Góc Cũ Sài Gòn

Nhạc trữ tình, ru ngủ, ủy mị quá nhiều trong dòng văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Tuy không so sánh - xét nét - bỏ qua, nhưng vì tai đã quen với những Bốn Mùa của Vivaldi, Giao hưởng số 5 của Beethoven nên xưa nay tôi ít tập trung khi nghe nhạc Việt bởi thường bị giai điệu và lời viết chi phối -- Một thiếu sót có lý do và không chối cãi.

Một lần "Thưa chú mới qua..." rồi lẩn mất. Năm đó đám cưới anh tôi. Giờ tóc anh chị đã hoa râm, người thì vừa khuất. Mới chỉ ngoài 60, tôi nghĩ Ông ra đi khá sớm và đã sống thật trọn vẹn qua những ca khúc da vàng ( yellow-skinned songs).

Ðợi làm đôi chân đi quanh thế giới
để thấy con tim thế giới hẹp hòi
đợi nghe lương tâm con người trở lại
đợi đã héo mòn những sớm mai.

Khoảng 28 năm trước, lén nhà tôi đọc "Ðêm nghe tiếng đại bác" của Cô Nhã Ca. Ðọc bỏ đoạn, lật vội những trang có cảm tình trai gái ... nhưng cũng đủ cho tôi biết thương, biết tội, biết hoang mang - Những ngày cuối Saìgòn còn yên vui, để đánh tan những ám ảnh đó, tôi ngây thơ trấn an mình "ông trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho ... hoa"; vặn Tivi xem chương trình đố vui để học; hoặc đòi nhà đưa đi bơi ở hồ tắm Thảo Ðiền. Chút vui sót trong trí lúc đâu đâu cũng vẳng tiếng "...người chết hai lần, thịt da nát tan ...". Dễ sợ! Một tận cùng của diễn giải.

Không phải chuyện nhảm, tự tôi lớn trước tuổi vì hiểu rất sớm những rối loạn, phức tạp tâm lý của tuổi trẻ Việt Nam ảnh hưởng bởi chiến tranh. Chung quanh là những biến động không ngừng, Anh Cả xa nhà du học tiếp tin Cậu rớt máy bay. Hết nước mắt.
Thắc mắc, bất an nhưng khôg dám nói và Ông đã đến gần, nói giùm cho;

đợi chờ yêu thương trên cây thánh giá
đợi xóa sân si dưới bóng bồ đề
đợi con kên kên trên cành nhỏ lệ
đợi có tiếng cười trong nỗi lo ...
(Ðợi có một ngày)

Sàigòn của đêm màu hồng - Sàigòn có những bộ óc hoang tưởng, dài thân nhàn rỗi rất chịu khó luận bàn về máu từ những trang kiếm hiệp ở tận bên Trung Hoa -- Sàigòn chia ngõ ngách, vị trí từng quận phân biệt lớp sang hèn -- Sàigòn chất Huế của người nhạc sĩ trước hiện tình đất nước.
Rất Việt Nam, từ Ông, hơi thở nhạc nghẹn uất và nước mắt thơ rơi:

[... từng giọt máu anh trong rừng núi lở từng giọt máu mẹ bên khóm cải xanh
từng giọt máu cha trên đường đất đỏ quê hương bây giờ cỏ mọc xanh um
từng giọt máu em ươm vườn trái nhỏ từng giọt máu chị thơm lúa ngô ta ...]

Máu tim người nhạc sĩ sôi trên "Những giọt máu trổ bông". Viết 14 dòng, ông lập lại 17 lần từ "máu". Biển máu kinh hoàng trong nội chiến. Nhìn lại những năm mong mỏi hòa bình, nhà nhà cầu nguyện, người người xuống đường phản đối, phá rối trị an ... dù là ở bất cứ hình thức nào bắt buộc cũng phải có sự lập lại. Luật tự nhiên!
Ca khúc Da vàng đã là sự lập lại vì khát khao , khát vọng không đến cùng ngày .

Những lập lại đó trong Yellow-Skinned Songs tôi còn nhớ [ "Chưa mất niềm tin : dù hôm nay, dù hôm nay, dù hôm nay .... " ; Tình ca người mất trí : Tôi có, tôi muốn, tôi có, tôi gọi ..."; " Ðại bác ru đêm : đại bác đêm đêm, đại bác qua đây, hàng vạn tấn bom, hàng vạn tấn bom...."; " Cho một người nằm xuống : anh nằm xuống không có ai, anh nằm xuống bạn bè còn đó, anh nằm xuống không có ai , anh nằm xuống anh biết không anh..." ; " Em hãy đi cùng tôi: hãy đi cùng tôi , hãy thăm, hãy đi, hãy đi thăm, hãy nhớ ..." ] . Tôi bé nhỏ nên chỉ đại khái , lựa ra chút vậy .
Thực tế thì nhạc Trịnh Công Sơn đã đi sâu , qúa sâu vào lịch sử của dân tộc Việt Nam .
Ông trao cho , nhớ - thấm , và chiêm nghiệm cùng mỗi người cực điểm tàn khốc của tấn thảm kịch năm xưa . Không dừng trong hận thù và thở than thân phận , tâm hồn Ông rất bao dung . Từ tốn , Người nhạc sĩ " Cúi xuống thật gần" , nâng niu giấc mơ hiền hòa ;

[Cúi xuống cúi xuống thật gần cho trái tim dập dồn cho đam mê thay vào đổ nát quê hương
cúi xuống cúi xuống thật gần cho chiếc hôn ngọt nồng cho trăm năm ưu phiền phút chốc hư không ...]

Một thời người ta nghiêng đầu qua bên phải hay bên trái nhiều một chút , mắng nhiếc nhau , cao giọng hỏi , " .... Người nhạc sĩ này có tuyên truyền , có phản chiến , có .... thân A hơn B ? " . Tôi bây giờ cần biết nhiều vậy không ? Trả lời không ngại là " không !" . Vì bất chợt và không chỉ một lần , tôi đã được Ông nhắc nhớ :

"... Cây thu bóng dài và tôi thu bóng tôi ..."

Bóng đổ dài buổi sáng lúc mặt trời lên . Ðứng ngọ rồi thì bóng ta đâu ? Như Ông đã tự giải lòng qua câu hỏi " bóng thật hay người thật ? " ( Biết đâu nguồn cội ) .

Người đến và đi như chân chính và trinh bạch của văn nhân -- Vậy và vẫn vậy thôi ./.


Lê Vũ Thúy Ái , Canada
04/2001