Đàng sau những bài hát !

Tháng 8 vừa qua, ở Houston, Texas, Đài VOVN Radio có tổ chức "Kỷ Niệm 10 năm Thành Lập Đài". Ban tổ chức đã thực hiện luôn một buổi nhạc "Thính Phòng" ( trên 1200 khán thính giả) để trình diễn những ca khúc của Thanh Trang, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên và Đăng Khánh ( thứ tự các tác giả trong chương trình là như thế ). Cũng nhân dịp đó, Đài thực hiện một tập "Kỷ Yếu" trong đó họ có yêu cầu tôi viết một bài gì đấy, đề tài tự do. Họ cho tôi cái hạn là hai ngày, bởi đến giờ phút chót thì các vị ấy mới quyết định làm tập "Kỷ Yếu" ! Tôi nhận được cái e-mail yêu cầu như thế thì gặp lúc đang ở sở làm ! Sẵn cái PC nơi bàn giấy, tôi ngẫm nghĩ một chặp và "gõ" liên tục trong khoảng gần một tiếng đồng hồ. Xong rồi, xem qua loa lại bài viết, gửi đi Houston.
Nhân cái vụ bài hát "Torna a Surriento" này, vì nhận thấy là hai bài viết đó của tôi đều cùng một "nội dung đề tài", cùng một mạch suy nghĩ (bài "Surriento" mới viết nên tôi đưa vào đây luôn, hy vọng là để cho đề tài thêm phong phú và bạn đọc mua vui thêm được một trống canh !

Khi nghe một nhạc khúc hay một bài hát mà một người cho là từ hay cho đến “thật là hay” thì phản ứng thông thường của người ta là như thế nào ? Có thể xác định ngay và không sợ sai lầm cho lắm: phản ứng đầu tiên, thực ra thì hầu như đối với bất cứ một người bình thường nào cũng vậy , là thuần túy về mặt cảm xúc ! Thích thú ! “Đã tai “ ! “Sao nó hợp mới tâm tư tình cảm của mình đến như thế !” Ở cái mức cao nhất thì:” Ôi ! Nghe mà tưởng chừng như tác giả người ta viết bài hát ấy là cho riêng chính mình đây “!

Ai viết đuợc một bài Thơ hay một bài hát mà đuợc chừng vài ba nghìn người trong số quảng đại quần chúng người ta đánh giá tác phẩm của mình như thế thì tưởng cũng có thể yên tâm tự coi mình như đã thành công tốt đẹp ! Đối với những tác phẩm đuợc cả trăm nghìn người đổ lên người ta yêu chuộng thì tất nhiên khỏi cần phải nói, tuy có điều này tưởng cũng cần đuợc nêu lên : một tác phẩm mà đuợc chừng vài nghìn người tán thưởng thì nếu sau khi thống kê cho kỹ, thấy có thêm vài chục nghìn người nữa người ta tán thưởng thì cũng là cái lẽ bình thường ! Có thể mượn ý Thiền Sư Vạn Hạnh khi xưa để nói : “Hay thì hay tự mảy may, không thì để đến vạn ngày cũng không “ ! Một tác phẩm trong lĩnh vực Văn Học Nghệ Thuật hình như không giống như dung nhan của một con người . Nói đến hai chữ “dung nhan” thì tạm cứ coi như ta ví dụ với ngọai hình của một phụ nữ, một cô gái, cho nó tiện ! Con người ta có thể “trông đuợc”,”dễ coi”, “đẹp”, “tuyệt đẹp” ..! Nhưng rồi khi đánh giá tổng quát về con người ấy thì chữ “đẹp” nói chung lại không chỉ hàm ngụ khía cạnh ngọai hình ! Còn chán vạn thứ làm nên cái “đẹp” nơi con người . Vẫn cứ tạm giả định là ta đang đề cập đến một người con gái, một phụ nữ !

Một bài Thơ hay một bài hát thì thừơng lại không đuợc đánh giá với nhiều nhân tố cộng hưởng như vậy ! Và đấy cũng là cái khó cho những ai muốn đóng góp những cái đẹp cho đời trong lĩnh vực Thi Ca hoặc âm nhạc ! Sở dĩ người viết ở đây cứ cho hai chữ Thơ và Nhạc đi liền với nhau là bởi chúng có những sắc thái gần gụi với nhau hơn cả trong tất cả các bộ môn nghệ thuật . Cái khó nơi một bài Thơ hay một bài hát là làm sao cho nó “hay” ! Nhưng ai xác định là nó hay hay nó không hay ? Tác giả thì tất nhiên có nghĩ rằng cái mình làm ra phải hay thì mình mới làm ! Có điều là làm ra rồi thì lại phải có người người ta chịu đọc và người người ta chịu nghe ! (Người viết ở đây chỉ tin vào công thức “Tôi làm ra là để cho riêng tôi” trong trường hợp không một người thứ hai nào ngòai tác giả được biết đến tác phẩm) . Rốt cuộc thì còn lại tiêu chuẩn xét theo kiểu mà người Mỹ người ta quen gọi là “rule of thumb” , tức là một phương thức để đánh giá sự vật sự việc một cách phổ quát , khi thì rất chính xác, khi thì mức độ chính xác còn tùy thuộc nhiều nhân tố khác nữa ! Đối với một bài Thơ hay một bài hát thì cách đánh giá phổ quát ấy là như sau: tác phẩm nào đuợc càng nhiều người yêu thích thì càng dễ đứng vững với sự thử thách nghiệt ngã của thời gian, mà điểm khởi phát của suốt diễn trình đó không thể nào khác hơn là cái hay của tác phẩm ngay từ khi nó ra đời ! (Một bài Thơ hay một bài hát mà nửa thế kỷ sau người đời mới phát hiện ra cái “hay” thì đối với người viết ở đây là họa hoằn !)

Và từ đấy ta lại trở lui với phản ứng của người thưởng ngọan như đã đuợc đề cập ở những dòng đầu trên đây ! Sau phản ứng về mặt cảm xúc khi tiếp nhận một tác phẩm thì phản ứng rất tự nhiên về mặt tâm lý ở chặng thứ hai là : “Sao lại có thể có người làm ra đuợc cái hay như thế nhỉ ?” Rồi : “Động lực nào dẫn đến một tác phẩm hay như thế ?” Những ngừơi viết một bài báo về một tác giả nào đấy, hoặc một biên tập viên có dịp phỏng vấn một tác giả nào đấy trong một chương trình phát thanh hay truyền hình thì trước sau gì cũng đến cái mục “tò mò” về “lai lịch” của một bài Thơ hay một bài hát nổi tiếng ! “Xin Ông/ Bà vui lòng cho biết trường hợp nào đã khiến Ông /Bà sáng tác nên” bài Thơ này hay một bài hát nọ ? Ở đây người viết xin nêu một số những kỷ niệm của riêng mình về mặt ấy.

Tôi rất yêu thích những bài hát khi xưa của Nhạc Sĩ Hòang Giác. Ông năm nay đã trên tám mươi và vẫn sinh sống ở Hà Nội từ trước và sau năm 54 cho đến giờ ! Nếu có ai tò mò hỏi xem tôi “đi vào âm nhạc qua ngả nào” chẳng hạn thì tôi có sẵn câu trả lời: “Năm lên sáu tôi đã thuộc lòng bài “Mơ Hoa” của Hòang Giác !” Ít năm sau đấy thì tôi lại bắt đầu làm quen với giai điệu cùng lời hát nơi những bài khác của ông như “Lỡ cung đàn”, “Khúc hát thương binh”, “Ngày về”, “Hương lúa đồng quê”, “Anh sẽ về”, “Quê hương”, “Bóng ngày qua” . Lớn lên, có dịp học đàn , học nhạc, những lúc –rất thường xuyên- đàn và hát hai bài “Mơ Hoa” và “Lỡ cung đàn” thì tôi cứ xem kỹ cách ông ấy xử dụng các giai điệu đẹp đẽ cùng lời hát giản dị nhưng đẹp không kém. Lời và nhạc nơi những bài hát của ông đi đôi với nhau không chút gò ép hay gượng gạo. Những bài hát của Hòang Giác không bao giờ ngả về cái bi lụy ! Bao giờ cũng có tình người thật rộng lớn, và bao trùm lên tất cả là tình tự với quê hương, làng mạc ! Và xưa kia cái ý tò mò lởn vởn trong đầu tôi luôn luôn vẫn là : “Sao ông ấy làm đuợc những bài hát đẹp như thế nhỉ ?” Phải đợi đến hơn năm mươi năm sau, khi có cái “video” nhạc sản xuất ở bên Việt Nam với một số bài hát của Hòang Giác thì tôi mới có dịp đuợc nghe từ chính miệng tác giả nói về “lai lịch” hai bài “Mơ Hoa” và “Lỡ cung đàn “ ! Về bài “Mơ Hoa”, theo như ông kể thì : Hồi ấy ông còn trẻ, mới bắt đầu sáng tác, nhà ở Hà Nội, hàng ngày thấy một cô gái sáng sáng gánh hoa đi ngang nhà để đem hoa ra chợ bán. Thế là ông có hứng để viết nên bài “Mơ Hoa”, mà “tất nhiên là trong lòng cũng có ấp ủ một hình bóng “, lời của chính ông ! Thế mới biết giữa cái mà tôi từng tưởng tượng ra là nó khác xa như thế nào so với “lai lịch” của bài hát do chính tác giả nói ra ! Xưa kia khi nghe bài “Mơ Hoa” thì tôi cứ hình dung ra cảnh người nhạc sĩ một ngày đẹp giời nào đấy đi trên con đuờng quê, qua một khu vườn hoa của ai đấy, buổi chiều có nắng vàng, có gió lộng kiểu như trong Thơ của Xuân Diệu:”Con đuờng nho nhỏ gió xiêu xiêu, la lả cành ngoan nắng trở chiều..” Và rồi người nhạc sĩ thấy thấp thóang bóng dáng một thiếu nữ .. Và tôi cũng cứ nghĩ là bài hát có liên quan gần xa gì đấy đến bài “Cô hái Mơ” của Nguyễn Bính ! Té ra là không phải ! Còn về bài “Lỡ cung đàn” thì ông Hòang Giác ông ấy nói như thế này: Ngày ấy ông với một người đã đính ước để tính chuyện chung thân đại sự với nhau ! Thế rồi vì hòan cảnh, người thiếu nữ đó bỏ vào Nam . Ông kết luận: “Từ ấy, cứ mỗi lần nghĩ đến hai chữ “cung đàn” là trong tôi lại hiện lên thêm một chữ “lỡ “ ! Chả trách bài hát lại thiết tha nhưng cũng lại chứa đựng một nỗi ngậm ngùi đằm thắm đến như thế ! Mà tự tác giả không nói ra như vậy thì có trời mà biết !

Lại nói về một bài hát nổi tiếng khác của thời “Tiền chiến” ! Bài “Em đến thăm anh một chiều mưa “ ! Thuở niên thiếu khi nghe bài này thì tôi cứ hình dung người con gái trong bài hát như là một cô Loan nào đấy đến thăm một chàng Dũng nào đấy ,kiểu như trong truyện “Đôi bạn” của Nhất Linh, tuy lại là vào một buổi chiều mưa ! Phi Hùng là người họa sĩ vẽ bìa cho bài hát do “Tinh Hoa Miền Nam” xuất bản mà khi xưa tôi có ! Thời ấy người ta còn in bìa nhạc theo dạng “típ-pô”, một màu, và ông Phi Hùng xử dụng màu “lạnh”, xanh dương, đậm nhạt tùy theo nét vẽ . Người thiếu nữ trong tranh bìa mặc áo dài, một tay xăn vén vạt áo cùng gấu quần, một tay cầm vành nón nghiêng nghiêng để che mưa ! Dáng dấp đặc biệt Hà Nội, đặc biệt Việt Nam như trong phong cách vẽ của Phi Hùng thời ấy trên cả trăm bài hát ! Nhưng cũng lại mấy năm trước đây, tác giả Tô Vũ của bài hát đã viết về “lai lịch” của bài “Em đến thăm anh một chiều mưa “ như sau:” Hồi ấy đang ở chiến khu Việt Bắc . Ông Tô Vũ cùng một số anh em trong nhóm văn nghệ đang trú đóng trong một vùng rừng núi . Một ngày, có một tóan năm sáu cô trên đuờng công tác đã ghé qua cái “lán” nơi ông ta ở ! Sau đó họ ra đi . Vào lúc xế chiều thì tự dưng trời đổ cơn mưa và một cô trong nhóm lúc nãy quay lại chỗ “lán” của ông ! Hai bên vừa chờ mưa tạnh vừa chuyện vãn với nhau . Và sau đó ông viết bài “Em đến thăm anh một chiều mưa” ! Tưởng không còn có thể xa hơn so với những gì tôi từng hình dung khi nghe bài hát ấy !

Một trong những bài hát của Trịnh Công Sơn mà những năm cuối của thời còn là sinh viên tôi rất thích là bài “Mưa hồng” . Trịnh Công Sơn khi viết lời ca thì , như mọi người vẫn dễ nhận thấy, ngôn từ ông xử dụng mang tình ẩn dụ cũng như biểu tượng là phổ biến, khi ông viêt những bài theo diện “Tình khúc” hoặc ” Tự tình khúc” ( điển hình là bài “Phôi pha” ) . Ngày trước khi nghe mấy câu đầu của bài “mưa hồng” : “Trời ươm nắng cho mây hồng, mây bay qua em nghiêng sầu, còn mưa xuống như hồm nào em đến thăm, mây âm thầm mang giò lên ..“ thì tôi nghĩ : “ À ! Mưa bóng mây ! Có tí nắng , có tí mây, mây phản chiếu sắc hồng của nắng, hạt mưa rơi xuống thì cũng hồng hồng ! Cái ý như vậy thì cũng đã là đẹp và “Thơ” lắm rồi “! Năm 1970, tôi đi dự một buổi dạ hội tất niên tổ chức ở Sứ Quán Việt Nam Cộng Hòa tại Washington DC . Khánh Ly hát bài “Mưa hồng” . Người giới thiệu chương trình phiên dịch tựa đề bài hát cho quan khách người Hoa kỳ: “Rain of roses” ! Nghe qua tôi thấy có cái gì đó khả nghi ! Có phải bài Thánh Ca kể việc Đức Bà Maria hiện ra ở Lourdes đâu mà có “mưa (hoa) hồng “ ? Tôi ngồi cạnh hai tay bạn là đệ Nhất và đệ Tam Tham Vụ của Tòa Đại Sứ và nói nguyên văn như thế , rồi cùng cười với nhau ! Cách đây mấy năm, có người gốc Huế nhắc lại việc Trịnh Công Sơn nói về “lai lịch” của bài hát ấy : Một hôm, ở Huế, ông tình cờ đi ngang qua trường Đồng Khánh, vừa lúc một tóan nữ sinh áo dài phất phới đang lũ lượt buớc ra mặt đuờng thì từ hàng Phượng Vĩ trên cao cả nghìn cánh hoa theo cơn gió đổ xuống mặt đuờng, trên những tà áo phất phới; cả nghìn cánh Phương bay tản mạn trong không gian ! Và thế là có bài “Mưa Hồng” mà lúc nào nghe lại tôi cũng thầy thú vị như khi xưa tôi vẫn nghe, bởi bài hát gợi lại trong tôi một quãng đời! Ai nghe một bài hát mà chẳng ít nhiều gì đấy “sống lại” kỷ niệm của riêng mình ?
Cũng thời niên thíếu, tôi rất yêu thích những bài hát của cố nhạc sĩ Vũ Thành như “Nhặt cánh sao rơi”, “Nhớ bạn” . Tôi để ý thấy trong những bài hát của mình , ông Vũ Thành chả bao giờ dùng chữ “em” khi nói đến hình ảnh một người con gái . Chữ “em” hiếm hoi mà ông xử dụng thì lại để chỉ … Hà Nội, trong bài “Giấc mơ hồi hương” ! Có lần ngồi chuyện vãn với ông, tôi có nêu nhận xét ấy . Mẩu đối thọai như sau; (ông nói trước) :

- Cái bài “Nhặt cánh sao rơi “ ấy mà ..

- Dạ .. !

- Ngày ấy tôi có cô em họ. Chiều chiều hai anh em thường theo nhau ra bờ sông, ngồi trên bãi cát ven sông. Có lần, lúc đêm đã xuống, có một ánh sao đổi ngôi, tôi chỉ về hướng ấy và nói: “Người bên phương Tây họ bảo là khi thấy sao đổi ngôi, mình ước gì thì đuợc nấy “ ! Cô em của tôi nghe có vẻ tin tưởng lắm, nói: “Lần sau thấy sao đổi ngôi thì em sẽ ước! “ Tôi nói:”Ừ mà ước nhanh nhanh một chút , bởi sao rơi thì nó nhanh lắm !” Mấy hôm sau, cũng một buổi chiều như thế, hai anh em lại ngồi trên bờ cát ở ven sông,, và khi đêm vừa xuống thì chợt có ánh sao đổi ngôi ! Cô em tôi lúc ấy thần hồn nát thần tính, buột miệng nói cái câu mà hàng ngày cô vẫn nói với ông Bố: “Mời Thầy xơi cơm !”
Kể xong thì cả ông lẫn tôi đều cười. Ông cười không dòn rã như tôi bởi đối với ông thì đấy là kỷ niệm cũ kỹ, và cười khẽ xong mấy tiếng thì vẻ mặt ông lại lắng xuống ..

“..Tay trong tay, đôi lòng xao xuyến, ta cùng theo rõi ánh sao dời ngôi long lanh !..” Trong bài “Nhặt cánh sao rơi” có câu như thế ! Và ở đọan kết: “ Màn đêm xuống lạnh gió heo may về ! Màn đêm xuống trạnh nhớ bao lời thề ! Bạn còn lạc lòai phương Bắc sống trong thương đau, đêm sao canh dài , mộng thấy nhau ? ”

Tác giả không có kỷ niệm như ông đã kể thì lấy đâu ra bài “Nhặt cánh sao rơi “ ? Mà ai có yêu thích những bài hát của Vũ Thành, (ông viết chỉ dăm ba bài để lại với đời thôi), nhất là bài “Nhớ bạn”, thì nếu để ỹ sẽ thấy ngay là bóng dáng người thiếu nữ ông gọi bằng “bạn” trong những bài đó chẳng ai khác hơn là cái cô “Mời thầy xơi cơm” nọ !

Những lọai “điển tích “ như thế, nếu liệt kê ra cho bằng hết thì nhiều lắm ! Người viết ở đây chỉ muốn nêu một nhận xét vể mặt tương quan nhân quả giữa một bài hát đuợc nhiều người yêu thích và cái nguồn mạch dẫn đến bài hát ấy : Thường thì bao giờ cũng phải “có một cái gì đó rất thực” đối với người làm ra tác phẩm thuộc lọai “để đời” ! Sách vở hoặc cách nói thông dụng của con người ta khi đề cập đến nhân tố khởi đầu đó thì thường gọi đấy là “nguồn cảm hứng” ! Nó đi bên cạnh cái “tài” của nguời nghệ sĩ , và thường khi thì nó quan trọng còn hơn cả cái tài của người nghệ sĩ ! Thế nào là chữ “tài” theo đúng nghĩa của nó ? Nó như thế này: Một người thợ mộc khéo tay, chẳng hạn, nếu như hôm nay đóng một bộ bàn ghế thật đẹp, thì vài ngày hôm sau nữa cũng sẽ có khả năng đóng đuợc bộ bàn ghế không những đẹp như thế mà, với kinh nghiệm, thường lại còn đẹp hơn ! Một nhà Thơ hay một nhạc sĩ, dù có “tài nghề” đến đâu cũng khó đảm bảo chuyện đó ! Bởi đàng sau tác phẩm thuộc lọai kiệt tác thì bao giờ cũng phải có một “cái gì đấy” rất thực, rất có ý nghĩa đối với chính họ, nhưng lại độc lập với cái “tài” của người ta ! Không có cái nọ thì rất khó phát huy cái kia ! Ông thợ đóng bàn ghế khéo tay thì không mấy cần đến “cái nọ” !

Còn nhớ cách đây non bốn mươi năm, ngày tôi còn là sinh viên và có chân trong ban biên tập của một tờ Nhật Báo ở Sàigòn, có một anh nhà văn trẻ hàng ngày viết lọai truyện ngắn đăng làm nhiều kỳ ! Một hôm tôi nghe anh ấy nói với tôi là cái truyện hàng ngày của anh ấy đuợc nhiều độc giả họ thích lắm ! Tôi đang bận viết lách cho nên trả lời vu vơ :” Anh viết đuợc truyện hấp dẩn như vậy thì hẳn anh nhiều kinh nghiệm sống lắm nhỉ ?” Anh ta cười sảng khóai, nói:”Viết từ kinh nghiệm sống thì còn nói mà làm gì ! Đàng này từ không có cái gì mà làm ra đuợc một cái gì thì mới là hay chứ !” Tất nhiên là trong Văn Học Nghệ Thuật thì cũng vẫn có những “tác phẩm” kiểu như thế !


Thanh Trang

Nam Cali, mùa Hạ 2004