Bài 11: Một Cuộc Bể Dâu



“Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

(Nguyễn Du)

Năm ấy, bà Tâm chỉ mới vừa ba mươi tuổi. Dáng điệu bà cao ráo và thanh tú. Nét mặt hiền lành, đôi mắt lúc nào cũng buồn vời vợi. Miệng cười có chiếc răng khểnh, hai má lúm đồng tiền làm cho nụ cười thêm phần duyên dáng. Tính tình bà hiền dịu và nhẹ nhàng. Bà ăn mặc rất lịch sự. và nói năng lưu loát. Bà còn thông thạo cả Anh ngữ và Pháp ngữ. Thuở ấy, với những ưu điểm trên, bà là mẫu người đàn bà thanh cao và hiếm qúy. Vì thế có rất nhiều người đàn ông qúy mến và thương yêu bà. Họ tìm cách tán tỉnh và đến gặp gỡ.

Mỗi cuối tuần, các ông bạn của bà Tâm thường đến thăm bà Tâm vàhay đem qùa tới cho An và bé Châu. Vì sợ mất mẹ nên An thường hậm hực dòm ngó họ. Những con búp bê nhắm mắt mở mắt, những bộ đồ soong chảo xanh đỏ, những bộ ly tách đủ màu thường làm An nhìn ngắm say sưa khi đi phố. Nhưng nay nó đâm ra dửng dưng. Tuy thích qùa nhưng nó qúy mẹ hơn.

An còn nhớ khi đọc trong tác phẩm Những Kẻ Khốn Nạn (Les Misérables) của Victor Hugo, tác giả kể chuyện như sau:

“Vào dịp lễ Giáng Sinh, một người tù nhân tốt bụng đã dắt đứa con gái nghèo và côi cút mà ông ta vừa quen biết cùng đi phố để mua tặng cho cô bé một con búp bê có thể nhắm mắt, mở mắt. Cô bé mừng vui và cảm ơn ân nhân của bé. Ông ta đã đem lại niềm vui lớn lao đến cho cô bé, không những bằng vật chất là con búp bê mà cả đời cô bé mơ ước, nhưng còn là một tình cảm nhân ái, một sự chăm sóc tinh thần của tình phụ tử mà cô bé đang cần.”

Nhưng thực tế, An không phải là cô bé đó, mà các ông bạn của mẹ nó không phải là ông tù nhân tốt bụng trong tác phẩm ấy. An ý thức rằng họ đang mua chuộc lòng mẹ mình để âm mưu cướp mẹ ra khỏi tình thương của chị em mình. Vì thế mà con bé đâm ra ghét cay ghét đắng các ông bạn của mẹ.

Nhưng trong số những người ái mộ bà Tâm, An mến nhất là ông Thư. Ông Thư làm cùng sở với bà Tâm. Tính người trầm lặng và kín đáo. Dáng ông mảnh khảnh và qúy phái. Tuy không đẹp trai như ông Bình là ba An, nhưng ông rất nghiêm nghị và trí thức. Ông Thư là mẫu người nghệ sĩ, rất thích thơ văn. Lối ăn nói của ông rất dí dỏm và khôi hài, thường lôi cuốn người khác phái.

Ông Thư có bà vợ ở vùng Quảng Trị với gia đình. Còn ông vào Huế đi làm cùng với hai người con trai là Khánh và Tế là sinh viện và học sinh. Khánh hơn An độ năm tuổi, còn Tế hơn An độ ba tuổi. Gia đình họ ở trên vùng Thượng thành, ngay gần cửa Thượng Tứ. Ông Thư rất thích trồng hoa cảnh. Nhà ông có một vườn hoa lan đủ màu sắc và hương thơm.

Ngày ấy, ông Thư chinh phục bà Tâm bằng những sự chăm sóc nhẹ nhàng và ý nhị. Ông đặt tên những hoa lan trong vườn ông bằng tên của mẹ con An, nào là Thanh Lan Tâm, Bình Lan An và Lệ Lan Châu.

Những lúc đến thăm nhà của ông Thư, An rất hãnh diện khi thấy có một loài hoa lan qúy mang tên của mình, của mẹ và em mình. An rất thích vườn lan ấy. Hoa lan vừa đẹp vừa sang qúy. Hương lan không ngào ngạt nhưng sắc lan tuyệt đẹp. An vẫn hằng say sưa ngắm nhìn và thưởng thức công sức của người trồng hoa.

Đàng sau vườn của ông Thư còn có đủ mọi trái cây như ổi, táo tàu, đào và mãng cầu. Mỗi lần ghé chơi, An chẳng muốn về nhà mình. Đến cách pha trà mạn sen của ông Thư cũng thơm ngon đặc biệt. Trong nhà không có vật dụng gì qúy giá nhưng những nét tranh thủy mạc, những món đồ tre đơn sơ cũng tạo ra một chút gì khác thường va đầy chất nghệ sĩ.

Qua những lần nói chuyện với ông Thư, An cũng nhận thấy ông Thư là một người đàn ông biết cách sống, biết thưởng thức nét đẹp của tâm hồn con người và vẻ đẹp của thiên nhiên. Ông Thư còn có máu tiếu ngạo giang hồ và óc khôi hài. Khi đang buồn bực mà nghe vài câu chuyện khôi hài của ông thì người nghe phải bật ra cười như bị thọc lét. Có một lần, ông đến thăm gia đình An, nhân lúc nó đang ngủ trưa, ông bèn dấu cái kiếng cận của cô bé, báo hại cô bé đi tìm cả ngày, khóc sưng đôi mắt. Về sau, nghe kể lại, ông đã hối hận, xin lỗi An và mua tặng nó cuốn sách”Chim hót trong lồng” để tạ tội.

Tình cảm giữa gia đình An và gia đình ông Thư ngày càng mật thiết hơn. An mến hai người con của ông Thư, nàng cũng thương ông Thư vì ông hiền lành và biết điều. Rất nhiều lần, nàng nhìn ông Thư qua hình ảnh một người cha vì ông biết săn sóc cho con cái và hiểu được tâm tư của chúng. An thường ước mơ đến một ngày nào đó mẹ và ông Thư kết hợp để an ủi và nâng đỡ tinh thần nhau. Nhưng đó chỉ là niềm mơ ước viễn vông vì bà Thư vẫn còn hiện diện, cho dù ông Thư ít khi nhắc đến người vợ của ông. Vì thế giữa bà Tâm và ông Thư chỉ có tình bạn, cho dù họ rất hợp trong tâm hồn và lối sống.

Đời sống thêm khởi sắc từ ngày tình bạn giữa hai người thắt chặt. Anh Khánh, người con trưởng của ông Thư thích chăm sóc cho An. Anh thường tặng cho An sách và các tạp chí ”Văn”. Tính anh cũng trầm lặng như người cha.

Trong những ngày mùa đông buốt giá, bà Tâm thường hay hát từng đoạn nhạc tình ngắn ngủi ở trong các bài hát Dư Âm, Nỗi Lòng, Ai Về Sông Tương, Nắng Chiều, và Gợi Giấc Mơ Xưa. Câu hát mà bà hay lẩm bẩm nhiều nhất là:

“Thương anh thì thương rất nhiều mà duyên kiếp lỡ làng rồi
Xa anh lòng em muốn nói đôi lời, nhớ kiếp sau tìm nhau.”


Huế với những đêm dài mất ngủ, tê tái trong những ngày mưa lê thê, lạnh buốt hơn những cơn lạnh tháng chạp, cô đơn và ủ rũ như những cành Sầu Đông. Nên bà Tâm thường ngâm thơ của T. T. Kh., những bài thơ áo não của kẻ đa tình:

”Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài những lúc thấy tôi vui.
Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi.”


Trên cõi đời này, có mấy ai tìm được tri âm, tri kỷ? Ông Thư là một người đàn ông đặc biệt: có hồn thơ nho nhã, biết săn đón và chăm sóc, hiểu biết và có tâm hồn mẫn cảm và hiếm qúy.

Sau này, khi xem phim “The Thornbirds”, An mới thấu hiểu được cái đau đớn của một loài chim được mang tên là “Loài Chim Gai Góc”. Sau khi đã đâm đầu vào đám gai nhọn để tìm cái chết trong đau thương thì nó mới hót lên một tiếng hót thật tuyệt diệu. Tiếng hót của nó vừa hạnh phúc miên mang, vừa bi thương ai oán. Cả cuộc sống nó chỉ hót có một lần và rồi nó chết.

Nhưng có loại Chim Gai Góc thì cũng có những con thiêu thân, chúng chỉ biết lao đầu vào các ngọn đèn sáng để tự tìm cái chết, giống như những kẻ đam mê tứ đổ tường, họ lao đầu vào các thú vui nhất thời ấy. Lúc bị mất mát hay gặp hệ lụy thì họ tuyệt vọng đi tìm cái chết.

Còn có những cái chết đáng cho ta suy nghĩ: có những con người tìm cái chết vì quá yêu người, vì hy sinh cho người mình yêu như hình ảnh một Chúa Giêsu Cứu Thế đã hy sinh trọn vẹn để chết cho nhân loại tội lỗi được sống.

Trong suốt bao năm sau đó, dù năm tháng đã qua đi, làm sao ai hiểu thấu được tâm tình của người đàn bà cô đơn? Những đêm mùa đông rét mướt lạnh căm căm, ba mẹ con bà Tâm nằm bó gối và co quắp trên giường, lưng họ đựa vào nhau để truyền hơi ấm cho nhau. Vào những ngày mưa lê thê tưởng như thối đất, Bà Tâm hay ngồi thừ người và ngó mông lung ra ngoài trời, vẻ mặt xa vắng, những tiếng thở dài cùng những giòng lệ rơi đã nói lên tâm trạng ngổn ngang rối bời của bà:

“Mưa rớt ngoài trời, chừng như mưa, mưa trong lòng tôi.”

Đứa con gái của bà đã chứng kiến từng ngày từng giờ những dằn vặt trong tâm tư của mẹ nàng. Nhìn bề ngoài, bà Tâm là một người đàn bà qủa cảm, vui tươi, hoạt bát và lịch duyệt, nhưng bên trong bà lại là một người đa sầu đa cảm và yếu đuối.

Tuy vậy, bà Tâm cũng biết tự mình tìm một cách để lãng quên. Ngoài việc làm hàng ngày, việc học thêm Anh ngữ ban đêm và việc chợ búa, bà còn tìm thấy niềm vui qua việc đan áo len cho con cái và hàng xóm và bạn đồng nghiệp. Người ta đưa tiền hay mua quà để trả công cho bà. Chẳng bao lâu, có các tiệm buôn đến đặt bà đan những chiếc áo len đủ kiểu, pha nhiều màu sắc để cho những khách hàng sang trọng của họ. Công việc bận rộn và có lợi nhuận đã làm cho bà vui hơn và quên những ưu phiền của cuộc sống.

Ngày ấy, gia đình bà Tâm rất thèm một cái radio nhưng không có đủ tiền để mua, vì thế việc nghe nhạc là chuyện vượt quá tầm tay cuả gia đình bà. Trong mỗi đêm Giáng Sinh, An vẫn cầu xin ông già Noel cho nàng một cái radio cũ để có thể nghe nhạc yêu cầu và biết thêm tin tức.

Bé Châu đã hơn bốn tuổi, tuy ốm yếu nhưng nó rất khôn lanh và ngoan ngoãn. Mỗi ngày trong khi bà Tâm đến sở và An đến trường thì chị Hồng giữ việc dạy các mẫu tự dễ cho bé Châu. Chị Hồng rất tận tâm dạy bé.

Vào một buổi trưa, tình cờ An được về sớm vì có một giáo sư nghỉ bịnh. Vừa bước vào đầu ngõ, nàng đã giựt mình vì tiếng la chói lói của chị Hồng và tiếng khóc gào thảm thiết của bé Châu. Lập tức An quẳng cái cặp táp xuống đất rồi chạy ra phía cầu tiêu công cộng nơi có tiếng hét và khóc.

Một cảnh tượng khủng khiếp hiện ra trước mắt An: Chị Hồng vừa cầm một cái roi bằng chổi lông gà vừa xiả xói la mắng em Châu, còn em Châu bé nhỏ thì co ro đứng sát nơi những đống phân hôi thối và đầy giòi bọ lúc nhúc trong cái cầu tiêu đã nghẹt từ cả năm nay. Mùi hôi thối ám đầy người bé Châu, con bé vừa khóc vừa lạy van chị Hồng rối rít.

Cơn giận bùng nổ dữ dội trong An. Tim nàng đập thình thịch, mặt mũi nàng tái xanh. An nhào tới, kéo tay đứa em nhỏ bé ra khỏi cầu tiêu dơ bẩn kia. Tiếp đó nàng nhào đến, xông thẳng vào người chị Hồng và đấm đá chị túi bụi cho đã cơn giận. Dùng hết sức bình sinh, An đánh chị không biết mệt. Vừa đánh, nàng vừa chửi rủa chị ta không tiếc lời:

-Đồ vô hậu kế đợi, đồ ác độc, tàn nhẫn. Chị nham hiểm hơn bà phù thủy, chị ác độc hơn ma qủy. Ai cho chị hành hạ em tui? Hắn còn nhỏ xí, hắn chưa hề biết một chữ chi cả. Nếu hắn dốt thì chị dạy từ từ, tại răng mà chị dám nhốt hắn trong cái ổ thúi tha như rứa? Người đàn bà mà ác như ri coi chừng tuyệt tự không con đó nghe chưa?

Đánh đấm và chửi rủa chị Hồng để trả thù cho đưá em xong, An mới chịu dừng tay. Chị Hồng biết lỗi nên không cãi, cũng chẳng đánh lại An dù rằng chị lớn con và hai mươi tuổi trong khi An mới có mười hai, mười ba. Có lẽ chị ta đã nhốt bé Châu nhiều lần nhưng con bé không dám mách lại. Từ đó trở đi, An không cho chị ta dạy bé Châu nữa.

Bé Lệ Châu càng lớn càng khôn ngoan và biết điều. Nó nói chuyện rặt giọng Huế. Con bé biết đón ý và chiều người lớn nên An càng thương em nhiều. Đi chơi với các bạn, An cũng dắt em đi theo. Hoàn cảnh khó khăn và đơn chiếc trong gia đình đã làm hai chị em An lớn khôn và chịu đựng gian khổ giỏi hơn những đưá bé cùng tuổi. Trong nhà không có đàn ông đã lâu nên An trở nên mạnh dạn và cương quyết để đối phó với những bức hiếp và chèn ép. Đôi khi bị hàng xóm ăn hiếp, bà Tâm chỉ biết khóc nhưng An lại đứng ra giải quyết mọi việc có tình có lý khiến hàng xóm cũng phải gờm mặt.

Vào mùa mưa, các nữ sinh Đồng Khánh phải mặc đồng phục màu xanh đậm và quần trắng, tuyệt đối không được mặc quần dài đen như nữ sinh Gia Long. Những ngày mưa đi bộ đến trường, ngày nào An cũng ướt như chuột lột vì áo mưa bị rách nát, nhất là chỗ nách áo nối với tay. Trời lạnh, An lạnh run cầm cập nhưng không hề than van hay đòi mẹ mua áo mưa mới cho.

Thuở ấy, Huế thường hay có giông bão và lũ lụt. Trời về chiều thì sập tối rất mau. Ngoài trời mưa giật tung các cửa sổ, làm rung chuyển các cây Phượng trong sân trường. Học trò xôn xao và náo động vì đưá nào cũng mong được về sớm trước khi tối đến mau. Hôm ấy, cô bạn của An nóng ruột nên hỏi An xem mấy giờ rồi. Nàng vừa đưa tay lên nhìn đồng hồ để trả lời bạn thì bị ngay đôi mắt cú vọ của cô giáo môn Quốc văn chiếu tướng. Cô gằn giọng:

-Học hành không lo, chỉ lo nhìn đồng hồ. Bộ muốn về rồi hả?

An đính chính:

-Thưa cô, tại Nguyệt muốn biết mấy giờ nên em phải trả lời cho hắn biết.

Chỉ có thế mà hôm ấy nàng bị cô giáo lặng lẽ cho nàng một con số không về kỷ luật mà không giải thích. Trong khi đó, Nguyệt là đứa bạn hỏi giờ thì không bị gì cả. Hỏi ra thì nó là cháu gái gọi cô giáo bằng cô ruột. An tức cô vì cô không công bằng và thiên vị. Đời bất công thật.

Trong cái giá băng của mùa Đông, Tết Nguyên Đán lại trở về, mang theo niềm hy vọng và sự hồi sinh cho xứ Huế và người Huế. Ở nhà đón Tết thì buồn vì chị Hồng đã xin về quê ăn Tết, vì thế ba mẹ con bà Tâm thường đạp xe qua nhà ông bà Du, người bác họ để ăn tết cho vui và có không khí gia đình ấm cúng.

-Vào mỗi đêm Giao Thừa, ông bà Du thường cúng đón mời ông bà về ăn tết với con cháu. Hàng xóm nhà nhà đều có nhang đèn nghi ngút, mâm cao cỗ đầy. Nhiều nhà còn đem cúng ở ngoài trời. Trong cái giá lạnh của màu Đông, An cảm động khi thấy lòng thành tâm của bà con qua việc cúng tế, lại nghe từng tràng pháo nổ rộn rã, rồi tiếng cười nói xôn xao bên ánh lửa bập bùng ấm áp của những nồi bánh chưng, bánh tét, lại có tiếng tụng niệm nổi lên, tiếng người rủ nhau lên chùa hái lộc hoặc xin xâm cầu hên, An thấy lòng mình lắng lại, êm đềm và bình yên. Một chút gì ấm cúng và thú vị thoáng đến trong lòng nàng. Huế bình thản, Huế đầy hương vị của dân tộc, Huế đầy tình nghĩa sâu đậm. Huế muôn thuở vẫn nằm ở nơi cao trọng nhất trong tim nàng.

Trong lúc người chủ gia đình lo chuyện cúng tế thì đám con cháu quây quần lại chơi Xâm hường. Đây là một thú giải trí thanh cao hơn mạt chược và xì lát. Người chơi thường dùng sáu viên lúc lắc để gieo quẻ. Trúng lục phú là đoạt Trạng, lúc ấy là lúc sáu hột lúc lắc đều ra số sáu cả. Cách chơi nơi miền cố đô cũng đượm mùi quan lại: Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa.

Mỗi ngày Tết đến là nhà nhà vui nhộn với khách đến chúc tết, những bao tiền màu đỏ, những mâm cơm thịnh soạn, và những sòng bạc gia đình để thử thời vận đỏ đen. Mọi người lao đầu vào canh bạc. Sòng bạc nào lúc bắt đầu cũng chơi ăn thua nho nhỏ, chừng một vài giờ sau là số tiền đánh cá lớn gấp bội. Mặt mũi ai cũng đỏ gay, mắt ngó láo liên, những con mắt thiếu ngủ trở nên đỏ ngàu và dữ tợn, trán họ nhăn lại, đầu tóc bù rối. Bà con cãi cọ, chửi thề rồi lừa bịp nhau. Cuộc đời thể hiện rõ nét những nét thật trần truồng không còn được tô son trét phấn nữa. Sự thật nhớp nhúa và dơ dáy. Được bạc thì ăn tiêu phung phí, còn thua bạc thì cay cú, về nhà đánh vợ chửi con.

Sau Tết là người ta lo lắng vì phải trả nợ ăn tiêu cho ngày Tết và nợ cờ bạc. Những ngừơi không vướng vòng đỏ đen như mẹ con bà Tâm là thảnh thơi nhất.

Vào mùa hè năm 1963, bà Tâm đột ngột tuyên bố:

“Sáu năm nay mình chưa về thăm bà ngoại và hai em con. Nửa tháng nữa mình sẽ vào Sàigòn chơi. Các con có thích không?”

Nghe tin ấy, An và bé Châu mừng hí hửng. Đó là một tin vui hào hứng. Chị Hồng được bà Tâm cho về quê chơi trong lúc gia đình bà đi về Sàigòn thăm gia đình.

Sáu năm dài từ lúc xa Sàigòn để lên Đàlạt và ra Huế. An nghe lòng bùi ngùi xúc động khi nghĩ về hai đứa em trai. Thời gian và cuộc sống vất vả ở Huế đã làm cho nàng quên dần hai đứa em mình. Nay sắp được gặp lại chúng, An thấy lòng bồi hồi và buồn man mác, xen vào đó là sự rộn rã và bồn chồn mong nhìn lại hai đứa em.

Mẹ con An lại đón xe lửa đi về Saìgòn, lần này bà Tâm lại đem theo hai chị người làm từ Huế để giao cho dì Xuân vì dì năn nỉ nhờ bà Tâm mướn hộ. Cuộc hành trình rất cực khổ vì đường rầy xe lửa bị Việt Cộng phá hoại và chận chướng ngại vật để cản trở lưu thông. Đôi khi họ còn ra chận xe lửa để làm tiền và đòi lộ phí hay đồ ăn. Tuy vậy, gia đình An cũng tha hồ thưởng thức các món đặc sản của các vùng địa phương.

Bà ngoại của An ở chung với gia đình dì Xuân trong một cư xá của sĩ quan Hải Quân ở cuối đường Lê Thánh Tôn. Đừơng vào cư xá rất đẹp, những hàng cây xanh, rợp bóng mát giao đầu với nhau làm cho khu cư xá này trở nên hữu tình hơn. Gia đình An và hai người làm mới vào ở luôn tại nhà dì Xuân làm cho nhà trở chật chội hơn.

Bà ngoại của An rất thương gia đình dì Xuân. Tuy đã lớn tuổi nhưng ngày nào bà cũng đi xe đạp ra chợ mua đồ ăn cho gia đình rồi về hì hục nấu ăn cho con cháu. Thường thì lúc hai mẹ con dì nấu cơm trưa là lúc những người quen và bà con hai họ, cùng hàng xóm được đưa lên bàn mổ để làm đề tài mổ xẻ, thảo luận và chỉ trích.

Khi hết chuyện nhà thì ra chuyện người, hai mẹ con thường gấu ó về những chuyện cỏn con và lãng xẹt. Ngày nào cũng xảy ra chuyện cãi nhau mà những nạn nhân không hề biết rằng mình là đề tài để cho mẹ con người ta đem ra mổ xẻ. Tuy vậy, những cuộc cãi vã được tạm ngưng khi chú Hàn, chồng dì Xuân về ăn cơm trưa.

Ở chơi với gia đình dì Xuân một ngày đầu thì An xin được đến thăm gia đình ba nàng ở Phú nhuận. Bao năm xa cách, khi gặp lại hai em, An mừng rơm rớm nước mắt. Trái lại, Tịnh và Phu lại có vẻ dửng dưng nhìn chị. Chúng chẳng hề mừng hay xúc động. Điều này làm cho An thất vọng và đau đớn.

Lúc ấy ông Bình đã có ba con gái với người vợ sau. An rụt rè xin phép ba nàng để cho hai em trai của nàng đến nhà dì Xuân gặp mặt mẹ nàng và bé Châu. Buổi tương phùng làm cho bà Tâm khóc vì mừng tủi, làm cho chị em của An mừng vui vì được nhìn lại nhau sau bao năm tháng chia lìa.

Chiều hôm ấy, trong khi bà Tâm và bà ngoại An lo cơm chiều thì Tịnh mượn một xe đạp nhỏ của chú Hàn, chồng dì Xuân, để tập chạy xe. Tịnh lúng túng chạy xe xuống dốc nên bị té đập đầu vào vỉa hè. Thằng bé bất tỉnh vì máu ra lênh láng. An hốt hoảng chạy vào nhà báo tin cho người nhà. Báo hại chú Hàn phải lái xe Jeep chở Tịnh vào cấp cứu ở nhà thương của Hải Quân.

Bà Tâm phải ở lại bịnh viện để lo cho Tịnh, còn chú Hàn thì bực tức về nhà mắng chửi chị em của An:

“Chúng mày thật là những đứa xui xẻo. chuyên mang chuyện bực mình đến cho kẻ khác. Mới gặp nhau có vài tiếng đồng hồ là có chuyện ngay. Suốt đời chúng mày chỉ làm khổ cho kẻ khác. Tao chán quá rồi!”

An buồn rầu nghe chú Hàn trách mắng. Thật ra đó chỉ là rủi ro, không ai lại muốn chuyện xui xảy ra. Tại sao chú lại vơ đũa cả nắm? Lời nặng nề nói ra, chú có thể quên ngay nhưng những đứa cháu côi cút của chú chẳng bao giờ quên cả.

Vài hôm sau, Tịnh xuất viện. Bà Tâm bèn dắt các con đi sắm áo quần, giày dép rồi đi ăn uống. Cuộc hội ngộ không nồng nàn như An hằng nghĩ. Có lẽ đời sống gia đình thiếu tình thương đã làm hai em nàng đổi tính nhiều.

Đưa các em đi xe buýt về nhà, An còn rủ người cậu họ tên Phụng cùng đi thăm ông nội của An. Bà nội An đã bị ông nội bỏ nên bà ở chung với con trai là ông Bình, ba của An. Nhà ba của An và nhà ông nội rất gần nhau.

Sáng sáng, bà nội tráng bánh cuốn sớm và bày hàng bán bánh cuốn ở ngay trước cửa nhà của người chồng cũ bội bạc. Trong khi bà vợ bé nhí nhảnh và lũ con gái cưng của ông se sua chưng diện, họ đi xe hơi Citroen láng coóng, ăn một nửa đổ một nửa thì bà vợ tào khang của ông thức khuya dậy sớm cực nhọc để kiếm sống. Bà ăn mặc lam lũ, nét mặt phong sương và đầy vẻ chịu đựng.

Trớ trêu thay, bà Cải, vợ bé của ông nội An còn có nhiều trò lạ như tật lên đồng. Bà ta sắm cả chục bộ áo quần loè loẹt mỏng dính rồi bôi son trát phấn như phường tuồng. Mỗi tuần bà phải lên đồng ít nhất là hai lần. Bà la hét the thé, tiếng cười lảnh lót như hồn ma, rồi bà nhảy cỡn như mụ điên. Nhảy vung vít cho thỏa chí rồi bà vung từng đồng bạc mới xếp hình con bướm để ban phát cho người ngồi xem đang cổ võ cho bà. Thế là bà con xít xoa lạy tạ và nịnh hót:

-”Chao ơi, cô tốt đẹp và rộng rãi hào phóng quá, cô là Tiên nữ, là bà Chúa Tiên, là Hằng nga giáng thế. Xin cô cứ tiếp tục ban lộc cho chúng tôi với.”

Được tâng bốc, bà Cải thích chí bốc tiền cho bừa phứa, rồi ỏn ẻn nói cái giọng của bà Thánh linh la sát:

-Này này là lộc tiên lộc thánh, chúng mày tin thì được phước của cô ban cho đấy.

Thế rồi bà lại nhảy theo tiếng nhạc của kèn trống như nhạc đám ma. Lũ trẻ con xúm lại rất đông để ”Xin lộc Thánh”, có nghĩa là xin bánh oản đủ màu xanh đỏ, bánh kẹo, và đủ loại trái cây.

An không hiểu cái hủ tục này đã có từ bao giờ nhưng nàng đã nghe mẹ kể về những cái lố lăng của các cô đồng và các gả cung văn. Chuyện rằng một ngày nọ, một cô đồng trong khi nhảy nhót quá lố, đã xì ga một tiếng thật to. Trong khi cô ta ngượng chín người với đám người đứng xem thì một gả cung văn vội hát lên át ngay:

“Cô buồn cô rít cô chơi,
Cô bắn súng lục, cô bơi thuyền rồng.”

An tình cờ được thấy bà Cải lên đồng và nghe bà con hàng xóm bàn tán về những sự lố lăng và trơ trẽn của bà ta. Nàng đâm ra tội nghiệp cho bà nội mình, khinh bỉ ông nội và ghê tởm người đàn bà vì muốn chơi trò đồng bóng và nhảy nhót mà tốn kém biết bao tiền của chồng con.

Ngày gặp lại ông nội, An thấy lòng dửng dưng. Ông cũng chẳng có chút gì âu yếm với lũ cháu nội. Vì thế khoảng cách tình cảm hầu như xa diệu vợi. Sau bữa cơm được dọn ra chớp nhoáng với đồ ăn mua ở chợ như chả luạ, giò bì, chả giò và bánh cuốn, ông hỏi An qua loa về việc học hành và đời sống của gia đình nàng ở Huế ra sao. Sau đó, ông dắt ra một cái xe đạp cũ và tặng cho nàng làm phương tiện đi học.

An ngạc nhiên đến sửng sốt. Món qùa tuy không đáng giá với ông nội nhưng nó quá to lớn đối với nàng lúc ấy. Nó là giấc mơ đẹp đẽ và vĩ đại từ nhiều năm qua của An. Nàng đỏ mặt rồi ấp úng cám ơn ông. Ông nội An cười thoải mái vì ông biết rằng ông đã mang đến một niềm vui vô biên cho đưá cháu xa cách lâu năm.

Trên đường về nhà bà ngoại, cậu Phụng và An chở nhau trên chiếc xe đạp cũ kỹ ấy. Vì mừng quá nên cả hai đứa vừa đi vừa cười ngặt nghẽo vì sung sướng và ngạc nhiên. Đây là niềm vui rất lớn lao trong thời thơ ấu củaAn, mà món quà lớn lao ấy chỉ là chiếc xe đạp cũ.

Phụng tuy là vai cậu họ nhưng còn kém An một tuổi. Vì thế hai đứa thân nhau và hay tâm sự vụn với nhau. Hai đứa cười suốt trên con đường dài từ Phú Nhuận về tới cư xá Lê Thánh Tôn.

Ở chơi Sàigòn được hai tuần thì An cảm thấy nhớ Huế và muốn trở về nhà. Saìgòn tấp nập xô bồ, nhiều xe cộ và bụi bặm. Saìgòn đầy xa hoa vật chất, không có những giá trị tinh thần cao qúy như Huế. Đi mua sắm mãi ở chợ Bến Thành cũng chán chết và tốn kém, lại thêm nhiều kẻ móc túi và kẻ dữ tợn ở khu chợ khiến An đâm ra sợ sệt.

Thêm vào đó, gia đình của dì Xuân và chú Hàn luôn xáo trộn và khó chịu. Dì Xuân la rầy và kiếm chuyện chị người làm tên Hiếu rồi bắt buộc chồng đánh đập chị Hiếu. Dì muốn đuổi chị này từ lâu nên mới nhờ bà Tâm thuê hai người ở Huế vào. Tội nghiệp cho thân phận người ở đợ, làm gì cũng bị la. Hễ cãi lại thì bị ông chủ nhà đánh đập tàn nhẫn.

Hai chị người làm mới từ Huế vào thấy vậy bèn khóc lóc với bà Tâm để xin được trở về Huế với gia đình. Bà Tâm nhìn thấy cảnh ngược đãi của em và em rể đối với người làm công, bà cũng thở dài bất mãn nhưng không biết xử trí làm sao. Bề nào bà cũng bỏ tiền thuê họ vào Nam để ở cho dì Xuân ít nhất là hai năm. Nếu đem họ về thì mất lòng dì Xuân. Mà không đưa họ về nhà thì trong lòng ân hận. Vì thế, ba Tâm cứ thở ngắn than dài mãi.

Còn An thì tuổi trẻ nông nổi, nàng lẩm bẩm một mình mỗi khi thấy chú Hàn hành hạ chị Hiếu:

”Thật là người ác độc, có mới nới cũ, đàn ông mà vũ phu tàn nhẫn...”

Hay là:”Người ta chứ có phải thú vật chi mô mà đánh người ta mãi rứa?”

Chính vì sự trực tính của nàng mà cả bà ngoại đến dì Xuân và chú Hàn đều ghét An cay đắng. Bà dài họng ra mắng mỏ con gái:

-Này cô Tâm, cô không biết dạy con cô nên nó hỗn dễ sợ. Bây lớn mà ưa xía vô chuyện của người lớn. Nói chuyện với mẹ nó mà nó chỉ biết kêu mẹ ơi, mẹ ơi chứ không biết thưa mẹ là gì cả. lung lao quá đi mất rồi đó nghe!

Bà Tâm ra điều biểu đồng tình với mẹ. Bà mắng con cho vừa lòng mẹ. Còn An thì chán ghét gia đình bà ngoại và dì Xuân. Nàng chán cái bất công, sự ác độc, lối bắt bẻ vô lý, cách đối xử dã man với người ăn kẻ ở và cảnh mẹ con bà ngoại cãi nhau chí chóe như cơm bữa vì những chuyện không quan trọng của người khác. Ở mới hơn hai tuần, nàng đã nằng nặc đòi đi về Huế. Mặt cô nàng nặng nề như cái thúng bị sứt cạp.

Bà Tâm đổi chiến thuật bằng cách khuyến khích An đến thăm gia đình ông Bình, ba nàng. Bà bảo con:

-Con phải đến thăm ba con, dù gì ba con cũng là người sinh thành ra con. Không vì tình thì cũng vì hiếu, mà không vì hiếu thì cũng vì nghĩa nghe con!

Chiều ý mẹ, An đến thăm ba nhưng nàng luôn thấy mình cô độc và lạc loài trong gia đình ấy dù có hai em trai của nàng ở đó. Một gia đình mà nàng không hề thấy có tình yêu thương và sự gắn bó gì cả. Sau cùng nàng ra tối hậu thư cho mẹ:

-Mẹ à, hay mẹ cho con tiền con về lại Huế trước và ở đỡ nhà ông bà Du. Mẹ muốn ở chơi Sàigòn bao lâu cũng được. Con không thích cái gì ở đây nữa. Đừng ép con làm những việc mà con rất ghét làm như đi thăm ba con, ông ấy đâu cần con tới thăm. Còn nhà của bà ngoại và dì Xuân nhà đã ồn ào rồi, mình có ở lâu chỉ làm cho họ bực mà thôi.

Bà Tâm cau mặt và gắt gỏng:

-Con nhiều chuyện và ưa lý sự nên không ai ưa cả. Bao nhiêu năm mẹ mới được gặp mẹ, em gái và các con trai của mẹ. Chưa kịp hàn huyên là con cứ đòi về nằng nặc. Lần sau đừng vô Saìgòn nữa nghe không?

Thế rồi ba mẹ con bà Tâm chuẩn bị về lại Huế. Đêm hôm trước khi về, hai chị người làm tên Huệ và Tựu đã khóc lóc thảm thiết đòi về lại Huế. Bà Tâm xót xa, còn An thì khóc rưng rức vì thương xót cho số phận long đong của họ. Nếu sau này họ bị hành hạ thì mẹ nàng phải chịu một phần trách nhiệm vì đã thuê họ đem vào Sàigòn cho dì Xuân.

Lần về Sàigòn này, gia đình An nghe như có gì đổ vỡ trong tâm tư. Tất cả những suy nghĩ trong mộng tưởng đều không diễn ra êm đẹp mà chỉ là chán chường và thất vọng. Tình gia đình, nghĩa họ hàng chỉ là những niềm đau đớn và sự khinh bỉ. An nghĩ có lẽ gia đình nàng bây giờ chỉ còn vỏn vẹn trước sau là ba mẹ con mà thôi. Duy có một chiến lợi phẩm làm An vui mừng, đó là chiếc xe đạp cũ của ông nội cho.

Về lại Huế, An thấy lòng thanh thản và trầm tĩnh lại. Nàng dùng xe đạp chở em Lệ Châu đi chơi khắp nơi với đám bạn gái của nàng. Thế mới biết Huế là nơi chốn thân thương và đáng yêu vô cùng. Lòng bồi hồi, An tự hứa với lòng sẽ không bao giờ thèm vào Sàigòn thăm gia đình và họ hàng nữa. Những người bà con ở Sàigòn không dịu dàng và dễ thương như bạn bè và người quen ở Huế.

Từ ngày có chiếc xe đạp, An thấy mình có thêm tự do hơn, nàng có thể chở em gái đi chơi mà không cần phải năn nỉ bọn thằng Hữu và thằng Khôi để chơi đá cầu kiện nữa. Nàng cũng khôn cần phải giết thì giờ bằng cách làm màn sáo cửa nữa.

Mỗi chiều mát, cả bọn con gái đạp xe phố Trần Hưng Đạo để đi thăm các tiệm sách lớn như Ưng Hạ, Gia Long, Tân Hoa và Bình Minh. Ngày ấy, các tiệm sách rất đông khách mà khách thường là nam thanh nữ tú, nhịn tiền qùa sáng để mà mua sách. Có những kẻ lợi dụng việc đi mua sách để gặp gỡ nhau, để liếc mắt đưa tình, có những người viết tên mình vào miếng giấy để tìm bạn tâm tình rồi kẹp vào trong sách còn trong tiệm. Ngày ấy, An đã khóc rất nhiều khi đọc xong quyển “Chim hót trong lồng” của nhà văn Nhật Tiến mà ông Thư đã mua tặng cho nàng.

Những ngày được nghỉ giờ chót thì đám con gái lại đạp xe hành hai, hàng ba để ghé tiệm sách Uyên Bác, gần khu Morin cũ của ông bà Nguyễn Văn Yến. Tiệm sách này có nhiều cô con gái đẹp nên đông khách.

Tuổi trẻ ngày ấy thật dễ thương, cả bầy nữ sinh thường đi tung tăng như những đàn bướm trắng bay lượn nhởn nhơ hay chạy đùa như đàn chim se sẻ tíu tít kiếm ăn. Ai cũng dễ cười, đôi khi chẳng có gì đáng vui mà cũng cứ cười tít cả mắt. Có hôm, đang dạo phố mà bắt gặp một tia nhìn đầm ấm chứa chan hay một ánh mắt trìu mến khắc khoải là cả đêm ấy An trằn trọc mất ngủ. Chút gì lưu luyến, chút gì êm ái, chút gì xao xuyến nhẹ nhàng. Trái tim đứa con gái mới lớn đã biết rung động vì những điều vu vơ. Cơn mơ chợt đến nhưng chẳng dễ đi. Nàng bắt đầu bâng khuâng và thẫn thờ suy tưởng.

Những tình cảm lãng mạn, những ngại ngùng e ấp, những nụ cười thầm lặng, những vần thơ chép vội. Những đôi mắt trao quen nhưng chẳng bao giờ thố lộ. Những lặng câm đau xót, những nụ cười e ấp, những cử chỉ từ tốn, những tập nhật ký nửa vời. Rồi những ngày nắng không muốn tắt. Những hôm mưa lê thê triền miên. Những buổi tối đầy sao. Những ước mơ bốc lửa được dấu kín trong trái tim hồng. Tất cả đã là chất liệu nuôi sống đời con gái mới lớn như An và các bạn gái.

Trong dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1963, An và các bạn học giáo lý ở nhà thờ Phanxico Xavier được chịu phép thêm sức bởi tay Đức Giám Mục Ngô Đình Thục, bào huynh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Đây cũng là lần cuối mà nàng thấy mặt Đức Cha Thục, vì sau khi cuộc Cách Mạng ngày 1 tháng 1 năm 1963 thành công thì toàn gia đình Tổng thống Diệm đã ly tan và chia lìa.

Khỏang mùa hè năm 1963 trở đi,bầu không khí của xứ Huế trở nên sôi động vì người dân Huế phản đối Tổng thống Ngô Đình Diệm và chính phủ của ông đã đàn áp Phật giáo. Bà con biểu tình, tuyệt thực và đem cả bàn thờ Phật ra đường. Từ bộ mặt thầm lặng, Huế đã chuyển mình để trở thành phẫn nộ và sôi sục. Sự chống đối biểu lộ nơi các biểu ngữ và phong trào xuống đường rầm rộ của thanh niên, sinh viên và các Phật tử.

Chưa bao giờ An thấy người Huế tranh đấu và phản đối mãnh liệt như thế. Khí thế hào hùng lại có thêm chính nghĩa nên phong trào đã làm rung chuyển cả chế độ của ông Diệm. Như vết dầu loang,cả miền Nam vùng lên xuống đường. Báo chí và đài phát thanh tòan quốc và thế giới lần lượt loan tin những Phật tử tự thiêu để phản đối sự đàn áp tôn giáo của chính phủ Diệm, rồi tin của cha mẹ vợ của ông cố vấn Ngô Đình Nhu cũng lên tiếng bất bình.

Ngày 1 tháng 1 năm 1963, cuộc đảo chánh do các Tướng lãnh trong Quân lực Việt Nam cầm đầu đã lật đỗ Tổng Thống Ngô Đình Diệm và chánh phủ của ông. Ai cũng dư biết đó là do sự ném đá dấu tay của chính quyền Kennedy ở Hoa kỳ, và có lẽ do sự phá hoại xảo quyệt của chính quyền Hồ Chí Minh, Cộng sản Bắc Việt Nam.

Cả thành phố Huế xôn xao hẳn lên. Có người mừng ra mặt nhưng cũng có kẻ khóc thầm. Người ta ngồi quây quần bên những chiếc máy truyền thanh để đón nghe tin tức nóng sốt. Đài phát thanh Huế vừa đọc lá thư của Tướng Đỗ Cao Trí, vị tướng tư lệnh vùng một chiến thuật, rằng ông quyết trung thành và sống chết với Tổng Thống Diệm. Nhưng chỉ một giờ sau, tên của tướng Trí đã được đọc lên trong danh sách những tướng lãnh dẫn đầu cuộc đảo chánh, rằng ông đả đảo sự độc tài gia đình trị của vị Tổng thống họ Ngô này.

Lúc ấy, trong tâm trí non nớt của An, nàng đã sớm nhận xét được bộ mặt thật của những kẻ làm chính trị: đầy thủ đoạn, tráo trở và mưu sỉ. Những cuộc theo đóm ăn tàn, gió chiều nào che chiều ấy. Nàng buồn vì thấy tình đời đảo điên, thay trắng đổi đen. Mới hoan hô và nịnh hót, một giờ sau lại chửi bới và sỉ nhục người mà mình vừa tung hô và qụy lụy.

Cho dù cố Tổng Thống Diệm có sai lầm trong chính sách của ông, nhưng công lao to lớn của ông đối với đất nước Việt Nam thật không thể nào phủ nhận được. Chưa có giai đoạn lịch sử nào mà đất nước mình lại thanh bình và no ấm như thời kỳ 1960, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Sau đó, theo chỉ thị trên đài phát thanh, mọi người bèn lôi hình Tổng Thống Diệm xuống để xé nát, đốt hay liệng thùng rác. Gia đình An cũng phải đem hình ông Diệm đi đốt. Nàng đã khóc tấm tức vì thương tiếc ông bị chết oan, sau khi bị hạ bệ.

Thế mới biết sức mạnh của các phương tiện truyền thông thật vô địch. Quần chúng tuy thầm lặng, nhưng khi được tác động thì sức mạnh như vũ bão, như lửa dậy. Dân chúng đã bị những sự kích động hoành hành. Họ đã đi quá lố. Họ đã lăng nhục một vị Tổng thống anh minh và đáng kính. Bốn mươi năm đã qua, có vị lãnh đạo nào được bằng ông Diệm không?

Muà Giáng sinh năm 1963, gia đình An đón ngày lễ trọng đại ấy trong nỗi buồn và lòng nuối tiếc vị Tổng thống đức độ và đầy lòng ái quốc. Đúng vào ngày lễ, mẹ con nàng đã âm thầm cầu nguyện cho Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và em của ông là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu được nghỉ yên trên Thiên Đàng, và cầu nguyện cho Quốc thái dân an. Đêm Giáng Sinh, Đêm thánh Vô Cùng, gia đình An đi dự lễ nửa đêm và vui niềm vui Chúa Giáng Thế, cùng chung vui với sự rộn ràng của cộng đoàn dân Chúa.

Trở về nhà cũng chỉ ba mẹ con, họ lại lặng lẽ đi ngủ, An vẫn âm thầm cầu xin ông già Noel hãy đến để sưởi ấm không khí lạnh lẽo của một gia đình cô đơn. Nó cũng xin ông già Noel hãy đến với món quà Giáng Sinh cho chị em nó.

Món qùa Giáng sinh năm ấy mà ông già Noel dành cho An là một đôi guốc cao gót hiệu Đa Kao mà gót làm bằng sắt nhọn hoắt có đóng đế bằng ni lông. Ngày ấy, đôi guốc ấy là một ước mơ cao vời của An và các bạn gái. Guốc này rất đắt tiền so với những đôi guốc mộc nhẹ tênh và đóng da nhựa trong veo mà đám con gái thường mang đi học.

Sáng ngày Noel, nhận được quà, An mừng đến chảy nước mắt. Nàng âm thầm cảm ơn Ông Già Noel vì ông thật là tốt bụng, không bao giờ quên đứa cháu nghèo nàn của ông. Nàng nâng niu và trân qúy đôi guốc một cách quá đáng. Cả mấy tháng, nàng gói đôi guốc kỹ trong hộc tủ và chỉ đi thử ở trên giường đi văng mà thôi. Đi học về là nàng mang nó ra ngắm nghía và săm soi. Lũ bạn tới, nàng bèn đem ra khoe, đứa nào cũng xít xoa, nuốt nước miếng thèm thuồng. Có đứa năn nỉ xin đi thử trên giường. An đắc chí vì đó là lần đầu mà nàng có một món đồ tốt hơn bạn bè. Cảm tạ ông gìa Noel tốt bụng!

(còn tiếp) Bài 12: Hạnh Phúc Nào Không Tả Tơi

Kim Hà