại quân đem chén canh thịt ăn sạch.

Tin tức được chuyền qua nước Ngụy, Ngụy Văn hầu cảm thấy rất có lỗi với Nhạc Dương, Đồ Sư Tán thì kinh sợ nói: “Ngay cả thịt của con mà ông ta cũng ăn, thì còn thịt của ai mà không dám ăn chứ ?” Về sau, Nhạc Dương hủy diệt được nước Trung Sơn, Ngụy Văn vương tưởng thưởng công lao của ông ta, nhưng đối với ông ta thì lại sinh ra sự đề phòng rất cẩn thận.

Mạnh Tốn dẫn đầy tớ là Tần Tây Ba đi săn, bắt sống được một con hươu nhỏ và muốn Tần Tây Bá đem về trước. Hươu mẹ không muốn rời bỏ hươu con nên cứ đi theo Tần Tây Bá kêu khóc. Tần Tây Bá trong lòng chịu không nổi nên đem hươu con trả lại cho hươu mẹ. Mạnh Tốn thấy Tần Tây Bá không hoàn thành nhiệm vụ thì rất giận dữ, nên đuổi anh ta ra khỏi nhà.

Ba tháng sau, Mạnh Tốn lại sai xa phu đi rước Tần Tây Bá về làm thầy dạy cho con của ông ta, xa phu không hiểu tại sao ông ta truốc sau mâu thuẫn nhau, bèn hỏi ông ta nguyên nhân.

Mạnh Tốn trả lời: “Ngay cả một con hưu nhỏ mà Tần Tây Bá cũng không đành lòng làm hại, thì sao lại nhẩn tâm để con ta chịu khổ chứ ?”

(Hàn Phi tử: Thuyết lâm thượng)

Suy tư:

Nhạc Dương ăn bát canh thịt con mình là để bày tỏ lòng căm thù đối với vua nước Trung Sơn, đó là chuyện bất đắc dĩ, và là người có tâm hồn cứng rắn quyết liệt trung với nước; Tần Tây Ba không nở bắt hươu con về nhà khi hươu mẹ chạy theo chảy nước mắt, đó là người có lòng nhân, cả hai đều được chủ nhân kính phục, nhưng người ta thì luôn ưu ái người có lòng nhân và đề phòng người có lòng trung với nước.

Ai cũng yêu mến người có lòng nhân ái, bởi vì người có lòng nhân ái luôn đem bình an và hạnh phúc đến cho người khác; ai cũng cảm phục người anh hùng có chí khí, nhưng những người anh hùng có chí khí thường làm cho các quan bất chính vô tài nghi kỵ đề phòng, bởi vì chí khí anh hùng thì luôn đối chọi với người bất tài, lòn cúi xiễm nịnh.

Làm người anh hùng có chí khí thì tốt, nhưng nếu người anh hùng chí khí mà có lòng nhân ái thì càng tốt hơn, bởi vì chính họ bên ngoài làm cho quân thù khiếp sợ, bên trong thì làm cho lòng người an vui tin tưởng.

Xây dựng hòa bình là ở đó vậy.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.