CNIV - PHỤC SINH - NĂM A
NGƯỜI MỤC TỬ TỐT LÀNH


Nước Do Thái là một quốc gia chuyên nghiệp về chăn nuôi hơn cày cấy. Họ có nhiều sườn đồi đầy cỏ xanh: bò, ngựa, chiên, dê ...tha hồ tung tăng, gặm cỏ trên đó. Trong các loại gia súc ấy, chiên là loài vật thông dụng được nuôi nhiều nhất trong mỗi gia đình. Người ta nuôi chiên để xén lông làm áo bông, lấy thịt để ăn và bán, gia tăng mức thu nhập kinh tế gia đình. Chẳng khác gì Việt Nam chúng ta quen nuôi trâu bò để kéo gỗ, cày ruộng, lấy da bò làm áo len mùa Ðông, làm giầy thuộc da.

Bình thường, một người chủ có thể nuôi cả trăm con trong đàn chiên. Ông ta thuê mướn vài người coi sóc để chăn dắt đàn chiên. Vào mùa Ðông, trời lạnh, buổi sáng các mục tử dẫn chiên đi ăn cỏ lân cận quanh trang trại, tối về họ lùa chiên vào chuồng xây cất kiên cố, có chốt cửa cẩn thận, đề phòng kẻ gian đến cướp phá. Ðến mùa hè, trời mát, các mục tử đưa chiên đi ăn cỏ trên những sườn đồi xa tắp, đêm về đường xa họ không lùa chiên về trang trại nữa. Họ có thể tập trung đàn chiên vào một bãi đất trống nào đó với hàng rào tạm bao quanh. Họ chỉ dể một lối ra vào duy nhất, người mục tử nằm chắn ngang lối ấy như một cánh cửa bảo vệ. Những lúc chiên đi ăn cỏ xa như thế, đôi khi các mục tử cũng lùa chiên vào một hang hóc trên núi, tạo sự ấm áp về đêm cho đàn chiên.

Nhìn chung, nuôi chiên với người Do Thái, là một bước thuận lợi rất nhiều về kinh tế. Thức ăn ít tốn kém mua sắm, chăm nom chỉ nuôi vài người phụ giúp, họ có thể ‘một vốn, bốn lời’, giàu to.

A. Tương quan mật thiết giữa chủ chiên và đàn chiên

Do điều kiện sống lâu ngày bên nhau, do quen thuộc với nhau suốt một thời gian lâu dài, vô tình nảy sinh một liên hệ mật thiết giữa mục tử và đàn chiên.

  • Mục tử NHỚ và BIẾT từng con chiên trong đàn. Con chiên chỉ nghe tiếng nói quen thuộc của chủ chiên. Như thế, mục tử và đàn chiên đã nên một với nhau. Thật vậy, chiên đau yếu,bị thương tích thì mục tử chăm sóc, băng bó vết thương. Chiên lạc đàn, mục tử bằng mọi cách đi tìm mang về đàn. Trông nom lâu ngày, mục tử biết chân con chiên nào móng mềm yếu ớt, con chiên nào ưa ăn tạp dễ bội thực, con chiên nào quen chạy rông lạc đàn.
  • Mục tử sẵn sàng HY SINH bảo vệ đàn chiên khi kẻ trộm quấy phá, khi sói rừng đe doạ tính mạng con chiên. Mục tử chấp nhận thiệt hại về mình để đàn chiên được an toàn.

B. Ðức Giêsu Kitô,mục tử tốt lành

“Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga 10:14). Suốt cuộc đời truyền giảng tin mừng Chúa Giêsu luôn quan tâm đến các nhu cầu khẩn thiết của con người.

  • Tại tiệc cưới ở Cana, Chúa biết nỗi khó khăn thiếu rượu của chủ tiệc, Ngài đã giúp họ.
  • Trước mặt người phung cùi, Chúa hiểu tình trạng đau đớn thể xác, bị cô lập tinh thần của bệnh nhân,Ngài đã ra tay cứu chữa.
  • Ðối với người phụ nữ phạm tội ngoại tình, Chúa thấu được tâm tình sám hối, thái độ mặc cảm tội lỗi của chị, Ngài đã sẵn lòng tha thứ.
  • Ðến với người thu thuế Lêvi, Chúa biết được những cản trở vì thành kiến của dư luận, đã làm cho Lêvi không dám đến gần, Ngài mạnh dạn tháo gỡ chướng ngại, mời Lêvi theo Chúa.
  • Nhìn tông đồ Phêrô bộp chộp hăng nồng,nóng nảy nhiệt huyết bất thường, Chúa hiểu được lòng mến chân thành của ông,Ngài ra tay nâng đỡ, cảm thông cái bất toàn của Phêrô.


Nói chung, Chúa là mục tử tốt lành, Ngài biết được những trăn trở của từng con chiên, Ngài hiểu thấu những lo lắng thất vọng của đàn chiên và Ngài đã tìm cách phục hồi họ trong tin yêu.

C. Sống Ðạo hôm nay: Vai trò mục tử, chăn dắt.

Suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội,ta biết các Ðức Giáo Hoàng là những mục tử tối cao được Chúa Kitô chọn làm đại diện Ngài chăm sóc đàn chiên Chúa dưới trần gian. Một trong những vị mục tử ấy là Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài là người chủ chiên tốt lành, vì:

  • Ngài đã luôn quan tâm những con chiên ngoài đàn: tìm mọi cách liên lạc thông thương với các anh em Chính Thống Giáo, Tin Lành, Anh Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo...
  • Ngài hăng say chăm sóc đàn chiên Công Giáo khắp nơi: trong 27 năm làm Giáo Hoàng, người ta ước tính Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã công du khoảng 126 quốc gia trên thế giới, hơn hẳn các vị lãnh đạo các quốc gia khác.
  • Ngài đã sẵn sàng hy sinh hiến mình vì đàn chiên: Ðức Giáo Hoàng đặc biệt quan tâm đến giới trẻ,những lãnh đạo của Giáo Hội tương lai. Dù tuổi đời sức yếu, Ngài không ngại đi khắp nơi chủ toạ Các Ðại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Dù biết mình bị ghen ghét, Ngài không ngại đến nhà tù bắt tay tha thứ kẻ dùng súng ám sát mình, cảm hoá anh ta đến nỗi anh ta xin thọ tang,mong được tại ngoại một vài giờ để tham dự lễ an táng Ngài.


Dưới một góc nhìn nào đó,ta cũng thấy vai trò người mẹ như một mục tử nhân hiền trong gia đình của mình. Bà sinh con ra, bà biết từng đứa con của bà: tính khí, sở thích, thói quen mỗi người con bà đều hiểu rõ. Bà luôn sẵn lòng hiến thân cho đàn con: suốt ngày lo việc mưu sinh, chiều về chăm sóc việc nhà, cơm nước; đêm đến chuẩn bị những thứ cần thiết cho ngày mai. Khi con đi vắng nhà lâu giờ lâu ngày, bà thấp thỏm thao thức lo lắng mong đợi con. Bà luôn thức khuya dậy sớm để làm tất cả mọi việc cho gia đình. Có bàn tay của chiên mẹ lo toan nâng đỡ, chiên con luôn cảm nhận sự an toàn tuyệt hảo.

Lạy Chúa Giêsu là mục tử tốt lành. Chúa đã chết để cho con được sống và được sống dồi dào. Chúa đã hy sinh đến cùng cho đàn chiên nhân loại giúp chúng con vui sống trong Chúa. Xin cho mỗi thành phần dân Chúa trong Giáo Hội luôn biết liên kết mật thiết với nhau,sẵn sàng lắng nghe tiếng nói chủ chiên, hết mình hy sinh xây dựng chuồng chiên Giáo Hội ngày một tốt đẹp hơn. Amen.

LM Dominic Trần Điều, SDD