Results 1 to 1 of 1

Thread: Q - Quê Hương Yêu Dấu Ngàn Đời ( Bài 7 )

  1. #1
    Moderator Dan Lee's Avatar
    Join Date
    Jan 2007
    Location
    Tigard, Oregon
    Posts
    11,776

    Default Q - Quê Hương Yêu Dấu Ngàn Đời ( Bài 7 )

    Bài 7: Quê Hương Yêu Dấu Ngàn Đời



    Một ngày nắng đẹp mùa hè năm 1959, ba mẹ con bà Tâm giã từ Đà Lạt để đi ra Huế bằng xe lửa Thống Nhất . Xe lửa chạy từ miền Nam ra miền Trung. Đó là những tháng đầu mà xe lưả chạy suốt, không phải đổi tàu.

    Đi xe lửa quả là một sự thú vị đối với An, vì đây là lần đầu nó được đi chơi xa với mẹ mà không bị những đôi mắt rình rập của những kẻ ăn không, ngồi rồi luôn tìm cách bắt bẻ và la mắng. Trên tàu lửa, An thích thú hít thở bầu không khí trong lành và tự do, rồi nó cố sức vận dụng tầm mắt mình để nhìn ngắm cảnh đẹp của quê hương gấm vóc: những núi đồi trùng điệp xanh ngắt trải dài song song với các bãi biển xanh biếc, mênh mông ngút ngàn đến tận chân trời. Ngoài ra còn có những ruộng lúa xanh xanh màu cỏ non trông êm và mịn màng như tấm thảm nhung che phủ mặt đất.

    Đến mỗi vùng, An được mẹ chỉ cho xem các thắng cảnh và di tích lịch sử của địa phương. Ở gần Nha Trang, bà Tâm chỉ cho con xem Hòn Vọng Phu, nơi tương truyền có người phụ nữ vì thương nhớ chồng bỏ đi xa mà mỗi chiều nàng đành bồng con đứng chờ chàng về. Vì chờ lâu mỏi mòn quánên mẹ con nàng chết và hoá thành tượng đá bất diệt:

    “Tượng đá kiên trinh ôm con đợi chồng,
    Nhạc lá thu mưa hay chân ngựa hồng?
    Lệ đá tuôn rơi giòng giòng nối tiếp,
    Ngóng chinh phu đời đời kiếp kiếp,
    Suối vọng tìm trăng thanh đầu non.”

    (“Lệ đá” của Hà Huyền Chi và Trần Trịnh.)

    Qua tới Phan Rang, bà Tâm lại giải thích cho con các thắng tích của người Chiêm Thành, nơi được coi là cố đô cuả dân tộc Chiêm Thành, cũng là nơi mà Huyền Trân công chúa đã sinh sống với vị quân vương để đổi lấy hai châu Ô và Lý cho dân tộc Việt Nam của bà.

    Đi qua Quy Nhơn, nơi gia đình An đã từng lưu ngụ, lần này bà Tâm lại dạy con một bài học vị tha của các nữ tu và các linh mục người Công giáo bằng cách nhắc đến trại cùi Quy Hòa ở vùng ngoại ô của Quy Nhơn, nơi mà nhà thơ tài ba Hàn Mặc Tử đã sống những chuỗi ngày bi thảm vì chứng bịnh cùi hủi của ông. Nghe mẹ kể đến những tấm gương hy sinh đến thí mạng sống mình của những người con Thiên Chúa, An rất cảm phục họ và mong ước sau này nó sẽ bắt chuớc các tấm gương tốt lành của các bậc tu trì ấy. Các ngài là ánh sao chói lọi, soi sáng cho đời An sau này.

    Hồi tưởng lại, An mới nhận rõ rằng người thầy giáo vĩ đại và lý tưởng nhất trong đời lại chính là mẹ của nó. Bất cứ trong mọi tình huống, mọi nơi và mọi chỗ, mẹ nó đều giảng dạy cho nó những bài học rất thực tế, khôn ngoan và đầy ý nghiã. Dù rằng bà cũng có nhiều thiếu sót, nhưng bà đã làm gương sáng để cho An theo chân bà mà trở thành người hữu ích cho xã hội và tha nhân. Qủa thật:

    “Bàn tay đung đưa vành nôi là bàn tay cai trị cả thế giới.”

    Đoàn xe lửa chạy rất chậm. Cứ đến mỗi ga, xe lửa lại ngừng để cho hành khách lên xuống. Đó cũng là dịp những người bán hàng rong nhảy lên tàu chào mời hàng. Thôi thì đủ thứ đặc sản của vùng. Ở ga Nha Trang, mẹ con An được ăn trái Thanh long màu đỏ, rồi mía ghim thành từng xâu. Có nhiều người đem từng mâm sò hến, tôm luộc hay ghẹ luộc đỏ au tới mời khách. Có cả món dấm nuốt ăn vừa dòn thơm vừa ngon ngọt, lại bùi miệng vì có đậu phụng rắc vào.

    Khi tàu ra đến Bồng Sơn thì người bán dạo đem cả quày dừa chặt sẵn ra bán. Nước dừa vừa ngon vừa ngọt như hương vị thơm tho đích thực của quê hương ngàn đời. An say sưa uống ừng ực những giọt nước quý báu của hương đồng cỏ nội. Một chút muối rắc vào nước dừa càng làm sắc nước ngọt đậm đà.

    Đến ga Quảng Ngãi thì người ta đem món đặc sản là cơm gà hấp nóng hổi được gói tròn trong những chiếc lá sen thơm phưng phức. Cơm vừa chín tới có rưới mỡ hành, còn miếng thịt gà thì thơm lựng, ăn vừa dai vừa ngọt.

    Tại ga Đà Nẵng, người ta đem xôi bắp, mì Quảng, bánh bèo, bánh ít ra mời. Lúc ấy, đối với An, cái gì cũng ngon miệng. Sau khi ăn, bà Tâm lại tiếp tục chỉ cho con gái những thắng cảnh của quê hương. Nào là chùa Non Nước có những chỗ bán vật dụng bằng đá, có các động đá thiên nhiên và đèo Hải Vân, nơi chỉ có biển xanh và mây trắng giao đầu. Từ đó ra Huế, xe lửa phải đi qua mấy cái hầm đen tối như đi và cửa hỏa ngục.

    Qua những lúc xe lửa đi vào hầm tối, An rùng mình và cảm thấy sợ hãi. Nó liên tưởng đến kẻ hung thần của tuổi thơ là ông Chức với khuôn mặt khả ố và hung dữ của ông ta. Thu hết can đảm, An run rẩy kể hết cho mẹ nghe về những hành động đốn mạt của ông ta đối với nó hồi bốn năm về trước. Vưà nói, nó vừa khóc tức tưởi.

    Trái với niềm mong ước của An là đuợc mẹ tin tưởng, an ủi và vỗ về, bà Tâm đã không tin lời con mà gạt ngang đi. Bà còn lớn tiếng bảo con là:

    “Mày nói dối! Mày dựng chuyện, làm gì có chuyện đó!”

    Có thể bà đã chạy trốn sự thật quá phũ phàng và bỉ ổi, cũng có thể vì bà không muốn nhận lãnh trách nhiệm vì lúc ấy bà bỏ con ở lại Saìgòn mà đi ra Hà Nội với chồng. Còn An vừa phẩn uất vừa nghe lòng đắng cay. Chưa có sự cô đơn nào lớn lao hơn thế. Ngay cả mẹ ruột mà còn không tin mình thì còn ai cho mình tâm sự về những dằn vặt và khổ đau sau này? Giây phút ấy đánh dấu cái chết của tình Mẫu tử giữa hai mẹ con. Từ ngày đó trở đi, An không hề tâm sự thêm điều gì với mẹ nó. Niềm tin mãnh liệt và thiêng liêng nhất đã bị lên án tử hình từ ngày hôm ấy. Giữa hai mẹ con hình như có một cái gì qúy báu nhất đã vỡ tan.

    Quá thất vọng vì tình người, An quay ra tìm nguồn an ủi nơi thiên nhiên. An hay nhìn qua cửa sổ của xe lửa để ngắm nhìn biển cả. Nước Việt có đến mấy ngàn cây số đường biển nên biển là một cái gì gắn bó và thân thương với hầu hết người dân Việt. Nhìn sóng nước mênh mông chạy tít tắp đến chân trời, những làn sóng thì thầm đùa giỡn với cát vàng, những đàn chim bay lượn trên trời hay đáp trên những cành cây xanh, An muốn mình lớn lên thật nhanh để nuôi mộng viễn du, kết bạn với trùng khơi và hải hồ.

    Đến khi lớn khôn, nàng vẫn say mê cảnh thanh bình và trữ tình của thành phố biển. Ngay cả những bài hát về biển cả đều làm nàng thích thú:

    “Kể từ một chiều vắng. Tuổi mộng ước chưa tròn.
    Một mình nhìn cồn sóng, hôn bờ cát hoang.
    Thường hay mơ ước, tìm người bạn đường.
    Bàn tay êm ái, nụ cười dịu dàng.
    Làm đẹp cuộc sống, của những ngày gió sương.”

    (Cát Biển của Lê Trọng Nguyễn)

    Trái lại, trên đường đi, An lại rất sợ cảnh rừng núi hùng vĩ. Tuy cảnh rừng cây tuyệt đẹp nhưng mỗi khi nhìn rừng núi, An lại cảm thấy một cái gì bất an và hãi hùng. Rừng tĩnh mịch đầy bóng tối. Rừng dầy đặc cỏ cây. Rừng rậm rạp, không lối thoát. Rừng thâm u bí hiểm. Rừng thầm lặng và chúa đựng nhiều điều bí mật.Rừng ma quái và huyển hoặc. Rừng với thú dữ và rắn độc. Rừng cuả nguy hiểm và cạm bẫy. Tuy rằng rừng chứa đựng nhiều kho tàng và những điều bất ngờ.

    “Đường lên núi rừng, sao hãi hùng.
    Muôn gío lộng, ôi lá động cành trong bóng thê lương.”


    Phải chăng biển là mẹ và rừng là cha? Có dịp tận mắt ngắm nhìn thiên nhiên và cảnh đẹp, An đã biết yêu thương và gắn bó với tổ quốc nhiều hơn. Nó càng thấy thích thú khi được nếm mùi vị thơm ngon và tuyệt vời của các món ăn đặc sản củaViệt Nam.

    Trong suốt chuyến đi dài hai ngày hai đêm đó, gia đình An mệt nhừ tử. Ai cũng ngủ gà ngủ gật. Bao nhiêu lần tàu đi giữa vách đá cheo leo và bãi biển ngút ngàn. An cảm tạThiên Chúa đã ban cho quê huơng Việt Nam có nhiều cảnh đẹp.

    Cuối cùng, gia đình An cũng đã tới ga Huế. Mắt bà Tâm chợt sáng lên khi thấy người cậu là Ông Giao đang chờ đợi bên cạnh chiếc xe Jeep.

    Tay bắt mặt mừng, hai bên lăng xăng thu dọn đồ đạc lên xe. Huế lúc ấy là vào mùa hè năm 1959. Dọc bên đường Lê Lợi được trang điểm bằng màu đỏ rực rỡ của những chùm hoa Phượng Vĩ. Tiếng ve sầu kêu nghe buồn thảm. Dòng sông Hương trong xanh trôi lặng lờ dưới chiếc cầu Tràng Tiền làm cho hồn người du khách mới tới cảm thấy an bình và thanh thản. Nhà ông bà Giao ở trên đường Đinh Bộ Lĩnh, trong thành nội Huế, gần hồ Tịnh Tâm, nơi thơm ngát mùi hoa sen, nơi cảnh đẹp u tĩnh và nên thơ đã làm cho những nhà văn và nhà thơ tài tử có thêm ý thơ.

    Ông bà Giao lúc ấy chỉ mới có một đứa con trai cỡ một năm rưỡi. Bé Việt được một chị vú săn sóc và nuôi nấng. Vì là một Thiếu tá Bộ binh nên ông Giao luôn luôn có bạn bè và thuộc hạ đến chơi. Ông thương đứa cháu gái cô đơn và bất hạnh nên cứ giới thiệu bạn trai cho bà Tâm. Có lẽ vết thương lòng còn hành hạ nên bà Tâm đã lạnh lùng từ chối mọi lời lẽ yêu thương và các sự săn đón của các sĩ quan quen biết cậu của bà.

    Căn nhà nhỏ trở nên chật chội từ khi có sự hiện diện của ba mẹ con bà Tâm. Trong ba tháng đầu, mẹ con An chịu đựng mọi sự để sống lây lất qua ngày. Gánh nặng đặt lên vai ông Giao, một mình ông đi làm và nuôi đến bảy miệng ăn.

    Hình như vết thương lòng qúa đậm nét nên bà Tâm sống một cuộc sống rất thầm lặng và đơn độc. Bà đã cố tình đi trốn thật xa để người chồng bội bạc không còn biết tông tích của mẹ con bà mà đến khuấy phá nữa. Đời sống ở Huế rất lặng lẽ và nên thơ, không có cảnh xô bồ, bon chen, và chạy đua như ở Sàigòn vì thế tâm hồn bà cũng thanh thản dần.

    Độ khoảng ba tháng sau, bà được một người bác họ xin cho vào làm một điện thoại viên cho một công ty điện lực, tên là SIPEA, ở trên đường Phan Đình Phùng, cạnh cầu Kho Rèn bên dòng sông An Cựu ”nắng đục mưa trong”.

    Tuy là một học sinh giỏi và thông minh từ nhỏ, nhưng từ khi lập gia đình, bà Tâm chưa hề đi làm việc bên ngoài vì thế bà cũng rất bối rối và lúng túng. Một trở ngại lớn là bà không thực tập tiếng Pháp đã lâu nên quên rất nhiều. Đã thế, việc chính của bà là nói tiếng Pháp với chủ nhân và khách hàng người Pháp. Nỗi lo sợ đó đã làm cho bà khóc thầm hàng đêm, chỉ sợ nói năng không nên thân thì sẽ bị sa thải. Riêng nói chuyện với khách hàng người Việt thì bà không sợ.

    Đêm đêm, bà Tâm ôn luyện lại vốn Pháp văn của mình, vừa đọc vừa sửa giọng. Nhìn thấy mẹ mình đau khổ vật lộn với cuộc sống cơm áo,An rất thương xót mẹ. Nó lăng xăng bóp tay, bóp vai và đấm lưng cho mẹ đỡ đau nhức. Dần dần, bà Tâm đã quen được với vai trò tiếp viên điện thoại nên bà đã tươi cười và yêu đời hơn lúc trước. Rồi thì bà bắt đầu chưng diện cho hợp với sự đòi hỏi của công việc.

    Giọng nói của bà rất thanh, ấm và hay. Đã có nhiều người đàn ông say mê giọng nói và tìm đến tận sở bà để làm quen. Có người làm bộ kêu là điện nhà mình bị cúp để có cớ mà kêu điện thoại nói chuyện với bà.

    Còn An thì xin vào học lớp nhì ở trường Đoàn Thị Điểm, cũng ở trong thành nội. Bé Châu thì được chị vú của bé Việt giữ tạm. Chị vú giữ bé Việt là chính, còn bé Châu thì chỉ là để mắt qua loa cho xong chuyện.

    Tháng Chín năm 1959, ông bà Giao quyết định dọn nhà đến một chỗ rộng rãi và thoáng mát hơn. Nhà mới ở vùng Nam Phổ, gần chợ Mai và đường về An Truyền. Từ nhà cũ ở thành nội, ta phải đi qua cầu Tràng Tiền rồi rẽ qua hướng tay trái, đi qua cầu Đập Đá, về thôn Vĩ Dạ, nơi có nhiều phủ đệ của các Mệ trong Hoàng tộc.

    Trước mặt nhà mới là ngôi chùa Bà La Mật yên tĩnh và đầy bóng mát. Nhà của ông bà Hường Loan cho thuê, ông bà ở một căn nhà khác, cách một vườn sắn rộng. Chung quanh căn nhà này được bao bọc bởi những vườn cây, hoa và sắn (củ mì). Căn nhà gồm có hai gian, một gia đình đã thuê trước một căn gần phía bờ sông, còn căn này thì gần mặt đường hơn.

    Nhà nhìn ra một bãi đất trống nơi có một lùm tre xanh rập rạp. Từ ngoài đường lộ vào, ta phải đi theo một con đường đất đỏ chen giữa hai mảnh vườn đầy cây sắn. Ngay cuối đường là một cây hoa Ngọc lan cao vòi vọi chen lẫn với những cây cau. Cau Nam Phổ từng nổi tiếng: “Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh.”

    Gần bờ sông Hương là những bụi cây rậm mát. Nước dùng và uống đều phải gánh từ sông lên. Sông cách nhà khoảng hai trăm thước. Mỗi ngày, mọi người đều ra sông tắm giặt, rửa chén và đùa chơi. Đối với người dân Huế ngày ấy, sông Hương là một cái gì thân thương, gần gũi và đáng yêu. Riêng đối với An, gìong sông còn là chỗ để nó ra chơi, tắm lội, mơ mộng và nhìn ngắm những chiếc ghe thuyền đi lại mỗi chiều. Nước sông trong veo và sạch sẽ. Đựơc tắm và bơi lội vẫy vùng trong giòng sông ấy là một đặc ân và một niềm vui khó tả.

    Tuổi trẻ rất dễ làm quen, An bắt bạn với đưá bé gái hàng xóm trạc tuổi nó nên hai đứa giả đò nấu cơm, giữ con và đóng vai thầy trò suốt ngày nghỉ. Chị vú giữ bé Việt và bé Châu hàng ngày. Chị có giọng ru em rất ngọt và thanh. Trưa trưa, nằm ngủ nơi chõng tre mà nghe tiếng ru êm ái của chị là An chỉ muốn rơi lệ:

    ”Ầu ơi! Gío đưa bụi chuối sau hè,
    Anh theo vợ bé, bỏ bè con thơ.”


    --Hay những câu thơ cuả người vợ hiền năn nỉ đi theo chồng:

    ”Đi đâu cho thiếp đi cùng,
    Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp mang.”


    Hoặc:

    ”Chàng ơi, phụ thiếp làm chi,
    Thiếp là cơm nguội để khi đói lòng.”


    --Hình như chị vú cũng có tâm sự gì buồn thảm nên chị rất thích ru em à ơi để có dịp trải bầy tâm sự riêng của mình:

    “Có con phải khổ vì con,
    Có chồng phải gánh giang san nhà chồng.”


    Chị mơ về người yêu xa vắng đã bỏ ra đi, để chị phải giao đứa con trai vừa hai tháng lại cho mẹ già nuôi rồi đem thân ở đợ, đem giòng sữa ngọt của mình nuôi con người chủ, rồi sống ngày đêm xa mẹ già, con dại và người tình:

    ”Khi mơ những tiếc khi tàn.
    Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không.”


    Nghe lời ru của chị vú, An cũng đoán được rằng chị có tâm sự buồn, một tâm hồn đẹp và cao qúy và có một trình độ văn hoá cao. Đặc biệt, đôi mắt chị rất to, đen và sâu thăm thẳm. Chị có khuôn mặt thanh tú và nụ cười đẹp mê hồn. Tại sao một người đẹp và có tâm hồn mơ mộng như vậy mà lại ở trong hoàn cảnh bi đát thế kia? An vẫn tự thắc mắc và chẳng thể tìm ra đáp số.

    Rồi ngày tựu trường đã tới, An phải qua ở nhờ nhà một bà bác họ để đi học lớp nhất ở trường Đoàn Thị Điểm nơi thành nội. Ông bà bác Du ở ngay phố Phan Bội Châu, gần trường hát bà Tuần. Nhà ông bà Du ở đối diện với nhà của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mỗi chiều chủ nhật, An đón xe đò qua nhà ông bà bác, rồi mỗi chiều thứ sáu, sau buổi học thì An lại đón xe đò về nhà ông bà Giao ở Nam Phổ.

    Được gặp lại mẹ, em, gia đình ông Giao và cô bạn nhỏ tên Gái là An cảm thấy rộn ràng và vui tươi hẳn lên. Cứ tối tối sáng trăng thì hai đứa bạn rủ nhau mượn xe bà Tâm để tập đạp xe đạp. Đường buổi tối thật yên lặng và vắng vẻ. Vì thế hai đứa tha hồ tập. Lần nào hai đứa cũng té lên té xuống đến rách quần áo và dập đầu gối, thế mà chúng cũng cứ tiếp tục đạp xe.

    Trăng vàng soi vành vạnh sáng cả một vùng. Ngày ấy, trăng rất cần cho dân chúng. Người ta có nhiều sinh hoạt dưới ánh trăng. Gia đình ông bà Giao và An cũng thế. Mỗi mùa trăng đến, mọi người đem ghế ra trước sân để thưởng trăng, tán gẫu, kể chuyện đời xưa hay đàn hát bên nhau.

    “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu,”

    Bà Giao vốn là nữ ca sĩ ở đài Pháp Á ngày xưa nên giọng bà trong trẻo và hay. Còn ông Giao thì đàn vĩ cầm rất vững. Vì thế, chàng và nàng chỉ thích hát và đàn chung với nhau:

    “Anh đàn, em hát, mình dệt bài thơ.”

    Mỗi lần hai vợ chồng thả hồn theo mộng, nương theo tiếng hát và tiếng đàn thì cả nhà và lẫn hàng xóm đều im lặng lắng nghe, chỉ sợ mình mà cử động mạnh, làm mất nguồn hứng khởi của cả hai thì sẽ hết được thưởng thức.

    Bà Giao thuộc rất nhiều bài nhạc tiền chiến, nhạc Pháp và nhạc tình. Đôi khi hai ông bà còn hát chung, vừa nhìn nhau đắm đuối, vừa diễn tả tâm sự theo lời nhạc. Ông bà ấy đã làm cho mọi người thèm muốn cho hạnh phúc mật ngọt khó tìm đó.

    Thủa ấy, An rất thích bài hát “Ngọc Lan” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước mà bà Giao hay hát. Có thể vì thích vẻ đẹp và hương thơm ngọt ngào của hoa nên An đâm thích bài hát này. Tác giả đã ví Ngọc Lan như một nàng tiên nữ vì lỡ đánh vỡ chén ngọc nên bị Ngọc Hoàng đày xuống hạ giới làm một kiếp hoa:

    “Giáng tiên nga, giấc mơ nghê thường, lỡ làng...”

    Cây Ngọc lan ở cạnh nhà An cứ mỗi chiều về thì tỏa hương thơm ngào ngạt. Hương không nồng nặc như hoa Dạ Lý Hương mà thanh thoát, thoang thoảng và nhẹ nhàng. Có thể ví Dạ Lý Hương như một cô gái ăn sương nhưng Ngọc Lan thì phải là một tiểu thư khuê các, cành vàng lá ngọc.

    Cánh hoa trắng muốt, chảy dài và mum múp. Hoa có mười một cánh nho nhỏ. Người ta thường hái hoa để cúng Phật. Có người đồn là ma qủy thường tụ tập để hưởng hương hoa mỗi tối. Vì mê say hương Ngọc Lan nên An rất thích hát bài Ngọc Lan:

    “Ôi tâm hồn nghệ sĩ, chìm trong hương thơm
    Nhớ phút khuê ly, hồn mê tuyết hoa Ngọc Lan.”

    (Dương Thiệu Tước)

    Bà Tâm sau này vẫn thường làm gà nhồi, rút xương và dồn thịt và hạt sen vào con gà rồi đem quay chín vàng. Bà vẫn thường cắm một đoá hoa Ngọc Lan ngay trên mỏ con gà quay, rất nghệ thuật.

    Trong thời gian sống ngắn ngủi với ông bà Giao, An đã học được và hiểu được thế nào là tình yêu chân thành giữa đôi lứa, thế nào là sự kếp hợp đằm thắm giữa tình yêu, âm nhạc, hoa lá và thiên nhiên. Qủa là một sự hài hòa êm ái giữa đất trời, con người và cỏ cây. Hạnh phúc đích thực là biết nắm giữ và thưởng thức những gì mình đang có. Hạnh phúc tuyệt đích ở ngay trong lòng mình. Nếu mãi đi tìm một hình bóng dẹp trong mộng tưởng để mà từ chối những gì mình đang có là một sự không tưởng, viễn vông, chán chường, đau khổ và vỡ mộng.

    -Ngày ấy, ông bà Giao vẫn thường hát bài “Thoi Tơ”:

    “Thơ anh đàn, em hát,
    Tơ em dệt, anh may.
    Ta xây đời bằng mộng,
    Theo tiếng dệt con thoi.”


    Cũng từ đấy, An ghi nhận vào tâm khảm bóng hạnh phúc yên bình, cảnh tình tự mật ngọt, và tình yêu quê hương với thiên nhiên đẹp tuyệt vời qua những đêm thơm trong lành và tuyệt diệu ấy. Cũng từ đấy, ông bà Giao trở thành thần tượng của tình đôi lứa. Hình ảnh đẹp ấy mãi mãi là kim chỉ nam cho nàng sống trong cuộc sống lứa đôi sau này.

    Bây giờ, khi đời sống vật chất trở thành một gánh nặng cơm áo, khi ánh đèn điện được thay cho ánh trăng, khi TV và video thay cho tiếng người đàn hát, khi sự bận rộn và mệt mỏi làm cho con người trở nên cáu kỉnh và cau có, thì còn đâu nữa những cơn mơ mộng ngày vàng son cũ?

    Thế vậy mà An vẫn ”Đập gương xưa tìm bóng.” Nàng vẫn mơ về cảnh thần tiên khi chàng đàn, nàng hát trong khi con cháu và hàng xóm xúm lại thưởng thức, dưới bầu trời trong lành và thinh lặng, có ánh trăng vàng vằng vặc, có bóng đêm thầm thì và có hương Ngọc Lan tỏa ngát trong không gian.

    Cũng từ đó, An rất mê thích nhạc tình, buồn và êm dịu. Nhạc đã cùng An đi vào đời, từng bước chậm và chắc. Nhạc đã là một người bạn cho nàng gửi nỗi niềm tâm sự khi buồn bã, cho nàng khóc theo tiếng nhạc khi đau khổ, cho nàng cảm thấy yên bình khi nhung nhớ. Giả thử cuộc sống con người không còn âm nhạc nữa thì đời sống sẽ tẻ nhạt và trống vắng đến đâu?

    Vào những ngày lễ nghỉ hay cuối tuần, ông bà Giao thường dùng xe Jeep để chở cả nhà đi chơi và tham quan những danh lam thắng cảnh ở cố đô Huế. Cũng nhờ đó mà gia đình An được biết nhiều về các di tích lịch sử như lăng tẩm của các vị vua triều Nguyễn và Đại nội.

    Lăng của mỗi vua đều có những nét đẹp đặc thù và riêng biệt. Lăng của vua Gia Long nằm ở phía bên kia của sông Hương. Ngày ấy, ít ai dám đến thăm lăng Ngài vì bên ấy có nhiều quân du kích Việt cộng.

    Cảnh trí ở lăng Gia Long rất hùng vĩ và nên thơ. Hồ sen vào mùa hè thì tỏa hương thơm ngát, làm cho khách du cảm thấy tâm hồn lắng đọng, thanh thản và êm ái. Vào nội điện, tự nhiên ta cảm thấy ngay vẻ uy nghi thần thánh của vị vua sáng lập triều Nguyễn.

    Kế đến là lăng của vua Minh Mạng, hình như lăng của Ngài cũng ở bên kia sông Hương. Vẻ u tĩnh và lối kiến trúc hài hoà màu sắc làm cho lăng ngài có một sắc thái đặc biệt. Trong lịch sử, Ngài nổi tiếng là vị vua có nhiều vợ và đông con.

    Lăng vua Thiệu Trị nhỏ hơn các lăng khác. Trên đường đi vào lăng là những con đường trồng đầy cây nhãn lồng, trái ngọt ngon và sum suê. Nghe đâu nhãn lấy giống từ bên Tàu và ngoài Bắc. Các quan lại và thường dân thường đem dâng tiến các trái nhãn có cùi dày và hột nhỏ như hột tiêu để vua ngự lãm. Vì thế, nhãn này còn gọi là nhãn tiến. Khi nhãn gần chín, người ta phải dùng các mo cau để bao bọc các trái nhãn cho chim chóc khỏi ăn. Vì thế còn có tên là nhãn lồng.

    An thích nhất là lăng của vua Tự đức. Lăng Ngài vừa rộng vừa đẹp. Quanh lăng là cảnh núi đồi trùng điệp, các cây thông cao vọi đứng reo vi vu khi gío nhẹ nhàng đến. Một hồ sen đầy hoa nở rực rỡ, gần đó là một nhà thuỷ tạ đứng lẻ loi chênh vênh với vài nhịp cầu gỗ nằm hờ hững bắc ngang hồ sen. Chỉ cần nhìn cảnh này, ta cũng có thể hình dung hình ảnh uy nghi của một quân vương đang cùng một vị hoàng hậu tươi đẹp và một đám cung nữ xinh xắn đứng ngắm cảnh hoàng hôn dần xuống nơi chốn an bình này.

    Trong nội tẩm của lăng có những thỏi đá hình các thỏi ngọc đầy màu sắc rực rỡ, khi gõ vào nhau thì tạo thành những âm thanh thánh thót. Nghe kể rằng ngày xưa những thỏi đó là ngọc thật, nhưng chính phủ Thực dân Pháp đã đánh tráo để dổi lấy ngọc thật đem về Pháp.

    Gia đình An cũng đi thăm đủ các lăng khác như lăng vua Đồng Khánh và Khải Định. Thời vàng son đã được thay bằng những rong rêu, vắng lặng và đìu hiu của thời gian và mưa gío.

    Ngoài ra, gia đình An còn được thăm đồi Nam Giao, nơi có chùa Từ Đàm. Trên đường đi đến đồi, ông Giao đã chỉ cho cả nhà xem một ngôi cổ mộ, dù được xây cất kiên cố nhưng mộ bị nứt ra một đường lớn. Đây là mộ của một nhà danh giá. Con cháu ông đã thuê thầy địa lý đặt mộ cho đúng long mạch. Sau đó, kẻ thù của gia đình ông cũng nhờ thầy địa lý khác yểm huyệt làm đứt long mạch để con cháu người chết sẽ không bao giờ cất đầu lên nổi.

    Từ phía bên này của đồi Nam Giao, ta có thể nhìn qua bên kia sông để thấy Điện Hòn Chén ở sát bờ sông. Điện nằm ngay phần miệng của hình con rồng núi. Hai bên điện là hai dãy đồi trùng điệp, chạy chập chùng như hai con rồng đang uống nước. Môn địa lý gọi thế đất ấy là thế “Lưỡng long ẩm thủy”. Có tin đồn rằng mộ phần của vua Gia long được bí mật mai táng nơi điện Hòn chén vì long mạch ở đấy rất tốt. Do đó mà triều đại nhà Nguyễn trị vì được đến một trăm bốn mươi ba năm (1802-1945), với mười ba vị vua.

    Từ lúc ấy, vì tò mò muốn tìm hiểu thêm những sự bí ẩn của điạ lý, nên An bắt đầu tìm đọc sách về Địa lý và Tử vi, trong đó có sách nói về Đức Tả Ao và những kiến thức tuyệt hảo của Ngài về những thế đất. Hình như lúc nào đời sống con người cũng bị chế ngự và điều khiển bởi những điều huyền diệu và bí ẩn trong vũ trụ.

    Đã từng sống trong nhiều căn nhà khác nhau, nhưng đối với An thì căn nhà nhỏ ở vùng Nam Phổ là nơi cho nàng nhiều kỷ niệm êm đềm và đẹp đẽ nhất.

    Vùng Nam Phổ ở ngay giữa đường của cửa biển Thuận An và chợ Đông ba nên cứ chiều đến là có những người đàn bà gánh tất tả từng gánh cá tươi roi rói đến từng nhà để mời khách mua. Từng rổ cá trích, cá thu, cá ngừ, cá nục và cá chim tươi xanh màu bạc. Mình cá cứng, mắt cá trong suốt. Người ta kho cá với ớt hiểm, đường chén màu nâu, nước trà, tiêu và bột ngọt thì vị cá ngọt lịm và ngon vô cùng. Đặc biệt, món cá ngừ tươi kho với nước mắm và ớt cay mà ăn với bún tươi thì ngon tuyệt.

    Chưa hết, có người còn gánh cả thúng cá nướng đi mời khách mua. Mỗi con cá to thì được kẹp giữa hai thanh tre dẹp. Màu cá chín vàng như nghệ. Ta chỉ cần gỡ hai thanh tre mỏng là có thể ăn vã tại chỗ. Cá béo ngậy và thơm phức, có khi còn nóng hổi muì than. Ăn xong hương vị ngọt ngon còn đọng lại trên môi.

    Ngòai cá tươi, cá nướng còn phải kể đến món cá hấp nữa. Cá được xếp gọn vào trong từng giỏ đan tre nhỏ. Thường thì cá hấp nhỏ hơn loại cá nướng. Nếu cho chút sốt cà chua thì cá ăn ngon hơn cá đóng hộp. Ta có thể chiên cá hấp và ăn thì vị ngọt hấp dẫn vô cùng.

    Mỗi sáng có từng đoàn người gánh bún bò và cơm hến đi thoăn thoắt như chạy để mong bán cho kịp buổi sáng. Mặc dù buôn gánh bán bưng, nhưng người nào cũng mặc aó dài tha thướt và yểu điệu, cử chỉ nhẹ nhàng và lời nói nhỏ nhẹ và lịch sự.

    Nói đến Huế tự khắc ai cũng nghĩ đến món bún bò Huế. Những tô bún bò chan nước lèo đỏ au màu ớt bột. Bên trên lớp bún là một miếng giò heo thơm ngon và ngậy béo, vài lát thịt bò gân và vài miếng huyết heo. Rồi người bán còn rắc một nhúm rau răm,hành lá và hành tây. Chỉ chừng ấy cũng đủ làm người ăn vừa ăn vừa xít xoa và hít hà vì vị cay, bún nóng và nước lèo đậm đà mùi mắm ruốc.

    Hễ đã ăn bún bò Huế thì phải nếm thêm món cơm hến. Nếu bún bò Huế được coi là qùa sáng của nhà giàu, thì cơm hến lại là món ăn của nhà nghèo.Tuy món ăn thật đạm bạc nhưng người đi xa Huế không khỏi thèm nhớ khi nhắc đến món ăn đặc biệt của địa phương này.

    Người bán cơm hến gánh một nồi to, đó là nước lèo lấy từ nước luộc hến. Ở đầu gánh bên kia là một thúng lớn được chia ra rất ngăn nắp: một rổ nhỏ đựng con hến luộc đã lột hết vỏ; một rổ rau đặc biệt gồm bắp chuối và thân cây chuối sắt nhỏ, khế chua sắt nhỏ và các loại rau thơm đủ loại; một chén đựng mắm ruốc đặc, một chén đựng muối mè và đậu phụng, và một chén đựng ớt bột được tao ra đặc sệt.

    Khi có khách kêu một tô cơm hến thì bà bán hàng sẽ dừng lại và lật chiếc đòn gánh làm ghế ngồi rồi bà thong thả rút một cái tô ra để làm cho khách một tô cơm hến vừa cay, ngon và đậm đà.

    Với An, cho dù nhiều món đồ ăn Huế rất ngon, thanh và vừa miệng, nhưng cơm Hến là một món ăn thể hiện trọn vẹn hương vị độc đáo của địa phương. Vị ngọt đậm của mắm ruốc, vị bùi ngậy của đậu phụng và mè, vị chua của khế, vị cay của ớt,và vị ngọt của nước lèo lấy từ giòng nước sông Hương. Chừng ấy đủ làm cho những người con xa Huế nhớ thèm nhỏ dãi khi nhắc đến cơm hến.

    Gần nhà An có một quán bánh bèo Tây Thượng bình dân. Tuy quán có vẻ nghèo nàn và trống trơn nhưng khách hàng vẫn đến ăn nườm nượp, bởi vì quán này nổi tiếng là làm bánh bèo rất ngon. Khách được chủ quán cho mượn những miếng tre cắt mỏng hình con dao để lóc bánh bèo ra khỏi dĩa. Chỉ nhìn từng chồng dĩa không được xếp trước mặt khách thì đủ biết tài nấu ăn khéo léo của chủ quán.

    Cạnh nhà An có khoảng bốn cây hoa Sầu Đông mà người Huế quen gọi là hoa Thầu Đâu, còn người Bắc gọi là hoa Soan. Trái Soan có hình tròn dài và thon, được ví như khuôn mặt đẹp của người phụ nữ. Về muà Đông, cây rụng lá và u sầu nên nó mới có cái mỹ hiệu Sầu đông. Hoa Soan màu tím hoa cà, tựa như loại hoa Phượng tím ở California mà tên địa phương là Jacaranda.

    Sở dĩ An nhắc đến cây hoa Soan vì về mùa hè gia đình ông bà Giao thường mắc võng nơi mấy cây để đong đưa võng buồn. Mỗi buổi trưa hè nằm ngủ gà gật trên võng mà nghe tiếng ve sầu kêu rỉ rả thì nỗi buồn cứ len lén tìm đến để gậm nhấm tâm tư người đa sầu đa cảm. Tuy vậy, con người lại cảm thấy gần gũi và thương mến quê hương nhiều hơn.

    Dưới mấy gốc Soan là vài lu nước làm bằng đất sét. Thuở ấy, người ta dùng gáo bằng vỏ dừa để múc nước uống và xài. Ngoài sân là nơi để giặt, rửa chén và tắm cho trẻ con. Vào mùa hè, chị vú cũng thường đem bếp than ra để nâú ăn cho sáng sủa và thoải mái hơn là nấu ăn ở trong nhà. Vào mùa mưa, người ta hứng nước mưa trong lành từ những máng xối,rồi giòng nước thơm ngọt ấy được cất kỹ chỉ dùng để uống mà thôi. An vẫn gọi nước mưa là nước mắt của trời. Ở Huế, những cơn mưa kéo dài triền miên hàng tháng cho nên An nghĩ trời sao mà khóc dai và nhiều thế.

    Chính vì An tìm được niềm vui nơi căn nhà và gia đình ông bà Giao nên nó rất buồn khi phải trở về nhà ông bà Du ở gần chợ Đông Ba để đi học. Vào mỗi ngày thứ hai trong tuần, An đi bộ ra bến đò ở góc đường. Đi qua đò là một niềm vui và thú vị vì giòng nuớc sông Hương rất êm đềm và trong. Cùng với các người bạn hàng gánh rau, bún bò, bánh trái để qua bán ở chợ Dinh bên vùng Gia Hội, An lững thững đi qua các quán hàng để rồi chờ đón xe buýt ở chợ Dinh rồi đi đến chợ Đông Ba.

    Trong những chuyến đi vào ngày thứ hai đó, An không thể quên được một kỷ niệm buồn đã in hằn trong tâm khảm nó về sự tàn nhẫn của người lớn đối với một đứa bé chín tuổi như nó.

    Một hôm, khi vừa bước xuống bến xe chợ Đông Ba thì An hoảng hốt vì tờ giấy năm đồng độc nhất của nó đã không cánh mà bay. Trong lúc mọi người hấp tấp tản mát về mọi nơi thì An lục hết mọi nơi trong cặp táp để mong tìm cho ra tiền. Mụ lơ xe lỏ mắt nhìn chòng chọc vào nó rồi càu nhàu đòi tiền xe. An cuống quít van xin mụ cho nó khất nợ vì nó lỡ đánh mất tiền. Người đàn bà hung dữ ấy bèn trợn mắt rồi nắm chặt áo nó để làm dữ. Lúc ấy, vừa mắc cở và vừa sợ trễ học. An mếu máo xin mụ ta thông cảm, nhưng mụ ta còn hàm hồ la mắng nó hết lời.

    Nước mắt lưng tròng, An quay ngó chung quanh để mong một sự giúp đỡ nào đó. Trong lúc đang giằng co thì có một bà cụ già dừng lại, quan sát rồi bà móc ra một đồng và đưa cho mụ lơ xe và yêu cầu mụ thả An ra. Mụ ta lật đật cầm lấy tiền rồi thả nó ra. Con bé mừng rỡ chắp tay cám ơn người ơn rồi chạy đi cho mau kẻo trễ học. Bà già gật đầu tỏ vẻ hiểu ý, hai mắt bà trìu mến nhìn An.

    Sáng hôm ấy, An tới trường bị trễ nên bị cô giáo bắt phạt không cho ra chơi trong giờ nghỉ. Những nỗi buồn vì bị ức hiếp đã tích luỹ và chính là động cơ làm cho An phải cố gắng tiến lên, luôn tôn trọng và giúp đỡ những người yếu kém hơn mình.

    Nơi nhà ông bà Du có mấy người con nhưng An thích và hợp cô Ly. Vì hơn An có một tuổi nên hai đứa chơi thân với nhau. Khác với cô Bích ở Đàlạt, cô Ly rất dễ thương, hiền hoà và bình dị. Mỗi tối An thường ngủ chung với cô Ly và cô Chi, người chị của cô Ly ở trên một bộ ván gỗ gõ láng bóng và mát rượi.

    Mỗi chiều hai cô cháu thuờng tắm chung, ăn chung và làm bài chung. Nói chung, gia đình ông bà Du rất tốt với An. Sáng sáng, bà Du cho An hai đồng để ăn sáng giống như bà cho các con của bà.

    Ngày ấy, chỉ có một đồng là đủ mua một chén xôi đậu đen kèm theo là những con tôm khô hay cá cơm khô kho ngọt và cay xé lữơi. Hễ ai muốn ăn cháo đậu đỏ với cá hay tôm kho khô thì cũng chỉ mất có một đồng.

    Vì muốn để dành cho có tiền mua quà cho em nên An chỉ ăn sáng có một đồng. Thế là chiều thứ sáu nó tạt ngang qua tiệm bánh Quảng Lai để mua một lạng bánh gãy vụn về cho em nó mừng. Dù không ai bảo phải làm điều đó nhưng An vẫn ý thức và vui vẻ làm cho mọi người vui lòng. Nó yêu em gái trên hết mọi sự vì em nó sinh ra trong sự chia ly của gia đình nên thiếu thốn tình phụ tử và sự săn sóc của mẹ hiền, vì mẹ phải vất vả kiếm sống.

    (còn tiếp) Bài 8: Cô Đơn Là Bạn, Quạnh Hiu Là Nhà

    Kim Hà
    Last edited by Dan Lee; 06-04-2008 at 04:23 PM.

Posting Permissions

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts