-
Moderator
DĐ - Đường Hẹp
Đường Hẹp
Trích donghanh.org
Có lần Đức Kitô bảo muốn hạnh phúc hãy đi con đường hẹp. Đường thênh thang chỉ dẫn đến hư đi. Rồi từ đó, người ta bảo muốn theo Đức Kitô phải đi con đường gian khổ. Có người đơn giản cho rằng theo Chúa thì phải khổ. Từ đó có nhiều cái nhìn về những con đường.
Trải qua nhiều năm tháng mù mịt. Hai nghìn năm quá xa. Không biết ngày đó câu chuyện xảy thế nào. Chúa thật sự nói gì về những con đường?
Kho tàng tu đức nhà Phật có kể câu chuyện thế này.
Trải qua bao thời kỳ, cứ đến giờ tụng kinh, người ta trói một con mèo. Ngày qua ngày, tháng qua tháng. Không biết bao đời tiếp bao đời, cứ đến giờ tụng kinh, có một con mèo bị trói. Nó trở thành một nghi thức không thể thiếu trong các cuộc lễ của chùa. Đến một ngày nọ, có vị sư trẻ đến chùa, thấy sao kỳ cục quá. Nhà sư tìm về lịch sử tại sao có nghi lễ kỳ quặc thế.
Nhà sư khám phá ra. Ngày xửa ngày xưa, chùa có một con mèo. Đến giờ tụng kinh nó hay chạy nhảy lung tung. Đổ nhang, đổ nến hoa. Để khỏi chia trí, vị sư già trụ trì chùa cho đệ tử cứ đến giờ tụng kinh, trói nó lại. Rồi nhà sư già qua đời. Trải qua nhiều năm tháng. Bến mê đưa kẻ đi sau lụy hình thức mà không hiểu nghi lễ mình làm. Cứ phải tìm một con mèo trói lại mới trọn lời tụng kinh. Truyền thống dễ dãi ấy kéo dài về sau. Trong tôn giáo có những hình thức không hợp với tín điều. Có những thờ phượng lụy vào lầm lẫn. Cần có một tâm hồn để nhìn ra có những con mèo đã chết miệt từ năm tháng nào rồi mà người ta vẫn đưa vào nghi lễ.
Trở về những con đường đi.
Nhiều người cho rằng theo Chúa thì phải chấp nhận một đường đi đau khổ. Họ dễ dãi bảo đường Chúa đi là đường khổ đau. Thật sự, Chúa nói gì về những con đường?
Ta rất cần phải phân biệt, thế nào là đau khổ.
Người ta có thể đau nhưng không khổ.
Khi người mẹ sinh con thì đau đớn. Nhưng bà hạnh phúc, chứ không khổ.
Đau một lần khi sinh con, nhưng có khi khổ suốt đời vì con.
Có nhiều cuộc đau mà không khổ.
Cũng như có nhiều cuộc không đau mà khổ.
Đau khổ không là đề tài dễ dãi để suy tư một cách biếng nhác. Nó ẩn chứa quá nhiều chiều sâu. Đấy là những đau, những khổ rất bình thường. Bởi đó, làm sao ta dám dễ dãi đơn giản nói rằng theo Chúa thì phải chấp nhận đau khổ?
Có những vợ chồng chấp nhận đau thương để vượt biên tìm nhau cho đời hết khổ. Bàn chân vướng gai nào không đau khi tìm đường đến trại cải tạo thăm chồng? Vì khổ nên người ta lấy đau để hóa giải. Như thế, đau mà có thương có thể mua được hạnh phúc. Có những kinh nghiệm rất thực, có những bàn chân hôm nay không đau vì phải buôn thúng bán bưng. Có những bàn chân hôm nay hàng tuần đi mỹ viện. Nhưng họ rất khổ. Có những đau thương tìm nhau cho cho đời hết khổ thì cũng có những ngày hết đau vì không phải tìm nhau mà lại rất khổ vì có nhau. Đó là kinh nghiệm từ cuộc sống.
Có nhiều cuộc đau mà không khổ, như khi bà mẹ sinh con.
Cũng như có nhiều cuộc không đau mà khổ, như khi con lớn, khổ vì con.
Thì cũng có nhiều cuộc đau để hết khổ. Như vợ chồng tìm nhau.
Vậy đau khổ là gì trên con đường Đức Kitô nói hai nghìn năm xưa?
Nếu theo một người để đau khổ thì theo làm gì?
* * *
Thiên Chúa không bao giờ bảo con người theo Chúa để mà đau khổ. Ta không muốn dễ dãi cột con mèo rồi bảo đó là nghi lễ.
Nhưng để hết khổ thì Thiên Chúa bảo có khi phải đau.
Cũng như người ta sẵn sàng chấp nhận đau cho một tình yêu hết khổ.
Đau để hết khổ thì vấn đề không phải là đau khổ nữa, mà là thế nào khổ và thế nào là đau.
* * *
Một ngày nọ chú bé bẫy được bày chim. Con nào cũng gầy quá. Giữa tháng năm mất mùa, chẳng có lúa thóc, ngô khoai. Để đem ra chợ, cậu bé nuôi bày chim cho béo nẫy. Ngày ngày lúa thóc đổ vào. Chỉ một vài tuần sau, con nào cũng béo mập. Nhìn những con chim khác say sưa mổ thóc, mổ gạo. Cánh chim kia đau lắm. Nó thèm thuồng làm sao. Giữa năm tháng mất mùa. Rừng khô nước, đồng khô cỏ. Con người cũng thế thôi, giữa cái chang chang của cuộc đời. Nhìn kẻ khác làm giầu bằng con đường lừa gạt, nhìn những hạnh phúc bằng mối tình rong chơi. Nhiều tâm hồn cũng xót xa cho thân phận. Tất cả giống nhau ở trong lồng và miếng ăn. Bày chim và cuộc đời.
Ngày ngày con chim nọ rất đau nhìn bạn bè ăn. Cái đau dằn vặt. Cái đói thèm thuồng. Chỉ còn một ước mơ nuôi nó, bầu trời xanh thăm thẳm ngoài kia. Đợi ngày bày chim béo mập, cậu bé sẽ đem ra chợ bán. Thật không ngờ, sáng nọ, nhìn bày chim. Cậu bé thấy biến mất con chim gầy.
Ngày ngày nó đau nhìn bày chim ăn no nê. Nó chấp nhận đau để thoát khổ. Quê hương nó là bầu trời ngoài kia. Hạnh phúc của nó là cánh rừng bàng bạt gió núi. Nó phải trở về quê hướng đó. Yêu bầu trời tự do quá đỗi. Nó không thể vì miếng ăn mà giam mình trong cũi lồng chật hẹp. Nó phải tung cánh đi tìm tự do. Mỗi lần nhìn bày chim tranh nhau mổ thóc. Mỗi khi cậu bé đổ gạo vào lồng. Nó đau. Nó phải nhìn bầu trời mà khấn xin. Rồi ngày phải đến. Nó gầy, nó ốm lại để một bình minh kia, nó ép mình nhỏ lại, lách mình qua nan tre của chiếc lồng bay thẳng vào trời mênh mông. Chớ gì trong mỗi ơn gọi, ta nhìn bầu trời thênh thang, ngoài kia.
Đau không có nghĩa là khổ. Và có khi để thoát khổ cần phải đau.
Khi người ta đau để thoát khổ thì không còn đau khổ.
* * *
Đức Kitô là hạnh phúc.
Ngài nói rõ: Ta đến cho chiên được sống và sống dồi dào.
Ngài bảo Ngài dẫn chiên đi ăn,
Ngài tìm từng con thương tích mang về.
Ngài chữa lành cho kẻ bệnh tật được khỏi.
Ngài truyền cho người ta không còn bị quỷ nhập.
Ngài thương người tật nguyền.
Ngài bảo kẻ lành không cần thầy thuốc.
Ngài cứ đến nhà, ăn uống với người tội lỗi.
Đời Đức Kitô toát lên một hạnh phúc vui tươi.
Tôi không theo ai để đời tôi đau khổ.
* * *
Vậy đâu là con đường hẹp Đức Kitô nói đến?
Cánh chim kia đã chọn con đường hẹp để tung cánh vào bầu trời.
Có những thèm muốn dang dở. Có những tham, sân, si khổ lụy.
Cái khổ lụy như mồi chài bắt bóng.
Cái bắt bóng mà khi bừng tỉnh mới thấy con đường hẹp đẹp làm sao. Cũng như khi tìm đau để hết khổ thì không còn đau khổ. Cũng thế, khi tìm đường hẹp để thấy đời rộng thì đường không còn hẹp nữa. Ta cần một tỉnh thức của tâm hồn là Thiên Chúa không bao giờ bảo ta theo Ngài để đau khổ. Theo Ngài để hạnh phúc.
Nhưng hạnh phúc ở đâu?
Con chồn nghển đầu cố nhìn qua hàng rào. Mùi hương của mùa nho chín trong vườn làm nó chảy rãi. Qua cái lỗ nhỏ của chân tường, nó chúi đầu chui vào. Mùi mật của vườn nho làm nó càng tham, sân, si. Lầm lũi, ngày ngày nó đếm ướm mình vào lỗ chui ở chân tường. Không chui nổi. Nó nhịn ăn cho đến một ngày gầy đủ để lách qua, chui vào vườn nho. Rồi một ngày hân hoan. Nó tưởng như thiên đàng bất tận. Mùa nho sai chín. Nó say xưa ăn uống cho thỏa mãn dục vọng. Bất chợt ngày kia có tiếng động rất lạ. Và dường như không còn cái bất tận của thiên đàng nữa. Nó tìm trở về góc tường ngày xưa. Than ôi, cái béo phì không đẩy được thân xác ra nữa. Mùa gặt đến. Ai sẽ cứu nó? Các tá điền bắt đầu theo chủ đi hái nho. Cái bừng tỉnh của nó, bây giờ làm sao thoát thân?
Có những thèm muốn dang dở. Có những tham, sân, si khổ lụy.
Phúc thay, trở về kinh nghiệm thiêng liêng ngày xưa. Chỉ còn con đường hạnh phúc là tìm cách chui qua lỗ chân tường. Từ ngày đó, nó lại nhịn ăn. Gầy ốm dần, tiêu đi chiếc bụng chềnh bềnh, một hừng đông kia, nó lại lách mình qua chân tường, biến ra ngoài. Hú hồn, nó thoát chết.
Cái khổ lụy như mồi chài bắt bóng.
Con chồn nhìn lại đời nó. Một đêm trăng vắng yên lặng, nó ngồi nhìn ánh trăng mênh mông, trong bóng đêm vằng vặc, nó nói với đời: Tất cả chỉ có thế. Nó hiểu thế nào là đường hẹp. Nó quý những con đường của riêng nó, những con đường mòn hạnh phúc.
* * *
Lạy Chúa, con cần một tâm hồn tỉnh thức. Con không thể biến tôn giáo của con thành tiếng kinh cầu ê a. Con không thể cứ đến ngày rằm là trói con mèo trong nghi lễ. Con cần một tâm hồn để hiểu Chúa là hạnh phúc. Con ước mong được đau như người lực sĩ chịu tập luyện chứ đau không là hình phạt. Con phải hiểu Chúa tuyệt vời trong tiến trình đi tìm hạnh phúc. Và phải hiểu rằng, để hạnh phúc, con phải biết yêu bầu trời tự do của lương tâm. Đau để lách vào vườn nho mồi chài bắt bóng của con chồn, khác với nỗi đau thoát khỏi cái lồng tre chật chội của cánh chim. Đau của con chồn tìm vào tham, sân, si khác nỗi đau sám hối tìm đường ra.
Con cần một trái tim dũng cảm để thoát khổ bằng nỗi đau.
Thì con cũng cần một tâm hồn để biết lựa chọn vì không phải cứ đau là thoát khổ. Con khổ vì không phân biệt được những nỗi đau.
Và khi con hiểu cuộc đời nhiều khi chỉ thoát khổ bằng nỗi đau thì con sẽ thấy con đường hẹp Chúa bảo con không phải là đường khổ đau nữa mà là hạnh phúc.
Chúa luôn luôn tuyệt vời vì Chúa hiểu thế nào là đau, thế nào là khổ. Chúa đã khổ, đã đau. Còn con, con lẫn lộn đau khổ, lẫn lộn hạnh phúc.
Để bớt lẫn lộn, con xin dừng lại, xét lại những lời kinh, lối sống đạo, xét lại cách con hiểu Lời Chúa như nhà sư kia xét lại những nghi lễ của mình.
Trích tập suy niệm KẺ ĐI TÌM, sẽ xuất bản năm 2010
Lm Nguyễn Tầm Thường, S.J.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules