Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần


281. Ngay từ năm 1974, Kinh Thánh đã được dịch ra 1.500 ngôn ngữ

Hãng tin Kipa, ngày 02.01.1974, đăng tin rằng Ban Liên Lạc của Pháp về Kinh Thánh cho biết hiện nay Kinh Thánh đã được dịch ra 1.500 ngôn ngữ, gồm 255 ngôn ngữ dịch trọn bộ Kinh Thánh, 346 ngôn ngữ dịch Tân Ước, 899 ngôn ngữ trích dịch Kinh Thánh.

282. Chúa Giêsu với Lời Chúa

Ai đọc Sách Thánh, ai đọc Lời Chúa, - ngay chỉ đọc một Lời Chúa mà thôi, - thì chính Đức Giêsu đang nói với họ rằng: "Chính Thánh Kinh làm chứng về Thầy” (Ga 5,39).

Chúa Giêsu là Lời trên hết mà Thiên Chúa nói với chúng ta sau khi đã nhiều lần nhiều cách, phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ (x.Dt 1,1 ).

Chính nhờ hướng về Đức Giêsu, mà các sách thánh Cựu-Ước có được đầy đủ ý nghĩa của mình: "Tất cả các Sách Thánh, chỉ là một Cuốn Sách Độc Nhất, và cuốn Sách Độc nhất nầy, là Đức Kitô ”(Hughes de Saint-Victor).

Trong thời kỳ giảng đạo, điều Chúa Giêsu lo lắng nhất, là làm sao cho người ta được nghe Lời Chúa, vì chỉ Lời Chúa mới làm cho người ta được sống đời đời, như lời Ngài phán: "Con người sống không phải bằng của ăn mà thôi, nhưng còn sống bằng Lời từ miệng Chúa phán ra" (Mt 4,4). Vì thế, sau khi rao giảng Lời Chúa chổ nầy xong, Chúa Giêsu liền đi đến chổ khác để rao giảng Lời Chúa. Nếu có nơi nào cầm giữ Ngài lại, thì Ngài từ chối: "Thầy còn phải đi rao giảng Tin Mừng cho nhiều nơi khác nữa" (Lc 4,43).

Trước khi về trời, Chúa Giêsu ra lệnh quan trọng nhất cho các tông đồ và môn đệ của Ngài: "Các con hãy đi khắp thế gian mà rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16.15).

283. Chúa Giêsu là Thầy dạy đặc biệt về Sách Thánh

Chúa Giêsu nói ai muốn hiểu Lời Chúa thì hãy đến với Ngài: "Ai nghe lời Cha mà muốn tìm hiểu lời ấy, thì hãy đến với tôi” (Ga 6,45).

Trước khi về trời, Chúa Giêsu dành nhiều thời giờ quý báu để dạy Thánh Kinh cho các môn đệ: "Rồi Người bảo: " Khi còn ở với các con, Thầy đã từng nói với các con rằng tất cả những gì Sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm". Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc 24,44-45).

Sau khi đã dạy hết mọi điều trong Thánh Kinh cho các môn đệ, Chúa Giêsu mới ra lệnh cho họ ra đi rao giảng Lời Chúa (x. Lc 24,47 ), và sau đó, Ngài mới an tâm bay về trời (x. Lc 24,51).

284. Mẹ tôi hoặc Chúa Giêsu Kitô phán xét tôi, tôi chọn ai?

Một giáo dân hỏi Đức Giám Mục Phanxicô Salêsiô một câu như sau:

- “Kính lạy Đức Cha, sau khi qua đời, Đức Cha muốn ai phán xét Đức Cha, Chúa Giêsu Kitô hay là mẹ của Đức Cha?”

Mặc đầu thương mẹ mình hết sức và hoàn toàn tin cậy vào mẹ mình, thánh Phanxicô Salêsiô trả lời ngay, không chút ngập ngừng:

- “Cha chọn Chúa Giêsu Kitô phán xét cha!”

285. Ba ý trong ba câu trả lời

Ba người thợ kia đang làm việc để xây cất một ngôi thánh đường.

Được hỏi anh đang làm gì, ba người thợ nầy trả lời ba cách khác nhau.

Người thợ thứ nhất trả lời: “Tôi đang đục đá.”

Người thợ thứ hai trả lời: “Tôi đang làm việc để kiếm tiền.”

Người thợ thứ ba trả lời: “Tôi đang làm Nhà Thờ.”

Ba người, tuy làm một việc như nhau, nhưng lại có ba ý khác nhau: ý người thợ thứ nhất nói đến sự cực nhọc mình phải chịu trong khi làm việc; ý người thợ thứ hai nhắm đến lợi nhuận mình sẽ lãnh được sau khi làm việc; còn ý người thợ thứ ba nói đến việc xây dựng Nhà Chúa, xây dựng Nhà Cầu Nguyện, xây dựng Nhà Thờ.

286. Gian phòng nầy chưa đầy đủ, còn thiếu một đồ vật.

Khi có dịp đến thăm một ngôi nhà giàu sang của hai vợ chồng cứ hằng ngày cải lộn nhau mãi, nhà chính trị Wintorsh liền đưa ra nhận xét như sau:

- “Nhà nầy đang thiếu một đồ đạc.”

Những người nghe, đều cải chính:

- “Nhà nầy giàu sang, nhà nầy đầy đủ cả, nhà nầy không thiếu một cái gì.”

Nhà chính trị Wintorsh liền xác quyết:

- “Nhà nầy thiếu một bàn quỳ để cầu nguyện.”

Câu trả lời nầy ngụ ý sâu xa: lý do mà hai vợ chồng trong ngôi nhà giàu sang nầy hằng ngày cứ cải lộn nhau mãi, là vì họ thiếu cầu nguyện chung với nhau.

287. “Hãy kêu cha giải tội trước, rồi mới kêu bác sĩ sau.”

Năm 1832, một cơn dịch tả nổi lên tại Paris, thủ đô nước Pháp, cướp đi sinh mạng rất nhiều người.

Lúc bấy giờ, đang còn là sinh viên, Frederic Ozanam ở trọ trong ngôi nhà của nhà bác học Ampère.

Phòng ngủ của nhà bác học ở trên lầu. Mỗi tối, trước khi lên giường ngủ, Ampère nhắc nhở Ozanam một câu như sau:

“ Bạn thân mến, nếu bệnh dịch tả tấn công tôi đêm nay, tôi sẽ dùng gậy mà khỏ khỏ nơi sàn nhà. Khi đó, tôi không xin bạn lên lầu giúp tôi đâu, nhưng tôi xin bạn hãy đi mời ngay tức khắc cha giải tội cho tôi, rồi sau đó mới đi kêu bác sĩ.”

288. Những em học sinh giáo lý nầy quá ngoan!

Một cô giáo lý viên kia dạy một lớp giáo lý cho các em tiểu học.

Vì có một việc rất cần, cô đi ra khỏi lớp dạy mà quên dặn các em phải làm gì.

Khi về lại, cô tưởng các em trong lớp sẽ lộn xộn lắm. Không ngờ, cô thấy lớp học im lặng và rất có trật tự. Cô rất bằng lòng với các em học sinh của mình, nhưng cô vẫn thắc mắc hỏi:

- “Tại sao không có cô trong lớp mà các em vẫn thinh lặng và có trật tự tuyệt vời như vậy?”

Một em gái nhỏ thưa:

- “Thưa chị, khi chị không thấy các em, thì Chúa vẫn thấy các em.”

289. Không gì dễ cho bằng phạm tội!

Để sống không phạm tội như một vị thánh, một trăm năm cũng khó đạt được. Nhưng để phạm tội như một người tội lỗi, chỉ cần một giây, một phút là đủ.

Ý thức được sự nguy hiểm nầy, những người đạo đức cũng như các vị thánh, mỗi sáng thức dậy, đều khiêm nhượng than thở với Chúa rằng:

- “Lạy Chúa, nếu ngày hôm nay Chúa không thương giúp con, con sẽ chối Chúa như Phêrô và bán Chúa như Giudà rất đễ!”

290. Người khôn là người đợi chết!

Một người kia đi du lịch qua nước Pháp. Ông đến bờ biển Côte d’Azur để nghỉ mát. Tại đây, ông bị tai nạn giao thông và chết tại chổ. Bộ giao thông của nước Pháp liền đặt nơi nầy một tấm bảng có ghi câu: “Nơi đây, một người đến nghỉ một ngày nhưng rồi phải ở lại đây luôn mãi.”

Thật đúng như lời thánh Bênađô cảnh cáo: “Sự chết đợi con mọi nơi, thì con cũng đợi nó mọi chốn. Như vậy, mới là người khôn.”

Như vậy, người khôn là người đợi chết!
LM Nguyễn Vinh Gioang